10 bài thơ haiku và lời bình (lần 6)

20:14 - 28/06/2016

Giới thiệu 10 bài thơ haiku tiếp theo được sáng tác trong thời gian gần đây và lời bình luận của con em làng Cao Lao Hạ

 

Bài 1: Thơ Lưu Đức Trung

 

Tay cầm vô lăng

xoay vòng đời

sinh tử

 

LVQ: Thời gian qua, với kiến thức ít ỏi, tôi đã cố lắng tai để nghe, mở mắt để nhìn, trải lòng để cảm nhận, thế rồi dần dà tôi cũng phần nào hiểu được vẻ đẹp của bài thơ: Tay cầm vô lăng/xoay vòng đời/sinh tử. Chỉ một thoáng bất chợt, thấy cháu Thành cầm vô lăng bẻ lái vào cua mà liên tưởng đến hiểm nguy rình rập và quy luật vòng quay sinh, lão, bệnh, tử của cõi đời nhân thế mà bài thơ ra đời.


Bài thơ cực ngắn, chín âm tiết, ba nhịp ngắt mà ý tứ phong phú, sâu xa, cao vút vô cùng. Từ “xoay” thật đặc sắc, là nhãn tự làm nên hồn cốt của thi phẩm. Xoay là động từ, không chỉ đơn thuần diễn tả động tác làm thay đổi vị trí, phương hướng mà còn có nghĩa là xoay xở, xoay chuyển, đổi thay, quyết định… Sự giàu nghèo, sướng khổ, an lành, hoạn nạn, thậm chí cả sự mất còn, sinh tử đều được dồn nén trong cái từ xoay thần tình đó. Không ít lần cháu Thành – người lái xe được tặng bài thơ trên đã tâm sự “Mỗi bận chuẩn bị ra xe, ngước nhìn bức thư pháp ông Trung tặng, con như thấy ánh mắt ông dõi theo, động viên, nhắc nhở”

 

Bài thơ là một triết lý về sự đời, thể hiện lòng yêu thương, sự đồng cảm với những người lao động bình thường, trân trọng những công việc của người lao động. Đó phải chăng là cái tầm sâu rộng của một triết gia?

 

Bài 2: Thơ Lưu Đức Hải

 

Khép vào, mở ra
phập phồng
cánh bướm

 

LĐH: Những con bướm gắn liền với ta không chỉ khi ta còn bé dại mà cả sau này nữa, khi ta đã lớn khôn và sắp về già. Nhớ về bướm, có lẽ ấn tượng nhất là nhớ hình ảnh bướm đậu; cánh bướm cứ khép mở liên tục, còn thân bướm thì cứ phập phồng lên xuống theo nhịp khép vào, mở ra của đôi cánh dưới ánh nắng hè. Khi đọc mấy câu haiku này, mấy người bạn già đã bật cười sảng khoái.

 

Bài 3: Thơ Lưu Đức Hải

 

Đào, mai

sau tết

ai còn nâng niu!


LVQ: Những cành đào, mai vứt chổng chơ bên đường, chất đầy các xe rác sau tết. Tri ân và đền ơn phải chăng bắt đầu từ việc nhỏ nhất là trân trọng những cành mai, đào sau khi hết tết. Bài thơ có vẻ đẹp của một tâm hồn tinh tế, đa cảm trước sự phũ phàng, vô cảm của người đời

 

Bài 4: Thơ Nguyễn Văn Hùng

 

Đường làng

hàng cây toả bóng

ước mơ xa

 

LĐH: Mấy câu thơ trên làm cho chúng ta nhớ lại cái thời con nít, đi dưới đường làng, bóng cây mát rượi, rồi mà tơ tưởng đến ngày mai; ước mơ nhiều khi đơn giản lắm, đó là được ra Hà Nội, hay là chỉ là được sang Ba Đồn,…

 

Bài 5: Thơ Nguyễn Văn Hùng

 

Em về
làng Hạ
cành lá xôn xao

 

NVH: Khá lâu rồi không chộ Hồng Tư lên tiếng trên trang Web làng, chú cứ mong chờ những bài thơ, bài viết đầy cảm xúc của cháu; trong khi chờ đợi chú có mấy câu gọi là haiku như trên tặng cháu

 

Bài 6: Chùm thơ về dốc Oằn của nhiều tác giả

 

Đưa anh/lên đỉnh/dốc Oằn (Lưu Đức Hải)

 

LQQ: Dốc Oằn, một địa danh gắn bó với nhiều thế hệ Cao Lao Hạ. Từ đây mà ngắm làng, ngắm nhà thờ Họ, ngắm sông Gianh, ngắm vực Sanh thì thật là tuyệt. Bài thơ mới đọc thì thấy rất bình thường: dắt anh [có thể là ta dắt nhau] lên ngắm cảnh [lên đỉnh] dốc oằn rất quen thuộc; nhưng cái hay của bài thơ ở khác lạ khi dùng các từ tưởng bình thường nhưng rất có chủ ý, thật logic: "dắt anh" khác với " dắt em" quen thuộc bởi lẽ ở câu thứ 3 tác giả dùng "DỐC OẰN". Thiển nghĩ, tác giả chắc có người xưa ở quê nhà, lần nào đó về thăm quê được người xưa anh đưa "lên đỉnh" ở "dốc oằn" để ôn lại kỷ niệm xưa chăng? Ngoài ra, còn có ý gì đó nữa ... mà làm cho người đọc phải mỉm cười sau khi đọc hả tác giả?

 

Đưa anh/lên đỉnh dốc Oằn/chung chiêng (Lưu Văn Quỳnh)

Lên đỉnh/dôc Oằn/ngắm đắm say (Lưu Thị Hoa)

Đưa em/lên đỉnh/hổn hển, tình say (Trần Quang Tuấn)

 

Bài 7: Thơ Lê Quang Quý


Lửa lựu lập loè

râm ran tiếng ve

loa kèn phô ngõ phố

 

LĐH: Một cảm nhận tinh tế, sâu sắc, mang tính khoảnh khắc của anh Lê Quang Quý khi mùa hè tới. Trong cái ngõ phố, hè, trời nóng, tình cờ gặp đâu đó những hoa loa kèn “phô” ra, liếc nhìn thấy tâm hồn mình thư thái lạ. Tác giả đã ngoài 60 mà tâm hồn còn trẻ trung lắm

 

Bài 8: Thơ Lê Quang Quý

 

Trời buông gió

mây thả mưa

mầm nhú non tơ

 

LQQ: Một cảm xúc bất chợt khi chứng kiến một cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn và vạn vật lại xanh tươi, đâm chồi ...và.. cũng như cuộc đời này cũng rất cần có sự cộng đồng chung tay góp sức thì mọi công việc mớ thành công...

 

Bài 9: Chùm thơ về Biển của nhiều tác giả

 

Cá chết/biển buồn/nước mắt rơi (Lê Chiêu Phùng)

Biển gào/cá chết/lưới giăng trắng bờ (Lê Chiêu Phùng)

Tàu thuyền gác bờ/biển bạc đầu/lo lắng (Lê Chiêu Phùng

Biển chết/người buồn/nước mắt hờn căm (Nguyễn Chung Quý)

Rừng cạn kiệt/biển giận hờn/trời xanh (Lê Quang Quý)

Cá nằm trên đá/mắt nhin ra biển/nước mắt trời xanh (Khe Hậu)

 

Bài 10: Thơ Lê Chiêu Phùng

 

Thanh minh

Cồn cui dâng lễ

Con dân làng Hạ quây quần


LCP: Cứ vào rằm tháng 3 âm lịch, người dân làng Hạ lại tổ chức lễ hội Cồn Cui để tưởng nhớ các linh hồn đã khuất, cầu mong mưa thuận, gió hòa. Lễ cúng là hàng trăm mâm xôi, thịt luộc của các cấp chính quyền, các dòng họ, các xóm, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp; sau lễ cúng hàng ngàn người (kể cả quan khách thập phương) cùng quây quần bên nhau hưởng lộc. Những người già, con trẻ ai cũng nâng niu trên tay nắm xôi, miếng thịt mang lộc quý về cho những người vắng mặt.

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip