Lưu Đức Nhu

21:40 - 20/09/2011

Giới thiệu Ông Lưu Đức Nhu và tập thơ "Cửu phẩm Lưu Quan tộc tình thi" do anh Lê Chiêu Cường sưu tầm và biên soạn

 

 

Ông Lưu Đức Nhu (Cửu Nhu) người làng Cao Lao Hạ, là con trai của cụ chánh tổng[1] Lưu Đức Hàn. Thuở nhỏ, ông Lưu Đức Nhu theo học chữ Hán và nổi tiếng là người hay chữ trong Làng. Năm 1919, các khoa thi chữ Hán bị bãi bỏ, việc học phải theo hệ thống giáo dục của Pháp. Ông Lưu Đức Nhu chuyển qua học chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Ông học tại trường Quốc học Huế, sau khi tốt nghiệp Ông ở lai Huế và dạy ở trường Tràng An 3 năm, rồi trở về quê tiếp tục dạy học cho nhiều thế hệ học sinh trong làng, vùng. Theo cuốn địa chí làng cao Lao Hạ của Lê Văn Sơn thì thầy Lưu Đức Nhu cùng với các thầy Lê Nguyên Phong, thầy Lưu Đức Vinh, thầy Lưu Đức Chước (Trợ Chước – em ruột thầy Lưu Đức Nhu), thầy Nguyễn Văn Hân là các thầy của Làng thời đó “thông tuệ cả chữ Hán, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ”[2]. Học trò theo học ông Lưu Đức Nhu rất đông, nhiều người sau trở thành những người nổi tiếng như thiếu tướng quân đội Lưu Dương; nhà thơ, nhà giáo Lưu Trọng Thùy…

 

Sinh thời Ông là “một thư sinh phong nhã, một nhà giáo mẫu mực tài hoa, đức độ cuối triều đại nhà Nguyễn Phú Xuân được người đời mến mộ, kính nể, được học trò của ông tôn trọng, yêu thương. Thời trai trẻ cho đến tuổi trung niên, ông có một thể hình phong độ, hào hoa… Ông thông thạo Thiên văn, Phong thủy, Huyền không học của Trung Hoa, tướng pháp và Ngọc Hạp Thông Thư của nhà Nguyễn"[3]. Ngoài việc dạy học, Ông còn làm thơ và dịch thơ. Thơ của Ông rất phong phú, bao gồm cả thơ Nôm, thơ mới bằng chữ quốc ngữ và thơ dịch từ thơ Pháp, nhưng rất tiếc là nhiều sáng tác của Ông nay đã bị thất lạc, hiện chỉ mới sưu tầm được 23 bài, được anh Lê Chiêu Cường tập hợp lại thành tập thơ “Cửu phẩm Lưu Quan tộc tình thi”[4]

 

Ông là người yêu nước, mặc dù học ở trường Quốc học Huế, trường dành cho con em quan lại thời bấy giờ nhưng Ông vẫn có những vần thơ ca ngợi các tướng sỹ Cần Vương chống Pháp trong bài "Chí trai"

 

..."Cù mộc, Bách tùng luôn đứng thẳng

Khí phách anh hùng, sử lưu danh".

 

Hoặc trong bài "Phân ưu" tinh thần yêu nước của Ông được thể hiện mạnh mẽ hơn qua các câu:

 

…”Quốc vong dân tình kham nô lệ

Nước mất thì nhà giữ được chăng”

 

Khi ở Huế, ra đường gặp Pháp, cám cảnh đất nước bị đô hộ, lệ thuộc ông viết trong bài "Miền thuộc địa"

 

..."Ngó về Vĩ Dạ, bến Văn Lâu

Gió tây rát mặt, sóng đỏ ngầu

Nóng bỏng trời nam đất thuộc địa

Ra đường thấy cú trợn mắt thau

Hỗn loạn dân tình khiếp mũi lọ[5]

Áo tím, dung y đã biến màu!

Đau lòng con trẻ tờ giấy trắng

Đệ lang vẽ rắn dọa đồng bào".

 

Dù ở Huế, nơi có nhiều cảnh đẹp, nhiều giai nhân, nhưng lúc nào Ông cũng nhớ về quê hương Cao Lao Hạ thân yêu. Trong bài bài "Chân quê" thì sông Linh Giang và núi Lệ Đệ ở quê nhà đẹp không thua kém gì sông Hương, núi Ngự ở Huế. Dù ở Huế nhưng cảnh vật, con người quê hương luôn ở bên Ông, lúc nào Ông cũng mong muốn được về quê hương.

 

"Sông Hương với núi Ngự Bình

Sánh với quê mình đẹp đến là bao?

Linh Giang sóng nước dạt dào

Ngàn xanh Lệ Đệ vợi cao lũy thành

Ta về ta tắm Vực Sanh

Mắm coòng, rau muống nuôi mình lớn khôn

 

Ta về cảm tạ Nguồn Son

Bãi bờ mang nghĩa nước non ngàn đời

Bần chua, Mận ngọt lịm môi

Em cứ hờn dỗi bắt tôi hái về"

 

Ông làm nhiều thơ tình, chữ thơ bay bướm như thư pháp, văn phong đài các, lời thơ ngọt ngào. “Thời thư sinh ở Huế cũng như lúc ra trường về dạy học ở Tràng An, nhiều nữ sinh “hoa ghen thua thắm” theo đuổi ông, ông đều lánh mặt; nhiều nữ học trò của ông trẻ, đẹp thương thầm nhớ trộm ông, ông biết rõ mà chẳng ngỏ lời yêu thương. Ông tìm ba người bạn đời của Ông ở chính quê hương mình. Cả ba bà đều đoan trang, trung hậu”[6]. Cả ba bà đều mến tài mà lấy ông, và trước khi thành thân là các đối đáp thơ giữa Ông với mỗi bà. “...thơ tình giao lưu với ba bà ở quê hương trước lúc thành gia thất, thể loại lục bát, thất ngôn tứ tuyệt đã  biến tấu ra thơ tự do theo lối hát phường vải trong dân gian, mộc mạc, chân thành nhưng đầy tình thân của người nông dân thôn dã”[7].

 

Với bà Chính thất, Ông viết:

 

…”Tại gia tòng phụ em ơi

Đôi ta thiên định vị rồi

Anh mơ được em như người trong mộng

Em ừ một tiếng đề anh lên xuống

Để anh có lối đi về…”

 

Bà đáp:

 

Lên xuống thì mặc anh cứ lên xuống

Ai cấm ngăn anh chi

Mà dây muống với dây cà

Tại gia tòng phụ là em nghe lời mẹ cha

Còn với anh, em chưa yên dạ

Để dần da rồi hay

 

Ông viết tiếp"

 

…"Phượng Hoàng lặng gót chi hạ

Em đã ừ trong dạ phải không?..."

 

Bà đáp lại:

 

…”Quen nhau từng phen tương phùng đối diện

Phượng hoàng bay đến, oanh, yến đã hót chào”…

 

Với bà Đệ nhị, Ông thổ lộ:

 

...Chốn huyên đường

Anh đã có thuyền quyên nội trợ

Nơi Tràng An thiếu người giúp đỡ gối khăn

Anh tới đây muốn xe sợi tơ lành

Để mai vào trường nhẹ gót

Có bóng xuân vàng thư hiên.

 

Bà đáp lại:

 

Vợ anh ở nhà như tiên sa, tài ba, đứng đắn

Không phải chi em má phấn môi hồng

Tham chi thôn nữ nâu sòng

Mà anh băng rừng, lội suối, qua đồng đến đây.

 

Với bà Đệ tam khi Ông đến bà đã hát rằng:

 

…"Chốn Thung huyền đường

Đã có tiên hầu hạ

Nơi thư hiên anh đã có bóng xuân vàng

Nhắc người quân tử chớ đa mang

Sớm Đào tối Mân để phòng loan gió lùa

Hay thỏ nguyệt khi mờ, khi tỏ?

Khiến anh băng rừng, vượt rú ngoãn sương

Chớp đông chắc có mưa nguồn

Anh về mau kẻo biển động – sóng cồn – nhà xiêu"

 

Ông hát đáp lại:

 

Chị em ở xa

Nên chưa tỏ mối manh

Anh đã có nơi đường đệ

Tam tuần lục thiềng danh

Bởi chừng Hoàng Thiên định mệnh:

Một gốc phải có đến ba cành

Tới đây, thấy mật trù linh địa

Nên anh muốn lập vườn xanh với nàng

 

Sau này, ba bà sống với nhau rất hòa thuận, con cái do các bà sinh ra thương nhau như cùng một mẹ. Sự đa thê của ông không phải do ông đa tình mà do ông tin tuyệt đối vào số mệnh, biết mình đoản thọ cần phải có “tam thê tam mộc thành viên thì mới có con trai nối dõi tông đường; gia đạo mới hưng long, con của ông mới thành quý tử; hậu duệ của ông đời nối đời hiển đạt”[8]

 

Ở bài "Tự sự" ta mới thấy rằng, ông tin ở tướng số nên mới lấy ba bà. Thời đó có cuốn Ngọc hạp Thông Thư là cuốn coi về tướng số của nhà Nguyễn

 

 “Ớt nào mà ớt chẳng cay”

Bởi ta phong nhã hay tình đày, ông tơ?!

Oanh theo thì Nhạn làm lơ

Nhạn theo thì Yến còn chờ thời gian

Số ta tình phân đa đoan

Ta chớ phàn nàn bà Nguyệt, ông Tơ

Gửi vần vào bức tình thơ

Để xem “Ngọc Hạp Thồng Thư” mới tường".

 

Về thơ dịch, theo ông Lưu Trọng Thùy[9] thì ông Lưu Đức Nhu dịch thơ Pháp rất hay nhưng hầu hết đã bị thất lạc. Có một lần ông Lưu Đức Nhu đưa một bài thơ dịch và hỏi ông Thùy xem bài thơ thế nào, ông Thùy đọc xong một lần và nhớ như in đến tận ngày nay, mặc dù đã hơn 70 năm trôi qua. Đó là một bài thơ dịch từ một cuốn sách của Pháp, bài thơ tên là "Hươu cái kêu gào dưới  ánh trăng" có những câu:


..."Hươu con tốt đẹp lắm người ưa

Lạc mất đêm khuya lúc tối mờ

Hươu cái dưới trăng nhường sốt ruột

Kêu gào nước mắt đổ như mưa..."

  ./
Ngoài dạy học và làm thơ, Ông còn là người đi đầu trong việc khuyến khích dân Làng mở rộng phát triển thương mại, giao thương buôn bán với bên ngoài; hướng dẫn nhiều người cách kinh doanh, nhờ đó việc buôn bán của họ ngày càng phát triển, thu được lợi lớn.

 

Ông có cuộc sống giản dị, thương yêu mọi người, được dân Làng kính trọng.

 



[1] Tổng thời trước bao gồm nhiều làng và là một đơn vị hành chính trung gian giữa Làng và Huyện, Phủ. Cao Lao Hạ có 4 ngài đã giữ chức chánh tổng là Tổng Quê, Tổng Anh, Tổng Kỳ, Tổng Hàn.

[2] Địa chí Làng Cao Lao Hạ của Lê Văn Sơn; NXB Thuận Hóa năm 2006, trang 185

[3] Cửu phẩm Lưu Quan Tộc Tình Thi, trang 1

[4] “Cửu phẩm Lưu Quan Tộc tình thư” do Lê Chiêu Cường sưu tầm và viết lời giới thiệu

[5] Tiếng địa phương là mũi lõ

[6] Cửu phẩm Lưu Quan Tộc Tình Thi, trang 1

[7]Cửu phẩm Lưu Quan Tộc Tình Thi, trang 2

[8] Cửu phẩm Lưu Quan Tộc Tình Thi, trang 2

[9] Nhà giáo, nhà thơ; nguyên hiệu trưởng trường cao đẳng BR – VT; hiện đang sinh sống tại BR – VT.

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip