Trung
tướng Lê Văn Tri là một trong những “vị tướng trận mạc” vừa có tầm nhìn xa, trông rộng, vừa rất mưu trí trong
xử lí các tình huống cụ thể. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã góp phần làm rạng rỡ trang sử vàng chói lọi của
Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là phần thưởng cao quý,
là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và Quân đội dành cho vị tướng một đời xông pha trận
mạc.
Trung tướng Lê Văn Tri sinh năm 1920 ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh
Quảng Bình. Mồ côi cha từ thuở lên ba, được mẹ cho ăn học ba năm, ông thi bằng yếu lược. Do cảnh nhà nghèo,
thiếu thốn trăm bề, ông đã bươn chải vào đời kiếm sống rất sớm. Vừa đi dạy tư ở Đồng Hới, vừa tìm cách học
thêm, vốn là người thông minh sáng dạ, chỉ học một năm ông đã thi đậu bằng tiểu học (Primaire) tại trường
Đồng Hới. Sau đó, ông thi vào trường kỹ nghệ thực hành Huế khóa 1939-1941.
Đầu năm 1945, ông vào Sài Gòn làm việc. Được nhà cách mạng Huỳnh Văn Nghệ
giác ngộ, ông gia nhập đội Thanh niên tiền phong tại Biên Hòa và đã tham gia cướp chính quyền Sài Gòn ngày 25
tháng 8 năm 1945. Sau đó ông về quê và tham gia giải phóng quân thuộc chi đội Lê Trực tại huyện Bố Trạch,
tỉnh Quảng Bình.
Tư lệnh Lê Văn Tri
(người đang đứng) báo cáo Tổng Bí thư Lê Duẩn
kế hoạch đánh máy bay B-52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. (Ảnh Tư
liệu)
Tháng 11 năm 1946, ông được bổ nhiệm Đại đội trưởng Đại đội 6 mặt trận đường số
12 (Bun-na-phào). Để đánh địch trong đồn Mụ Giạ, ông đã cho bộ đội vây đồn, dùng tổ nhỏ bắn tỉa, phục kích
bọn đi tuần tiễu và ông cho phá cầu đường từ đồn địch về căn cứ của chúng. Ông cho phá ống dẫn nước từ suối
về đồn, khiến địch phải đi lấy nước cách đồn 800 m, lúc đó các tay súng bắn tỉa của ông tha hồ diệt địch.
Trận đánh của Đại đội 6 vào Tiểu đoàn bộ binh địch ngày 24 tháng 4 năm 1947 là trận điển hình cho tài mưu
lược của ông. Sau trận này, quân ta toàn thắng, thu được rất nhiều vũ khí đạn dược của địch. Đại đội 6 được
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cấp giấy khen và cuối năm 1947 ông được điều về làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh Quảng
Bình.
Khi là Trung đoàn phó Trung đoàn 101, Đại đoàn 325, ông đã cùng Chính ủy
kiêm Trung đoàn trưởng Lê Tự Đồng chỉ huy Trung đoàn đánh Binh đoàn Bút-tin, tiêu diệt hơn 600 tên giặc, bắt
82 tên, trung tá Bút-tin và hai thiếu tá, hai đại úy bị diệt tại cánh đồng Thanh Hương. Năm 1952, ông giữ
chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 thuộc Đại đoàn 325 Trị Thiên. Trận đánh nổi tiếng của Trung đoàn
trưởng Lê Văn Tri là trận Nam Đông - đường 74 (tháng 3 năm 1952). Sau 4 giờ chiến đấu, quân ta đã loại khỏi
vòng chiến đấu 770 tên địch, thu hàng trăm súng các loại và rất nhiều đạn dược. Đây là trận đánh lớn gây xôn
xao trong báo chí Pháp. Chúng cay đắng gọi đây là “Con đường không vui của quân viễn chinh Pháp”. Sau trận
đó, ông Lê Văn Tri còn tham gia đánh một loạt trận khác nữa như trận Sen Bàng, trận Ba Đồn - Mỹ Hòa, trận
Quảng Thái - Hạ Lang... Kẻ thù nghe đến tên Trung đoàn 95 là bạt vía, kinh hồn.
Tháng 3 năm 1953, ông được điều từ chiến trường Bình Trị Thiên về tổ chức xây
dựng Trung đoàn pháo cao xạ 367 (Pháo phòng không 37mm, Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội ta). Ông
đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn chia thành 2 khối, bí mật hành quân bộ lên Đồng Đăng, Lạng Sơn rồi sang Bằng
Tường, Trung Quốc để học tập chuyển binh chủng. Sau 3 tháng học tập tại Trung Quốc, Trung đoàn đã tổ chức
diễn tập chiến đấu, nhằm đánh giá kết quả huấn luyện. Cuộc diễn tập kết thúc thắng lợi và có ý nghĩa như là
chiến thắng đầu tiên của đơn vị, mở đầu truyền thống xây dựng và chiến thắng vẻ vang của Trung đoàn 367 và bộ
đội Phòng không, trong đó có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.
Năm 1969, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Phòng không-Không quân (PK-KQ). Tháng 12
năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 vào Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng. Tư
lệnh Lê Văn Tri cùng Chính ủy Hoàng Phương và cán bộ Bộ Tư lệnh PK-KQ trực tiếp chỉ huy các lực lượng phòng
không đánh trả quyết liệt lập chiến công xuất sắc, bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52 và 5
chiếc F-111. Chiến thắng “Hà nội-Điện Biên Phủ trên không” đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử oai hùng
của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 4 năm 1975, Tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp nhận chỉ thị từ Đại tướng Tổng
Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào Phan Rang tổ chức chỉ huy Phi đội Quyết thắng sử dụng 5 máy bay A-37 thu được của
địch ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy hàng chục máy bay địch và hàng trăm phương tiện chiến
tranh, góp phần làm nên thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau ngày đất nước hòa bình, Trung tướng Lê Văn Tri được giao trọng trách Chủ
nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Trên cương vị mới, ông đã cùng với tập thể chăm lo công tác bảo đảm kỹ
thuật cho toàn quân, sản xuất vũ khí cho lực lượng vũ trang và nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, góp phần
xây dựng quân đội hùng mạnh. Ông là một chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam điển hình, đi từ người lính lên
sĩ quan cấp tướng, từ sử dụng vũ khí thô sơ trở thành người chỉ huy một quân chủng hiện đại của Quân đội ta.
Cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Lê Văn Tri đã góp phần làm rạng rỡ trang sử vàng chói lọi của Quân đội
nhân dân Việt Nam anh hùng.
Cám ơn tác giã Hoàng Trung - Hồng Linh, đã phản ánh chân dung anh bộ đội cụ Hồ, người con làng Hạ.
Đọc bài viết này, quê hương nên cần xây dựng một phòng truyền thống của làng để phản ánh những tấm gương lao động học tập, ghi danh những vị Tướng, những Nhà Khoa Học, nhưng Danh Nhân, những Người Nông Dân mộc mạc, những Người con không tiếc tuổi xuân cho Dân Tộc, đã góp phần xây dựng nên một làng Hạ mến yêu.
Chắc rằng việc làm đó là thể hiện sử nâng niu, trân trọng đối với thế hệ cha anh. Đó cũng là việc làm thiết thực chăm lo cho thế hệ hôm nay và mai sau phát huy, làm cho làng Hạ ngày càng đẹp hơn.