10 bài thơ haiku và lời bình (lần 2)

14:45 - 30/12/2015

Giới thiệu 10 bài thơ haiku tiếp theo được sáng tác trong thời gian gần đây và lời bình luận của con em làng Cao Lao Hạ

 

Bài 1: Thơ Lê Văn Viên.

 

Trà hoa nhài

xuân đang độ

vắng cành mai


Lời bình của Lưu Đức Hải: Chỉ có 9 chữ thôi mà vẽ ra được một bức tranh tuyệt đẹp, đó là mùa xuân đang độ chín với màu xanh của lá, màu đỏ, tím, vàng của hoa, còn trời thì là “mưa xuân phơi phới bay”. Trong cái sắc khí của mùa xuân đó, được thưởng thức từng ngụm trà hoa nhài nóng hổi, rót ra từ chiếc ấm sành xinh xinh thì thật là thú vị. Và nếu có thêm một nhành mai để mà vừa uống trà vừa ngắm thì có lẽ sẽ thiên đường cũng chỉ đến thế là cùng. Chính cái thiếu cành mai đó, tạo ra một điểm khuyết làm cho bức tranh xuân đẹp hơn, ẩn dụ hơn.


Chú Lê Văn Viên, tác giả của bài thơ, năm nay 79 tuổi, nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, và tinh thần, ý nghĩ của chú còn trẻ lắm, như là mùa “xuân đang độ” ấy. Đọc bài thơ, tôi cứ hình dung chú đang nhâm nhi một mình chén trà thơm, mắt nhìn ra dòng sông Linh Giang và lặng lẽ ước mơ cho mình có “một cành mai” bên cạnh để cùng uống trà và trò chuyện. Đó là một ước mong bình thường đối với một người "xuân đang độ" như chú. Biết chú, hiểu chú, càng thương và khâm phục chú nhiều nhiều qua những áng thơ của chú.

 

Bài 2: Thơ Lê Văn Viên.

 

Giậu mồng tơi

bên ấy vườn trầu

bên này hoa cau rơi.

 

Lời bình của Lưu Đức Hải:Cái giậu mồng tơi có là gì đâu thế mà Nguyễn Bính cũng không dám vượt qua để rồi hối tiếc và thốt lên “Giá đừng có giậu mùng tơi/Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng”.

 

Chú Lê Văn Viên làng mình cũng thế, cũng có giậu mùng tơi mà chẳng dám bước qua, mặc dù “bên ấy” và “bên này” thì “tình trong như đã…”. 


Tui cứ ngẫm mãi, chẳng rõ vì sao mà chú Viên làng mình lại nhát như vậy; rồi cứ theo các dòng thơ trên mà luận thì “bên ấy vườn trầu” phải chăng là cô gái đã đến tuổi lấy chồng, còn “bên này hoa cau rơi” là tác giả còn non lắm, cau chưa bói quả, chưa đến tuổi lấy vợ nên ‘ƯNG” mà chôn chặt trong lòng “LỆN” không dám nói ra.

 
Nếu đúng như vậy, thì chú Viên làng mình cũng như nhà thơ Hoàng Cầm với bài thơ “là diêu bông” nổi đình nổi đám, yêu chị gái hơn mình 8 tuổi. Chú Viên không lên được mạng, vậy nhờ eng mô đó ở làng khi mô gặp chú hỏi giùm xem suy diễn của tui về bài haiku của chú như vậy có đúng không?

 

Bài 3: Thơ Đặng Văn Quang.


Trái hồng leo

xóm nghèo

tuổi thơ.


Lời dẫn của Đặng Văn Quang: Tui nghĩ, trong thơ Haiku câu đầu tiên là câu THỰC, nói cái thực tại, tui đang nói trái Hồng leo.


Không biết nơi nào có trái này không chứ người quê mình nếu nói đến Hồng leo như là nhắc đến quê vậy, nói Hồng leo là nói Hạ trạch. Vậy trái Hồng leo nói lên điều gì? có ý nghĩa gì?... Nó là biểu tượng của làng quê ta, nó gợi cho ta cái cảnh nghèo.


Ngày đó Hồng leo là "đặc sản" là của quý. Đi chăn bò trong rừng hái được trái Hồng leo, hay được anh, chị, Bọ, Mạ đi rú về cho, sướng lắm, cất như báu vật không dám ăn, thỉnh thoảng đem khoe với chúng bạn, tự hào... Nghèo, nghèo quá, nhìn Hồng leo gợi cảnh nghèo là vậy.

Hồng leo gắn với tuổi thơ, đem Hồng leo khoe với bạn, và bạn cũng ước có được trái Hồng leo, xúm xít khen, và đặc biệt khi quyết định ăn mỗi đứa cũng được một miếng, xúm xít khen ngon, ngọt... Ăn Hồng leo mủ dính đầy mồm, một lúc thì đen lại như nhọ nồi nhìn đứa nào đứa nấy lấm lem, ngồ ngộ.


Từ trong sâu thẳm tôi nhìn thấy ở đây một bức tranh làng quê, trời xanh, mây trắng (có thể trên đường Bạn, trên cánh đồng Cửa, hay trên dốc Oằn lộng gió...) có bầy trẻ thơ nhem nhuốc, lấm lem, xúm xít quanh trái Hồng leo màu đỏ, đầu trần, chân đất, nhưng vô tư hiền dịu, đoàn kết yêu thương, với nhưng nụ cười nở trên môi trong sáng, nhưng không biết mình đang chịu cảnh nghèo.


Và, bức tranh kia chỉ còn trong ký ức. Thế đó, cuộc sống cứ trôi, đời người không vội hãy tôn tạo những ký ức trong sáng, để cuộc đời này thêm ý nghĩa.

 

Bài 4: Thơ Lưu Văn Quỳnh

 

Cánh hoa rơi

cá giật mình

trời xanh rung động.

 

Lời bình của Khe Hậu: Thật là tinh tế, thật là mẫu mực, thật là Haiku. Nó như phải có cho một bài Haiku: Quý ngữ kigo (季語, quý ngữ) là cánh hoa rơi có thể là mùa thu đó chăng? Còn tính tương quan giữ hai hình ảnh: Cá giật mình và Trời xanh rung động. Đó là do cá làm động nước nên mặt hồ xao động nên bóng nền trời cùng rung động đó chăng? Cám ơn anh cho ngẫm 1 bài thơ hay. Tặng anh mấy vần thơ để nhớ: Giếng Hóc đêm trăng/cát chui qua kẽ tay/nhớ Khe Hậu – rừng xưa.

 

Lời bình của Lê Quang Quý: Thật sự xuất sắc. Xuất sắc vì mang tính triết lý sâu sắc. Có thể chỉ là một cánh hoa rơi; một sự giật mình của một chú cá nhỏ... nói rộng hơn, cho dù chỉ là một sự việc vô cùng nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả một đại sự. Đến cả ông trời cũng " rung động" cơ mà?. đây cũng là thông điệp nhắn nhủ rất sâu sắc, nhân văn.

 

Lời bình của Lưu Đức Hải:Anh Quỳnh có một bài haiku hay quá; lời giải nghĩa của anh Quý và anh Khe Hậu làm cho chúng ta hiểu và thấm thía hơn bài thơ của anh. Cánh hoa rơi/cá giật mình: chỉ 6 chữ thôi, mà gợi cho người đọc nhiều liên tưởng, không biết là cánh hoa gì rơi, rơi vào lúc nào và rơi xuống đâu. Cánh hoa vốn mỏng manh, nhẹ nhàng như vậy thì làm sao mà khi rơi lại có thể làm cho cá giật mình được anh Quỳnh nhỉ. À đúng rồi, ở sân nhà anh có một dòng suối cảnh và một bể cá với hòn non bộ rất đẹp. Trong bể anh thả mấy cặp cá cảnh, hình như là cá vàng thì phải; có lần đến chơi nhà anh và cùng anh ra cho cá cảnh ăn; anh chậm rãi rắc những hạt thức ăn nhỏ như hạt kê xuống bể cho cá, những hạt thức ăn đó nổi trên mặt nước, lan tỏa ra như những cánh hoa. Có phải anh muốn nói "cánh hoa rơi" là như vậy không anh? Những hạt thức ăn rơi xuống, cá giật mình lao lại, tranh nhau đớp làm cho mặt nước lay động, bóng trời xanh in trong mặt nước chao đảo theo. Tôi chỉ cảm nhận thêm như vậy, chẳng biết đúng không?

 

Vì quá hay nên tui cứ đọc đi đọc lại, đọc kỹ nên phát hiện ra một ẩn ý nữa của bài thơ mà anh Quỳnh muốn nói. Thơ ca hay ví người thiếu nữ đẹp là cánh hoa hay cành liễu. Vây "cánh hoa rơi" ở đây người đọc có thể hiểu là một cô gái đẹp bị ngã, cả nghĩa đen là ngã xuống đất và nghiã bóng là sa ngã. Một câu thơ dẫn đề quá hay, gợi cho người đọc nhiều suy tưởng. Dân gian cũng thường ví các chàng trai mạnh mẽ, khỏe với việc có con cá tràu, hay các quả to. Vậy "cá giật mình" có thể hiểu là tác giả thấy "cánh hoa rơi" đẹp quá, hấp dẫn quá làm con cá "giật mình". Ai nhìn thấy như vậy mà chả giật mình, huống chi tác giả lại vốn là người của văn chương, đa cảm, đa sầu. "trời xanh rung động". mặt trăng (chị Hằng) ở một chừng mực nào đó cũng có thể hiểu là "trời xanh" được nhỉ?. "Rung động"có thể hiểu là thấy cá của tác giả giật mình, chị đã nổi giận đùng đùng, đập bát, đập chén, đập cả tivi; nhưng cũng có thể hiểu là quá mừng vì từ lâu cá nằm im giờ nhờ cánh hoa rơi mà đã hồi tỉnh.

Hiểu cách nào cũng đúng. Ôi chao, bài thơ quá hay, xin bái phục anh

 

Bài 5: Thơ Lưu Đức Hải.

 

Đồng quê

ruộng trơ cuống rạ

giọt mồ hôi cha


Lời dẫn của Lưu Đức Hải: Khi còn thơ ấu, những ruộng lúa sau gặt trơ ra gốc rạ, lổn nhổn như chông làm cho chúng ta đau khi chân thì không dép mà phải chạy trên đó để đuổi theo bắt cho được con cào cào. Trên những gốc rạ đó thường có những giọt sương nhưng chúng ta cũng chỉ biết là có giọt sương mà không thấy được cái long lanh của nó.


Nhưng 2 từ "cuống rạ" gợi cho ta nhớ đến Hoàng Cầm. Chỉ có Hoàng Cầm, năm 12 tuổi đã “phải lòng” một cô gái hai mươi. Kể rằng: “Một buổi chiều mùa đông sương mù bảng lảng, chị thẫn thờ đi tìm cái gì đó trên cánh đồng vừa gặt còn trơ gốc rạ. “Chị làm gì vậy?”. “Chị tìm lá, đứa nào tím được lá ấy cho chị, chị sẽ lấy làm chồng”. Chị nói tên một thứ lá hiếm hoi nào đó rồi mỉm cười tinh nghịch. Có ai ngờ cái hình tượng đó đã khơi nguồn bài “Lá diêu bông” nổi tiếng được ông sáng tác vào mùa đông năm 1959, trong đó có các câu ấn tượng “...Chị thẩn thơ đi tìm/Đồng chiều/cuống rạ…”


Lớn lên, xa quê. Mỗi khi nhìn thấy những gốc rạ, ta không còn vô tư như thời con nít nữa mà ưu tư hơn, bởi biết rằng, đằng sau những gốc rạ đó là mồ hôi, công sức của người nông dân, là những rủi ro không biết trước, được mùa hay mất mùa, lãi hay lỗ; rồi tiền bán thóc thì để làm gì, chữa bệnh, hay gửi cho con học đại học; rồi lo tiếp cho cấy cày mùa sau…

Cái gốc rạ lúc này mang bao nỗi niềm; và những gọt sương đọng trên những gốc rạ, lúc này nó đẹp lung linh bởi nó không chỉ là giọt sương bình thường nữa mà đó là những giọt mồ hôi của của những người nông dân đã đổ xuống ruộng đồng cho cây lúa ra bông.

 

Bài 6: Thơ Lưu Đức Hải.

 

Canh khuya

tiếng ho khan

lan xa

 

Lời dẫn của Lưu Đức Hải:Tiếng ho trong ban ngày nó chỉ là tiếng ho bình thường bởi nó thường hòa vào với các tiếng động khác, ít người chú ý. 


Nhưng trong ban đêm tĩnh mịch, nghe thấy tiếng ho, nhất là tiếng ho khan của người già, chúng ta thường liên tưởng ngay đến quá khứ vất vả; đến sự già yếu, ốm đau, bệnh tật đang hiện hữu; đến một tương lai bất định đang gần tới.

 

Đêm khuya tiếng ho nghe rất to, vang rất xa, lan theo không gian đến tất cả các người thân ở khắp mọi nơi, gợi cho mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ

 

Bài 7: Thơ Lê Quang Quý.

 

Thăm nhà bạn

món rươi quê

ấm dạ

 

Lời dẫn của Lê Quang Quý: Nói về Bác Quỳnh, tui quên mất một chuyện. Đó là chuyện về món rươi, món đặc sản mà mà cứ mỗi lần anh em quê mình đến nhà đều được anh chị Quỳnh- Hằng chiêu đãi; ai đã một lần đến nhà anh khi ra về đều mang theo kỹ niệm khó quên, thật ấm áp tình cảm mà gia chủ dành cho. Tui mạn phép những ai đã đến thăm nhà Anh, chị tặng Anh Chị mấy câu như trên

 

Bài 8: Thơ Lê Quang Quý

 

Sáng đi bộ

đo đường đời

níu thời gian trôi


Lời dẫn của Lê Quang Quý: Đo đường đời: khi đi bộ buổi sáng với những bước chân sải dài như ta đang đo quãng đường dài ngắn. Nghĩa bóng cũng là thước đo sức khỏe và sức khỏe mỗi người, vui vẻ dẻo dai không?.

 

Níu thời gian trôi: khi ta đi bộ thì vừa đi vừa vung tay như thể ta đang níu kéo sợi dây vô hình. Còn có nghĩa, đi bộ là hình thứ rèn luyện, tăng cường sức khỏe, sảng khoái, vui vẻ, yêu đời hơn giúp ta kéo dài tuổi trẻ, lui tuổi già.


Mọi người hãy chăm đi bộ buổi sáng nhé

 

Bài 9: Thơ Lưu Văn Lộc

 

Hằng tỏ

quỳnh lung linh

thi vị


Lời bình của Khe Hậu: Bài thơ là một phát hiện lý thú. Đó là khẩu ngữ của nhà thơ đang ngắm trăng vừa mới mọc lên mà trước đó anh đã ngồi bên gốc quỳnh để chờ hoa nở. Thật là: Khi trông hoa nở khi chờ trăng lên. (Truyện Kiều). Thật là hay, thật là lãng mạn. Để mà lồng ghép được 2 cái tên của cặp đôi yêu quý của caolaoha.com thì không thể nào tìm được cảnh nào đẹp hơn. Mới biết "con mắt" của Lưu Văn Lộc thật tinh đời. Theo Khe Hậu thì câu 3 - thi vị có thể là một chữ “THƠ” chăng, vì rằng với cảnh đẹp vậy thì anh Quỳnh chỉ phải làm thơ thôi và viết thơ bằng gì thì ai mà biết được...

 

Lời đáp của Lưu Văn Lộc: Xin cám ơn Khe Hâu đã bình bài thơ của tui. Đúng là không có thú vui tao nhã nào bằng "khi xem quỳnh nở, khi chờ trăng lên”. Thú vui này không chỉ là của những người bạn vong niên bên ấm trà thơm ngồi ngắm trăng và xem quỳnh nở. Ánh trăng vàng sáng tỏ soi sáng những giọt sương đêm đọng trên cánh hoa quỳnh lung linh huyền ảo. Thú vui này còn "lây" sang cả những đôi bạn đời, sau bao năm cống hiến tuổi xuân cho đất nước, chịu thương chịu khó nuôi dạy con cháu trưởng thành, lúc về già quây quần bên con cháu, hưởng thú vui điền viên. Còn gì hạnh phúc hơn. Khe Hậu có góp ý 2 từ cuối "thi vị" thay bằng 1 chữ "THƠ" tôi thấy rất hay, rất cô đọng. Tuy nhiên đây là bài thơ haiku đầu tiên của tui nên tui muốn giữ nguyên bản, giữ lại chút sạn để nhặt.

 

Bài 10: Thơ Lưu Văn Lộc

 

Lưng mẹ còng

tay cắm đất

bật mùa vàng

 

Lời dẫn của Lưu Văn Lộc: Hình ảnh những người mẹ, người bà, người chị còng lưng trên những cánh đồng trong những ngày đông tháng giá cần mẫn cắm những cây mạ xuống bùn lầy, mặc cho "ngón tay bật máu mảnh bom" nhưng vẫn kiên cường, ngày lại ngày để "mong cho cây lúa tốt tươi" đợi đến mùa vàng. Từ đó nuôi nấng bao thế hệ con cháu lớn lên, trưởng thành như ngày hôm nay. Cuộc sống hôm nay được bật lên từ những tấm lưng còng, từ những bàn tay cắm đất của bà của mẹ.

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip