Lê Văn Sơn

08:04 - 22/10/2010

Lê Văn Sơn - người viết sử Làng - đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những tài liệu quý về một làng quê giàu truyền thống, một danh tướng đáng được lưu danh. Điều đó đáng được chúng ta, nhất là các thế hệ người dân làng Cao Lao Hạ trân trọng.

 

Trong lời giới thiệu tập sách: " Lê Mô Khải-danh tướng Cần Vương " của tác giả Lê Văn Sơn, tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái viết: " Tiếp cận với tác phẩm, chúng tôi thật ngỡ ngàng và cũng thật nuối tiếc. Ngỡ ngàng bởi tác giả của nó-ông Lê Văn Sơn- vốn không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mà công trình đầu tay này của ông đã có đôi chút ở ngoài giới hạn của công vệc biên hội dưới dạng văn hoá dân gian để vươn tới tính chất của một công trình khảo cứu. Nuối tiếc vì với một lượng tư liệu khá lớn, có độ tin cậy nhất định, lẽ ra tác giả có thể cho ra đời một tập sách nặng tay hơn trong cả nghĩa bóng và nghĩa đen của nó. Trong tâm trạng ấy, chúng tôi đã đọc bản thảo cuốn sách với tinh thần" Cảo thơm lần giỡ trước đèn..." và với chúng tôi, cuốn sách đã có sức hấp dẫn".

         

Sau 5 năm kể từ ngày cuốn sách: " Lê Mô Khải - Danh tướng Cần Vương" xuất bản, những ngày đầu năm 2007, một cuốn sách mới của tác giả Lê Văn Sơn lại được in và đến tay bạn đọc. Đó là cuốn "Địa chí làng Cao Lao Hạ". Cuốn sách dày hơn 300 trang. Nhà văn Hữu Phương viết: " Cuốn sách cho ta thấy một làng quê không kém phần đặc sắc ở dải đất miền trung, cái làng quê trước mặt có dãy Lệ Đệ một trăm ngọn làm bình phong, có dòng sông Gianh chạy liên hồi, quanh năm sóng vỗ, có " Cửu khúc long khê" tưới mát cánh đồng nhuần nhị bốn mùa. Và đặc biệt, nhờ khí thiêng sông núi mà sinh ra bao lớp người tuấn kiệt, làm rạng danh xứ sở và để lại tiếng thơm uôn đời cho con cháu...Chúng ta còn tìm thấy ở đây những phong tục tập quán tốt đẹp để giữ gìn gia phong và nếp làng; Tìm thấy những câu hò điệu hát, truyện kể từ ngàn xưa truyền lại. Và hơn thế, đọc xong cuốn Dư địa chí này, chúng ta thấy đựoc chiều dày văn hoá của một vùng đất, cái cốt cách của một làng quê làm nên sức mạnh chế ngự thiên nhiên và đánh bại kẻ thù xâm lược để vươn tới ấm no và hạnh phúc".

 

Ông Lê Văn Sơn sinh năm 1932 tại làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (là hậu duệ đời thứ ba của danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải). Vốn có tư chất thông minh, từ nhỏ học hành nổi tiếng, lớn lên làm việc trong ngành giao thông vận tải, đã được tặng thưởng huy chương " vì sự nghiệp giao thông vận tải". Ngoài công việc đời thường ông còn say mê dạy toán cho lũ trẻ, con em gần gủi... tham gia các trò chơi cờ tướng, cờ người... Mỗi lần về thăm quê, nung nấu trong lòng Lê Văn Sơn là ước nguyện để lại cho con cháu đời sau một cuốn sách viết về lịch sử, văn hóa của làng mình. Và ông đã dành phần lớn những thời gian rỗi rãi sau những ngày làm việc vất vả để sưu tầm và nghiên cứu tư liệu, ấp ủ dự định khi nghỉ hưu sẽ bắt đầu viết sách. 75 tuổi - Cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, vui vầy bên con cháu sau chặng đường đời khá dài và nhiều gian nan, vất vả, nhưng với tình yêu quê hương và sự hối thúc được làm một điều gì đó cho quê hương mà ông luôn tự hào và ngưỡng vọng, Lê Văn Sơn đã từ bỏ sự thanh thản quý giá mà ai cũng ước ao có được trong những năm tháng không còn nhiều của cuộc đời để trăn trở suy tư và tiếp tục lặn lội tìm kiếm những tư liệu quý cho cuốn sách của mình. Không nhận được một sự giúp đỡ nào về vật chất, ông gom hết số tiền dành dụm được để sưu tầm tư liệu, viết sách, in sách. Sau bao năm miệt mài nghiên cứu, hai cuốn sách ra đời và đến tay bạn đọc, cũng  là lúc tác giả của nó, ông Lê Văn Sơn bị cơn bạo bệnh: tai biến mạch máu não. Ông được gia đình yêu thương, chăm sóc, nhưng đáng tiếc cho một con người có trí tuệ và đầy tâm huyết với quê hương, với cuộc đời chưa kịp hưởng trọn niềm vui thấy thành quả lao động miệt mài của mình đơm hoa kết trái đã gần như quên hết mọi điều vì bạo bệnh.

 

Hai cuốn sách với những trang viết đầy trách nhiệm, tác giả Lê Văn Sơn đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những tài liệu quý về một làng quê giàu truyền thống, một con người yêu nước, một danh tướng đáng được lưu danh. Điều đó đáng được chúng ta, nhất là các thế hệ người dân làng Cao Lao Hạ trân trọng.  

 

Tác giả : Trần Hồng Hiếu

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip