Hội đồng hương Cao Lao Hạ ở Hà Nội

23:49 - 29/09/2010

Hai chữ "Đồng Hương" có từ xa xưa, khi mà nhiều người thuộc thế hệ ông cha do những điều kiện và hoàn cảnh nào đó phải xa quê hương “nơi chôn rau cắt rốn của mình” để đi hoạt động hay làm ăn sinh sống ở nơi khác.

Hội đồng hương Cao Lao Hạ ở Hà Nội

 

Hai chữ "Đồng Hương" có từ xa xưa, khi mà nhiều người thuộc thế hệ ông cha do những điều kiện và hoàn cảnh nào đó phải xa quê hương “nơi chôn rau cắt rốn của mình” để đi hoạt động hay làm ăn sinh sống ở nơi khác. ởđó, những người cùng quê hương đã liên hệ, tìm gặp nhau để được thăm hỏi, chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn, để được nghe lại tiếng nói quê hương mẹ đẻ, ôn lại những phong tục tập quán, những cảnh vật thiên nhiên núi rừng, ruộng vườn, nơi mảnh đất của tổ tiên ông cha mình đã sinh cơ lập nghiệp. Họ gọi nhau bằng 2 tiếng thân thiết "Đồng Hương".

 

Trong quá trình liên hệ, tìm kiếm gặp gỡ nhau đã có không ít những trường hợp họ đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ nhau, động viên nhau trong cuộc sống và hoạt động ở nơi đất khách quê người. Những suy nghĩ, tình cảm và việc làm tự nhiên đó cứ được truyền từ đời nọ sang đời kia, ăn sâu bám rễ trong tâm khảm của mỗi người đồng hương. Khi đã có số đông, họ tự đặt ra tổ, ban, hoặc hội đồng hương, họp  mặt nhau ở một địa điểm nào đó để thăm hỏi nhau về sức khoẻ, cuộc sống và thông báo cho nhau những tin tức quê nhà. Họ cử ra người đại diện để giữ thay mặt họ để giữ mối liên hệ với mọi người, và liên lạc với quê nhà.

 

Nếu những người con Cao Lao Hạ có mặt ở Sài Gòn từ trước, trong thời kỳ Pháp thuộc, thì ở Hà Nội, họ cũng có mặt từ lâu, nhưng chủ yếu từ năm 1954, sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc. Khi đó, những người con Cao Lao Hạ hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau được điều động về công tác tại Hà Nội trong các Bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan của thành phố Hà Nội.  Những người có mặt đầu tiên ở Hà Nội năm 1954, về dân sự có các ông: Lưu Trọng Lư, Lưu Trọng Lạc, Lưu Đức Khiêm, Lưu Quý Thoái, Lê Xuân Cước, Lưu Văn Sáo…; về quân sự có: Lê Văn Tri, Lưu Bá Xảo, Nguyễn Văn Thiều…Từ năm 1954 đến 1975con em các gia đình có mặt năm 1954 trưởng thành và con em làng Cao Lao Hạ ở quê ra học các trường đại học, sau khi tốt nghiệp ở lại Hà Nội công tác trong các cơ quan, trường học ngày càng nhiều như các ông: Lưu Đức Diệm, Lưu Lương Nam, Lưu Xã Hội, Lưu Hữu Túy, Lưu Đức Hồng, Lê Quang Diện, Phan Đình Châu, Lưu Trọng Hồng, Phan Đình Trân, Lưu Khắc Lý, Lê Quốc Sơn, Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Tường, Lê Quốc Hàm…Sau 1975, khi đất nước thống nhất, nhiều con em Cao Lao Hạ đã chuyển công tác vào Sài Gòn như các ông: Lê Văn Tri, Lưu Hữu Túy, Lưu Trong Lân, Nguyễn Văn Chinh…

 

Như vây, những người đồng hương làng "Cao Lao Hạ" nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã có mặt tại Hà Nội từ những năm đầu của thế kỷ XX, nhưng nhiều nhất là sau ngày giải phóng Thủ Đô năm 1954. Từ đó đến nay con em làng “Cao Lao Hạ” ở Hà Nội ngày càng đông, hiện có khoảng trên 70 gia đình với khoảng 450 nhân khẩu. Đồng hương Hạ Trạch chúng ta vui mừng khi mà ngày càng có nhiều con em quê nhà, nhiều dâu hiền, rể thảo, nhiều cháu chắt, chút chít sinh sống, học tập và công tác ở Hà Nội. Và trong số họ có nhiều người là giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ nhiều vị là cấp tướng, cấp tá trong quân đội. Họ có những vị trí quan trọng trong quân đội, trong các Bộ, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, có người là cán bộ chủ chốt của Thủ Đô. Họ là những người con quê hương khiêm tốn, năng động đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm rạng rỡ cho quê hương, cho làng "Cao Lao Hạ" vốn có truyền thống thông minh hiếu học, cần cù, sáng tạo, có tình nghĩa làng xóm, yêu quê hương và phấn đấu vượt khó khăn từ lâu đời của ông cha.

 

Kế thừa truyền thống tốt đẹp, tình cảm quê hương thân thiết của ông cha, và theo nguyện vọng của bà con, Ban liên lạc đồng hương xã Hạ Trạch tại Hà Nội được thành lập từ năm 1976 do ông Lê Văn Tri trung tướng quân đội, kế tiếp lần lượt do các ông Lưu Bá Xảo, Nguyễn Văn Thành, Lưu Đức Diệm làm trưởng ban và duy trì sự hoạt động cho đến hôm nay. Ban liên lạc là một tổ chức tự nguyện của bà con xã Hạ Trạch với nhiệm vụ được bà con thống nhất là:

 

–Thường xuyên quan tâm đến nhau, động viên con cháu học tập tốt, công tác tốt, giữ vững và phát huy truyền   thống quê hương xã anh hùng

–Làm cầu nối để các hội viên gặp gỡ nhau và tổ chức thăm hỏi khi các hội viên có việc hiếu, việc hỉ, ốm đau, chia sẻ cho nhau niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau gắng sức trong cuộc sống, học tập, công tác

–Giữ mối liên lạc thường xuyên giữa ban liên lạc đồng hương ở Hà Nội với Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã ở quê nhà

 

Vì hoàn cảnh không cho phép, nên hầu như đã thành tục lệ, bà con đồng hương Hạ Trạch ta ở Hà Nội chỉ tổ chức gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày đầu xuân năm mới tại một địa điểm luân phiên trong các gia đình của hội viên, và chỉ dịp đó bà con mới được gặp mặt đông đủ để thăm hỏi nhau, chúc mừng năm mới và mừng thọ các cụ tuổi 75, 80, 85. Mặc dầu tình hình hiện nay có nhiều thay đổi, mọi thông tin ở quê nhà đều được cập nhật hàng ngày nhưng đa số bà con vẫn muốn duy trì hoạt động của hội đồng hương. Danh sách Ban liên lạc hội đồng hương xã Hạ Trạch ở Hà Nội bao gồm:

 

–Lưu Đức Hồng: Trưởng ban, phụ trách chung, liên hệ với Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã ở quê nhà, phụ trách Khu vực Đống Đa.

–Lê Quốc Sơn: Phó ban, thay mặt Trưởng ban khi đi vắng, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về thăm hỏi các gia đình hội viên khi có việc hiếu, việc hỉ, hoặc ốm đau phải nằm viện, phụ trách khu vực Đống Đa II.

–Phan Đình Châu: Uỷ viên, phụ trách khu vực Cầu Giấy, Tây Hồ.

–Nguyễn Văn Lợi:  Uỷ viên, phụ trách khu vực Hai Bà Trưng, Gia Lâm.

–Lê Quang Lý: Uỷ viên, phụ trách khu vực Hoàn Kiếm, Thanh Xuân.

–Lưu Thị Thanh Sơn: Uỷ viên, phụ trách thủ quỹ.

 

Trong quá trình hoạt động Ban liên lạc cùng với hội viên đã thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên. Riêng đối với quê hương thì  một số hội viên đã có sự giúp đỡ quê nhà về các mặt kinh tế, xã hội tuỳ theo khả năng và vị trí công tác của mình. Thành tích nổi bật của tập thể là đã đóng góp một số tiền vào quỹ khuyến học của xã nhà, đợt đầu là 5 năm từ năm học 2000-2001 đến 2004-2005 là 7,5 triệu đồng, mỗi năm 1,5 triệu đồng, để tặng cho 15 cháu, mỗi cháu 100.000 đồng thuộc đối tượng con nhà nghèo học giỏi; đợt hai, bắt đầu từ năm học 2005-2006 đến 2009-2010, số tiền là 10 triệu đồng, mỗi năm 2 triệu đồng để tặng cho 20 cháu, mỗi cháu 100.000 đồng thuộc 2 trường tiểu học và 1 trường trung học cở sở của xã. Việc làm này đã được Đảng uỷ, UBND xã, hội khuyến học xã đánh giá cao và ghi vào  sổ vàng khuyến học của xã. Mong rằng, các hội viên sẽ tiếp tục đóng góp tiền để ủng hộ quỹ khuyến học xã. Ngoài ra, còn ủng hộ 1 triệu đồng cho Ban biên tập lịch sử xã, 1,5 triệu đồng để tổng kết 10 năm xã đón nhân danh hiệu Anh hùng. Hưởng ứng đợt phát động xây dựng lại Đình Làng, bà con Cao Lao Hạ ở Hà Nội đã đóng góp được 210 triệu đồng và đang tiếp tục kêu gọi bà con đóng góp thêm để sớm hoàn thành Đình Làng.

 

Đối với quê hương thì hiện nay kinh tế xã nhà đã có bước phát triển. Trong xã không còn hộ đói, hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 15%; các mô hình thâm canh lúa nước, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, trồng rừng đã phát triển có hiệu quả. Hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, nước sạch đã được nâng cấp và xây dựng mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Ban liên lạc đồng hương kính đề nghị các gia đình, các hội viên hãy vì quê hương làng "Cao Lao Hạ" nay là xã Hạ Trạch, nơi có vị trí địa lý cực đẹp, có tài nguyên đủ để làm giàu, nơi có con người hiền lành, chất phác, cần cù, sáng tạo, mà động viên con cháu học tập tốt, công tác tốt và tuỳ theo khả năngcủa mình mà có sự quan tâm giúp đỡ quê hương phát triển, để hoà nhập vào xu thế chung của tỉnh và cả nước.

Tác giả : Lưu Đức Hồng

Bình luận

Bài viết liên quan

Đặt tên đường mang tên Lưu Trọng Lư ở Ba Đồn, Hoàn Lão, Phong Nha
Đồng hương Hạ Trạch tại Hà Nội gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Mời họp mặt đồng hương Hạ Trạch tại Hà Nội
Trồng cây tại Cồn Cui
Tản mạn về Hội Đồng Hương Hạ Trạch tại Hàn Quốc

Video clip