Ghi chép về Bankok (Phần 1)

20:22 - 14/08/2013

Bút ký của anh Lê Chiêu Phùng

 

KỲ 1: BĂNG KOK VÀ HÌNH ẢNH VUA RAMA

 

Chúng tôi đến Thái Lan vào buổi chiều khi mặt trời phía tây chưa kịp tắt. Bước xuống sân bay, trước mặt chúng tôi là những dãy nhà ga hàng không với kiểu mái đặc trưng nối liền nhau mà chỉ có ở đất nước chùa tháp này mới có. Sau hơn một giờ, chiếc xe du lịch đã đưa du khách có mặt tại trung tâm thành phố. Thủ đô Băng Kok sầm uất, nguy nga với những dãy nhà cao ốc chọc trời và các làn xe dày đặc nối đuôi nhau ra vào Thành phố. Hai bên đường là hoa là cây xanh là những dãy phố giành cho những người đi bộ… Trước mặt là dòng sông ChaoPhraya thơ mộng hiền hòa uốn lượn giữa lòng Thành phố, một nét cổ kính tráng lệ của các chùa chiền, chợ đêm nhộn nhịp kẻ bán người mua, những con phố náo nhiệt đèn đỏ, đèn mờ làm nao lòng bao du khách. Mảnh đất Thái Lan có sức hấp dẫn quyến rủ lạ kỳ với bất cứ một ai khi đặt chân đến đó. Đoàn du khách Miền trung Việt Nam đến Thái Lan đã được Công ty du lịch Băng Kok tiếp đón nhiệt tình chu đáo. Hướng dẫn viên bản địa ra tận phi trường Suvarnabhumi đón, tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm…Đúng là đất nước của những nụ cười thân thiện đã ghi dấu ấn tốt đẹp của chúng tôi về đất nước và con người Thái Lan ngay những phút ngở ngàng đầu tiên gặp gở.

 

 

Thủ đô Băng Kok nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông, sông ChaoPhraya uốn lượn qua thành phố như “vô tình” chia đôi Băng Kok thành hai khu vực. Bên này sông là những ngôi nhà “chọc trời”, với những nhà ga, tầu điện ngầm, tầu điện trên không tỏa đến hầu hết các khu vực trong thành phố, đại lộ chằng chịt, uốn lượn quanh những khu thương mại sầm uất. Còn bên kia sông là những khu công nghiệp lớn, nhỏ, khu vui chơi giải trí xen lẫn giữa cánh đồng bạt ngàn vườn hoa cây trái… Là một thành phố nhưng Băng Kok đã chiếm đến hơn 10% dân số Thái Lan. Mặc dù dân số khá đông nhưng nhờ hệ thống hạ tầng giao thông công cộng khá tốt nên việc đi lại trên đất Thái nói chung, Thủ đô Băng Kok nói riêng khá thuận lợi.

 

Chuyện kể lại rằng, Vương Quốc Thái Lan được thiết lập từ cuối Thế kỷ 14. Trước năm 1939, Thái Lan còn được biết đến với tên gọi là nước Xiêm. Đây là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không chịu sự cai trị của các thế lực đến từ Châu Âu. Thái Lan có vị trí rất thuận lợi, vừa có rừng, có biển, đồng bằng rộng lớn, lại nhiều sông ngòi phục vụ phát triển nông nghiệp. Mặc khác, Thái Lan không bị chiến tranh lại sớm hội nhập quốc tế nên có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế.

 

Lịch sử Thái Lan trải qua 9 đời Vua trị vì đất nước, đời Vua nào người dân Thái cũng kính trọng nhưng đối với Vua Rama 5 và Vua Rama 9 được người dân sùng bái, tôn thờ và kính trọng nhất. Tôn kính Đức Vua không chỉ ở trong lòng dân mà tất cả các khu vui chơi công cộng, các công sở, trước cửa các đền đài, chùa chiền, khách sạn… hình ảnh Đức Vua, Hoàng Hậu đều được đặt ở vị trí tôn nghiêm trang trọng. Khác với các đời Vua trước, vào thế kỷ 19, khi lên ngôi, Vua Rama 5 không chỉ tập trung xây dựng đất nước hùng cường mà còn có tư duy hướng ngoại. Ông khuyến khích công dân Thái sang Châu Âu và các nước tiên tiến khác để học tập, mang kiến thức về xây dựng đất nước. Để tạo uy thế trong khu vực và Thế giới, Ông đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc hiện đại trong đó có Hoàng Cung còn gọi là Cung Điện mùa hè. Đây là tòa nhà được làm bằng gỗ teak, một loại gỗ đặc biệt quý hiếm màu vàng có một không hai trên Thế giới hiện nay. Hiện tại Cung Điện mùa hè được bảo tồn cẩn thận nhằm quảng bá sự huy hoàng và thịnh vượng một thời kỳ hoàng kim của đất nước và con người Thái Lan . Nơi đây cũng là một trong những điểm đến tham quan của du khách không thể thiếu trong các tua du lịch. Cùng với Hoàng cung, Vua Rama 5 đã cho xây dựng nhiều đền, chùa mang đậm nét văn hóa truyền thống. Thái Lan hiện có trên 20 ngàn ngôi chùa lớn nhỏ, riêng Thủ đô Băng Kok đã có trên 4 ngàn ngôi chùa. Nhiều người cho rằng Thái Lan là “Đất nước chùa chiền, đất nước của những chiếc áo cà sa” quả là không sai.


  

 

Vua Rama 9 là cháu nội của Vua Rama 5, là vị Vua trị vì đất nước lâu nhất của Thái Lan. Lên ngôi Vua lúc 15 tuổi, Ông là một trong những nhà Vua được người dân sùng bái và tôn kính không chỉ vì đức độ mà suốt đời Ông luôn lo lắng cho sự phồn vinh, hùng cường của đất nước, vì sự ấm no, hạnh phúc của người dân. Cũng vì thế mà mỗi khi đất nước có “biến động”, Ông xuất hiện trước công chúng kể một câu chuyện, hay một lời kêu gọi…là tình hình đất nước ổn định trở lại. Vua Rama 9 không chỉ là nhà chính trị, nhà ngoại giao tài hoa mà Ông còn là Tiến sỹ Nông nghiệp. Sau khi lên ngôi, Ông đã cho xây dựng Kinh đô mới ở một vùng đất nông nghiệp bằng phẳng, rộng lớn. Cung Vua (Cung Điện mùa hè) cho mở cửa để mọi người dân Thái cũng như du khách thập phương ai cũng được vào tham quan. Tại Hoàng cung mới, Ông cho lập ra nhiều trang trại lớn, nhỏ để nghiên cứu, lai ghép tạo ra các loại giống lúa tốt, cây ăn quả có chất lượng cao. Sau khi thành công, Ông cho phép nhân rộng và trực tiếp cấp phát cho nông dân. Cùng với việc tìm ra giống tốt, Ông đã cho xây dựng nhiều công trình thủy lợi, hàng ngàn trạm bơm lớn nhỏ, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó mà sản lượng lương thực của Thái Lan không chỉ cao nhất mà chất lượng cũng tốt nhất Thế giới. Ông đã từng phát minh, nghiên cứu thành công “làm mưa nhân tạo” đầu tiên giúp nông dân vùng phía Bắc Thái Lan thường xuyên bị mất mùa do hạn hán. Vua Rama 9 nói: “Nhiệm vụ của Vua là phải đưa nông dân thoát nghèo, giảm sức lao động cho dân, để làm được điều này là phải cơ giới hóa nông nghiệp, mà muốn cơ giới hóa nông nghiệp là phải có những cánh đồng lớn”. Ý tưởng của Ông đã được triển khai rộng rải trên toàn Quốc. Và từ đó, những cánh đồng mẫu lớn đã xuất hiện trên đất Thái Lan với nhiều hệ thống công trình thủy lợi, mạng lưới tưới tiêu nội đồng đã được đầu tư hoàn chỉnh. Chỉ cần ra ngoại ô Băng Kok hoặc đến bất cứ ở đâu trên đất nước Thái đều thấy những cánh đồng lúa bạt ngàn và những vườn cây trái xum xuê rộng lớn. Giữa cánh đồng lớn đó ít thấy người, có chăng chỉ thấy máy cày, máy bừa, máy gặt đập to nhỏ khắp nơi. Ruộng Thái lan khá tốt không chỉ do được cơ giới hóa, giống, đầu tư chăm sóc mà còn nhờ vào nguồn phù sa từ sông Mê Koong, sông Chao Phraya và nhiều con sông lớn nhỏ trãi đều khắp đất nước mang về...Với tấm lòng tôn kính của mình, cô Phi Uôn hướng dẫn viên Công ty Du lịch Băng Kok kể rằng: Năm 2011, trận lũ lịch sử xẩy ra trên đất Thái Lan, Vua Rama 9 xuất hiện trên sóng Truyền hình Quốc gia và Ông tuyên bố: “Có thể Ngai vàng Hoàng Gia bị lũ cuốn trôi nhưng không thể để dân ngập lụt”. Với công ơn to lớn của Vua đã giúp dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc nên người dân từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ già đến trẻ trong mọi tầng lớp đều tỏ lòng tôn kính, tôn thờ vị Vua của mình. Cùng với việc đầu tư phát triển nông nghiệp, Ông còn rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, y tế đặc biệt là ngành du lịch nhằm quảng bá rộng rãi thu hút du khách đến với Thái Lan ngày càng nhiều góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế đất nước.

 

Từ sáng sớm, hàng ngàn khách du lịch đã sắp hàng dài để được tận mắt chiêm ngưởng chứng kiến sự uy nghi của Cung Điện mùa hè. Cô Phi Uôn cho biết: “Vào Cung Điện phải ăn mặc nghiêm túc, đi đứng phải nghiêm trang, không đi dép lê, phụ nữ không được mặc quần bó, không được chụp hình, nếu ai đã lỡ mặc phải thuê tấm vãi quàng…”. Đoàn người kéo dài hàng trăm mét lặng lẽ bước vào, trước mắt chúng tôi là Cung Điện với những nhà gỗ 2-3 tầng bóng loáng, uy nghi dưới những hàng cây cao bóng mát. Tại gác 2, các phòng làm việc, phòng ngủ của Đức Vua, Hoàng Hậu, Thái Tử, Hoàng Phi với các vật dùng như giường, tủ, bàn, ghế, bộ tách trà…đều được bảo quản chu đáo. Được biết, mỗi ngày Cung Điện mùa hè này đón tới 4- 5 ngàn lượt khách đến tham quan. Cách Cung Điện mùa hè không xa là Chùa Phật Vàng còn gọi là Chùa Tam Đệ. Đây là ngôi chùa do 3 anh em người Hoa xây dựng cách đây 800 năm, xung quanh chùa là khu ở của bà con cộng đồng người Hoa. Chùa có tượng Phật ngồi bằng vàng lớn nhất Thế giới với chiều cao 5m, nặng 5,5 tấn. Cách đây không lâu, người Hoa cấm người Thái cũng như khách du lịch nước ngoài không được vào viếng chùa và không ít lần đã xẩy ra xô xát. Trước tình hình đó, Vua Rama 9 tuyên bố: “Chùa Phật Vàng là tài sản chung của Quốc gia và của mọi người dân trong đó có cộng đồng người Hoa”. Kể từ đó không còn xẩy ra tranh chấp, xô xát mỗi khi vào viếng chùa như trước đây nữa. Chùa Zantaoa còn gọi là Chùa Thuyền nằm bên bờ sông Chao Phraya xinh đẹp. Trải qua bao đời xây dựng nhưng chẳng hiểu vì sao đến nay vẫn chưa hoàn thành. Chùa Thuyền là một trong những ngôi chùa đẹp nên thu hút nhiều khách đến tham quan. Trên dòng sông Chao Phraya, hàng trăm tàu, thuyền được trang trí đẹp mắt chở khách ngược xuôi qua lại. Hàng chục tàu tốc hành Chao Phraya Express chở khách nối nhau theo dòng sông uốn lượn trong lòng thành phố. Sau một ngày tham quan, lao động mà được thả hồn trên dòng sông Chao Phraya và thưởng thức những món ăn lạ trên những con tàu hay tại các nhà hàng hai bên dòng sông với những món nghệ thuật ẩm thực kết hợp giữa Á, Âu ,giữa cay, chua, mặn, ngọt hài hòa xuyên suốt trong mỗi món ăn... chỉ có những đôi bàn tay tài hoa của người Thái mới tạo nên được.  

 

Cùng với các Công trình kiến trúc hiện đại ở nội thành thì ngoại ô Băng Kok còn có Trung tâm Vàng Bạc Đá Quý, cửa hàng Yến Sào, vườn thú Sriracha Tiger, cửa hàng sản xuất đồ da lớn nhất Thái Lan…Trước đây những sản phẩm tại các cơ sở này chỉ phục vụ cho Hoàng Gia, sau này do nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và du lịch, Vua Rama 9 không chỉ cho phép trưng bày, phục vụ khách mà còn được bán ra thị trường nhưng dưới sự quản lý, giám sát chặt chẻ về chất lượng của Hoàng Gia.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip