Nét độc đáo vốn có trong cái thể thơ kiệm lời

19:05 - 25/01/2019

Lời bình thơ haiku đăng trên haikuviet.com của anh Lưu Minh Hải, nhóm thơ haiku làng Cao Lao Hạ, Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Nét độc đáo vốn có trong cái thể thơ kiệm lời

Với thơ, tôi có đam mê mà không duyên nợ nên chỉ là một khách lãng du. Vừa rồi, cũng chỉ một lần cưỡi ngựa xem hoa ghé thăm vườn hoa thơ Hai kư Việt để rồi tôi không thể không dừng lại ngẫm nghĩ một vài điều. Cuộc thi thơ hai kư mà Hai kư Việt tổ chức năm nay vừa khép lại, trong số những bài thơ đạt giải, đây là tác phẩm làm tôi ấn tượng nhất:

Người đàn bà

neo mình lên khói bếp

đêm xuân.

(Tác giả: Phan Phương Uyên) 

Xin mạn phép nhà thơ Phan Phượng Uyên được đem sự hạn hẹp của mình vẩy bút mà bình đôi lời:

Trong nền văn hóa truyền thống phương đông, hình ảnh người đàn bà gắn liền với công việc bếp núc trong gia đình có thể nói đó là điều vốn dĩ đã thấm sâu vào trong tâm thức, trong nếp suy nghĩ của mỗi người. Tuy bây giờ xã hội có hiện đại, đông – tây hội nhập nhưng hình ảnh người đàn bà Á đông cũng không bao giờ có thể rời xa được trong mối quan hệ với hình ảnh bếp núc của gia đình mình. Từ hiện thực, thực tế cuộc sống đó tác giả Phượng Uyên đã có một tác phẩm hai kư rất hay, tuyệt hay từ cách dùng hình ảnh đến ngôn ngữ. Tại sao ở đây tác giả không dùng hình ảnh gian bếp, góc bếp, gác bếp, thậm chí có thể là xó bếp,... hay một từ gần nghĩa, tương đương về nghĩa nào khác mà phải là “khói bếp”? Có lẽ bởi vì các từ ấy chỉ mang nghĩa hiện thực về không gian, có vẻ cố định và có phần tù túng sẽ không làm nổi bật được giá trị bài thơ. Khác với những từ trên, “khói bếp” vừa mang ý nghĩa về không gian nhưng không gian ở đây đã thoát ra khỏi cái phạm vi hiện thực hạn hẹp mà vươn tới với sự mơ hồ, huyễn hoặc,...nên đã làm thăng hoa vẻ đẹp lãng mạn cho bài thơ. Điều đặc biệt nữa, yếu tố rất quan trọng để làm nên giá trị bài thơ phải nói đó là cách dùng ngôn ngữ của tác giả qua từ “neo” mà không phải là một từ ngữ nào khác. “Neo” - nếu là động từ có nghĩa là gắn chặt vào, bám chặt vào,...ở đây có thể hiểu cũng như "người đàn bà" luôn gắn chặt với công việc bếp núc vậy. Nhưng có lẽ nên suy ngẫm về "neo" với ý sâu xa hơn về nghĩa tính từ của nó. Phải chăng đó cũng là sự vất vả và cô đơn,... (neo đơn, gieo neo,...) của "người đàn bà" mà không phải ai cũng có thể hiểu, có thể cảm thông và chia sẻ? Tôi xin dám chắc rằng không phải người đàn ông, người chồng nào cũng có thể hiểu hết để cảm thông và san sẻ về những công việc bếp núc, việc nhà cửa của mẹ, của vợ mình.

Hình ảnh cuối của bài thơ cũng mang nhiều ý nghĩa cho người đọc thỏa sức suy ngẫm – “đêm xuân”. Không gian “khói bếp” phải đi với thời gian “đêm” thì mới tạo nên được cảm giác ảo huyền, mơ hồ, lãng mạn một cách trọn vẹn. “Đêm” phải chăng còn mang ý nghĩa đóng lại, như vòng tròn số phận? Nếu để nói về quý ngữ của bài thơ theo quy tắc hai kư truyền thống thì "xuân" chỉ là một danh từ chỉ mùa. “Xuân” ở đây không chỉ đơn thuần dừng lại ở cái nghĩa tường minh đó mà còn mang ý nghĩa sâu xa hơn đó là tuổi xuân. Người đàn bà đã dành trọn hết cả thanh xuân của mình trong cái vòng tròn số phận với công việc bếp núc, gia đình đó chăng? Không phải là một đêm đông lạnh lẽo mà là một "đêm xuân" nỗi niềm. Nỗi niềm suy tư của "người đàn bà" đang lửng lơ theo làn khói bếp của riêng mình. Đó có thể là sự cam phận mà cũng có thể là hạnh phúc trong tâm thức của người phụ nữ Á đông.

Là một người phụ nữ, tác giả Phan Phượng Uyên đã thổi cả tâm tư, hồn phách vào bài thơ của mình để làm nên một viên ngọc hai kư có thể nói là toàn bích. Cái hay của bài thơ được đan cài, hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn; tĩnh lặng trong ngôn ngữ mà lay động trong suy nghĩ, trong tâm tư, tâm hồn người đọc. Phải chăng đó cũng là một nét độc đáo vốn có trong cái thể thơ kiệm lời mà rất đa nghĩa đến từ xứ sở Phù Tang này?

Nguồn bài viết: http://haikuviet.com/ly-luan/1397-2018-12-22-21-23-15.html
Tác giả : Lưu Minh Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip