Đường về quê ngoại

18:32 - 01/12/2013

Bút ký của anh Phan Văn Hà

Sau cơm bão số 10 tôi về thăm quê ngoại, giữa một vùng sông nước bao la. Thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, một làng quê nằm ỡ ngã ba con sông Gianh hiền hòa, ba bề sông nước mùa nào cũng mát dịu.

 

Hôm nay tôi đến bến sông bước xuống đò trở về thăm quê ngoại, nhìn cảnh vật sau bão hoang tàn, một phần ngôi làng đang oằn mình dưới những chiếc xà la vô chủ mà thấy nao nao, từ cõi lòng tôi thốt lên:

 

Chiều nay ra đến bến sông.

Nhìn về quê ngoại mà lòng quặn đau.

 

Cơn bão số 10 đã quét qua, những mái nhà tan hoang đổ nát, những chiếc tàu, thuyên đánh cá bị hất lên bờ nằm tơi tả. Hai mười bảy chiếc xà lan kia đồ sổ kết thành một bè lớn, chiều ngang khoảng 50m, dài khoảng 300m do bão số 10 đưa từ xưởng đóng tàu bờ Bắc sông Gianh, sóng bão đưa sang, xô lên làng, làm dãy nhà, cầu đá bên bến sông độ sập. Trong cơn tuyệt vọng, may thay khi đoàn xà lan theo từng con sóng lớn đang đè lên một góc làng thì nước thủy triều rút nhanh. Bà con nói, chỉ cần nước rút chậm mười phút thôi thì làng ngoại của tôi ngoài gió bão, những chiếc xà lan sẽ xóa nát ngôi làng. Hôm nay nhìn những hộp sắt khổng lồ nằm chênh vênh gác lên một góc làng thật bi thảm.

 

 

Đến hơn một tháng sau tôi trở lại, dẫn đoàn của anh chị em quê hương ở Khánh Hòa và quê bạn, mang những món quà chứa đầy tình nghĩa đồng bào về ủng hộ cho bà con quê ngoại. Nhìn cảnh đau thương đó vẫn còn hiện hữu, anh chị em thốt lên ước gì có được nhiều quà hơn để chia sẻ cùng bà con trong cơn hoạn nạn. Trong tiết trời đang ảnh hưởng của bảo số 13, mưa phùn se lạnh, đón chúng tôi tại nhà văn hóa thôn, trong vòng tay ấm áp, bác Trưởng thôn với dọng nói xúc động: Thay mặt bà con địa phương xin nhận món quà tình nghĩa của các anh chi, dù nhiều hay ít bà con tôi rất trân trọng, lá lành đùm lá rách và cám ơn tấm lòng của các anh các chị. Những ánh mắt trìu mến thân thương của bà con cô bác, mọi người nhận quà đều nói lên lời cảm ơn thật mộc mạc và đầm ấm…

 

 

Hôm nay về làng ngoại nghe bà con kể, họ mới biết những chiếc xà lan do bão số 10 đang đè lên một góc làng kia là của tập đoàn VINASIN đang “Thi gan cùng tuế nguyệt”. Bà con rất buồn, buồn lắm, từ Trung ương đến địa phương và chủ phương tiện, không có một đoàn nào đến để bà con kêu cứu. Cán bộ xã, thôn chỉ động viên chứ lực bất tòng tâm. Thôi cũng đành viết đơn kêu cứu lên Chủ Tịch tỉnh, nghe nói Tỉnh đã nhận được đơn, nhưng bà con cứ mòn mọi ngóng chờ. Đường sá bị chắn lối, phương tiện làm kế sinh nhai, nhà cửa để trú thân phần bị xô nát, phần hất lên bờ không có lối ra, thật là xót xa.

 

 

Hãy cứu lấy những con người, những gia đình đang bị dồn vào hoạn nạn, một ngày qua đi là một ngày bà con càng thêm cùng cực, dân quê gạo chợ nước sông.

* * *

Nhớ ngày xưa tôi còn thơ bé, theo ba mẹ về thăm ngoại mà hạnh phúc biết bao, làng ngoại tôi đẹp lắm. Bước vào làng như bước vào vườn cổ tích, đầu làng có ngôi đình với bao nét chảm trổ hoa văn, mái ngói cong cong ngã màu rêu năm tháng. Giữa làng có giếng nước trong veo, cạnh đó là nhà thờ với cây thánh giá cao vút, chuông nhà thờ điểm canh đêm đêm ngân lên vang xa trên một vùng sông nước.

 

 

Đẹp biết bao khi mặt trời nhô lên ngoài cửa sông, làng ngoại tôi đón ánh nắng đầu tiên, những tàu dừa đung đưa trước gió biển ban mai nhè nhẻ thổi vào từ cửa sông. Nhìn ra bãi bồi ngoài đê là một rừng ngập mặn, nào sác, bần cổ thụ um tùm, khi con nước triều xuống, để lộ nhưng vạt rong rêu, những vũng nước lấp xấp. Những con cá, cua, tôm ham nô đùa dưới gốc bần, gốc sác mà quên đi con nước triều xuống, chúng đành ở lại nhấp nhổm dưới đám rêu xanh hay quẫy mình trong những vũng nước, chờ con triều lên.

 

Có lần tôi theo bầy trẻ nhỏ ra bãi sông bắt cua, cá, tôm, người ngập trong bùn thích lắm. Biết tôi là dân làm ruộng nên lũ bạn thường cho tôi những con cua, con tôm to bự khi chúng bắt được. Tôi xách một giỏ đầy, chạy ùa về khoe với ngoại, ngoại xoa đầu bảo cháu để đó ngoại cất cho, tí nữa có người sang làng Hạ, ngoại gửi về làm quà cho nội cháu, tôi hạnh phúc vô cùng. Con nước triều lên lũ trẻ chúng tôi lại chạy ùa ra bến sông bơi lội một lúc, khi về ngoại đứng đợi ngoài cổng, ngoại dắt tay đến bên cái chum sành, múc từng gáo nước ngọt dội cho tôi rửa sạch cái mặn chát của nước sông.

Làng ngoại quê tôi, bà con làm nghề chài lưới trên sông nên tôm, cá, cua lúc nào cũng nhiều, chỉ cần nhìn con nước, thả dàn rớ tàu xuống một lúc, khi quay lên nào tôm, cua, cá loi, cá dìa, cá hanh… Những mớ tôm, cua, cá tươi ngon lại rong ruổi trên những chuyến đò dọc, đò ngang về tới những phiên chợ quê. Nếu được như bây giờ tôm, cá xuất khẩu thì quê ngoại tôi giầu lắm, ngày xưa lương thực khan hiếm, tôm cá bán đi đong lại gạo, khoai, sắn, chẳng được là bao.

 

Những ngày biết gia đình tôi sang thăm ngoại, bà con ở xóm dưới mang lên nào cá, tôm, cua, biếu cho ngoại để thiết đãi gia đình tôi, nếu không nhận là bà con trách dận. Quà quê của gia đình tôi mang sang có gì ngoài khoai lang. Nhưng khoai lang quê tôi rất ngon khi luộc lên mềm bột nứt trắng thơm dìu dịu, ngoại tôi đem ra biếu bà con cũng thích lắm, họ nâng niu món quà quê của làng Hạ tôi mà lòng tôi thấy hạnh phúc vô cùng.

 

Chợ quê làng Hạ tôi gần bến sông nên sáng nào củng tấp nập, bà con quê ngoại thường chèo đò mang cá, tôm, sang bán rồi mua gạo, khoai sắn về, sản vật trao đổi qua lại mà tình người hai làng thật ấm áp. Có lúc gặp dịp nghỉ học chủ nhật, tôi được theo nhờ đò của bà con đi phiên chợ sáng sang quê ngoại. Ngôi trên đò ngắm cảnh sông nước bao la, từng đàn vịt trời, le le sà xuống đậu kín cả bãi sông, chúng thi nhau ngụp lặn bắt tôm, bắt cá.

 

Làng Cao Lao Hạ quê tôi ở bờ Nam sông Gianh, ngày xưa theo ba mẹ sang ngoại thường đi bộ lên bến đò Mỹ Trạch để qua sông, rồi đi bộ chừng ba cây số theo con đê làng xuôi về nhà ngoại. Chuyến đò ngang qua quê ngoại, mỗi người lớn một hào, trẻ nhỏ năm xu nhưng chứa đựng bao nhiêu kỹ niệm của tuổi thơ tôi. Bác Lơ lái đò là chỗ thân quen với bà ngoại tôi, con người bác toát lên một vẻ hiền hậu, mọi người ai cũng nhận xét vậy. Nhà bác ở ngay bến sông nên địa phương bố trí bác chèo đò ngang cho thuận tiện. Không kể ở cương vị nào, ai qua đò dù một mình, khi đêm hôm, mưa gió, cần đi vội bác chèo ngay, thậm chí còn gọi thêm vợ hoặc con ra chèo cùng cho nhanh.

 

Mỗi lần thấy gia đình tôi qua lại quê ngoại là ông vui lắm, ông hỏi chuyển ở quê mùa này có bội thu hơn mùa trước không. Ông chia sẻ cảnh nhà nông cũng lam lũ, được mùa hay không cũng nhờ trời vì quê mình chưa có nước thủy lợi. Ông thương ngoại tôi ở một minh, ông tâm sự với ba mẹ tôi: Tôi thông cảm, các cô, các chú đi lấy chồng cách đò trở giang, đi công tác xa ít có điều kiện ở bên bà nên tôi một hai ngày tranh thủ xống thăm bà. Có hôm bận chèo đò đưa khách, không xuống được là bà lo không biết có đau ốm gì, bà nhắn tin hỏi, hoặc gửi quà cho các cháu.

 

Những ngày hè tôi được ba mẹ cho sang ngoại một mình, ông lại đưa đò tôi sang, ông hỏi cháu có biết chèo đò không để ông bày cho, ông tập cho tôi chèo mũi và cũng tư đó tôi bắt đầu biết chèo đò. Những ngày gió lào hay dó bấc, mặt sông sóng cuồn cuộn, để đưa được con đò ngang sang sông, nhiều lúc tưởng như vắt kiệt súc lực ông, ấy vậy mà ông vẫn thanh thản ngày ngày đưa đò không ngần ngại. Mỗi lần đưa khách sang sông xong, ông lên bến ngồi dưới gốc đa vót nan, đan lát hoặc vót tre làm vành nón cho vợ con chằm đưa sang phiên chợ Đồn, chợ Họa bán. Làng quê đất chật người đông lấy nghề phụ đan lát, chằm nón làm thu nhập chính, ông bảo cháu cố gắng học tốt để góp phần xây dựng quê hượng, lời nói mộc mạc đó vẫn đọng mãi trong lòng tôi.

 

 

Phải chăng trong khó khăn con người Quảng văn đã biết vươn lên tự khẳng định mình, để lại cho muôn đời tiếng thơm. Làng ngoại quê tôi một làng quê văn hiến, đang đổi mới từng ngày, xứng danh với những gì mà cha ông nghi tạc trong bát danh hương của vùng đất Quảng Bình: “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim”.

 

Tạm chia tay với làng ngoại thân yêu mà lòng tôi cứ nao nao trong cái se lạnh của những ngày cuối thu, thương thương cho bà con đang phải chỉu cảnh vất vả sau bão đến bao giờ. Tôi như đang chìm trong suy tư nhìn về cuối chân trời, chợt sực tỉnh nghe tiếng trống trường làng cất lên, bầy em nhỏ như đàn chim ùa ra sân làm tôi bừng tỉnh. Cả sân trường rực sáng, các em trong bộ đồng phục tung tăng nô đùa, lòng tôi thầm nhủ đây sẽ là nhưng mầm xanh tương lai của đất nước, của quê nhà.

 

Thế là dư âm của bão cũng tan biến trong tôi và để lại cho tôi tiếng cười trong trẻo của bây em thơ nơi làng quê sông nước mênh mông.

Tác giả : Phan Văn Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip