Nguyễn Ngọc Khương

19:34 - 01/07/2012

Nhà thơ Ngọc Khương, thầy giáo của nhiều thế hệ học sinh Hạ Trạch luôn nặng tình với quê hương qua tập thơ vầng “Trăng Nhật Lệ"

 

Quê hương Quảng Bình đối với tôi vừa gần gủi thân thương, vừa thiêng liêng máu thịt; nó rạo rực, bâng khuâng; có khi đau đáu, có khi dịu ngọt, có lúc trào dâng, có lúc lắng động; nó níu kéo, giằng xé, mơn man, xõa vỗ hồn tôi như môi sóng hôn bờ” và “Quê hương như dòng suối tâm linh róc rách trong cõi lòng, là giọt lệ kim cương lấp lánh, là vầng trăng huyền ảo tỏa sáng trong tôi…”. Đó là những lời tâm sự của anh Nguyễn Ngọc Khương - một người con sinh ra trên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió. Từ thành phố Hồ Chí Minh, mỗi khi nhắc đến miền trung, nhắc đến Quảng Bình, anh lại nghẹn ngào xúc động. Và chính cái “mơn man” đó là động lực, là chất “men tình” trong sáng tác của anh

 

 

Tập thơ “Trăng Nhật Lệ” là một trong 10 tập thơ chọn lọc mà nhà thơ Ngọc Khương, hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã khắc họa khá đậm nét về mảnh đất, con người Quảng Bình với một tâm trạng khắc khoải, nhớ thương:

 

Tôi đi xa mang theo cả quê hương
Đêm trăn trở, nghe trăng vàng quẩy sóng
Những đôi mắt bồ câu tròn xoe, mơ mọng
Và tiếng gõ chài khắc khoải gõ mòn tôi…


Nguyễn Ngọc Khương sinh ra và lớn lên tại thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch. Là một người thầy giáo đa tài và “trời” còn phú cho anh nét dịu hiền, dễ gần, dễ mến. Phải chăng cái chất dung dị bình thường ấy lại là ưu thế mà không ít chị em “cất giấu hình bóng anh” trong trái tim của họ. Suốt thời kỳ giảng dạy trên quê hương Hạ Trạch, Mỹ Trạch, rồi làm thơ, làm báo, viết sách…Và sau này với nhiều tập thơ như: Trăng nghiêng, Cây đàn và bông hồng, Hồn quê, Cõi người, Cây đổi màu, Võng tình…ra mắt bạn đọc. Không chỉ làm thơ mà anh còn viết nhiều tác phẩm nghiên cứu văn học, kịch bản phim như: Vĩnh Phước mến yêu, Đi tìm dấu tích Tổ tông… Tháng 7 năm 2012, nhà thơ Ngọc Khương ra mắt tập thơ “Trăng Nhật Lệ” do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành với 40 bài thơ chọn lọc trong số gần 100 bài thơ viết về quê hương Quảng Bình yêu dấu. Có thể nói “Trăng Nhật Lệ” đã gửi gắm tấm lòng mến thương của anh với bạn bè, người thân, với quê hương đất mẹ. Chính vì thế mà dù ở đâu, hai tiếng Quảng Bình luôn làm trái tim anh trăn trở:

 

Nghe bài hát quê hương, thương Mạ quá chừng
Sáng tần tạo chợ Đồn, chiều còng lưng dặm lúa…
Gió bấc úa vàng ngọn cỏ
Bao giờ hết khổ Mạ ơi!
(Nghe bài hát Quảng Bình)


Quảng Bình còn nghèo và vất vã lắm nhưng ở đâu có được như quê tôi, bởi người quê tôi chịu thương chịu khó, đùm bọc, sẽ chia:


Người dân quê tôi cần kiệm thảo lành
Bát cháo sớt đôi, miếng trầu chia nửa

(Quê tôi)


Làng tôi một người bệnh nháo nhác cả thôn
Một người sinh, chật nhà than lửa.

(Ký ức làng tôi)


Vào những mùa mưa lũ, quê tôi lại gồng mình chống lũ. Những người con xa quê lại đau đáu ngóng về:
     

Đọc bản tin, con sao cầm nước mắt

Nỗi niềm đậm ướt trang thơ
(Nỗi niềm sau cơn lũ).


Những người dân quê mộc mạc, chân lấm tay bùn, một nắng hai sương bám trụ ruộng đồng, đùm bọc giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn, trong những lúc gian khổ:


Làng tôi qua bao cuộc chiến tranh
Lá lành đùm lá rách
Có bà mẹ mấy người con mất tích
Đêm ngâm Kiều khuây khủa những buồn đau

(Ký ức làng tôi).

 

Ngọc Khương nhớ từng bờ tre, khóm lá, nhớ từ ruộng mạ, luống khoai, nhớ cổng làng, nơi chứng kiến bao thế hệ ra đi, bao người con trở lại:

 

Cổng làng như ánh trăng vàng

Vắt qua bao kiếp nghèo, sang cỏi người…
 

Và:    

 

Một đời xuôi ngược bôn ba
Xế chiều lại muốn nghiêng qua cổng làng
(Cổng làng)


Là một thầy giáo, ngoài sự yêu thương học trò, ở con người ấy luôn cháy bỏng tình yêu của một thời trai trẻ lãng mạn:

 

Một thời không giám tỏ tình

Bên bầu, bên bí liếc nhìn nhau thôi

Để rồi mỗi đứa một nơi

Lòng ta như thể cắt đôi trái bầu

(Trái bầu)


Những người con gái quê tôi “hiền như hạt lúa, cọng rau” nhưng khi đã yêu thì tấm lòng luôn son sắt thuỷ chung:
    

Làng tôi con gái mắt bồ câu

Yêu ai như đinh đóng cột
Chẳng mượn vừng trăng thề thốt
Mà suốt đời vẫn sóng sánh lòng nhau.
(Ký ức làng tôi)

 

 

Có thể nói tập thơ “Trăng Nhật Lệ” có nhiều bài hay, nhiều câu thơ xúc động, ta như muốn đọc từng câu và nuốt từng lời. Bài thơ “Bà Nội” của Ngọc Khương là một trong những bài như vậy. Đọc bài thơ Bà Nội của anh, tôi thầm nghĩ: “Hình như suốt thời kỳ bé nhỏ anh sống trong tình yêu thương của bà. Bà vừa là mẹ, vừa là cha dìu dắt anh” bởi vậy hình bóng bà Nội luôn trong trái tim anh:

    

Một đời rơm rạ ruộng đồng
Nội đi, chỉ tấm lưng cồng mang theo
Cỏ vàng nấm mộ buồn teo
Buốt mưa đêm, rát nắng chiều Nội ơi
    

Nhà thơ Ngọc Khương đã biết “khai thác” nội tâm và cách gieo vần phù hợp cho từng bài thơ, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc:

 

Nay về thăm Nội vàng thu

Nén hương quặn cháy, nghiêng mồ lệ rơi
Nghe như tiếng Nội à ơi
Từ trong ruột đất xé trời bươn lên…

 

Rồi mỗi lần về quê không thấy Nội, không còn nghe tiếng à ơi của Nội… nhưng bóng hình Nội vẫn ở đâu đây:
    

Hình như Nội đứng cuối vườn

Lưng còng xuống đất, tay nương cuốc cào
Đúng rồi, Nội hóa trăng sao
Cây đa- bóng Nội ánh vào vườn thơ…        
    

Là người thầy, người “lái đò” và cùng với nhiều đồng nghiệp đưa bao thế hệ học trò “qua sông”, để rồi mỗi khi gặp lại, tay bắt mặt mừng và họ lại đọc cho nhau nghe những vần thơ cháy lòng:

 

Đọc thơ bạn, ấm hồn quê
Nôn nao duyên phận, bộn bề riêng chung


Và:  

 

Cũng là một kiếp tài hoa
Câu thơ lòng bạn, ngân nga lòng mình
(Lòng bạn)


Bài thơ “Ruột se”, anh viết tặng những người thân trong gia đình như một lời tâm sự, sẻ chia. Sau đây là nỗi niềm của anh trước tình cảnh của các chú:


Tuổi hoàng hôn nắng tắt
Bữa ăn nghẹn muối mè
ốm đau thân queo quắt
Nhìn nỗi đời,ruột se!
(Ruột se)

 

Qua bao thăng trầm cuộc sống, kẻ còn, người mất…và mỗi lần thăm quê, hình ảnh những người thân từ trong cõi chết lại hiện về:


Anh nhìn thấy ánh mắt em trong mộ
Một nữa thương con, một nữa thương chồng
Người đã khuất khóc cho người còn sống
Khói nhang chiều quặn lại phía bờ sông!

(Thăm em)


Mỗi lần về Hạ Trạch, huyện Bố Trạch quê hương của nhà thơ Lưu Trọng Lư, nơi Ngọc Khương đã từng giảng dạy và cũng là nơi chắp cánh cho hạnh phúc, cho thơ ca anh bay cao, bay xa; đứng trước ngôi nhà tượng niệm nhà thơ Lưu Trọng Lư, anh đã xúc động:


Vầng thơ đã lặn rồi
Cây đa đâu còn nữa!
Ngơ ngác giữa vườn đời
Con nai vàng một thuở

(Trăng thi nhân).     

 

Trường Trung học cơ sở Hạ Trạch nay đã được đổi tên thành Trường THCS Lưu Trọng Lư. “Ngôi trường ấy buồn vui một thuở” để rồi người người ra đi rạng rỡ non sông:

 

Ngôi trường ấy quặn mình trong máu lửa
Mát bàn tay tô thắm mảnh vườn hồng
Lớp đi trước bao vầng trăng mờ tỏ
Người đi sau rạng rỡ mặt non sông
(Ngôi trường mang tên Thi Sĩ)

 

Là một doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực tại thành phố Hồ Chí Minh, anh luôn đau đáu hướng về quê hương đất mẹ, nơi có những cây đa, giếng nước, sân đình, nơi có bãi biển chạy dài theo bờ cát, những chiều hè thả mình giữa sóng biển quê hương:

 

Khỏa mình trên sóng đê mê
Mới hay tình biển - tình quê dạt dào…
(Tắm biển)

 

Những địa danh Đồng Hới, Đá Nhảy, cầu Gianh, Phong Nha, Nhật Lệ… luôn là đề tài sáng tác của Ngọc Khương. Đứng trước cửa động Phong Nha Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên Thế giới, anh như choáng ngợp:


Động gì như mộng, như thơ
Kìa tiên, kìa bụt… cỡi rùa hiện lên
Quan Âm, Bồ Tát cười hiền
Mây xanh, mây trắng lượn bên Phật Đài

(Phong Nha động)


Sông Gianh, ký ức chiến tranh, một thời lửa đạn, nơi bao thế hệ thầy trò trưởng thành, giờ đã mọc lên một cây cầu như huyền thoại:

 

Nay chín nhịp cầu ngạo nghễ bắc qua sông
Ước vọng ngàn đời giấc mơ hóa thật
Như con rồng vắt mình qua lịch sử
Như chân trời khép lại bến bờ xa
(Chín nhịp cầu mơ)

 

Có lẽ hạnh phúc nhất là nhà thơ được cùng với bà con, họ hàng ngồi trên chiếu giữa sân đình để
   

Vắt nắm xôi làng đưa lên miệng
Mềm dẻo, thơm lừng vị hương quê…
(Xôi làng)


Ngày về thăm Đồng Hới, bên chân cầu Nhật Lệ thân thương, các thế hệ học trò lại tề tựu bên nhau mừng mừng, tủi tủi khi gặp lại người thầy yêu quý của mình. Vẫn chất giọng đằm thắm ngày nào, Ngọc Khương “xuất khẩu” thành thơ:


Trăng Nhật Lệ đêm khuya trong vắt
 Bóng huyền quang lấp lánh chân cầu
Đêm hội ngộ mà sao ướt mắt
Biết mai rồi trăng lặn về đâu?
(Bên cầu ướt mắt)


Và Ngọc Khương đã thốt lên:
Ôi vầng trăng Nhật Lệ
Gom từ vạn thương đau
Nhặt từ muôn cát bể
Nghìn trùng xin nhớ nhau…

(Trăng Nhật Lệ).


Thơ Nguyễn Ngọc Khương bình dị, sâu lắng, chân tình, nếu đọc kỹ ta thấy lung linh từng câu chữ và rất dễ đi vào lòng người; vì ở anh luôn đau đáu nhớ về quê hương đất mẹ, nhớ về cuội nguồn bè bạn thân thương. Dù ở đâu, làm gì, anh cũng luôn mang trong mình hồn cốt của quê hương Quảng Bình yêu dấu. Đọc thơ anh ta như thấy tâm hồn mình trẻ lại.
Trong tập thơ “Trăng Nhật Lệ”, mỗi bài thơ như một bông hoa đầy hương sắc, như một bản nhạc đầy quyến rủ. Tập thơ dịu dàng toả sáng như vầng trăng Nhật Lệ giữa đêm hè.


Kính chúc anh Ngọc Khương, một nhà thơ tài hoa của quê hương Quảng Bình đang sinh sống trên mảnh đất phương Nam, nơi thành phố mang tên bác Hồ kính yêu, luôn luôn được sức khoẻ, hạnh phúc và chúng ta có quyền hy vọng trong thời gian tới sẽ được thưởng thức nhiều bài thơ “để đời” của anh.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip