Cần khắc ghi những giá trị lịch sử vĩ đại của dân tộc

09:42 - 27/07/2014

Bài viết kỷ niệm về ngày Thương binh liệt sỹ của anh Phan Văn Hà

Bài viết kỷ niệm về ngày Thương binh liệt sỹ của anh Phan Văn Hà

 

Cuộc sống thường nhật, bao người xuôi ngược Bắc Nam, hỡi ai có dịp đi qua nơi này có biết chăng đây là những địa danh lịch sử hào hùng. Xin dừng chân nán lại dù một phút thôi, ngả mũ, cúi chào những linh hồn đã ngã xuống, không tiếc tuổi xuân, cho non sông nối liền một dải.

 

Địa danh Phà Gianh - Ngầm Hói Hạ - Đường Ba Trại, có lẽ cứ dần chìm sâu vào dĩ vẵng. Đã bao lần, tiếng nói của những con người có lương tâm muốn đánh thức lịch sử, để nó được sống lại những ngày hào hùng của dân tộc, cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.

 

Đã hai năm trôi qua rồi trên trang báo làng có đăng những bài “Đường qua làng Hạ”; “Ngầm Hói Hạ”; “Bến phà Gianh một thời đạn lửa” hay “Cũng đã đến lúc lịch sử hãy trả lại nguyên giá trị của nó !”…, rất được dư luận trong cộng đồng hưởng ứng. Cứ ngỡ rằng một ngày không xa địa danh Phà Gianh - Ngầm Hói Hạ - Đường Ba Trại, sẽ được sánh ngang với các di tích lịch sử Hang Tám Cô; Ngã Ba Đồng Lộc; Truông Bồn …

 

Dòng sông Gianh hôm nay như mặn chát hơn, nó lững lờ trôi ra biển Đông trong nỗi buồn tủi cô đơn. Cái nắng như đổ lửa rọi xuống vùng đất địa danh lịch sử, càng làm tăng sự oi ả của những ngày hè tháng bảy, deo vào lòng ta một nỗi buồn man mác.

 

Chiếc cầu bê tông sừng sững lầm lũi cõng những đoàn xe, những bước chân hối hả tìm về nơi phố hội phồn hoa, nơi đó có lầu son gác tía, nơi mà nó thể hiện sự quyền uy. Chúng ta nên nghĩ tới việc xây dựng một tương đài khắc ghi những dọt máu, những nắm xương tàn của đồng bào, đồng chí vinh quang đã ngã xuống nơi này. Nhân dân, đồng đội, người thân và các thế hệ thanh thiếu niên đang cần tìm đến, dâng một nén hương tri ân. Sự hy sinh lớn lao của đồng bào, đồng chí cho hôm nay, chúng ta cần phải làm tròn trách nhiệm.

 

Bao trụ sở công quyền xây lên rồi đập đi xây lại, để thể hiện sự uy quyền mà không xót thay cho những đồng tiền của nhân dân đóng thuế, thật là buồn. Nếu biết quý trọng sức dân thì những đồng tiền đó, đủ cho việc xây những tượng đài di tích lịch sử văn hóa. Nó là biểu tượng khắc sâu vào lòng người ngàn đời của cả một dân tộc khát vọng yêu hòa bình, không khuất phục, đứng lên dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã chứng minh, sẽ không có lâu đài bê tông sắt thép nào bền vững hơn lâu đài được xây dựng từ lòng dân.

 

Những ngày qua, biển đảo quê hương đã bị xâm phạm, cả nước đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và Hoàng Sa, Trường Sa đang hướng về Tổ quốc. Nếu những giá trị lịch sử trả về nguyên giá trị của nó, thì sức mạnh dân tộc sẽ nhân lên gấp bội, nó nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước.

 

Hôm nay bóng cầu Ganh cứ âm thầm, soi xuống dòng sông. Chiếc cầu đang làm nghĩa vụ, che cho những linh hồn còn nằm lại dưới đáy sông, cùng với xác những con phà mục nát vùi trong bùn sâu.

 

Lọt thỏm, hững hờ bên chân cầu, bờ Bắc hình tượng một cái phao, gắn hình chiếc vô lăng, không tương xứng với những chiến công vĩ đại của bộ đội Hải Quân nhân dân Việt Nam. Hình tượng đơn điệu của bức phù điêu ấy, tựa như một quả cầu hỏng của lũ mục đồng, sau nhưng phút rong chơi quên lãng, những con bò gặm cỏ thỉnh thoảng ngơ ngác nhìn lên chia sẻ. Hôm nay người ta sực nhớ đang vá víu, xây hàng rào bao quanh nhốt nó lại. Họ có nghỉ tới hình tượng hiên ngang của hải quân nhân dân Việt Nam với những con tàu rẽ sóng ra khơi bảo vệ biển trời của Tổ quốc ?

 

 

Bờ Nam với một phiến đá vôi khoảng hai mét vuông dựng lên chênh vênh bên bến phà hoang phế như cái bảng tin thời chiến, nghi lên những dòng chữ di tích lịch sử cùng với bát hương nhỏ. Bến phà Gianh, một di tích lịch sử đang quặn đau trong mình ống nước thải của xưởng gia công hải sản“Mực”, được chôn ngầm dưới lớp bê tông. Mỗi lần xạ thải, nước đen ngòm, mùi hôi bốc lên nồng nặc cả một vùng bến sông nơi có bến phà Gianh di tích lịch sử. Những hình tượng đó như nét chấm phá, deo vào lòng ta bao nổi buồn, dận.

 

  

 

Ngầm Hói Hạ, những con người một thời ngâm mình trong nước với ánh “Lửa đèn nấp trong kẽ lá” làm cọc tiêu sống trong đạn lửa nay chỉ còn dấu tích một phần nào. Con đường Ba Trại nhuộm đỏ máu thịt của bao người trên từng mét đường, nay vẫn hiện hữu uốn lượn xuyên qua bao dốc, bao đồi. Con đường bây giờ có khác xưa, cũng được “lát đá, rải nhựa” lượn sóng, bao chuyến xe qua, tựa ngựa phi. Ngày ấy hai bên đường, rừng cây xanh mát phủ kín, ngụy trang cho những đoàn xe hành quân vào Nam đánh giặc, trong tiếng gầm rú, sục sạo của máy bay Mỹ. Hôm nay nhìn thảm thực vật hai bên đường điêu tàn, nó bị chặt, đốt không khác gì B52 rải thảm năm xưa.

 

Vinh giữ cho con đường huyền thoại năm xưa, nay con đường lại gánh thêm một trách nhiệm mới. Đường Ba Trại, con đường du lịch đến với Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ Phong Nha xuôi theo đường Ba Trại, con đường đưa đồng bào, khách thập phương đến viếng Người con của quê hương Quảng Bình sau 103 năm hiến dâng đời mình cho dân tộc, cho nhân loại, nay ông về lại với lòng đất mẹ thân thương.

 

Có phải chăng sự trở về với đất mẹ quê hương, Ông không quên dành những “bước chân” cuối cùng đi qua Ngầm Hói Hạ, bến Phà Gianh, để ngắm con đường Ba Trại. Những địa danh này, có đồng chí, đồng bào của Ông đã ngã xuống cho ngày đất nước độc lập thống nhất.

 

Cũng đã đến lúc rồi đó, hãy trả lại những giá trị lịch sử của bến Phà Gianh - Ngầm Hói Hạ - Đường Ba Trại.

 

 

Hôm nay kẻ xâm lược đang ngày đêm xâm chiếm biển đảo quê hương. Lòng tự tôn dân tộc nếu không khơi dậy bằng những việc làm tri ân, sẽ là có tội với đồng bào đồng chí đã ngã xuống. Tội lỗi đó ngàn đời không rửa sạch. Bến Phà Gianh - Ngầm Hói Hạ - Đường Ba Trại, cần phải được tôn tạo thành một di tích lịch sử linh thiêng trên con đường thiên lý Bắc Nam, như những di tích lịch sử Hang Tám Cô; Ngã Ba Đồng Lộc và Truông Bồn…

 

Xin được kính cận cúi đầu trước những linh hồn đang phiêu diêu ở chốn này. Xin các anh, các chị và bà con cô bác phù hộ, mong tiếng nói nhỏ nhoi của PVH này góp phần vào việc thực hiện tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ. Rồi một ngày không xa, các em thơ, thế hệ tương lai của đất nước, ngày ngày qua đây dâng những bông hoa tươi thắm, thắp một nén nhang thơm và cất cao lời ca, đầy tự hào về thế hệ cha anh, đã hiến dâng đời mình “Mãi mãi tuổi hai mươi” cho non sông nối liền một dải.

Tác giả : Phan Văn Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip