Nguyễn Thành Công

14:54 - 26/12/2010

Caolaoha.com tìm được 2 bài viết về em rất cảm động, một bài trước khi em vào đại học và bài còn lại là sau khi ra trường. Em là một tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó, vươn lên trong học tập, lao động của quê hương Cao Lao Hạ

 

 

Nguyễn Thành Công (người đeo cà vạt) và bạn

 

Bài thức nhất "Đường đến giảng đường của Công" của Thân Ba (Lớp Báo chí K27 - ĐH Khoa học Huế), đăng trên báo dân trí Thứ Ba, 10/10/2006

                           

(Dân trí) - Nhóm bạn trai: “Một, hai, ba… lên nè”, còn các bạn gái: “Cố lên Công ơi!” những tiếng động viên ấy mỗi sáng vẫn cứ vang lên trong sự ngỡ ngàng của nhiều đôi mắt hiếu kì đang dõi theo một chàng trai trông trầm tư, lãng tử cố lăn từng vòng xe để vào lớp học. Chàng trai ấy là Nguyễn Thành Công, lớp Công nghệ thông tin K29 trường Đại học Khoa Học Huế.

 

Vòng xe cuộc đời

 

Nguyễn Thành Công sinh ra ở một miền quê nghèo ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. 4 tuổi mất cha, một mình mẹ phải oằn lưng kiếm từng bữa cơm lo cho ba chị em ăn học. Trong khi cuộc sống gia đình hết sức khó khăn thì cũng là lúc Công gặp phải một tai nạn “bỉ cực tử sinh”.

 

“Năm ấy em mới học lớp 6, một hôm đi học về thì thấy mệt mỏi, người giật từng hồi, ít bữa thấy tay chân co lại. Vì nhà nghèo, mẹ tưởng em ốm bình thường nên không đưa đi bệnh viện, khi bệnh nặng mới đi viện thì đã muộn, chân em bị tê liệt hoàn toàn” - Thành Công nhớ lại.

 

Phải nghỉ học mất 2 năm, ở nhà Công vừa điều trị bệnh vừa tự học bài. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn và sự ham học của Công nên ban khuyến học xã đã vận động quyên góp tặng em chiếc xe lăn để tiện đi lại.

 

Từ khi có được chiếc xe lăn, Công coi đó là một phần thưởng cho lớn mình, ngày ngày trên con đường đất đỏ ấy một mình Công lại rong ruổi đến trường. Công chăm học hơn nhiều, rồi liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Lớp 8 đạt học sinh giỏi huyện môn toán, lớp 10 đạt giải 3 môn hóa học cấp tỉnh, lớp 11 đạt giải khuyến khích môn toán của tỉnh…

 

Đỗ đại học: Không bất ngờ!

 

Trong kỳ thi tuyển ĐH năm 2005, chuyện cậu bé tật nguyền Nguyễn Thành Công thi đậu ngành Công nghệ thông tin (ĐH Khoa học Huế) không mấy bất ngờ, nhưng với số điểm 26 (kém thủ khoa 1 điểm) đã làm cho thầy cô, bạn bè và mẹ của Công ngạc nhiên và rất tự hào. Công kể: “Thấy mình học nhiều, có lúc thức trắng đêm ôn bài mẹ lo ảnh hưởng đến bệnh tật lắm. Thời gian ôn thi mình sốt đến hơn chục lần, giảm hơn ba cân, may mà bệnh không tái phát”.

 

Ngày nhập học, bên cạnh niềm vui là nỗi lo của người mẹ với bao khoản chi tiêu cho hai đứa con theo học đại học. “Mẹ em đã phải chạy vạy từ chỗ này đến chỗ khác mới kiếm được mấy trăm ngàn cho em và chị vào học” - Công nói tiếp: Biết mẹ khổ nên em đã xin ở thôi học ở nhà để lo cho chị học tiếp nhưng mẹ lại khuyên “chị em vào đó ráng chăm học là mẹ vui lắm rồi, còn tiền bạc mẹ xoay xở được”!

 

Ngày vào Huế, mấy mẹ con chỉ làm mâm cơn đơn sơ báo với cha rồi hai chị em khăn gói lặng lẽ vào Huế để học. Hai chị em Công thuê phòng trọ ở cuối kiệt 81 đường Nguyễn Huệ (TP Huế).

 

Ngày ngày chị đi học rồi về dạy kèm để có thêm tiền thu nhập lo thêm tiền nhà, tiền ăn. Còn Công ngày tự đến trường trên chiếc xe lăn, khi về nhà lại tranh thủ lê từng bước làm các việc vặt như nấu ăn, giặt giũ để khỏi nhờ tới chị.

 

Đồng hành với Công trên đường đến giảng đường là hàng trăm đôi mắt ngỡ ngàng dõi theo một chàng trai khuyết tật đang cố lê từng bánh xe. Nhưng với Thành Công, trên con đường đó không có sự mặc cảm nào mà là một ý chí nghị lực để vươn lên khó khăn.

 

Những vòng quay bánh xe của Công pha lẫn từng giọt mồ hôi, ở đó có những người bạn tốt như Viết Xuân, Chiêu Hoàng… đang đứng đợi ở góc cầu thang và có cả hình bóng của mẹ tiếp sức cho em trên giảng đường ĐH. Công tâm sự: “Mình bị bệnh thế này không biết khi ra trường có xin được việc không, nhưng mình muốn học để làm một điều gì đó giúp những người có hoàn cảnh như mình, về tin học chẳng hạn?”

 

 

 

 

Bài thứ hai, của một người bạn

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà tôi đã tốt nghiệp và đi làm được bốn năm rồi. Rời khỏi ghế nhà trường, rời xa thành phố Huế thân yêu, tôi quyết định khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp. Hành trang của tôi không có gì ngoài những kiến thức mà các Thầy Cô giáo đã truyền dạy, những kỉ niệm trong suốt thời gian đi học cùng với hình ảnh về một người bạn thân, một cán bộ lớp mẫu mực của tập thể Tin k29c – Nguyễn Thành Công.

Tôi và Công cùng có chung một quê hương, đó là quê hương hai bọ - Quảng Bình, không biết có phải đó là lý do khiến hai đứa bọn tôi trở nên thân thiết ngay từ những ngày đầu nhập học hay không nữa?

Tôi vẫn còn nhớ như in hôm đầu tiên đến nhập học, vì chưa biết phòng học nằm ở đâu nên chạy loanh quoanh khắp trường để hỏi. Sau một hồi tôi cũng tìm thấy lớp. Lúc tôi bước vào phòng, mọi người đã có mặt đông đủ, ai nấy đều đưa mắt nhìn tôi, có vẻ như mọi người đã vào lớp từ rất lâu rồi. Trong khi tôi loay hoay tìm chỗ ngồi, thì bỗng có một giọng nói rất nhẹ nhàng cất lên, lại rất đậm chất Quảng Bình:

Bàn tớ vẫn còn một chỗ trống… ống…  nè!  

Tôi quay lại chỉ nhìn thấy một bạn trai với khuôn mặt thanh tú, đang ngồi trên chiếc xe lăn, tay chỉ vào chỗ ngồi còn trống cùng với một nụ cười rất hiền lành. Tôi mừng rỡ, miệng thì rối rít cảm ơn bởi vì đó là chỗ trống duy nhất còn lại trong phòng. Tôi ngoan ngoãn ngồi vào vị trí đó để không làm ảnh hưởng đến lời Cô giáo đang nói và mọi người trong lớp.

Cậu quê Quảng Bình à?  - Công hỏi tôi.

uh” – tôi đáp.

Thế thì tụi mình cùng quê rùi

Vậy là tụi mình thân nhau từ đó. Mỗi sáng tôi thường đạp xe đến phòng Công, rồi để xe ở đó, rồi 2 đứa cùng nhau đến trường – vì Công không đi lại được như những người bình thường, nên cậu ấy phải thuê phòng ở gần trường. Tôi lẽo đẽo theo sau chiếc xe lăn của Công, vừa đi vừa nghe cậu ấy kể chuyện. Những câu chuyện thuở thiếu thời được Công kể đi kể lại, nhưng tôi nghe mãi vẫn không thấy chán.

Công sinh ra ở một miền quê nghèo ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình - cách nhà tôi chừng 30 cây số. Lúc Công được 4 tuổi thì người cha yêu quí của cậu vĩnh viễn ra đi trong một tai nạn giao thông đột ngột. Đau xót trước sự ra đi của chồng khiến cho căn bệnh tiểu đường của mẹ Công ngày càng nặng hơn. Nhưng vì thương 3 đứa con còn nhỏ dại, bà vẫn phải chịu đựng, oằn lưng kiếm từng bữa cơm lo cho ba chị em ăn học. Trong khi cuộc sống gia đình hết sức khó khăn thì cũng là lúc Công gặp phải một tai nạn “bỉ cực tử sinh”.

Năm ấy tớ mới học lớp 6, một hôm đi học về thì thấy mệt mỏi, người giật từng hồi, ít bữa thấy tay chân co lại. Vì nhà nghèo, mẹ tưởng tớ ốm bình thường nên không đưa đi bệnh viện, khi bệnh nặng mới đi viện thì đã muộn, chân tớ bị tê liệt hoàn toàn” - Công nhớ lại.

Do điều kiện sức khỏe không cho phép và không thể đi lại được nên Công buộc phải nghỉ học mất 2 năm. Không giống như những đứa trẻ khác, tuổi thơ ấu của Công chỉ toàn những nỗi buồn, Cha thì mất sớm, mẹ thì thường ốm đau, giờ lại thêm căn bệnh quái ác đã cướp đi đôi chân mạnh khỏe của cậu, khiến cậu suốt đời không thể đi lại được trên đôi chân của mình như những người bình thường. Thế nhưng tất cả những chuyện buồn đó cũng không thể khiến cậu gục ngã trước sự an bài của số phận. Cậu ấy từng nói:

Mỗi người sinh ra đều có một số phận, mình bị thế này thì mình phải chịu thôi, mình không trách ông trời đâu, được sống đã là một điều tuyệt vời lắm  rồi!

 Trong suốt thời gian 2 năm nghỉ ở nhà, Công vừa điều trị bệnh vừa tự học bài. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn và sự ham học của Công nên ban khuyến học xã đã vận động quyên góp tặng cậu ấy chiếc xe lăn để tiện đi lại.

Từ khi có được chiếc xe lăn, Công coi đó là một phần thưởng to lớn cho mình, ngày ngày trên con đường đất đỏ ấy một mình Công lại rong ruổi đến trường. Công chăm học hơn nhiều, rồi liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Lớp 8 đạt học sinh giỏi huyện môn toán, lớp 10 đạt giải 3 môn hóa học cấp tỉnh, lớp 11 đạt giải khuyến khích môn toán cấp tỉnh …Và rồi niềm say mê học tập đã giúp Công vượt lên số phận để trở thành á khoa của khoa Công nghệ thông tin trường Đại Học Khoa học Huế với số điểm là 26 trong kì tuyển sinh Đại học năm 2005. Câu chuyện cậu bé tật nguyền Nguyễn Thành Công thi đậu ngành Công Nghệ Thông Tin không mấy bất ngờ đối với gia đình, Thầy cô và bạn bè bởi từ trước đến nay Công vẫn luôn là một học sinh xuất sắc, nhưng trở thành thủ khoa của Khoa Công Nghệ Thông Tin thì khiến cho mọi người rất đỗi ngạc nhiên và rất tự hào. Công kể:

 Thấy tớ  học nhiều, có lúc thức trắng đêm ôn bài mẹ lo ảnh hưởng đến bệnh tật lắm. Thời gian ôn thi tớ sốt đến hơn chục lần, giảm hơn ba cân, may mà bệnh không tái phát”.

Niềm vui cậu con trai đỗ thủ khoa chưa dứt thì nỗi lo của người mẹ với bao khoản chi tiêu cho hai đứa con theo học đại học lại tới khi ngày nhập học tới gần. Chị gái của Công cũng đang là một sinh viên xuất sắc của trường Đại Học sư phạm Huế. Nghĩ về cái ngày đó, Công không khỏi bồi hồi xúc động:

 Mẹ tớ đã phải chạy vạy từ chỗ này đến chỗ khác mới kiếm được mấy trăm ngàn cho tớ  và chị tớ vào học. Biết mẹ khổ nên tớ đã xin thôi học ở nhà để lo cho chị học tiếp nhưng mẹ lại khuyên chị em tớ vào đó ráng chăm học là mẹ vui lắm rồi, còn tiền bạc mẹ xoay xở được”!

Nghe tới đó, tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ tới mình. Từ nhỏ được lớn lên trong sự chăm sóc đầy đủ của Ba mẹ, vậy mà tôi đã không thể làm được cái điều mà Công đã làm.

Thế rồi cái ngày nhập học cũng đã tới. Trước ngày vào Huế mấy mẹ con chỉ làm mâm cơn đơn sơ báo với cha rồi hai chị em khăn gói lặng lẽ vào Huế để học. Hai chị em Công thuê phòng trọ ở cuối kiệt 81 đường Nguyễn Huệ (TP Huế).

Những tháng ngày ở Huế thật vất vả đối với cả hai chị em Công. Ngày ngày chị đi học rồi về đi dạy kèm để có thêm tiền thu nhập lo thêm tiền nhà, tiền ăn, tiền nước, tiền điện. Còn Công ngày ngày tự đến trường trên chiếc xe lăn, khi về nhà lại tranh thủ lê từng bước làm các việc vặt như nấu ăn, giặt giũ để khỏi nhờ tới chị.

Những ai từng sống ở Huế một thời gian hẳn không thể quên được cái thời tiết khắc nghiệt ở đây. Mùa hè thì nắng nóng tới 36 – 37 độ C, mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, lại cộng thêm những cơn mưa dai dẳng suốt cả tuần liền. Một đứa khỏe mạnh như tôi mà cũng không chịu nổi khi đạp xe dưới cái nắng chói chang của mùa hè, đó cũng là lý do khiến tôi hay cúp học tiết học đầu tiên. Thế mà ngược lại, với đôi tay yếu ớt – di chứng của căn bệnh, Công điều khiển những vòng quay bánh xe pha lẫn những giọt mồ hôi, Công luôn luôn là người đến lớp đúng giờ và đầy đủ nhất. Rồi những ngày mưa gió, Công cũng một mình với chiếc xe lăn lặn lội tới trường. Đồng hành với Công trên đường đến giảng đường là hàng trăm đôi mắt ngỡ ngàng dõi theo một chàng trai khuyết tật đang cố lê từng bánh xe. Nhưng với Công, trên con đường đó không có sự mặc cảm nào mà là một ý chí nghị lực để vượt lên khó khăn.

 

Thế rồi 4 năm cũng trôi qua, với bản chất thông minh và tính cần cù, Công đã hoàn thành xuất sắc 4 năm đại học với số điểm tổng kết là 9.1- cao nhất Khoa. Ngày tổ chức lễ Tốt nghiệp, Công vui mừng khi vinh dự được Giám đốc Đại học Huế trao tấm Bằng loại ưu. Công hạnh phúc đến rơi nước mắt. Cũng trong ngày hôm đó, Công nhận được quyết định được giữ lại trường làm giảng viên cho Khoa Công Nghệ Thông Tin, nhưng cậu ấy đã không ở lại. Cậu trở về quê hương, nơi đó có người mẹ yêu dấu, có bà con lối xóm - những người đã giúp đỡ mẹ con Công trong những tháng ngày khó khăn nhất, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Chấp nhận làm một thầy giáo làng.

Bạn bè và Thầy Cô ai cũng ngăn cản quyết định đó, bởi ở lại trường, Công sẽ có điều kiện học hành lên cao, lại được làm việc thành phố, sẽ tốt hơn rất nhiều so với trở về làm việc ở quê hương. Nhưng tôi hiểu quyết định của Công và ủng hộ cậu ấy, bởi tôi biết cậu chỉ có một ước mơ duy nhất đó là :

làm một điều gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như tớ, về tin học chẳng hạn?”

Được quen biết Công, được làm bạn thân với Công đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều, tôi đã sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình. Mặc dù, giờ đây mỗi đứa đã có một sự nghiệp riêng, nhưng tôi vẫn sẽ mãi nhớ về Công – một chàng trai đầy nghị lực và lòng nhân hậu.

Tác giả : Thanh Ba và Thuy Trinh

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Lưu Tiến Nhất đạt giải nhất kỳ thi Olympic vật lý sinh viên
Danh sach HS trường THCS Lưu Trọng Lư đạt giải năm học 2016-2017
Danh sách học sinh đạt giải cao năm 2015 của Trường THCS Lưu Trọng Lư
Danh sách học sinh đạt giải của Trường Lưu Trọng Lư
Danh sách khen thưởng năm học 2012-2013

Video clip