Đình làng Cao Lao Hạ

10:14 - 12/11/2010

Đình làng Cao Lao Hạ được toạ lạc trên một khu đất tương đối cao, mặt đất bằng phẳng, nằm bên dòng Hói Hạ, sát đường quan liên xã trên địa bàn xóm 7 xã Hạ Trạch ngày nay.

 

 

Theo địa chí làng Cao Lao Hạ, NXB Thuận Hoá năm 2007 của tác giả Lê Văn Sơn thì đình làng Cao Lao Hạ được toạ lạc trên một khu đất tương đối cao, mặt đất bằng phẳng, nằm bên dòng Hói Hạ, sát đường quan liên xã trên địa bàn xóm 7 xã Hạ Trạch ngày nay. Mặt đình nhìn ra hướng bắc, có ngã ba sông, nơi hội tụ của nguồn Son, nguồn Nậy của dòng sông Gianh lịch sử; lưng tựa vào làng tạo nên thế đứng vững chắc. Đình làng Cao Lao Hạ chưa tìm ra tài liệu nào ghi lại được xây dựng chính xác vào ngày tháng năm nào? Theo truyền ngôn của các cụ già làng thì năm Minh Mạng thứ 3 (1882) tức là cách đây 186 năm, làng đã tôn tạo lại ngôi đình. Trải qua mưa nắng của thời gian, bom đạn của chiến tranh, đình làng bị xuống cấp hư hỏng nặng. Đến gần 120 năm sau, năm Tân Tỵ Bảo Đại thứ 16 (1941), ông Lưu Trọng Dư, một thầy thuốc tây y nổi tiếng người Cao Lao Hạ đã đề xuất dân làng đóng góp công sức tiền của tôn tạo lại ngôi đình làng khang trang uy nghi. Đình làng được xây dựng bằng đá, lợp ngói vảy, vôi trộn nhựa tơ hồng quết với giấy bản mật mía (không có sắt thép xi măng  như bây giờ). Đình làng có tường rào bao quanh, trước mặt tường thành có hình voi chiến, ngựa chiến đắp nổi bằng vữa, ốp những mảnh sành đường nét sắc sảo hài hoà, mang cốt cách phương Đông, đăng đối cung đình. Đình làng không những là nơi thờ tự tế lễ, rước sắc, hội họp tổ chức lễ hội của làng mà ngôi đình còn gắn với những biến cố thăng trầm của lịch sử diễn ra trong tiến trình phát triển quê hương đất nước qua các thời kỳ dựng làng và giữ làng. Cho đến nay gầy 300 năm trôi qua, đình làng Cao Lao Hạ chỉ còn là phế tích, mái đình, cây đa đã bị bom đạn đế quốc Mỹ san bằng, nay còn sót lại hai cột cổng.

 

Cống đình có hai trụ vuông vức, trên hai trụ biểu cổng đình có hai con nghê to đắp nổi, ốp những mảnh sành màu xanh nhạt rất công phu gợi lên một biểu tượng đẹp đẽ về sức mạnh đoàn kết của những người con làng Hạ. Bốn mặt mỗi trụ có 4 hàng dọc viết 4 câu đối bằng chữ Hán, có nội dung ca ngợi thế đất cao bền của một làng quê địa linh nhân kiệt.

 

Câu 1 hướng về Nam:

“Thiên khai thạnh hội quang cường thịnh

Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim”.

 

Câu 2 hướng về Bắc:

“Linh thuý ngoại triều nội thất hà khê lai hoạt thuỷ

Hoành sơn viễn, cung hậu tam sa phụ túc bình sơn”

 

Câu 3 (trong lòng trụ đông tây đối diện):

“Vi chi triêu biểu cao thanh tín mỹ diệm giang sơn

Lập cá chuyển trung thượng hạ cổ kim khai vũ miếu”

 

Câu 4: (Phía ngoài trụ theo phía đông - tây):

“Hương tích vạn thiên niên quan yên dân lạc

Lý thành nhị thập ấp mỹ tục thuần phong”.

 

(Địa chí làng Cao Lao Hạ, Tr208).

 

Đình làng Cao Lao Hạ thờ 7 vị nhân thần là những vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh, thờ các nhân thần là các vị anh hùng vì dân vì nước mà hy sinh. Đình làng còn thờ các bậc cao niên, các bậc hiền tài được vua phong, cùng các vị có công sửa trị làng quê trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài các miếu thờ các Thành hoàng, Thuỷ tổ các dòng họ thì hàng năm tế lễ Kỳ phúc (Kỳ yên) làng mời các vị thần thờ ở các miếu về đình làng lễ tế chung, lễ xong làng rước trở lại đền thờ cũ. Theo các bài tế tại đình còn lưu truyền thì các ngài được thờ như:

 

– Ngài Lưu Văn Tiên (Thuỷ tổ dòng họ Lưu).

– Ngài Lê Quang Lữ (Thuỷ tổ dòng họ Lê Quang).

– Ngài Nguyễn Văn Khai (Thuỷ tổ dòng họ Nguyễn Văn)

– Ngài Lưu Văn Hành (Vị hầu hiền dòng họ Lưu)

– Ngài Lê Văn Giám (Vị hậu hiền dòng họ Lê Văn).

– Ngài Lê Quang Diệu (Vi hậu hiền dòng họ Lê Quang).

– Ngài Lê Chiêu Phúc (Vị hậu hiền dòng Lê Chiêu).

 

Ngoài việc thờ 3 vị tiền hiền khai khẩn, 4 vị hậu hiền khai canh, trong các gia phả các dòng họ, thờ ở các nhà thờ họ, mới thấy mảnh đất này xưa đã có nhiều bậc hiền tài đỗ đạt làm quan. Theo gia phả dòng họ Lê Quang thì dưới triều Nguyễn (Gia Long) năm Tân Dậu (1801) ông Lê Quang Hào người Cao Lao Hạ thuộc tổng Thị Lễ được bổ nhiệm giữ chức chỉ huy đội II của Vệ chấn võ (vệ gồm 3.600 lính) thuộc Đạo Trung quân.

 

Năm Quý Hợi (1803) ngài Lê Quang Hào được vua Gia Long ra chiếu nghị phong tước Hầu “Mân Nhật Hầu". Năm Giáp Tuất (1814), nhờ có chiến tích tốt, ông có những đóng góp cho nước nhà. Do đó tổng Thị Lễ của ngài đổi tên là Tổng Cao Lao.

 

Ngài Thuỷ tộc của họ Lưu là Lưu Văn Tiên: Đại tướng quân tước hiệu vua phong: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phủ Chi Thần. Ngài Nguyễn Văn Khai: Đại tướng quân Nguyễn Quý Công. Ngài Lê Quang Lữ: Triệu phong Lê Quý Công.

 

Là một địa phương nghèo có truyền thống khoa bảng, do phong tục kính trọng học thức và khuyến khích sự học, làng Cao Lao Hạ có lệ thờ những nhà khoa bảng như 22 vị khoa bảng dưới triều Nguyễn đậu Phó bảng, Cử nhân làm quan to trong triều đình như:

 

– Ngài Thượng thư Lưu Đức Xưng, Cử nhân 1884.

– Ngài Lê Quang Trung, Hiếu Lâm Cai bộ Khánh Hoà

– Ngài Đặng Văn Thái, phó Bảng 1837

– Ngài Lưu Văn Bình, phó bảng 1853

– Ngài Lưu Lượng, cử nhân đi sứ Trung Quốc sau được vua Tự Đức bổ làm Tá Tham trị Bộ lại, sung viện cơ mật.

 

Làng cao Lao Hạ liên tục nhiều đời có người làm quan, đã có 8 vị làm tri huyện, 2 quan Bộ Lễ, 3 tri phủ, 1 tỉnh trưởng, 2 phó bảng, 13 cử nhân, 3 quan Văn, 13 quan võ và 25 vị chức tước khác. Ngoài ra, ở các nhà thờ họ các vị chức sắc của các dòng Họ được vua phong, ngày tế lễ ở đình cũng được mời vé ngự toạ. Như: Họ Lưu Quan có 5 vị; Họ Lưu Làng có 3 vị; Họ Nguyễn Văn có 63 vị; Họ Lê Chiêu có 2 vị; Họ Trần có 1 vị; Họ Lê Văn có 13 vị; Họ Lê Quang có 11 vị... Riêng các nhân vật khoa giáp võ ban có 5 vị cử nhân võ. Có 4 nhân vật nổi tiếng trong phong trào Cần Vương, đó là ngài Lê Mô Khải, Lê Quang Chánh, Lưu Điệt con cụ phó bảng Lưu Văn Bình, bà Nguyễn Thị Luyến đệ tam phu nhân ông Lê Mô Khải.

 

Ngày nay truyền thống khoa bảng, văn nhân, võ ban vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ như các nhà thơ: Lưu Trọng Tuần, Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư là con trai của nhà Hán học, cử nhân tri phủ Lưu Trọng Kiến (1864 - 1927). Nhà văn, nhà quân sự Lưu Trọng Lân con trai của nhà quân sự Lưu Trọng Lai cùng hàng ngàn tú tài, 615 cử nhân, 25 thạc sĩ, 19 tiến sĩ, 1 nhà giáo ưu tú. Về võ nghiệp có trung tướng Lê Văn Tri, thiếu tướng Lưu Bá Xảo, thiếu tướng Lưu Dương cùng 11 đại tá, 49 trung tá, 52 thiếu tá, 1 anh hùng lực lượng vũ trang và hàng trăm sĩ quan cấp uý khác… làng Cao Lao Hạ là quẻ hương của 192 liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ và 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Đình làng Cao Lao Hạ đã góp phần cùng quân và dân Hạ Trạch anh dũng chiến đấu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Năm 1885 ông Lê Mô Khải đã làm lễ Tế cờ Cần Vương tại đình làng cùng nghĩa quân trong vùng phò vua Hàm Nghi đánh Pháp.

 

Năm 1933 ông Lê Nguyên Phong, đảng viên đảng cộng sản Đông Dương lấy đình làng làm cơ sở hoạt động tuyên truyền đường lối cách mạng. Ngày 1/5/1933 lá cờ búa liềm đã được chuyền tay tại đình làng.

 

Tháng 8-1945 đình làng là nơi tập trung nghe diễn thuyết, nơi diễn ra cuộc mít tinh, giành chính quyên về tay nhân dân, thành lập Uỷ ban kháng chiến, Mặt trận Việt Minh Cao Lao Hạ; nơi tuyên truyền, quyên góp tham gia diệt giặc đói giặc dốt, tập luyện quân sự  đánh giặc ngoại xâm. Đặc biệt đình làng Cao Lao Hạ là một trong những địa điểm tổ chức bỏ phiếu bầu của huyện trong dịp bầu cử Quốc hội đầu tiên tháng 1 - 1946. Nơi dây chi bộ Đảng Cộng sản Trung Hồ được thành lập tháng 12 năm1946.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đinh lang là nơi tập luyện dân quân, là nơi tiễn con em lên đường vào Nam đánh giặc, trạm cứu thương của bộ đội, thanh niên xung phong, là nơi cư trú quân của bộ đội vào Nam ra Bắc qua bến đò Hạ Trạch, mảnh đất có anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tương chèo đò chuyển quân qua sông Gianh dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Đến khi đình làng bị bom bão đạn của quân thù. Đến khi đình làng bị bom đạn giặc Mỹ san bằng, gạch ngói, đá, gỗ của đình làng đã hoá thân thông đường cho xe ra mặt trận, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

 

Thể theo nguyện vọng thiết tha của bà con và con cháu trong làng, Hội đồng hương Hạ Trạch xa gần trong Nam ngoài Bắc, ngày 15/12/2008 tức là ngày 19/11 năm Mậu Tý, đình làng Cao Lao Hạ được khởi công xây dựng lại. Với mục đích bảo lưu, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hoá quý báu của ngôi đình cho các thế hệ con hôm nay và mai sau.

Tác giả : Cảnh Giang

Bình luận

Bài viết liên quan

Hoàn thành lát gạch sân Đình làng Cao Lao Hạ
Bộ hồ sơ công trình lát sân Đình làng Cao Lao Hạ
Thư kêu gọi ủng hộ kinh phí lát gạch sân Đình và tôn tạo một số hạng mục Đình làng
Danh sách dâng hương tại lễ cúng Thành Hoàng làng năm 2022
Chương trình chuẩn bị cho lễ cúng Thành Hoàng Làng

Video clip