10 bài thơ haiku và lời bình (lần 5)

19:08 - 24/04/2016

Giới thiệu 10 bài thơ haiku tiếp theo được sáng tác trong thời gian gần đây và lời bình luận của con em làng Cao Lao Hạ

 

 

Bài 1: Thơ Lưu Đức Trung

 

Con cá vẫy

nổi bong bóng

đóa phù dung

 

LĐT: Ngoài sân nhà tôi có xây một cái hồ thả bèo và nuôi cá cảnh. Tôi thường ra ngồi cạnh nhìn cá bơi lượn. Một hôm bị một con cá vẫy nước bắn lên mặt, bài thơ ra đời lúc đó.

 

Đinh Xuân Hảo: Đời là cõi vô thường. Như chiếc là xanh rồi sẽ lìa cành về với đất bằng những kiểu khác nhau. Như đóa cúc vàng rực rỡ một đôi ngày rồi sẽ tàn úa. Như tiếng chim thánh thót buổi sáng tinh sương rồi tan loãng trong không gian vô tận. Như bóng con cá vẫy rồi sẽ vỡ tan. Như những bon chen, tranh danh, đoạt lợi của con người rồi sẽ thành mộng ảo. Như đóa hoa phù dung sớm nở tối tàn. Như đời người rồi cũng trở về với cát bụi mà thôi!

 

Hình ảnh con cá rất gần gũi với cuộc sống thường nhật. Chẳng có gì cao sang. Con cá vẫy làm nổi bong bóng. Một hoạt động tự nhiên. Nhưng hình ảnh liên tưởng có vẻ thi vị, thanh cao hơn “đóa phù dung”. Hoa phù dung sớm nở tối tàn. Hoa phù dung trong tâm thức của nhiều người là một hình ảnh đẹp, thanh cao và mong manh.

 

Bài thơ tạo hình đơn giản nhưng giàu sức gợi. Về một quy luật của cuộc sống. Về triết lý nhà Phật “cuộc đời là cõi tạm”. Đơn giản nhưng thâm thúy. Giản dị nhưng sâu sắc, thâm trầm. Đây mới là tinh thần haiku. Là sự cô đọng, là sự sâu lắng. Là sự suy tưởng. Là gợi mở và tượng tượng vô cùng…

 

 

Bài 2: Thơ Lê Văn Viên

 

Trăng xuống sân nhà

bông quỳnh nở

gió trêu hoa.

 

Đinh Xuân Hảo: Trong không gian sống ồn ã, náo nhiệt, vội vàng, bị đóng khung bởi những tòa bê tông cốt thép ở thành phố, có nhiều người đã quên mất vẻ đẹp của nàng trăng!

 

 “Trăng rất trăng là trăng của tình duyên.” Xuân Diệu đã từng xác tín như vậy. Nhưng với một người đã “đi quá thương nhớ” nhiều năm như tác giả bài thơ này, hẳn trăng có một nét thu hút khác. Trăng cũng biết “xuống sân nhà” như một người đi tìm tri kỷ, hay đã biết nhà thơ là tri kỷ mà tìm đến!

 

Một cảnh tượng rất nên thơ, rất thi vị, có vẻ động nhưng thực ra là tĩnh: “trăng xuống sân nhà”. Vì sao trăng xuống sân nhà? Vì “bông quỳnh nở”. Hoa quỳnh, một loài hoa đẹp đài các, thanh khiết chỉ nở về đêm có lẽ là cái duyên cớ để nàng trăng xuống trần gian. Trăng xuống trần gian để cho người có điều kiện ngắm hoa hay trăng cũng biết ngắm hoa? Thật là thi vị!

 

Và “gió trêu hoa” khiến cành hoa đong đưa xao động, càng thêm lung linh đẹp dưới ánh nhìn của thi nhân và nàng trăng ngà!

 

Cảnh thật huyền ảo, kỳ diệu! Những tâm hồn thơ đã tìm về cõi mộng! Những cái đẹp tìm đến nhau!

 

Và nếu cuộc đời đầy cái đẹp, cái ác sẽ không còn chốn dung thân!

Một thi nhân đã vào tuổi hạc, bỗng dưng không có tuổi vì đã để tâm hồn rung động trước vẻ kỳ thú của tự nhiên!  Thật thú vị biết bao!

 

 

Bài 3: Thơ Khe Hậu

 

Chiều

ráng, mây, gió nhẹ

xe, ngựa, nàng tiên, thuyền Bát Nhã.



LQQ: Tác giả làm bài thơ trên vào mọt buổi chiều tháng 4 khi ngồi trên sân thượng ngắm hoàng hôn.

 

Thực lòng, đọc bài thơ của Khe Hậu biết là hay nhưng không dám bình, bởi vì: ngoài việc tác giả vẽ nên một bức tranh chiều hoàng hôn tuyệt đẹp. Có "ráng" có "mây", gió nhè nhẹ. Có thuyền, có ngựa, có cả "nàng tiên"...

 

Bài thơ gợi nhớ thuở nhỏ chăn bò, cứ đến hoàng hôn bắt đầu buông, ráng mặt trời chiếu lên những đám mây tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp để cho ta thả sức tưởng tượng. Bên cạnh tả thực đó, tác giả đã nâng tầm tư duy lên theo triết lý nhà phật ở hai từ cuối “thuyền Bát Nhã" chở đầy "trí huệ" thì thật" thông tuệ" rồi.

 

 

Bài 4: Thơ Lưu Văn Quỳnh

 

Ngắm hoa tuyết rơi

thấy mai vàng 

nẩy lộc.

 

LVQ: Hôm ấy (26/1/2016) Hà Nội rét 6 độ, tôi phôn hỏi thăm sức khỏe thầy Lưu Đức Trung. Thầy đáp : "Mình đang ở Mẫu Sơn, thuê xe lên đây xem tuyết rơi". Tôi thốt lên: Thầy ơi! Thật không?. Đùa đấy, mình đang ở Hà Nội. Rét quá, mình vừa làm được mấy bài thơ về rét tặng Quỳnh đây. Nghe thầy đọc xong mấy bài thơ về rét Hà Nội, lát sau tui cũng làm mấy câu thơ trên tặng thầy. Xin chép lại để mọi người cùng chia vui.

 

 

Bài 5: Thơ Lưu Đức Hải

 

Khúc sông quê

lũ trẻ đùa chơi

mặt trời tung tóe


LĐH: Làng Cao Lao Hạ có con sông Gianh chảy qua; có những con suối nhỏ chảy vào 2 hồ Vực Sanh và Cửa Nghè nước ngọt và mát vô cùng. Những ngày hè, buổi trưa, dòng nước trong, xanh in bóng Mặt trời rõ mồn một; lũ trẻ rất thích ngắm Mặt trời qua tấm gương nước này.

 

Và không có gì vui hơn, đáng nhớ hơn cái cảnh cả lũ ào xuống dòng nước quê, nghịch ngợm đủ trò, nước văng tung tóe, bóng mặt trời cũng vỡ theo văng cùng với các tia nước.

 

Ngẫm lại, cái vui chơi vô tư của những đứa nhỏ nhà quê mà làm vỡ nát cả mặt trời. Sự đời nhiều điều tưởng rất nhỏ nhưng có thể làm thay đổi những điều rất lớn, rất vĩ đại. 

 

 

Bài 6: Thơ Lưu Đức Hải

 

Mồng một tết

phố rỗng

thong dong đến cửa thiền.

 

LĐH: Hôm mồng một tết, đến chùa Hà, dọc theo phố Vĩnh Hồ và Thái Thịnh chỉ có lác đác vài người đi lại, các cửa hàng đóng cửa, cảm giác như là "phố rỗng".

 

Nhờ "phố rỗng", nên đi rất thong dong, chỉ hơn 10 phút là đến chùa Hà, đến với của thiền trong khi ngày thường, phố xá đông đúc phải đi mất tới 30-40 phút.

 

Ngẫm lại, cuộc sống cũng vậy, buông xả, sống thiểu dục và tri túc, làm cho mình rỗng dần, càng rỗng càng tiến nhanh đến giác ngộ, đến với cửa Phật.

 

 

Bài 7: Thơ Lê Quang Quý (cặp thơ tết)

 

Mai, Quất cưỡi xe

Lan, Đào xuống phố

Xuân theo về

 

Đào, Mai ra bãi

Quất, Lan về vườn

Xuân qua



LQQ: Hai bài là hai cảm giác đối lập nhau. Để chuẩn bị đón xuân, không khí thật nhộn nhịp, rộn ràng, "Mai, Đào, Lan, Quat, Mơ, Hồng...đều tung tăng về nhà, lên phố, đến đâu Xuân theo đến đó. Cứ như tuổi trẻ đến, thật là đẹp


Ngược lại, xuân qua đi những gì ban tặng cho xuân ai còn đoái hoài đến nữa. nhưng thôi thì đành an ủi bằng cách "Đào, Mai ... thì "ra bãi" Quât, Lan thì "về vườn" để mong sao còn có thể có ích cho xuân sau. 
Hết xuân ... là vậy. Cứ như tuổi già qua nhưng để lại nhiều lợi ích cho đời sau.

 

 

Bài 8: Thơ Nguyễn Văn Hùng

 

Lên hòn Thầy Bói

coi đá cõng nhau

tiếng chim “khó khăn khắc phục”


NVH: Còn nhớ hồi nhỏ, nghe trong dân gian lưu truyền lại câu chuyện kỳ bí: Trên hòn Thầy Bói có một khu vực Đá cõng nhau, hòn nhỏ nằm trên, hòn to nằm dưới cứ như có bàn tay ai đó sắp đặt; lạ hơn nữa là khi xáo trộn đi thì ngày mai hiện tượng Đá cõng nhau trở lại như cũ. Không biết chuyện đó có thật hay là một truyền thuyết của quê mình.
Chim Khó khăn khắc phục thuộc họ chim Cu, sống ở trong rừng, dễ thấy ở Đá Bạc, Lều Cù, Thầy Bói… trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gọi là chim Bắt cô trói cột. Khó khăn khắc phục chỉ là tên gọi “dị bản” của loài chim này.

 

LVQ: Tui rất thích bài trên, bài thơ ngắn mà nói lên được cảnh sắc quê hương Cao Lao Hạ, những kỉ niệm khó quên của một thời chăn trâu, thả bò, lên đỉnh Thầy bói ăn sim, hái hồng leo, trái đỏ. Không biết những điều anh Hùng nói huyền thoại đá cõng nhau có ai trông thấy chưa nhưng đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước khi lên đỉnh Thầy bói tui chỉ thấy có hòn đả rất to. Bọn trẻ chúng tôi leo lên trên đó mà ngó về bốn hướng thấy cả một vùng đất trời, sông núi, biển cả bao la thật tuyệt vời cảnh đẹp của quê ta. Tuổi thơ thời nay làm sao có được những kỉ niệm như thế để mà yêu, mà nhớ. Cám ơn anh Hùng có bài thơ hay, đã thức dậy trong tôi bao kỷ niệm của một thời không dễ gì quên.

 

 

Bài 9: Thơ Lê Chiêu Phùng

 

Ve buồn

hạ đến

trãi vàng đồng quê


LCP: Trên con đường thẳng vừa mới bê tông hóa, chợt nghe đâu đó tiếng ve buồn ngân lên trên khóm hoa phượng sân trường sau giờ tan học. Ừ nhỉ, mùa Xuân đã qua và Hạ cũng đã đến, thế là các cô cậu học trò lại bịn rịn chia tay…

 

Bên kia, cánh đồng lúa chiêm đã nhuộm một màu vàng óng ả báo hiệu một vụ mùa bội thu của bà con làng Hạ

 

 

Bài 10: Thơ Lê Chiêu Phùng và Lê Quang Quý (cặp thơ)

 

Cầm bút 

giúp đời

lòng thảnh thơi


LQQ: Nghề báo là nghề mài bút, chăm chỉ góp nhặt từ sáng đến tối, cần cù chịu khó không quản chông gai để phản ảnh chân thực về mọi mặt của xã hội, cả mạng sáng lẫn mạng tối. Lê Chiêu Phùng đã viết rất thật về nghề cầm bút, về chính mình.


Những lần Lê Chiêu Phùng viết hay đưa tin về quê hương, về những mảnh đời khó khăn, vất vã cần được giúp đỡ, hay phản ánh được một gương người tốt việc tốt đều được xã hội đón nhận và hưởng ứng. Và như vậy không chỉ người cầm bút “lòng thảnh thơi” mà người đọc cũng vui sướng vô cùng. Chúc các nhà báo làng vượt lên tất cả và cống hiến hết mình. Xin góp với LCP mấy câu sau:

 

Mài bút

tô đời

sáng tối

 

LCP: Bài thơ của Lê Quang Quý rất ý nghĩa và sâu sắc, như một lời căn dặn không chỉ của anh mà bà con, bạn đọc gần xa đối với những người đã, đang và sẽ cầm bút...Tuy nhiên, đối với những người viết chuyên nghiệp trên những tờ báo chính thống (có pháp nhân) hẵn hoi là hoàn toàn đúng và ai cũng mong như thế. Riêng tờ báo làng ta "mục tiêu, tôn chỉ" chủ yếu đang tìm đến "sáng" còn muốn tìm đến khoảng "tối" thì báo làng chưa đủ điều kiện. Đọc bài thơ của Lê Quang Quý thấy day dứt lắm.

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip