Lưu Kỳ Linh

06:47 - 24/10/2010

Lưu Kỳ Linh tên thật là Lưu Trọng Lai (1907-1974), là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Lưu Kỳ Linh, sinh tại Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trước ông học trường Đồng Hới, sau học trường Quốc Học Huế

Lưu Kỳ Linh

 

Lưu Kỳ Linh tên thật là Lưu Trọng Lai (1907-1974), là nhà thơViệt Namthời tiền chiến.Lưu Kỳ Linh, sinh tại Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trước ông học trường Đồng Hới, sau học trường Quốc Học Huế (đến năm thứ 3). Cha ông là Lưu Trọng Kiến, hiệu Lưu Kỳ Sơn, thi đỗ Cử nhân, làm quan đến chức Tri huyện. Rồi nhân có tang mẹ, ông xin về ở ẩn luôn. Tác phẩm của ông có Kỳ Sơn thi tập. Lưu Kỳ Linh là anh ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ông là một thi sĩ thuộc thế hệ Thơ mới những năm 30 của thế kỷ 20, đã đăng thơ trên Hà Nội báo, Tao Đàn, Tiểu thuyết thứ bảy...

 

Theo thông tin trong cuốn Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ), thì từ năm 1927 đến năm 1944, Lưu Kỳ Linh sống ở làng quê (sách không ghi tên làng xã), gần gũi với nông dân, với ruộng vườn; cho nên thơ ông từ này về sau thường giản phác, tự nhiên, có cái nhạc điệu của ca dao và cái phong vị của Đường thi. Ở đó, ông tự học, tự tu, không thầy, không bạn. Từ năm 1944 cho đến nay (1968, là năm tác giả viết bài này), ông về ở Sài Gòn(trừ ba bốn năm ở Nha Trang), làm nghề dạy học và tiếp tục sống an bần lạc đạo…[1]

 

Lưu Kỳ Linh mất năm 1974, thọ 67 tuổi.

 

Tác phẩm của Lưu Kỳ Linh đều là thơ, gồm có:

 

  • Tiếng nhạc sông Hương(tập hợp những bài thơ làm năm 1937-1938)
  • Bàn tay sen nở (tập hợp những bài thơ làm năm 1939-1941)
  • Chậm bước tầm phương (1949)
  • Hỏa ngục xá lợi (1966)
  • Đấng từ bi (1966)
  • Giòng tùy ngộ (1967)
  • Những bông hoa quý (Nxb. Hội nhà văn Việt Namấn hành năm 1998, sau khi ông mất)

 

Ngoài thơ sáng tác, ông còn dịch một số thơ Đường. Cũng theo cuốn Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ), thì phần lớn số thơ dịch của ông đã bị lửa thiêu rụi trong thời kỳ chiến tranh Pháp-Việt(1946-1954).

 

Quan niệm sáng tác: Có lần Lưu Kỳ Linh đã tâm sự với bạn rằng: “Nếu có tiền thì tôi đã không có thơ. Âu cũng là cái nghiệp của tôi...Bởi vậy, tôi luôn cố gắng tu luyện cho đạt tới chỗ "Thi thiền nhất vị". Sau đây là mấy câu thơ tôi thường ngâm để tự nhắc nhở mình:

 

Nước mắt người tuôn vạn nẻo đường

Lấy gì ngăn được, hỡi tình thương?

Tu bao kiếp nữa thành thi sĩ

Hóa đạo ra thơ để cúng dường.”[1]

 

Năm 1941, Hoài Thanh- Hoài Chân đã viết trong cuốn Thi nhân Việt Namvề Lưu Kỳ Linh như sau:“Lưu kỳ Linh là anh ruột Lưu Trọng Lư. Nhưng thơ em nhiều người biết mà thơ anh ít ai hay. Kể cũng đáng tiếc. Thơ Lưu Kỳ Linh tuy mới nhưng đôi bài có cái nhẹ nhàng, cái kín đáo, cái vi diệu của những vần thơ xưa. Nó không huy hoàng, lộng lẫy. Trong vườn thơ nó chỉ là những bông hoa màu nhạt, hương thanh, e lệ nở trong một góc tường. Nhưng ai dám bảo là những bông hoa không quý?”[2]

 

Năm 1968, tại Sài Gòn, Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng lại giới thiệu ông một lần nữa, đại để như sau:“Thơ của Lưu Kỳ Linh, có thể chia làm hai luồng: Đạo và Đời. Ý thơ trong luồng thơ Đời chứa đựng những lời tình tứ. Nó không lãng mạn như Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Huy Thông...nó rụt rè, nhút nhát, rất mơ tình và xa vắng. Đúng là thứ mộng tình tuyệt đối. Còn luồng thơ Đạo, thì khởi đầu từ khi thi sĩ đi viếng Hòa thượng Thập Tháp ở chùa Tây Hiên về (1942). Sau này, ông còn "kết duyên Đạo" với Đại đức Nhật Long nữa, và cả hai nhà sư này đã gây cho ông "cái cảm giác như được sống trong khí thoát trần"[1].

 

Một số bài thơ tiêu biểu

 

 

Đợi chờ

(trích)

 

Đêm xuân mộng chửa về thăm

Cửa lòng vội khép, em nằm nghe sương

Tỷ tê gọi gió lên đường

Nghe trăng âu yếm dỗ hương trên cành

Gà vô ý giục tàn canh

Cửa lòng vội khép cho tình ngủ thôi.

...

 

Con bướm trắng

(trích)

Bướm kia ai biết là thi sĩ

Kiếp trước đa tình lại hóa thân.

Vừng hồng phun ánh hồng tươi

Cả một vườn xuân loáng nét cười

E lệ cánh trà so cánh huệ,

Hương lan thầm kín mỉa hương mai.[3]

...

(Hè, 1944)

Cố viên tâm

 

Xuân đến, vì ai, ai biết xuân

Bao nhiêu xuân đến bấy nhiêu lần

Hỏi thăm trong mộng người quê cũ

Có thấy hoa đào rụng đỏ sân.

Trên cầu Bồng Sơn

Trăng thức ba canh mấy nhịp cầu

Linh hung trời nước chiếc thuyền câu.

Bay ngang âm điệu rừng hương biếc,

Gió tắt lòng ai ai biết đâu.

(Hè, 1944)

 

Xuân cảm

(trích)

 

...Dạo phố cùng xuân, xuân bỡ ngỡ

Về phòng với mộng, mộng chơi vơi

Rượu say trăm chén còn chưa tỉnh

Khép nép trông pên Phật sáng ngời.[4].

(1965)

 

 

Chú thích

  1. Lược theo Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ). Nxb Sống Mới, 1968, tr. 606-607 và 609-610.
  2. Thi nhân Việt Nam, bản in lại của Nxb Văn học năm 1988, tr. 263.
  3. Bài Đợi chờ và Con bướm trắng chép trong Thi nhân Việt Nam, tr.264.
  4.  Bài Cố viên tâm, Trên cầu Bồng Sơn và Xuân cảm, chép theo Việt Nam thi nhân tiền chiến(quyển hạ), sách đã dẫn, tr. 612, 617 và 623.

 

Tác giả : Theo Wikipedia

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip