Một góc nhìn về Làng Cao Lao Hạ xưa để suy ngẫm hôm nay

20:11 - 25/11/2010

Nguyễn Danh Lợi là bố của nghệ sỹ Nguyễn Hoàng Anh; anh sống và làm việc ở Hà Nội nhưng năm nào cũng về quê ăn tết. Những trăn trở, mong muốn của anh đối với quê hương cũng là trăn trở của nhiều người con Cao Lao Hạ (bài viết đăng ngày 25/11/2011)

 

Từ nguồn cội xưa…

 

Từ xa xưa lắm rồi, các Thủy Tổ làng Cao Lao Hạ đã khai canh trên một vùng đất có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho việc an cư lạc nghiệp, gần núi, gần sông, có đồng bằng rộng lớn mà bằng phẳng. Qua nhiều thăng trầm lịch sử đến thời nhà Lý khoảng 1075, Lý Thường Kiệt đã có chính sách di dân vào Đàng Trong lập nghiệp, mở mang và củng cố bờ cõi, (1) có thể các cụ nhìn thấy vùng đất này rất linh thiêng, trời đất hội tụ, tựa thế lao phong (mũi lao bay lên trời cao) mạnh mẽ, hừng hực vút cao không gì ngăn cản được ở một chốn Đàng Trong mà đặt tên cho vùng đất này là Cao Lao (2) như thể Thăng Long (Rồng bay lên) đã được Vua Lý Thái Tổ tựa thế và thay tên thành Đại La thành Thăng Long của Hà Nội ngày nay.

 

Đặc biệt tại nơi đây một thời đã có một tiểu Vương quốc Chăm xây dựng một trung tâm chính trị (3). Dấu tích thành cổ Chămpa bây giờ người ta gọi chệch sang Thiềng vẫn còn đã khẳng định nơi đây có vị trí địa lý rất đặc biệt. (4)

 

Cách đây chừng hơn 200 năm, làng Cao Lao Hạ được các cụ tiền bối quy hoạch phát triển nông thôn đã rất quy củ từ giao thông, thủy lợi đến nông - lâm - ngư -thương. Việc phân bố dân cư, đất ở, đất vườn rất hiện đại theo kiểu đô thị - nhà vườn của triều Nguyễn ở Huế, không vùng nông thôn nào có được. Phía trước cửa Đình Làng, sát bờ sông Gianh đã có thời được quy hoạch xây dựng một khu đô thị sầm uất, trên bến dưới thuyền theo kiểu Phố Hiến và Hội An, rất thuận tiện cho việc giao thương buôn bán của các thương gia Đàng Trong, Đàng Ngoài. Khu phố đó ngày nay vẫn còn dấu tích và dân làng gọi là Đồng Phố. Làng Cao Lao Hạ được phân bố thành 20 xóm trải ra như một con thuyền Rồng. Mỗi xóm có 2 dãy nhà, có đường lối ngang to và mương thoát nước riêng từ trước làng ra sau làng. Xóm 20 quy hoạch như một đầu rồng vươn cao vì vậy mà có tới bốn dãy nhà và tiến lên trước so với các xóm khác. Ngày nay do chiến tranh chống Mỹ ác liệt nên hầu hết xóm 20 chuyển lên các xóm trên và di dời vào Làng Rẫy gần hết.

 

Về quy hoạch giao thông, ngoài việc xóm nào cũng có lối đi riêng rộng chừng 3m thì làng Cao Lao Hạ đặc biệt có đường Bạn, đường Làng và đường Quan đi dọc theo chiều dài của làng. Nghe tên đường đã thấy từ xưa làng đã có những luật lệ riêng, phân biệt quan - dân - khách rõ ràng, rất quy củ. Đường Quan là để quan đi, đường Làng là để dân làng đi còn đường Bạn có thể là dành cho những người khác vùng qua lại giao lưu, giao thương với làng. Bạn tức là bạn bè chăng? Đường bạn đi trước mặt làng ngõ ý “Tiền khách, hậu chủ”, tôn trọng và hiếu khách. Có ba giếng làng nằm trên trục đường bạn cũng nhằm phục vụ dân sinh của làng nhưng cũng để quan khách qua lại rửa ráy trước khi vào làng.

 

Phía Nam trước làng là dãy Trường Sơn, các cụ đặt tên riêng cho các đôộng như đôộng Lề Cù, đôộng Đá Bạc, đôộng Thầy Bói, đôộng Khỉ Đạo…Các cụ khai canh, khai lâm xuyên rừng sâu, vượt Ba Trại đến tận sông Đào giáp các xã Phú Trạch, Hoàn Trạch, Cự Nậm…bây giờ. Cách đây chừng 10 đến 15 năm hàng ngàn héc ta rừng vẫn còn sở hữu của làng Cao Lao Hạ. Các bậc tiền bối đã có công khai hoang mở cõi từ thế hệ này đến thế hệ khác, biến rừng rậm hoang vu thành đồi - nương - trại kết hợp rừng già  giàu tài nguyên vô tận. Hàng trăm năm xưa dân làng khai thác gỗ, củi, hái lượm dược liệu, săn bắn chim muông, trồng màu, rèo trâu, rèo bò, lập trại đánh giặc, chạy giặc…Như vậy các Quan thần - Tổ Làng đã có chiến sách phát triển nông- lâm kết hợp, biết tận dụng khai thác “rừng vàng” và cả yếu tố quốc phòng nữa.

 

Sát làng hơn là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, bàu nọ sát bàu kia, cồn nọ nối tiếp cồn kia như bàu Hóc, bàu Mật, cồn Cui, cồn Hà, Hói Đá…Những vùng lau, sậy, sác, bần đã được các cụ khởi thủy khai công thành các vùng trồng lúa, trồng màu phục vụ đời sống dân làng và cung cấp cho các vùng khác. Ngoài thu hoạch lúa màu các cụ đã tận dụng những con suối, con rạch để tạo ra chín khúc sông đào và được lưu truyền là “Cửu Khúc Long Khê” vừa để khai thác cá tôm tự nhiên, vừa để vận chuyển hàng hóa nhưng cũng để chế ngự thiên nhiên khi lũ lụt về, nước cứ thể mà chạy nhanh ra biển cả, tránh được lũ đổ về làng. Như vậy từ xa xưa các cụ đã biết quy hoạch nông nghiệp- thủy sản gắn với giao thông, thủy lợi.

 

Phía Bắc sau làng là sông Gianh soi bóng. Gần sát làng hơn có Hói rộng dài uốn lượn từ Hói Hạ lên tới gần hết làng, đi qua bến Phố. Hói được dân làng nạo vét từ con lạch tự nhiên thành luồng giao thông thủy, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa Đàng Trong với Đàng Ngoài, liên kết với khu phố sẩm uất. Hói mở cửa tự nhiên với sông Gianh vì vậy mà cá, tôm, cua, ghẹ cứ vào theo con nước, dân làng cứ thế mà hưởng lợi từ nguồn thủy sản tự nhiên đó. Nào là cá Mè Kẻ, cá Tìa, cá Đối, cá Ông, cá Ngạnh, tôm, cua tha hồ mà khai thác. Người thì đào chuông, kẻ quây lại mà tát, người mò, người nơm, người đơm, kẻ đắp trổ, về sau thì thả lưới, thả câu… Nơi đây có phong tục đi nơm rất sáng kiến, rất đặc biệt, mang tính cộng đồng rất cao, cá tôm khó thoát, nếu thoát được nơm của người này thì vướng vào nơm của người kia.

 

Về Văn hóa - Giáo dục cũng là một miền đất hiếm có.  Các cụ từ Phương Bắc vào đây lập nghiệp muốn con cháu thấu hiểu lời khắc trên bia đầu tiên năm 1448 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Từ xa xưa các cụ Quan Làng Cao Lao Hạ đã thấy được nhân tố con người là quan trọng bậc nhất nên đã động viên khích lệ con cháu dân làng học hành thi cử. Làng lập Hội Nhà Văn, Nhà Võ là nơi để thờ cúng các vị Tổ và các thầy dạy văn, dạy võ của làng đồng thời hội là nơi các cụ khoa bảng đèn sách thi thố, hội hè, dạy học cho con cháu. Làng có nhiều chính sách khuyến học động viên con cháu đỗ đạt cao như việc cấp đất hay tặng thưởng các sản vật. Nhờ coi trọng nhân tài và khuyến học mà từ lâu vùng đất này đã sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều nhà binh làm quan trong nhiều triều đại. Làng Cao Lao Hạ trở thành làng Văn, làng Võ, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà quân sự, nhà khoa học, nhà quản lý nổi tiếng cho tới ngày nay. Nếu ai có may mắn đọc được bài cúng Đình làng Cao Lao Hạ (tư liệu lưu giữ tại Viện Hán Nôm) (5) thì mới thấy được truyền thống của làng khi phần “kính xin Tâu” và “kính mời” các vị Vua-Quan -Thần-Hoàng …có công mở cõi, xây dựng và bảo vệ dân làng bình yên có tới 6 đến 7 trang giấy khổ A4 thì mới biết vĩ đại và tự hào đến nhường nào.

 

Trong giới nho sĩ tôn thờ Đạo Khổng quanh vùng có nhận xét cho rằng: Nho sĩ Cao Lao Hạ chăm nghiệp, hiếu học mà tiết kiệm. Cách đây hơn 450 năm, vào thời Mạc Phúc Nguyên trong sách Ô Châu cận lục ông Dương Văn An đã từng nói: ‘Người Cao Lao thích học văn chương, người Cao Lao giỏi làm ăn và giàu có. (6)

 

Qua nhiều thế hệ khác nhau làng Cao Lao Hạ đã có được một danh sách hùng hậu các vị anh hùng hào kiệt, văn võ song toàn, học hành đỗ đạt ở thế kỹ 19 và đầu thế kỹ 20 trong nhiều lĩnh vực như: ông Lưu Đức Bình phó bảng tri huyện, cử nhân thượng thư như ông Lưu Đức Xưng, các cử nhân như ông Lưu Đức Tuân, ông Lưu Trọng Kiến, ông Nguyễn Văn Khu, ông Nguyễn Khoan Hoàng, ông Đặng Văn Thái, ông Lưu Lượng, ông Lê Văn Giản…Có  tướng lĩnh hào kiệt như ông Lê Mô Khải. (7)

 

Văn hóa tâm linh là nét độc đáo và đặc biệt bậc nhất.  Duy nhất trong cả nước Việt Nam tại làng Làng Cao Lao Hạ có tới 24 nhà thờ họ được xây dựng trước mặt làng. Mỗi họ tộc có một nhà thờ. Cứ vào tết nguyên đán và rằm tháng giêng là cả làng rộn vang tiếng trống tiếng chiêng, cờ đào lộng gió, con cháu các họ về cúng tổ tiên và bàn việc họ. Trong 24 nhà thờ họ thì không hiểu vì sao mà riêng họ Nguyễn có tới 13 nhà thờ, chứng tỏ đã có thời họ Nguyễn là một trong những họ khai hoang lập làng đầu tiên và phát triển bậc nhất nơi đây, và chắc chắn làng đã có thời vua quan Nhà Nguyễn dự định hoặc đóng đô nơi đây nên việc quy hoạch phát triển nông thôn theo kiểu đô thị rất hiện đại. Trong bài phúng lễ đình làng được lưu truyền thì họ Nguyễn  được mời 63 vị quan tước “ về dự kỵ yên”, họ Lê Văn có 13 vị, họ Lê Quang có 11 vị , họ Lưu Quan có 5 vị; họ Lưu Làng có 3 vị; họ Lê Chiêu có 2 vị; họ Trần có 1 vị… Trong danh sách các ngài được làng “kỵ Yên” khai canh họ Nguyễn có ngài Đại tướng quân Nguyễn Văn Khai bên cạnh các ngài Lưu Văn Tiên hàm Đại tướng quân, ngài Triệu phong Lê Quang Lữ và các vị khai khẩn Lưu Văn, Lê Văn, Lê Quang, Lê Chiêu.(8)

Một đoạn phong cảnh các nhà thờ Họ trước mặt làng Cao Lao Hạ- ảnh Văn Lợi chụp mồng một tết 1010

Hai đầu làng có 2 chùa Trấn giống kiểu “Tứ Trấn” ở Thăng Long, ngăn chặn quỷ dữ, xoa đuổi tà ma tà quái, thờ cúng thần linh thổ địa và rất nhiều Miếu, Đền thờ tụng các vị anh hùng có công với nước với làng. Chùa dưới cùng làng có thời người ta gọi là chùa Kẻ Đờng. Xét về vị trí thì chùa nằm sát dân làng Cao Lao Hạ, cách xa xóm trên cùng của Làng Kẻ Đờng tới 500 mét, vì vậy có thể xưa kia chùa này các cụ Tổ đã xây cũng để “Trấn cho dân làng Cao Lao Hạ được bình yên. (9)

 

Làng có đình thờ Hoàng Làng, để tạ ơn các vị Hoàng Làng và cầu mong mưa thuận gió hòa, dân làng bình yên, con cháu đỗ đạt và hưng thịnh. Đình làng to đẹp uy nghi. Cho đến nay người ta vẫn chưa xác định chính xác Đình được xây dựng từ bao giờ. Theo một số tài liệu thì Đình có thể được xây dựng cách đây trên 200 năm, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Vua Nguyễn Phúc Ánh niên hiệu Gia Long cho quy hoạch dân cư nông thôn “Đàng Trong” thật phát triển để so sánh, đối trọng với “Đàng Ngoài” trong đó có cả việc cho xây đình thờ Hoàng Làng. Trong khi dân làng được quy hoạch nhà hướng cửa về phương Nam thì đình làng lại quay mặt về Phương bắc, một quy hoạch hay nói cách khác là một lựa chọn có chủ định đặc biệt cao về tâm linh, vừa để hứng lấy “lộc thủy” từ ngã ba sông lớn tụ về vừa là để thu nhận hương trời thần khí của Phương Bắc, nhưng cũng vừa là để Quan -Thần trông nom, trấn khử giặc Bắc, mang ấm áp, bình yên cho dân làng đang quay mặt về Phương Nam. Đặc biệt hơn cả có lẽ các cụ Tổ luôn hướng và nhớ về nơi cội nguồn gốc gác của mình trước khi dời quê từ Thanh- Nghệ vô đây. Do chiến tranh tàn phá nặng nề nên Đình làng chỉ còn lại hai cột cao to sừng sững cho đến ngày 15/12/2008 tức là ngày 19/11 năm Mậu Tý, dưới sự tổ chức và chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, bà con Làng Cao Lao Hạ đã đóng góp và xây dựng lại Đình Làng rất khang trang và uy nghi, thỏa lòng mong mỏi của bà con quê hương muốn được tôn vinh, tôn thờ các vị Hoàng Làng và để cầu mong cho sự phát triển phồn vinh muôn đời con cháu hôm nay và mai sau.

 

Nói về phong thủy thì đây là nơi gió mát, khí lành, nước, mạch trời phú, khe suối đổ về quanh năm, Đàng Côi có Cửa Nghè, Đàng Đưới có Vực Sanh. Ngoài Vực Sanh và Cửa Nghè làng lại có ba giếng khoáng mạch thiên nhiên ưu ái thuộc loại bậc nhất thiên hạ, đó là giếng Hung, giếng Kiệt và giếng Hóc. Đúng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nơi hồn thiêng sông núi. Một địa danh linh kiệt. Rõ ràng đây không phải là một làng bình thường.

 

Đến Suy ngẫm nay…

 

Tinh thần đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương nói riêng và Tổ quốc nói chung của các thế hệ dân làng hết sức oanh liệt đã được truyền từ đời này sang đời khác. Được như hôm nay ngoài yếu tố truyền thống thì một phần rất quan trọng là nhờ vào tổ tiên đã biết tìm chốn khai làng để định cư và lập nghiệp có thế đất trời bao la, phong- thủy hòa hợp, thế thượng phong vút cao (Cao Lao).

 

Trước hết nói về nhân lực. Con cháu Làng Cao Lao Hạ có quyền tự hào và biết ơn các thế hệ ông cha mình trong mọi thời đại đều được quan tâm rèn luyện. Điều mà bất kỳ một dân tộc nào, một địa phương nào muốn phát triển thịnh vượng thì con người phải được quan tâm hàng đầu. Người ta hay gọi là nguồn lực con người, là kinh tế tri thức…Nói trong phạm vi hẹp hơn như đối với một doanh nghiệp muốn phát triển cũng vậy, ngoài tiềm lực tài chính, tiềm lực công nghệ… thì tiềm lực con người vẫn là số một. Truyền thống trọng người hiếu học để tài cao đức rộng, góp sức cho công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của người Cao Lao Hạ xưa được con cháu phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh rất đáng tự hào. Sự tiếp bước đó chứng minh trong các lĩnh vực phát triển của xã hội, trong lĩnh vực Quân sự làng có các vị tướng lĩnh giữ các cương vị lãnh đạo cao cấp thời nay như các ông trung tướng Lê Văn Tri, trung tướng Lưu Bá Xảo, thiếu tướng Lưu Dương và có tới hàng chục cán bộ cấp tá đã và đang giữ các cương vị trọng trách trong quân đội và lực lượng vũ trang; Trong cương vị lãnh đạo chính quyền có ông Lưu Văn Đăng-nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Trong lĩnh vực khoa học được nhà nước phong hàm giáo sư như tiến sĩ Phan Đình Châu; Hàm phó giáo sư như tiến sĩ  Nguyễn Văn Tường và gần 20 tiến sĩ khoa học đã và đang giữ các cương vị trọng trách trong các cơ quan Đảng và nhà như các ông Lưu Đức Hồng-nguyên phó viện trưởng Viện Chiến Lược Phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lưu Trọng Hồng-nguyên Cục trưởng Cục Điện Ảnh; ông Lưu Hữu Túy- nguyên Cục trưởng Cục Nông Trường; ông Lê Quang Diện- nguyên bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Kinh tế Điện; ông Lưu Đức Hải - Trưởng ban, Viện Chiến lược Phát Triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tiến sĩ Lưu Văn Quỳnh- Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long; Trong giới văn sĩ  nổi tiếng có nhà thơ Lưu trọng Lư. Giới điện ảnh có Cục Trưởng Lưu Trọng Hồng, đạo diễn  Lưu Trọng Ninh. Các nghệ sĩ - giảng viên các Học viện Âm nhạc hàng đầu Việt Nam đã dành được rất nhiều giải thưởng cao trong và ngoài nước như anh Nguyễn Danh Trung, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, anh Nguyễn Hoàng Anh, chị Trần Hương Giang là con cháu ông Nguyễn Danh Thới. Các ông bà tiến sĩ đang là giảng viên các trường Đại học danh tiếng như ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Lưu Hồng Việt, bà Nguyễn Thị Minh Lợi … Nhiều phi công thời chiến và thời bình như ông Lưu Văn Thái, ông Nguyễn Danh Sáng, anh Lưu Minh Hoàng và còn hơn 500 kỹ sư, cử nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác mà không thể thống kê hết được. Một số con em còn rất trẻ nhưng đã có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc như em Lưu Đức Hiếu, con anh Lưu Đức Hải, hiện đang học tại một trường danh tiếng của Mỹ với suất học bổng toàn phần hơn hai trăm ngàn đôla Mỹ; Anh Lưu Anh Tiến con ông Lưu Văn Trọng - đội trưởng đội tuyển BKPro của Việt Nam đã đạt giải nhất trong giải vô địch Robocon châu Á; Anh Lưu Minh Hoàng con ông Lưu Văn Thái chỉ mới 30 tuổi đã có hai bằng Đại học, một bằng cao học nước ngoài và đã trở thành một trong rất ít Cơ trưởng A320 thuộc loại trẻ nhất của Vietnam Airline mà từ lâu nói đến cơ trưởng Airbus và Boeing là phải thuê phi công nước ngoài. Nhiều con cháu đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các trường Đại học. Con em làng Cao Lao Hạ đang sinh sống, học tập và công tác tại nhiều nước trên thế giới cũng phát huy truyền thống của làng, đây cũng là nguồn lực dồi dào. Hãy xem danh sách học sinh giỏi của trường tiểu học và THCS tại làng trong nhũng năm qua thấy ngay là truyền thống hiếu học của làng Cao Lao Hạ không bao giờ dừng lại mà ngày càng được phát huy cao độ.

 

Về Địa linh thời nay thì vị thế của làng vẫn thiên thời địa lợi. Núi vẫn đứng trước mặt, sông vẫn chạy sau làng, đồng vẫn rộng, vẫn dài nhưng sao chưa phát huy hết lợi thế? Có người bảo quê mình vẫn “ngủ lâu” mà chưa thức giấc, có người lại bảo chưa “Phát”? Nói quê mình không có gì thay đổi thì không phải.  Nhìn tổng thể thì thấy trường học, trạm xá, nhà Văn Hóa ngày một khang trang. Đường sá cũng có thay đổi, một vài thôn đã rải được bê tông tuy đường đất vẫn là chủ yếu. Vực Sanh, Cửa Nghè đã được nhà nước đắp đập. Nội đồng hóa bê tông cho mương cũng được một vài đoạn. Đồng Trước đã chuyển đổi thành nhiều trang trại chăn nuôi cá, vịt xen kẽ trồng chuối, trồng lúa.  Đàng Sau biến thành khu nuôi tôm, nuôi cua…Nhưng nhìn số liệu thống kê 5 năm gần đây từ 2005 đến 2009 thì thấy nhiều chỉ tiêu khiêm tốn lắm. Thu ngân sách hàng năm chưa tới 2 tỷ đồng, năm sau không cao hơn năm trước là mấy. Số hộ nghèo còn nhiều, chiếm tới trên 11% tổng số hộ; đường giao thông xấu còn lớn, chiếm tới gần 30%...

 

Đứng dưới gốc độ của người đi xa mà nói chắc không khách quan và không sát lắm nhưng sự thật thì hàng trăm héc ta rừng xưa giàu tài nguyên do ông cha khai phá rất thân thuộc với dân làng nay không còn được hưởng. Đất Hói Hạ, đất Đôồng Hà, Đồông Đưới nhiều chỗ cũng không còn là của làng mình nữa. Đất ngoài làng chỗ nào bán được thì đã bán hết.

 

Hói được chia ra hơn 150 hồ nuôi tôm lộn xôn, manh múi. Nuôi trồng thủy sản nhờ vào may rủi. Mười người nuôi tôm thì may ra có một thu hoạch có lời vì vậy mà hầu hết hồ bỏ hoang, rất lãng phí từ lâu. Chưa có cách khắc phục ô nhiệm môi trường cho đồng tôm thì nay đã xuất hiện kho phân phối xăng dầu đặt nơi đầu nguồn ngọn nước. Ai giám nói chắc là không gây ô nhiễm? Chưa nói đến phần tâm linh hồ đã chặn mất “long mạch” và bó chân của “Rồng” Đàng Sau, nơi đã từng được trời phú cho con Hói và ông cha vun đắp nảo vét. Những Đôồng, những Bàu và Cồn ở Đàng Trước cũng vậy, nay đã bị chia nhỏ manh múi. Không còn “Cửu khúc Long khê” nữa rồi, đã mất đi những nét đẹp do thiên nhiên ban tặng và ông cha tạo dựng từ lâu đời, lũ lụt về nước muốn dâng, muốn cuộn vào làng thì cứ việc. Ba giếng “khoáng mạch” thuộc loại bậc nhất thiên hạ cũng bị lấp chặn. Vô tình đã chặn hết “Long Mạch” và bó hết chân của “Rồng”.

(Bản đồ xã Hạ trạch-Tư Liệu chụp từ Google 2009)

 

Mong sao Hói được trả lại nguyên thủy như một con sông nhỏ để người nghèo thì bắt con cá ngạnh, đơm con tôm đất, lưới con cá đối, cá tìa. Người có điều kiện thì làm hồ nuôi tôm hai bên bờ Hói, rồi làm đường giao thông phục vụ khai thác và vận chuyển, làm mương nước ngọt để điều hòa độ mặn, vừa để lấy nước sạch khi cơn nước lên, tháo nước bẩn ra khi cơn nước xuống. Ở Đàng Trước cũng vậy, vét lại “Cửu Khúc”, hai bên bờ tha hồ mà lập trang trại nuôi cá, nuôi vịt, trồng lúa, trồng màu để chừa con cá rô, cá tràu tự nhiên cho người nghèo không có điều kiện. Khôi phục lại Cồn Cui để ngoài việc làng tổ chức cúngâm hồn lễ Thanh minh thì còn làm nơi khấn trời, cầu xin mưa thuận gió hòa như các Cụ Tổ xưa đã làm.

 

Đình làng thì đã được khôi phục nhưng Chùa-Miếu-Đền thì đến bao giờ? Thời nay trên đất nước mình đâu đâu người ta cũng khôi phục và tu sửa Chùa -Đền - Miếu- Mả,thẩm chí còn xây mới các trung tâm Phật giáo. Quốc tổ thì có đền thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ; đền, chùa thờ các nhà Lý, Đinh, Lê tại Bái Đính-Ninh Bình; Nhà Trần ở Thái Bình, Hà Nam; Nhà Nguyễn ở Huế… Các đền, chùa “Tứ Trấn” ở Thăng Long cũng được tu sửa từ lâu. Các làng xã trong cả nước cũng không ngừng tu bổ, không còn ai cho là phát triển mê tín dị đoan nữa cả. Tại sao Quốc thể và các địa phương nhìn thấy tầm quan trọng mà khôi phục và tu sửa còn quê mình thì liệu bao giờ mới nghĩ tới?

 

Trao đổi với các anh lãnh đạo xã bây giờ các anh cũng trăn trở lắm, cũng quyết tâm tìm cách làm cho dân giàu làng mạnh lắm. Nhiều việc bây giờ nói thì dễ nhưng khó tháo gỡ. Nhưng dù sao cũng rất mong làng ta có một tầm nhìn mới, tầm nhìn xa hơn mà quy hoạch lại một cách có bài bản để vừa phát huy được lợi thế của làng nơi hồn thiêng sông núi, nơi hào kiệt hùng anh, vừa bảo vệ được thành quả của ông cha mình gây dựng. Khi đã có đồng thuận, lòng thuận thì “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” như Đình làng mà các anh đã và đang ngày đêm lo toan là một ví dụ. Dân làng ghi nhận những đóng góp của các anh lãnh đạo khóa này. Thay cho lời kết tôi muốn dẫn lời của độc giả Quang Linh khi nói về bài viết của anh Lưu Đức Hải trên trang Web caolaoha.com “Hỡi các con em quê mình cùng chung tay góp sức xây dựng để làng- xã ngày một vươn cao vươn xa như truyền thống quê mình. Một ngày không xa con em mình không chỉ biết về đất "Kỳ Phong-Long Khê", về Phố, về Thành, về Đình, về Khe Cù, Hói Hạ...Về những câu chuyển cổ ngày xưa của làng mà còn thấy và nghe nhưng câu chuyện hào khí của ngày nay.

 

------------------------------------------------------

(1) “Đại Việt sử ký toàn thư”. NXB Khoa học xã hội 1972, trang 237.

(2) Lời phỏng đoán và ví của người viết bài này.

(3) Theo tư liệu văn hóa Chăm “Hệ thống giao thương ven sông- Khám phá văn hóa miền Trung” của baodulich.net.vn, dịch giả Lê Doanh. Vương quốc Chăm-pa ở đất Việt có niên đại từ thế kỉ 2. Lãnh thổ Chăm-pa trải dài từ phía nam Đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận (vào khoảng giữa các vĩ độ 11° và 18° Bắc) ở Nam Trung Bộ. Theo các tài liệu lịch sử  Trung Quốc, năm 192 - 193, do sự cai trị hà khắc của nhà Hán (206 TCN - 220 SCN),  người dân huyện Tượng Lâm (Xiang Lin) đã nổi dậy tiêu diệt viên quan người Hán ở địa phương, giành chủ quyền và thiết lập nhà nước độc lập riêng, đặt tên là Lâm Âp (Lin-yi) (192 - 758), sau được biết đến với tên Hoàn Vương (Huan-Wang) (758 - 886), và tiếp sau là Chiêm Thành (Zhan Cheng) (886 - 1471). Tên Chiêm Thành (Zhan Cheng) có nguồn gốc từ chữ Champapura trong tiếng Phạn, là tên một thành phố của Chăm-pa. (Các) vương quốc Chăm-pa chủ yếu nằm trên một dải đất dài hơn 1000km dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Gần đây, các sử gia đã tranh luận quanh vấn đề vương quốc Chăm-pa phải chăng được hình thành từ nhiều tiểu quốc độc lập, tức là vương quốc này không phải là một thực thể chính trị thống nhất mà là một liên bang gồm nhiều tiểu vương quốc, mỗi tiểu vương quốc có một trung tâm chính trị riêng. Tham khảo: Bruce Lockhart và William Duiker, Historical Dictionary of Vietnam (Maryland: The Scarecrow Press, 2006), pp. 65-66. [Từ điển Lịch sử Việt Nam (Maryland: NXB Scarecrow, 2006), trang 65 - 66].

(4) Tư liệu trongbài “Giới thiệu một số thành cổ Chămpa tiêu biểu” du Quang-binh, BEFEO, III, năm 1903, trang169-170 mục sư Cadiere người Pháp miêu tả về thành Cao Lao Hạ  như sau: thành có“ hình vuông, mỗi bề chừng 200m,  lũy đất dài chừng 5m ở chân, 2-3 m trên mặt, cao chừng 2m. Ở ngoài lũy có dãy đất rộng chừng 3m chạy  chung quanh, xung quanh thành có hào sâu nay đã hóa ruộng, hào rộng chừng 15m, cách lũy chừng 6m...http://khaocoviet.forum-viet.net/forum-f1/topic-t33.htm.

(5) Theo tư liệu của Viện Hán Nôm. Bài văn “tế Đình Làng Cao Lao Hạ”. Căn cứ văn phong thể hiện (ở bài tế Đình Trung, bài văn tế này có lẽ được viết vào thời Lê- Trịnh, có tục lệ chồng tiền để mua danh vị như Bá hộ, Thiên hộ... các chức danh “nhưng”...Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.535-547).

(6) Tư liệu trong bài “Cao Lao Hạ - Miền đất Cửu Khúc Long Khê” của Lê Văn Sơn trích dẫn “Lịch sử Qảng Bình”.

(7) Tư liệu trong bài viết “Cao Lao Hạ - Chiều sâu văn hóa của một làng quê” của Lê Chiêu Phùng và Thế Tường.

(8) Số liệu theo bài viết “Đình Làng Cao Lao Hạ” của Cảnh Giang.

(9)  Lời phỏng đoán của người viết bài này.

Tác giả : Nguyễn Danh Lợi

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip