Lưu Văn Tham

20:40 - 08/11/2010

Sự ra đi của ông Lưu Văn Tham, người đã quên mình cứu người trong lũ đã để lại sự tiếc thương vô hạn đối với bà con Hạ Trạch; nhiều tờ báo trong nước đã đưa tin về tấm gương của Ông; chủ tịch UBND xã Hạ Trạch, Lưu Văn Tác nói về Ông với lòng nuối tiếc: "...người như ông bây giờ hiếm lắm, ông giúp cho địa phương nhiều lắm, bày vẻ cho con cháu nhiều lắm...".

Ngời sáng tình người trong lũ

 

Thế là ông đã vĩnh viễn ra đi!

 

Hội Cựu chiến binh Thôn 5 mất đi cán bộ hội tích cực, tâm huyết. Hội Nông dân mất đi một người hội viên tận tụy, gương mẫu. Hội người cao tuổi mất đi một hội viên mẫu mực. Con cháu, bà con làng xóm, họ tộc mất đi một người cha, người ông, người chú…hiền lành chất phát và giản dị, đầy lòng bao dung … Những dòng ngắn ngủi trong điếu văn tại lễ truy điệu vừa đủ để phác họa lại chân dung ông, Lưu Văn Tham, 75 tuổi ở thôn 5, xã Hạ Trạch, người đã mãi mãi ra đi trong lúc cứu người trong trận lũ lịch sử đầu tháng 10/2010.

 

Trận đại hồng thủy mà gần trăm năm nay mới có đã nhấn chìm làng Cao Lao Hạ trong biển nước mênh mông. Nước lũ tràn về, cuồn cuộn chảy, cuồn cuộn dâng. Nước lên quá nhanh, quá bất ngờ. Ai nấy lo lắng thu dọn chút ít đồ đạc, tìm mọi cách kê cao giường chiếu, gạo cơm ở những nơi có thể, để sống chung với lũ. Riêng ông, ông đã chưa kịp làm như vậy. Trong thâm tâm, ông đang lo đến một việc khác, một việc hệ trọng: đi cứu người trong lũ dữ.

 

Chiếc thuyền nhỏ bé cùng ông vượt mưa lũ đến chiếc chòi canh cá của một gia đình mà trong đó đang có 4 con người trú ngụ: 2 vợ chồng trẻ và 2 đứa con thơ, một mới hơn 2 tuổi và một chưa đến tuổi thôi nôi. Với kinh nghiệm suốt cuộc đời lăn lộn với sông nước, đồng ruộng và đã trải qua những trận lụt lớn, ông biết rằng, nếu không đến kịp thời, thủy thần có thể cuốn trôi tất cả. Mặc cho mưa quất nước dâng, mặc cho gió giật liên hồi, ông vẫn quyết không nản chí. Cuối cùng, ông cũng đã đến được nơi ông cần đến, nơi những con ngươi đang chơi vơi trong lũ dữ. Lần lượt ông đưa được cả 4 người vào một gia đình ở Thôn 8 xã Hạ Trạch an toàn.

 

Mưa như trút nước không ngừng không ngớt. Nhìn qua màn đêm, thấy cảnh làng xóm ngập chìm trong biển nước, có điều gì đó làm nhói tim ông. Ông biết rằng, ở giữa đồng nước bao la kia, còn rất nhiều người đang chơi vơi, chới với ngồi trên nóc nhà nhìn dòng nước đang dâng dữ dội và không có dấu hiệu dùng lại. Nếu không ứng cứu kịp thời thì mọi chuyện xấu nhất có thể xảy ra. Ông lại quyết định cầm sào chống thuyền ra đi. Mặc cho những lời can ngăn của con cháu, của mấy người hàng xóm bên ông lúc đó. “Tau là dân sông nước. Lụt từng ni ăn thua chi”. Nói rồi ông dứt khoát đẩy thuyền đi. Đã từng là người lính, ông hiểu, khi mệnh lệnh đã ban ra thì không được do dự chậm trễ, dù chỉ là một giây. Và mệnh lệnh từ con tim nhân ái của ông đã thôi thúc ông hành động. Lúc đó là 1h sáng ngày 02/10/2010. Đó cũng là chuyến đi định mệnh, và ông không bao giờ trở về nữa…

 

Đã ở tuổi  75, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông còn khỏe mạnh cường tráng lắm. Dáng người cao lớn vạm vỡ, rắn chắc, thanh niên trong làng nhìn vóc dáng ông mà thèm. Công việc đồng áng nặng nhọc là thế nhưng ông làm quần quật suốt ngày, chẳng thấy ông ở nể bao giờ. Đồng trên ruộng dưới, bàu su ruộng cạn, rú trong rẫy ngoài,…  khắp làng Cao Lao đều in dấu chân ông. Và thật lạ là chưa thấy ông đau ốm bao giờ. Bệnh tật hễ thấy ông là tránh. Nhức đầu sổ mũi, bắt cá dưới ao lên, thêm nắm gạo với ít đậu xanh, toàn của nhà làm được, làm bát cháo nóng nấu hành nấu ném là lại vác cuốc ra đồng.

 

Nhiều người bảo, ông bây giờ con cái trưởng thành cả rồi, đứa bộ đội, bưu điện, đứa hàng không, dầu khí… ông còn lăn lộn làm gì cho cực thân. Nhưng với ông, cái nghiệp sông nước, bùn đất đồng ruộng như đã thấm vào trong huyết quản của ông. Thời trẻ, hết bộ đội lại về làm ruộng, tái ngũ xong cũng lại về lăn lộn với sông nước ruộng đồng. Suốt đời ông ngụp lặn với rớ, câu, nò, mựng, nơm, tát; vùng vẫy khắp dòng Gianh, Hói Hạ, vực Sanh, Cửa nghè, lội hết bàu trước hói sau nên chuyện cày cuốc, nuôi cá, bắt tôm, đối với ông, bây giờ chỉ là thú vui giải trí của tuổi già. Miềng con nhà nông, lao động quen rồi, có nặng nhọc chi mô, sức vóc còn làm được, ăn rồi ở nể khó chịu lắm. Con cháu thương cha suốt ngày lăn lộn ngoài bàu, có ý khuyên ông nên nghỉ ngơi, ông đều nói thế.

 

Đám tang ông diễn ra giữa biển nước mênh mông. Chính quyền, đoàn thể, bà con lối xóm quên mặc dòng nước lũ đang cuộn chảy dưới chân mình để đến với ông. Người nào việc ấy âm thầm lặng lẽ trong mưa lũ, dọn cho ông chỗ khô ráo nhất, sạch sẽ nhất trong ngôi nhà còn ngập ngụa bùn nước ông từng được sinh ra. Mấy ngày lũ lớn, gạo cơm củi đuốc thứ trôi thứ ướt, nhưng trên bàn thờ lập vội cũng kịp cho ông được bát cơm nồng ấm tình làng. Vẫn có nồi nước nóng nghi ngút hương thơm cây lá trong vườn tắm rửa cho ông. Bà con làng xóm truyền cho ông chút ít hơi ấm tình quê cho da ông hồng thắm trở lại, cho ông nghỉ ngơi chút ít trước khi về với đất mẹ quê hương.

 

Con cháu ông khi hay tin dữ, đứa Sài Gòn, Cần Thơ, đứa Đà Lạt, Vũng Tàu, đứa Phú Quốc,… đáp máy bay, tàu hỏa, ô tô hàng ngàn cây số về đến nơi thì mọi việc cũng đâu vào đấy. Nhìn những ánh mắt thương cảm, xót xa nhưng gần gũi của bà con làng xóm, họ tộc đến bên ông, đang sưởi ấm cho ông bớt lãnh lẽo mấy ngày dầm mưa, chúng không cầm lòng nổi. Nhưng cũng nhờ thế mà nỗi đau cũng phần nào được ngôi ngoai.

 

Nỗi đau đến quá lớn, quá bất ngờ, không ai tin đó là sự thật. Mới đó thôi, trong bộ áo dài khăn đóng, ông còn chững chạc trang nghiêm bên chiếc trống làng điểm lên những hồi trống uy nghiêm vang vọng trong ngày khai hội xây lại đình làng. Lễ thượng long cũng không thể thiếu ông với chiếc dùi trống trong tay. Lễ hội, tết nhất của họ Lưu Quan, ông cũng chính là người mở đầu bằng những hồi trống vang vọng.

 

Mỗi lần con cháu về thăm, tụ tập kéo nhau vào ao cá ông nuôi, ông chỉ tay vào đống đồ nghề: Lái đó, rớ đó, nôốc đó, bay muốn ăn mấy thì xuống bắt lên mà ăn. Cá giếc làng miềng ngon lắm, hơi xương một chút nhưng mà lèng lắm,. Cá trắm, cá mè to thiệt nhưng là thứ đã lai tạo không bằng con giếc, con tràu làng miềng mô. Con cháu ông cũng vốn từ đồng làng mà lớn lên nên chẳng đứa nào ngần ngại, mấy đứa tranh nhau lao xuống hồ. Nhoằng một lúc đã có một  mớ cá tươi óng ánh. Nồi nước sôi đã chờ sẵn, chỉ cần mổ ruột, rửa qua quýt, bỏ vào nồi nước sôi, thêm vài hột muối, chẳng cần gia vị gì mà mùi thơm cứ bốc lên quyện vào không gian ngây ngất. “Cá ôông nuôi thả tự nhiên, không cho ăn thức ăn công nghiệp mô, béo lắm”. Thêm cút rượu chính gốc làng Hạ, mấy ông cháu ngồi ngay bờ đất, giữa trời nước bao la thưởng thức hương vị đồng quê. Rồi tất cả cùng lăn ra bờ cỏ, ngước nhìn lên trời xanh, nghe tiếng thông Kỳ Sơn reo trong gió, thoang thoảng hương lúa, hương ngô,  vẳng nghe rì rào tiếng sóng vỗ bờ Gianh, đắm chìm trong ngọn nồm nam mát rượi, thật chẳng còn thú vui nào hơn thế. Vậy mà…!

 

Có dịp gần Tết, mấy đứa cháu vào coi ông bắt cá. Trắm, mè, gáy, giếc… con nào con nấy to lững, béo múp. Mấy bạn hàng vào mua cá, có ý bớt một thêm hai, ông chỉ vào đám cháu: Cháu tau cả bầy đó, bay khôông mua tau để lại cho con cháu tau xéc về ăn Tết hết! Như đã biết tính ông, bạn hàng chẳng nói thêm gì nữa.

 

Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch, Lưu Văn Tác, đã phải thốt lên giữa đám tang ông: Tiếc quá anh ơi, người như ông bây giờ hiếm lắm, ông giúp cho địa phương nhiều lắm, bày vẻ cho con cháu nhiều lắm. Chính quyền và bà con đang rất cần những người như ông, rứa mà…!

 

Chị Hữu, người được ông cứu sống trong gang tấc nghẹn ngào kể lại: Cả ngày hôm đó hai vợ chồng chị dầm mình trong nước chống chọi với lũ lo cho bầy vịt, đàn cá mãi đến khuya. Mới leo lên tra chợp mắt rồi thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng nghe tiếng gọi, tiếng giật cửa rầm rầm, choàng tỉnh dậy thì nước đã ngập đến nửa nhà và đang dâng lên dữ dội. Phía ngoài, ông vừa gọi vừa phá cửa vì cửa bị nước chèn không mở được nữa. Mới đưa được 2 cháu nhỏ và chị lên thuyền thì cũng là lúc nước ngập đến nóc nhà. Thuyền nhỏ, không chở hết cả 5 người nên ông phải vừa bơi vừa kéo, lần mò trong đêm để đưa gia đình chị vào bờ. Nếu ông không đến kịp thì…

 

Anh Lâm, người lặn lội giữa dòng nước bạc lạnh cóng suốt mấy ngày tìm kiếm ông, tâm sự: Khi nhận tin ông đi cứu người trong đêm lũ lớn mãi không thấy về, linh tính như mách bảo anh rằng tai họa đã ập đến với ông, mặc dù trong thâm tâm, anh vẫn không tin vào điều đó. Mấy ngày sau đó, hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày tới tấp gọi về anh để hỏi tình hình của ông. Lũ lớn, mất điện, mất liên lạc, anh đã phải duy trì liên lạc bằng cách khắc phục chiếc máy phát điện tự chế của mình để sạc pin cho chiếc điện thoại di động, nhờ thế mà anh vẫn giữ được liên lạc được với mọi nơi trong quá trình tìm kiếm ông. Suốt 2 ngày đêm lăn lộn giữa nước lũ, cuối cùng anh cùng mấy anh em đã tìm được ông. Khi đưa ông lên thuyền, trong tay ông vẫn nắm chặt chiếc đèn pin, khuôn mặt vẫn hồng hào như người đang ngủ vậy. Cho đến bây giờ, đối với anh, ông vẫn như còn sống.

 

Những vòng hoa viếng ông vượt lũ về, mang những dòng chữ đau buồn, thương tiếc từ khắp mọi miền đất nước: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và cả từ Phú Quốc xa xôi. Rồi bà con trong nam, ngoài bắc cũng vượt lũ về bên ông, ai cũng gắng nhanh chân để được nhìn ông lần cuối, thắp cho ông nén nhang để lòng ông được siêu thoát cõi trần.

 

Trời như cũng cảm phục cái tình người trong ông. Những ngày trước mưa là thế, lũ là thế mà đến ngày đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, trời cũng phải ngừng trút nước. Vậy nên, bà con, bạn bè, con cháu tiễn đưa ông đông lắm. Rồi những ngày liền sau đó, trời  lại xả nước, lũ chồng lên lũ, làng Hạ lại ngập trắng.

 

Tấm gương vượt lũ cứu người của ông, một cụ già đã  75 tuổi làm cho nhiều người khâm phục. Lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, nhiều cơ quan thông tấn báo chí đến thắp hương viếng ông, thăm hỏi động viên gia đình. Coi ông là một hình mẫu của tinh thần xả thân vì đồng bào. Nhiều người đề nghị làm chế độ này khác cho ông, vinh danh công lao của ông. Điều đó cũng hoàn toàn ứng đáng. Nhưng với ông, chắc rằng khi hành động ông không nghĩ đến điều đó, con cháu ông cũng vậy. Bởi vì, cao hơn cả là cái tình người khi hoạn nạn cần giúp đỡ nhau. Từng đó cũng đã quá đủ để ông được con cháu, bà con làng xóm, họ tộc vinh danh mãi mãi.

 

Chắc hẳn, nằm an giấc trong lòng đất mẹ, ông thanh thản lắm, vì đã được chết cho quê hương, quê hương Cao Lao Hạ kính yêu. Chúng ta cũng mãi mãi tự hào được là con cháu của ông, người trọn tình vẹn nghĩa với quê hương, làng xóm.

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip