Lưu Văn Bình

17:49 - 17/03/2011

Phó bảng Lưu Văn Bình và hậu duệ góp phần làm rạng danh quê hương Cao Lao Hạ

 

Cao Lao Hạ, nay là xã Hạ Trạch, huyện  Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tuy không được xếp vào một trong Bát danh hương của Quảng Bình(*) nhưng lại được nhiều người biết đến bởi đây là một vùng địa linh nhân kiệt. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều vị khoa bảng nổi tiếng. Đặng Văn Thái, đỗ Phó bảng năm 1843, làm quan tri phủ; Lưu Lượng, đỗ cử nhân năm 1837, làm quan án sát xứ Thanh Hoá, chuyển Hồng lô tự khanh, Biện lý bộ hình, năm 1852 sung phó sứ đi Yên kinh, đi sứ Trung Quốc. Một số nhân vật nổi tiếng trong phong trào cần vương như Lê Mô Khải, Lê Quang Chánh. Nhiều  người làm quan tri huyện như Lê Quang Huân, Lê Quang Hoằng, Lê Quang Báu, Lê Quang Trực, Lê Quang Khung, Nguyễn Văn Doãn…Tuy nhiên, nói đến làng Cao Lao Hạ, không thể không nhắc tới Phó bảng Lưu Văn Bình. 

 

Theo gia phả họ Lưu Quan của làng Cao Lao Hạ,  Lưu Văn Bình (Chữ Tú, Hiệu Như Hành) là đời thứ 11, thuộc Nhánh 2, Phái 2, Phòng 1. Ông sinh năm Quý Hợi (1803). Lưu Văn Bình vốn thông minh từ nhỏ, khi lớn lên  say sưa với sách vở, học hành. Ông đậu Phó bảng năm Tự Đức thứ 6 (1853). Giữ chức Viện ngoại lang Bộ hình, Hàm Thái thượng Tự khanh. Được tặng Hàn lâm Viện thị đốc học sĩ. Cáo thụ Trung thuận đại phu, Phong tán trị doãn, thuỷ đoan cẩn công. Ông ham dạy học hơn ham làm quan, và dù có đi làm quan, ông vẫn mở trường dạy học. Năm ông làm tri huyện huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh, là một vùng lắm nhân tài như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ nhưng ông vẫn mở trường dạy học, học trò trong vùng đến học rất đông. Khi làm tri phủ Thuận An, ông được nhân dân mến phục đến mức, khi được nhà vua triệu về kinh làm việc, nhân dân phủ đó đều đồng tình dâng sớ lên vua xin cho ông ở lại giúp mở mang dân trí, dân sinh. Vua không cản được đành phải theo ý dân cho ông lưu lại hơn 6 năm trời mới quyết định đưa về triều, giao giữ chức Hình Bộ viên ngoại, chuyên trách hành pháp.

 

Cụ Lưu Văn Bình đã sinh ra nhiều hậu duệ khá nổi tiếng như: Lưu Điệt, Lưu Văn Xưng (có sách ghi Lưu Đức Xưng), Lưu Trọng Kiến, Lưu Trọng Tuần, Lưu Trọng Lai, Lưu Trọng Lạc, Lưu Trọng Lư…

 

Lưu Điệt là con trai cụ Lưu Văn Bình, anh của Thượng thư Lưu Văn Xưng. Tuy xuất thân từ một gia đình Nho học uyên thâm, nhưng ông không muốn theo nghiệp văn mà theo đòi nghiệp võ. Ông có sức khoẻ khác thường, tính tình lại cương trực, gặp việc khó không chịu lùi, nhất là những việc nghĩa cử thì ông không bao giờ từ nan. Khi Lê Mô Khải hưởng ứng phong trào Cần Vương dựng cờ khởi nghĩa, Lưu Điệt liền hưởng ứng tham gia vào hàng quân chiến đấu. Ông được Lê Mô Khải cử làm tướng. Lưu Điệt cùng Lê Mô Khải lên miền tây Quảng Bình phò vua Hàm Nghi. Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, ông vẫn ở lại rừng sâu cùng Lê Mô Khải dựng lại căn cứ, lãnh đạo nghĩa quân tiếp tục hoạt động. Do điều kiện sống lâu năm giữa rừng, ông đã lâm bệnh nặng nên đã qua đời tại căn cứ.

 

Lưu Văn Xưng, tên chữ là Ký, Hữu. Tuổi Tân Hợi. Đỗ Cử nhân Ân khoa Giáp Thân. Giữ chức Thượng thư Bộ lễ. Hàm Chánh Nhị phẩm, vị Tư Thiên Đại phu. Chước Chánh tri thượng Khanh. Tên hèm Trang Lượng hầu. Tuy ông chỉ đỗ cử nhân nhưng là người tài giỏi nổi tiếng. Ông là đồng tác giả với Cao Xuân Dục soạn bộ sách lớn: Đại Nam Nhất Thống Chí; tác giả cuốn Quảng Bình Đăng Khoa lục, Bộ sách Hội Điền.

 

Lưu Trọng  Kiến (1864 - 1927) là cháu nội cụ Lưu Văn Bình. Ông đỗ cử nhân năm 1888, làm quan tri huyện, ông còn là nhà Hán học uyên thâm.  Là  một vị quan thanh liêm đức độ, có phẩm chất trong sạch, ở đâu dân cũng quí mến. Ông thích thơ Đường và chịu ảnh hưởng của thơ Đường. Ông đã có nhiều tác phẩm giá trị với bút hiệu Kỳ Sơn. Ông chính là thân sinh của các nhà thơ, nhà cách mạng nổi tiếng như  Lưu Trọng Tuần,  Lưu Trọng Lai (Lưu Kỳ Linh), Lưu Trọng Lạc, Lưu Trọng Lư…

 

Nhà thơ Lưu Trọng Tuần (1900 -1980)bút hiệu Tuý Không. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như  Cao Lao hương sử (Lược thuật diễn ca); Thái hoà bình đẳng luận phú; Chinh phụ thu hoài ngâm...Trong đó tập Cao Lao hương sử là tác phẩm khá thành công của ông. Ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu tìm tòi, tập hợp nhiều tài liệu của địa phương để ghi chép dưới dạng sử ký bằng thể thơ lục bát về núi non, sông ngòi, dân cư, nhân tài  kinh tế, chính trị, phong tục, xã hội, lễ giáo, văn hoá, khuyến học, giáo dục của làng Cao lao Hạ

 

Lưu Trọng Lai bút hiệu là Lưu Kỳ Linh (1907 - 1974). Tuy không nổi tiếng như người em Lưu Trọng Lư nhưng ông cũng đã có  thơ đăng trên nhiều báo và tạp chí: Tao Đàn, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ bảy, v.v… Ông đã xuất bản được các thi phẩm: Tiếng nhạc sông Hương; Bàn tay sen nở; Chậm bước tầm phương; Đấng từ bi; Dòng tuỳ ngộ;  Những bông hoa quí...

 

Lưu Trọng Lư (1911 - 1991). Hồi nhỏ nhà thơ học trường Quốc học Huế sau ra Hà Nội học tư, rồi bỏ đi làm thơ, làm báo, viết văn. Chủ trương Ngân Sơn tùng thư tại Huế năm 1933-1934. Sau năm 1954 ông làm Vụ trưởng Vụ Sân khấu Bộ Văn hoá, và là Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những người khởi xướng phong trào Thơ Mới nổi tiếng từ bài thơ Tiếng Thu xuất bản năm 1939. Ngoài ra ông còn có một số tác phẩm tiêu biểu:  Người Con Gái Sông Gianh (1966), Từ Đất Này (1971), Hồng Gấm, Tuổi Hai Mươi (kịch thơ, 1973). Mặc dù  là một trong những người cổ động cho Thơ Mới ồn ào nhất, đọc thơ ông, người ta vẫn có cảm tưởng nó chẳng mới bao nhiêu. Thơ Lưu Trọng Lư vẫn là một khúc đàn xưa, giàu tình cảm lẫn nhạc điệu với những rung động chân tình, dễ gây ấn tượng trong người đọc. Nhận xét của Hoài Thanh - Hoài Chân: "... thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta"

 

Ngoài ra, còn một số hậu duệ của cụ Lưu Văn Bình từng giữ những trọng trách quan trọng trong chính quyền và quân đội nhân dân Việt Nam như ông Lưu Trọng Lạc, từng giữ chức Chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Bố Trạch, Cục trưởng cục Lương thực (lúc đó chưa có Bộ lương thực), Thiếu tướng  Lưu Bá Xảo, từng là Hiệu trưởng trường sỹ quan Lục quân I…

 

Những đóng góp của vị Phó bảng Lưu Văn Bình và những hậu duệ của ông càng làm vẻ vang thêm truyền thống khoa bảng của quê hương Cao Lao Hạ. Ngày nay con cháu cụ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cha ông, phấn đấu  học tập rèn luyện.  Hiện có nhiều  giáo sư, tiến sỹ, sỹ quan cao cấp trong quân đội nhân dân Việt Nam, nhà khoa học,  nhà thơ, nhà đạo diễn nổi tiếng,… sống và làm việc khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài.

 

Mộ cụ Phó bảng  được an táng tại vùng đồng Cồn Quỹ,  làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch, Bố Trạch) giữa trời mây đồng ruộng bát ngát.  Nơi đây cũng là một địa chỉ, là tấm gương để người dân Hạ Trạch giáo dục con cháu trong khuyến học, khuyến tài.

 --------------

(*) Bát danh hương của Quảng Bình gồm 8 làng văn vật: Sơn – Hà – Cảnh- Thổ - Văn- Võ – Cổ - Kim

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Phan Đình Châu
GS.TSKH Phan Đình Châu: Quê hương là trái bần chua ngọt...
Con đường trở thành bác sỹ nội trú của cô gái Việt
Lưu Trọng Hải- Nhà văn hoá kiến trúc.
Điếu văn truy điệu cụ ông, Tiến sỹ Lưu Đức Hồng

Video clip