Các yếu tố, nguồn lực cho phát triển KT – XH xã Hạ Trạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

09:27 - 10/10/2011

Bài viết của anh Lưu Đức Hải nhận diện về những yếu tố và nguồn lực cho phát triển Hạ Trạch trong tương lai

 

Lời Ban biên tập: Xây dựng nông thôn mới là môt chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc Hạ Trạch được chọn là một trong những địa phương của Quảng Bình để thí điểm lập đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới là một sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với quê hương anh hùng, đã chịu nhiều đau thương mất mát trong 2 cuộc chiến tranh của chúng ta. Đây là một cơ hội vô cùng to lớn để chúng ta có được một bức tranh tổng thể có căn cứ khoa học và thực tiễn về phát triển quê hương ta trong tương lai; qua đó có thể tranh thủ được các nguồn lực của xã hội để đưa quê hương ta lên một tầm cao mới. Do vậy, đòi hỏi các cấp lãnh đạo cùng toàn thể bà con trong và ngoài làng phải cùng nhau đoàn kết, nghiêm túc, có trách nhiệm đối với bản quy hoạch này.

 

Thời gian qua đã có nhiều ý kiến tâm huyết của các anh Nguyễn Danh Lợi, Tuan65kt, Lê Chiêu Lĩnh, Lưu Văn Lộc…được đăng tải trên caolaoha.com và đã nhận được nhiều bình luận đóng góp quý báu của bà con.

 

Tiếp theo, một trong những nội dung đầu tiên, quan trọng của quy hoạch là phải nhận diện được một cách toàn diện những yếu tố, nguồn lực cho phát triển quê hương trong tương lai. Để làm căn cứ cho bà con trao đổi về vấn đề này, caolaoha.com xin trân trọng giới thiệu bài viết của anh Lưu Đức Hải, một người con của Cao Lao Hạ, hiện đang công tác tại Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau bài viết nàyBan biên tập sẽ tiếp tục giới thiệu đến bà con lần lượt các bài viết tiếp theo của anh Lưu Đức Hải: “Thực trạng phát triển Kinh tế - Xã hội xã Hạ Trạch”; "Quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển và phân bố KT - XH xã Hạ Trạch đến năm 2020 và 2030"

 

 

 

Các yếu tố, nguồn lực cho phát triển KT – XH xã Hạ Trạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

 

 

 

1.   Các yếu tố về điều kiện tự nhiên và tài nguyên

 

1.1.   Vị trí địa lý kinh tế của Hạ Trạch

 

Hạ Trạch nằm ở vị trí thuận lợi cả giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không: (i) Đường bộ: nằm ngay trên ngã ba giao cắt giữa QL1A và QL2B, trong đó đoạn QL2B chạy qua xuyên làng dài khoảng 4 km; (ii) Đường sông: có sông Gianh chảy qua, làng chỉ cách cảng Gianh 5 km, cách của biển 6 km thuận lợi cho vận tải đường sông, biển; (iii) Đường sắt: cách các ga sép Minh Lệ 7km, Ngân Sơn 5 km, cách ga đường sắt Đồng Hới 30 km; (iv) Đường hàng không: cách sân bay Đồng Hới 27 km.

 

Từ Hạ Trạch đến các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh khá dễ dàng do khoảng cách đến các trung tâm không xa và chất lượng đường giao thông nối làng với các trung tâm rất tốt. Từ Hạ Trạch đến Đồng Hới là 30 km; đến khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng là 35 km theo đường bộ và 17 km theo đường sông; đến Khu kinh tế Hòn La (đang xây dựng) khoảng 30km; đến khu kinh tế của khẩu Cha Lo 150km.

 

Ví trí trên tạo cho Hạ Trạch có thuận lợi rất lớn trong giao lưu hàng hóa, hành khách, trao đổi lao động, chuyển giao công nghệ với bên ngoài, đặc biệt là với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn của tỉnh; đồng thời có thể phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, điểm dừng chân tại khu vực giao cắt 2 đường Quốc lộ qua xã; gần cầu Gianh có thể xây dựng cảng cá và làm nơi trú bão tàu thuyền hoặc xây dựng bến cá tại doạn sông ngang Đồng Phố để thuyền bè ra vào buôn bán với xã (thời xa xưa đây là bến thuyền lớn). Đây là một lợi thế lớn mà không nhiều xã trong huyện có được. Tuy nhiên, cần lưu ý tới mặt trái của sự giao lưu thuận lợi, đó là sự du nhập dễ dàng của các hình thức văn hóa mới, trong đó có nhiều hình thức khác biệt với các thuần phong mỹ tục của quê hương.

 

1.2.   Đặc điểm địa hình, khí hậu

 

Đặc điểm địa hình: Hạ Trạch là xã có đủ cả vùng đồi núi, đồng bằng (nằm giữa làng ngoài và làng rẫy) và bãi bồi ven sông Gianh. Đây là một lợi thế  tạo cho xã có thể phát triển tổng hợp cả lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản, du lịch mà không nhiều xã trong cả nước có được (đặc thù này là một thế mạnh của xã khác hẳn với các xã thuần nông hoặc thuần lâm). Địa hình thấp dần từ vùng đồi núi ra đến sông Gianh, rất thuận lợi cho bố trí hệ thống kênh mương cấp nước từ các hồ Vực Sanh và Cửa Nghè theo phương thức tự chảy cũng như thoát nước từ đồng ra sông Gianh vào mùa mưa lũ. Hạn chế lớn nhất về địa hình là thấp dần từ cuối làng (đàng côi) xuống đầu làng (đàng đưới) nên việc đưa nước về cuối làng từ các hồ Vực Sanh và Cửa Nghè theo dạng tự chảy có khó khăn, phải tốn chi phí đàu tư.

 

Tài nguyên khí hậu: Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa: (i) Nhiệt độ trung bình các năm từ 25˚C đến 27˚C, nhưng sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá cao. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 42˚C, thấp nhất tuyệt đối là 6˚C. Tổng tích ôn nhiệt độ khoảng 8.000–9.000˚C; (ii) Tổng số giờ nắng trung bình năm khoảng 1.800 - 1900 giờ; trong đó các tháng mùa đông khoảng 90-100 giờ/tháng còn các tháng mùa hè là 220-250 giờ/tháng; (iii) Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.500 mm và phân bố rất không đều theo thời gian; (iv) Độ ẩm trung bình năm rất cao, đạt trên 80%; chênh lệch giữa độ ẩm trung bình giữa tháng ẩm nhất và tháng khô nhất khoảng tới 18-19%; (v) Chế độ gió, bão: Chụi ảnh hưởng lớn của gió Lào, nóng kèm theo bức xạ nhiệt lớn; trung bình 4 năm có 3 cơn bão đổ bộ vào Quảng Bình và có ảnh hưởng đến Hạ Trạch.

 

Theo các số liệu khí hậu như trên thì Hạ Trạch có số giờ nắng, chế độ gió, lượng mưa, chế độ thủy triều cơ bản thuận lợi cho phát triển hệ thống cây trồng vật nuôi đa dạng, nếu có các biện pháp thâm canh tốt có thể cho năng suất cây trồng vật nuôi cao. Tuy nhiên yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất và đời sống đó là bão lụt (mặc dù tần suất xuất hiện thấp nhưng độ tàn phá rất ghê gớm) và sự khắc nghiệt vào mùa hè với nhiệt độ quá cao và gió Lào khô còn mùa đông thì mưa phùn, giá bức.

 

1.3.   Tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng và thủy sản

 

Tài nguyên đất và sử dụng tài nguyên đất: Theo số liệu tổng kiểm kê đất đai (1/1/2010) thì tổng diện tích tự nhiên của toàn xã là 1786,2 ha, trong đó đất nông lâm ngư nghiệp là 1430,39 ha (chiếm 80,1% diện tích tự nhiên), đất phi nông nghiệp là 327,7 ha (chiếm 18,3%), đất chưa sử dụng là 28,11 ha (chiếm 1,6%). Các tài liệu phân tích cho thấy, chất lượng đất nông lâm ngư nghiệp chỉ ở mức trung bình, bị nhiễm chua, mặn do vậy muốn đạt năng suất cây trồng, vật nuôi cao đòi hỏi phải đầu tư thâm canh lớn. Vấn đề đáng lưu ý là xã có hệ số sử dụng đất khá cao, đã sử dụng gần hết diện tích đất; quỹ đất chưa sử dụng còn rất ít, chỉ khoảng 28 ha, do vậy vấn đề  sử dụng tiết kiệm đất trong tương lai là đặc biệt quan trọng.

 

Tài nguyên nước: (1) Nước mặt: Xã có 2 hồ nước ngọt là: Hồ Vực Sanh có công suất tưới theo thiết kế là 350 ha lúa hè thu và 350 ha lúa đông xuân (thực tế tưới được 245 ha hè thu và 200 ha đông xuân); Hồ Cửa Nghè, có công suất tưới theo thiết kế là 40 ha lúa hè thu và 60 ha lúa đông xuân (thực tế tưới được 15 ha hè thu và 40 ha đông xuân). Nước của 2 hồ trên còn cung cấp cho sinh hoạt của làng. Cả hai hồ đều có cốt nước cao, nếu có hệ thống dẫn nước thì có thể cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt theo dạng tự chảy; (2) Nước ngầm: Tuy chưa có các số liệu điều tra chính thức nhưng theo quan sát thì trữ lượng nước ngầm khá lớn, hiện tại gần như nhà nào cũng có giếng khai thác nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt.

 

Theo tính toán sơ bộ, với nguồn nước mặt và nước ngầm như trên hoàn toàn đủ cung cấp cho nhu cầu  sản xuất và sinh hoạt của xã trong tương lai. Tuy nhiên, việc sử dụng tài nguyên nước hiện nay còn một số bất cập do bố trí và thiết kế hệ thống kênh mương chưa hợp lý. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên nước cần quy hoạch và tổ chức lại hệ thống thủy lợi theo hướng khai thác tối đa phương thức tự chảy; đảm bảo  không chỉ phù hợp với quy mô sản xuất và bố trí dân cư mà còn phải đồng bộ với các kết cấu hạ tầng khác, đặc biệt là giao thông, lưới điện.

 

Vấn đề đặt ra là tổng công suất của 2 hồ Vực Sanh và Cửa Nghè nếu có chế độ điều tiết tốt cũng chỉ đảm bảo tưới cho diện tích hè thu và đông xuân của xã và một phần cung cấp cho sinh hoạt của dân cư. Trong tương lai, nếu đặt vấn đề phát triển thủy sản vùng Hói theo phương thức thâm canh để nâng cao hiệu quả nuôi trồng sẽ phải cần một lượng nước ngọt đáng kể, khó có thể cân đối được từ nguồn nước mặt Vực Sanh và Cửa Nghè. Đây là một bài toán cần suy nghĩ để tìm ra phương án phát triển kết hợp nuôi trồng thủy sản và khôi phục bần sác tại vùng Hói của Hạ Trạch sao cho hiệu quả.

 

Tài nguyên rừng: Diện tích đất lâm nghiệp là 895,71 ha (chiếm 50,1% diện tích tự nhiên). Đây là một tiềm năng rất lớn, trước kia là nơi nuôi sống nhiều thế hệ con em trong làng. Hiện tại, phần lớn diện tích đã được phủ xanh bằng rừng sản xuất, chủ yếu trồng cây thông. Điều đáng nói là hầu hết đất lâm nghiệp và rừng sản xuất là do nông trường quản lý và khai thác, xã chỉ còn lại một diện tích không đáng kể quanh các hộ gia đình ở xóm rẫy. Hiện chưa có sự gắn kết đáng kể nào giữa xã và nông trường nên về cơ bản xã Hạ Trạch và cộng đồng dân cư của xã không được hưởng lợi đáng kể gì từ rừng. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng trong tương lai, cần tìm phương án kết hợp giữa nông trường và cộng đồng dân cư xã để có thể mang lại lợi ích nhiều hơn cho xã.

 

Tài nguyên thủy sản: Hạ Trạch có cả tài nguyên thủy sản nước lợ và nước ngọt. (1) Thủy sản nước lợ: Diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ là 109,95 ha (chiếm 6,2% diện tích tự nhiên)  và đã được đưa vào khai thác gần hết. Đây là diện tích ở phía sau làng, sát sông Gianh; có các điều kiện tự nhiên, thủy văn tương đối thuận lợi cho khai thác thủy sản  và nuôi trồng thủy sản theo phương thức bán thâm canh (muốn thâm canh sẽ không chỉ phải đầu tư lớn mà còn gặp khó khăn về nguồn nước ngọt). Hiện tại tuy bị chia cắt manh mún nhưng các hồ tôm liền bờ, liền khoảnh, có quy mô đủ lớn để có thể quy hoạch lại thành vùng nuôi công nghiệp hoặc vùng sinh thái du lịch. Một thuận lợi nữa là diện tích này vẫn do xã quản lý và bà con trong xã sử dụng, chưa bị xâm nhập của một nhà đầu tư ngoài làng. Mặt nước sông Gianh, đoạn chảy qua làng cũng có thể tận dụng để nuôi trồng và khai thác một số loại thủy sản nước lợ; (2) Thủy sản nước ngọt: Xã còn có 2 hồ nước là Vực Sanh và Cửa Nghè có diện tích mặt nước khoảng 150 ha có khả năng phát triển nuôi thủy sản nước ngọt (tuy nhiên cần xem xét đến vấn đề môi trường).

 

Các tài nguyên khoáng sản: Xã có nhiều đồi núi có thể khai thác các loại đất, đá phục vụ xây dựng, giao thông; dưới lòng hồ Vực Sanh có loại cát quý, đặc biệt là loại đá kết. Tuy nhiên, đây chỉ là tiềm năng của xã. Tuyệt đối không đặt vấn đề khai thác vì sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của cả làng.

 

Như vây, Hạ Trạch có: (i) Tài nguyên đất không thật thuận lợi, độ màu mỡ của đất chỉ ở mức trung bình, đòi hỏi phải có những biện pháp thâm canh mới có năng suất cao; (ii) Tài nguyên nước phong phú, đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của xã, còn đặt vấn đề nước ngọt cho phát triển thủy sản thì cần tính toán kỹ; (iii) Các tài nguyên rừng và thủy sản rất có tiềm năng nhưng để trở thành nguồn lợi cho xã cần phải có những nghiên cứu sâu cả về mô hình sản xuất và mô hình quản lý; (iv) Các tài nguyên khoáng sản chỉ là tiềm năng chưa đặt vấn đề khai thác trong vài chục năm tới khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa cho phép bảo đảm tuyệt đối về môi trường.

 

1.4.  Tài nguyên du lịch

 

Hạ Trạch có cả các tài nguyên du lịch vật thể và phi vật thể, trong đó có tài nguyên có ý nghĩa cả nước, quốc tế. Mặc dù trong thời gian tới chưa thể khai thác các tài nguyên này cho phát triển du lịch nhưng về dài hạn đây là những tiềm năng rất quý cần phải nhận biết và bảo tồn cho con cháu mai sau.                                        

 

Tài nguyên du lịch vật thể: (1) Tài nguyên di tích lịch sử văn hóa: Có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh đó là: Di tích Bến phà Gianh và cầu Gianh (di tích lịch sử cấp Quốc gia), khu lăng mộ Lê Mô Khởi và khu di tích Thành Lồi (di tích lịch sử cấp tỉnh). Đặc biệt di tích Thành Lồi, nếu các nhà khoa học chứng minh được đó chính là thành Khu Túc thì sẽ là di tích lịch sử không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn có ý nghĩa quốc tế; (2) Hệ thống các nhà thờ Họ: Có thể nói Hạ Trạch là xã duy nhất của Việt Nam có hệ thống các nhà thờ Họ nằm thẳng hàng ở  trước mặt làng, hướng lên núi; (3) Có địa danh Ba Trại một căn cứ chống Pháp nổi tiếng của nghĩa quân Cần Vương; (4) Có các di tích Đình làng, Nghĩa trủng Cồn cui, và các chùa, đền ông voi, miếu thờ nhân thần, giếng, phốc, Cửu khúc Long khê… nếu khôi phục được sẽ là các tài nguyên du lịch quan trọng; (4) Có hồ Vực Sanh, Cửa Nghè nằm giữa rừng thông Hạ Trạch đẹp không thua kém gì Đà Lạt; (5) Ngoài ra, việc bố trí làng xóm có quy hoạch của các bậc tiền nhân với tất cả các nhà đều quay về một hướng, cấu trúc mạng lưới giao thông theo kiểu bàn cờ (riêng có và duy nhất ở Việt Nam) cũng có thể xem như là những tài nguyên du lịch.

 

Các tài nguyên du lịch phi vật thể: (1) Tài nguyên văn hóa, du lịch phi vật thể lớn nhất là ngôn ngữ của người Cao Lao Hạ (đã có nhiều nhà khoa học đầu đàn về nghiên cứu ngôn ngữ làng ta), nếu chúng ta duy trì để người làng và mọi người con xa quê về đến làng là nói tiếng Cao Lao thì tiếng Cao Lao sẽ trở thành là một tài sản vô giá thu hút được khách du lịch; (2) Văn tế Đình Trung là một bài văn tế độc đáo, khác hẳn các bài văn tế khác ở Việt Nam ở tính nhân văn; (3) Các phong tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng cộng đồng và các điệu hò vè, hát đối, trò chơi dân gian (cướp cù của làng ta cũng khác hẳn với các làng khác trong vùng) nếu được khôi phục cũng là những tài sản vô cùng quý giá; (4) Có nhiều danh nhân làm rạng danh cho quê hương cả về văn lẫn võ như Lê Mô Khởi, Lê Văn Tri, Lưu Đức Xưng, Lưu Trọng Lư và nhiều danh nhân khác. Tên tuổi của các ông đã góp phần làm vẻ vang làng Cao Lao Hạ và đó cũng là những giá trị văn hóa phi vật thể của làng.

 

2.   Các điều kiện về dân số, lao động cho phát triển

 

2.1.  Quy mô và tốc độ tăng dân số

 

Với dân số trung bình năm 2009 là 4508 người (bằng 2,52% dân số toàn huyện), Hạ Trạch là xã có quy mô dân số đứng thứ 18 trong số 30 xã của huyện Bố Trạch. Mật độ dân số là 252,4 người/km2, cao hơn mật độ trung bình của huyện là 84,1 người/km2 và cao thứ 12 trong số 30 xã của huyện. Trong 5 năm gần đây, dân số của xã đang có xu hướng giảm dần, từ 4720 người năm 2006 xuống 4691 người năm 2008 và 4508 người năm 2009, tốc độ giảm trung bình giai đoạn 2006-2009 là 1,14%/năm. Xu hướng dân số của xã giảm là một xu thế ngược với xu thế chung của huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình.

 

Có 2 nguyên nhân dẫn đến giảm quy mô dân số của xã trong những năm qua là: (1) Thứ nhất, là tỷ lệ tăng tự nhiên thấp, thấp hơn mức trung bình của toàn huyện Bố Trạch và đang có xu hướng ngày càng thấp dần: Chuỗi số liệu mấy năm gần đây cho thấy tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của xã năm 2006 là 1,077% (của toàn huyện là 1,207%) nhưng năm 2007 giảm xuống còn 1,039% (toàn huyện là 1,148%) và năm 2009 chỉ còn 0,855% (toàn huyện là 1,112%). Nguyên nhân của tình trạng trên là do tỷ lệ sinh giảm từ 1,543% năm 2006 xuống 1,317%% năm 2009, trong khi tỷ lệ chết gần như không thay đổi, dao động khoảng 0,46% qua các năm; (2) Thứ hai, là giảm dân số cơ học: Số người rời khỏi xã đi làm ăn nơi khác luôn lớn hơn số người quay về xã, do vậy dẫn đến tình trạng giảm dân số cơ học. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu đời nay và sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Theo tính toán thì từ năm 2006 đến 2009 chênh lệch giữa người đi và người trở về là 50 người/năm. Như vậy, có thể nói trung bình mỗi năm có trên 50 người trong xã đi học tập, làm ăn và sinh sống ở nơi khác, trong đó chủ yếu là những người trong tuổi lao động, có trình độ văn hóa cao.

 

2.2.  Cơ cấu dân số và chất lượng dân số

 

Cơ cấu dân số của Hạ Trạch: (i) Xét theo ngành nghề: Dân số nông nghiệp là chủ yếu, năm 2009 toàn xã có 844 hộ 3201 nhân khẩu nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 75,5% số hộ và 73,5% số nhân khẩu; số hộ và nhân khẩu còn lại là phi nông nghiệp . Đối với một xã nông nghiệp, cơ cấu như trên là tương đối khả quan, hơn mức trung bình của toàn huyện; (ii) Xét theo giới tính: Tỷ lệ nam nữ đang thay đổi theo hướng giảm dần dân số nam và tăng dần của dân số nữ. Năm 2006 dân số nam là 2325 người, chiếm 49,25%, nữ là 2395 người, chiếm 50,75% đến năm 2009 nam là 2218, chiếm 49,2% và nữ là 2290 người, chiếm 50,8%. Tỷ lệ nam nữ như trên là tương đối hợp lý, tương đương với mức trung bình của cả huyện và cả nước; (3) Xét theo lứa tuổi: Tỷ lệ dân số trong tuổi lao động trong tổng dân số không thay đổi đáng kể qua các năm. Năm 2006 lao động trong tuổi là 2696 người, chiếm 57,11% tổng dân số; đến năm 2009 giảm xuống còn  2575 người, chiếm 57,12% dân số. Các con số trên thấp hơn so với mức trung bình của huyện là 58,47% năm 2006 và 58,46% năm 2009; (4) Xét theo địa bàn phân bố: Dân số xã Hạ Trạch phân bố thành 2 khu vực rõ rệt là Làng Rẫy và Làng Ngoài. Làng Rẫy là làng mới chia tách ra có sô dân năm 2009 là ….người chiếm…%, còn Làng Ngoài là làng cũ có số dân là ….người, chiếm …..%.

 

Về chất lượng dân số: Chất lượng dân số được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu phản ánh thể lực và trí lực và kỹ năng  của người dân. Do thiếu các số liệu thống kê nên sau đây chỉ xem xét một số chỉ tiêu cơ bản: (1) Dân số Hạ Trạch có tỷ lệ người già và trẻ em cao, cao hơn mức trung bình của huyện và cả nước điều này thể hiện ở tỷ lệ lao động trong tuổi thấp, chỉ đạt trên 57%, trong khi của huyện là 58,5%, của cả nước là gần 60%; (2) Trí lực và kỹ năng của dân số ở mức trung bình thấp: Tại xã chỉ có vài chục người tốt nghiệp đại học chuyên ngành trong tuổi lao động; số tốt nghiệp cao đẳng cũng ít, chủ yếu là giáo viên; hầu hết lực lượng lao động chưa được đào tạo, làm việc thủ công theo các kinh nghiệm truyền tay; (3) Thể lực của người dân mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, bệnh tật nhiều, đặc biệt là một số bênh có tỷ lệ cao (ung thư), số người tập thể dục thường xuyên mới chiếm một tỷ trọng nhỏ; (4) Mức sống dân cư chưa cao, mặc dù đã ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn quá lớn, năm 2009 vẫn còn trên 10% số hộ, trong đó số hộ nghèo chiếm gấn 5%; (4) Truyền thống và kỹ năng của người dân ở mức cao trên một số mặt như tinh thần yêu nước, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và một số nghề truyền thủ công nghiệp; sự hiếu học và tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm... tuy nhiên những tệ nạn như trộm cắp, trốn học, đánh nhau, uống rượi, đánh bạc, cá độ bóng đá… cũng đã bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra còn một số mặt trái như tính a rua, chậm đổi mới, quá tự hào về quá khứ mà không cố gắng trong hiện tại…

 

Nghiên cứu dân số và chất lượng dân số lao động của xã trong những năm qua có thể rút ra một số kết luận sau:

 

Thứ nhất, tính hướng ngoại của người dân quá cao: Phần lớn lao động trẻ, có năng lực, sức khỏe đều đi ra ngoài làng làm việc; những học sinh đỗ đại học khi tốt nghiệp cũng ít người quay về làm việc ở quê (điều này đúng với mọi thời kỳ). Đây là một xu thế khách quan do những cơ hội phát triển, làm giàu trên quê hương khó hơn các vùng khác trong cả nước. Với các điều kiện của làng cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, giao thông…hiện nay thì việc phát triển và làm giàu ngay tại quê hương là hoàn toàn có thể, cần có những chương trình, dự án với các mục tiêu rõ ràng để thu hút nhiều người trở về làm giàu trên chính quê hương mình.

 

Thứ hai, trong nhiều năm tới dân số Hạ Trạch sẽ không tăng, đây có vẻ là một bất lợi cho Hạ Trạch trong việc đáp ứng nhu cầu lao động cho phát triển các ngành nghề trong xã nhưng thực ra mặt tích cực của nó lại lớn hơn rất nhiều. Dân số ổn định, xã sẽ không bị các áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội, đặc biệt là áp lực lên đất đai, nhà cửa.  Từ việc không phải bố trí thêm đất cho mục đích đất ở chúng ta có điều kiện giữ lại bộ mặt của làng quê khỏi bị biến dạng, méo mó. Không gian làng sẽ rất đẹp nếu chúng ta không bố trí dân cư trước mặt đàng Bạn và dọc theo đường Ba Trại và đường Eo nối làng với làng rẫy, đồng thời hạn chế bố trí dân dọc theo đường Làng rẫy về phía ruộng.

 

Thứ ba, với quy mô dân số và lao động như hiện tại, về số lượng là đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành nghề trong tương lai; nhưng về chất lượng do chưa có sẵn một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, do vậy khó khăn trong việc nắm bắt các thành tựu khoa học kỹ thuật mới như tin học, hoá học, sinh học, chuyển giao kỹ thuật v.v... Trong những năm tới, với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, cùng với các áp lực của cạnh tranh, của tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhu cầu lao động được đào tạo ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải có sự cố gắng lớn của xã và của toàn thể con em trên mọi miền của đất nước và ở nước ngoài.

 

3.   Các yếu tố bên ngoài có thể khai thác cho phát triển KT – XH xã Hạ Trạch

 

3.1.   Tiềm năng của con em Hạ Trạch ở ngoài làng

 

Tiềm năng của con em Hạ Trạch ở ngoài làng rất lớn, tuy nhiên thời gian qua chúng ta chưa thực sự khai thác tốt tiềm năng này. Theo ước tính, Hạ Trạch có khoảng hơn 2500 hộ gia đình sinh sống ở ngoài làng với sô nhân khẩu khoảng 10000 người, gấp 2,5 lần số hộ và số nhân khẩu đang sinh sống tại làng. Cụ thể, Nông trường Việt Trung và vùng phụ cận khoảng 350 hộ; khu vực Đồng Hới 200 hộ; Sài Gòn và vùng lân cận 350 hộ; khu vực Hà Nội 200 hộ; khu vực Tây Nguyên 300 hộ; các tỉnh Miền Trung 400 hộ; các địa phương khác trong nước khoảng 500 hộ; nước ngoài khoảng 200 hộ chủ yếu ở Mỹ, Nga, Hàn Quốc, các nước Đông Âu, Pháp... Trong tương lai, xu thế con em Hạ Trạch ra ngoài làng làm ăn sinh sống vẫn tiếp tục do đó số dân Hạ Trạch ngoài làng ngày càng đông.

 

Tất cả bà con xa quê đều có một tấm lòng rất lớn đối với quê hương. Trong số họ, không phải ai cũng sung túc nhưng có rất nhiều cá nhân, gia đình thành đạt về học vấn, địa vị xã hội và kinh tế. Đây sẽ là một nguồn lực quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của xã trong tương lai nếu xã có các biện pháp, cách thức thu hút phù hợp và minh bạch. Bà con ngoài làng có thể hỗ trợ xã trên các mặt sau: (i) Hỗ trợ về kinh tế, góp kinh phí  xây dựng các công trình công cộng, giúp đỡ con ruột thịt; (ii) Hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm làm ăn cho bà con quê hương; (iii) Giới thiệu, tạo các mối quan hệ giữa quê hương với bên ngoài trong các vấn đề  như chuyển giao công nghệ, tìm kiếm thị trường hàng hóa, thị trường vốn và lao động...

 

Riêng về hỗ trợ kinh tế, có thể nói rằng, bộ mặt Hạ Trạch có được như hôm nay chủ yếu là do các nguồn lực từ bên ngoài. Trừ một số công trình hạ tầng được đầu tư từ vốn của Nhà nước, còn lại các hạng mục liên quan đến cuộc sống của hầu hết các hộ gia đình như nhà cửa, sân phơi, giếng nước, tivi, chi phí sinh hoạt…là từ nguồn của con em kiếm được từ ngoài quê hương chuyển về. Thực trạng này đặt ra cho chúng ta một hướng tư duy mới, phải chăng chúng ta chỉ nên đặt vấn đề phát triển kinh tế tại Hạ Trạch ở ngưỡng cho phép, không nên phát triển kinh tế bằng mọi giá mà cố gắng bảo tồn các giá trị của làng quê còn việc làm ăn, kiếm tiền là ở bên ngoài. Đây chỉ là suy nghĩ rất cá nhân, tuy nhiên nếu tư duy này nhận được sự đồng thuận cao của công đồng thì sẽ có tác động lớn đến định hướng phát triển Hạ Trạch trong tương lai.

 

Trang web caolaoha.com do bà con ngoài Làng xây dựng cũng là một nguồn lực quan trọng cho phát triển quê hương. Có thể nói trang web với các tiêu chí và mục tiêu hoạt động rõ ràng, tất cả vì quê hương đang là một tài sản, công cụ quan trọng cho phát triển Hạ Trạch. Quá trình hoạt động chưa lâu, nhưng những lợi ích mà trang Web mang lại là rất lớn, khó có thể đo đếm được bằng tiền. Trang web làng không chỉ là địa chỉ thu thập, bảo tồn, lưu giữ các giá trị trí tuệ, văn hóa của làng; giới thiệu, quảng bá làng; cập nhật toàn diện các thông tin liên quan đến làng mà còn là địa chỉ để con em làng kết nối lại với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Làng. Tương lai, trang web sẽ là công cụ, hướng tới hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn trong quản lý và điều hành quê hương một cách bài bản và khoa học.

 

3.2.  Sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức Quốc tế

 

Sự quan tâm của các tổ chức quốc tế cũng là một tiềm năng quan trọng. Cần khai thác tốt sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức quốc tế. Hiện tại có một số tổ chức, cá nhân quốc tế đang muốn tìm một mô hình làng xã truyền thống, có những đặc thù riêng có, đại diện cho vùng miền để hỗ trợ bảo tồn, phát triển các nét truyền thống làng quê phù hợp với bối cảnh mới. Xã Hạ Trạch có nhiều yếu tố phù hợp với các tiêu chí của họ. Vấn đề là chúng ta phải đồng lòng, hợp sức chứng minh cho được những nét văn hóa của quê hương sẽ được bảo tồn lưu giữ và phát triển trong tương lai. Quy hoạch tổng thể Kinh tế - Xã hội sau khi được cộng đồng thông qua sẽ là một tài liệu quan trọng giới thiệu tương lai của Hạ Trạch với bên ngoài (hiện tại caolaoha.com đang có chương trình chuẩn bị tiếp cận với các tổ chức quốc tế về vấn đề này). Nếu đượccác tổ chức quốc tế quan tâm chúng ta sẽ có một nguồn hỗ trợ rất lớn để thực hiện các mục tiêu phát triển quê hương. Chúng ta cần có các phương án, cách thức khai thác, tận dụng một nguồn lực đáng kể cho việc xây dựng và phát triển quê hương

 

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học và tổ chức quốctế đang tranh luận tìm kiếm vị trí chính xác của thành Khu Túc. Có nhiều chứng cứ cho thấy Thành Lồi ở Hạ Trạch có thể là thành Khu Túc. Nếu Thành Lời là thành Khu Túc thì có thể Thành Lồi sẽ trở thành một di sản văn hóa quốc tế, khi đó Hạ Trạch sẽ là địa danh nhiều nơi biết đến. Đây là một tiềm năng chưa hiện hữu trước mắt, nhưng cần phải lường trước một ngày nào đó Hạ Trạch sẽ là điểm tham quan du lịch có tầm vóc quốc tế, thu hút khách nước ngoài.

 

3.3.   Sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, Tỉnh, Huyện.

 

Sự ủng hộ của các cơ quan cấp trên là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển quê hương, cần phải coi đây cũng là một nguồn lực quan trọng. Hạ Trạch có vị trí thuận lợi, có bề dày lịch sử từ thời cha ông để lại; lại được thử thách trong 2 cuộc kháng chiến. Do vậy, trong huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình, cứ nói đến Cao Lao Hạ là rất nhiều người biết đến, đặc biệt là các cấp lãnh đạo. Nhưng từ chỗ lãnh đạo biết và quan tâm đến việc cấp vốn, thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cho Hạ Trạch là cả một vấn đề. Hạ Trạch phải chứng minh được các dự án đã làm trong quá khứ là có hiệu quả; chủ động đề xuất các dự án mới có căn cứ khoa học và thực tiễn; tăng cường quan hệ và tích cực chủ động giới thiệu quê hương với các cấp lãnh đạo (con khóc để mẹ cho bú). Trách nhiệm này không chỉ của lãnh đạo xã như quan niệm lâu nay mà là của tất cả bà con, đặc biệt là những con em của làng làm việc tại trung ương, tỉnh và huyện. Thời gian qua, chúng ta đã xem nhẹ điều này nên chưa thực sự khai thác hết các cơ hội.  Nhiều dự án xóa đói, giảm nghèo, phát triển giao thông nông thôn, hỗ trợ giáo dục và y tế, xây dựng đê bao… không về được đến Hạ Trạch hoặc về rất chậm, sau các xã khác rất lâu (trường Lưu Trọng Lư chưa được chuẩn là do chậm kinh phí từ cấp trên; đường Bạn làm chậm sau nhiều xã; đường đê làm bên Bắc Trạch đến cống Hói Hạ thuộc địa phận Hạ Trạch là dừng, đường thôn xóm chủ yếu là do dân tự làm mà không có sự hỗ trợ của trên…).

 

Cần nhận thức lại, coi vấn đề này là một nguồn lực rất lớn cho phát triển quê hương, đặc biệt là phát triển hạ tầng. Các cấp lãnh đạo của xã, con em Hạ Trạch làm việc tại Huyện, Tỉnh, Trung ương cần quan tâm hơn đến khai thác nguồn lực này cho việc thực hiện các mục tiêu mà quy hoạch đề ra đến năm 2020.

 

Trên đây là khái quát một số yếu tố, nguồn lực tác động đến phát triển Kinh tế - Xã hội của Hạ Trạch trong thời gian tới. Kinh mong các cấp lãnh đạo xã cùng toàn thể bà con đóng góp, phát hiện, bổ sung thêm để chúng ta có thêm các căn cứ khoa học cho việc đề xuất định hướng phát triển quê hương trong những năm tới

 

Xin chân thành cám ơn

Lưu Đức Hải: ĐT 0904046996

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Cây mai dương và tác hại đối với môi trường
Điều ước nhỏ
Kỹ thuật lưu trữ nguồn cá giống tốt qua mùa đông
Điều ước đầu năm mới 2015
Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh

Video clip