Nhà thơ nặng nghĩa với quê hương

17:40 - 22/09/2011

Bài viết về anh Cảnh Giang đăng trên báo Công an nhân dân thành phố Đà Nẵng và sau đó có một số tờ báo khác đăng lại

 

Gấp lại tập thơ Lời ru của biển của Cảnh Giang, tôi cứ bâng khuâng hoài. Thì ra cuộc đời mỗi người thơ đều có một tình thơ vượt ra ngoài câu chữ. Càng về cuối tập thơ, tình thơ của anh như trào lên từ mạch vỉa trầm tích sâu thẳm của lịch sử quê nhà. Điều tác giả viết bài này muốn nói là, để có những câu thơ yêu người, yêu chan chứa cuộc sống ấy, người viết ra nó đã trải qua một cuộc sống nội tâm khắc khoải, đớn đau từ lúc còn rất trẻ. Nhà thơ Cảnh Giang tên thật là Nguyễn Tiến Chung, thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình.

 

Cảnh Giang nói lái theo người miền Trung là Cảng Gianh-là cái cảng biển nơi cửa Sông Gianh bao đời sóng gió. Sóng gió từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Sóng gió thời vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương đánh Pháp ở thượng nguồn, sóng gió đạn bom thời chống Mỹ. Ở Cảng Gianh, chính từ làng Thanh Khê, xã Thanh Trạch, 18 giờ ngày 27-1-1960, tức 30 Tết  Canh Tý, con tàu không số đầu tiên mang tên"Tập đoàn đánh cá Sông Gianh" mang 5 tấn vũ khí, thuốc men  vượt biển vào bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân để chi viện cho Khu V. Phà Gianh, Cảng Gianh là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ nhằm chặn con đường vận chuyển vào Nam. Đêm 25-8-1966, máy bay Mỹ tập trung đánh chặn đoàn xe chở tên lửa vượt sông Gianh. Bom sát thương, bom  bi nổ ngút trời. Trong số hàng trăm liệt sĩ và thương binh bị bom sát thương đêm ấy, có người chị ruột của Nguyễn Tiến Chung là chị Nguyễn Thị Minh Hoa. Chị Hoa hy sinh khi tròn 19 tuổi. Nguyễn Tiến Chung đau đớn khóc chị bằng những vần thơ: "Vĩnh viễn chị đi... Nằm lại với con đường". Và anh thành nhà thơ Cảnh Giang từ ấy.

 

 Nhà thơ Cảnh Giang đưa con gái đi thi đại học tại Huế (tháng 7-2011).

 

Cái ngày thảm khốc ấy, có 120 ngôi mộ liệt sĩ vô danh nằm lại với nghĩa trang Nam Gianh. Họ là những TNXP, công nhân, bộ đội  bảo vệ con đường. Trong đó duy nhất có chị Đặng Thị Chốc, quê ở Hải Hưng là có tên khắc trên bia mộ. Cảnh Giang nghe bà con kể, chị Đặng Thị Chốc, Bí thư chi bộ, Đại đội trưởng TNXP Đoàn 283 Hải Hưng, ở trọ trong một nhà dân. Khi đi thu lượm xác chết, ông chủ nhà đã nhận dạng ra chị, mặc dù đầu chị mất đi một mảng tóc và cụt mất một chân.

 

Chôn cất chị, ông có làm dấu, ghi  tên, vì thế khi cải táng vào nghĩa trang Nam Gianh, chị là người duy nhất trong số TNXP hy sinh hôm đó được khắc tên. Chủ nhà kể rằng, trước khi lên đường, chị Chốc có nói với mẹ: Con ra đi lần này không hẹn ngày trở lại. Nếu con không về thì mẹ cứ lấy ngày hôm nay làm ngày giỗ của con. Nghe kể, Cảnh Giang xúc động nghẹn ngào. Anh quyết định nhận liệt sĩ Đặng Thị Chốc làm em gái kết nghĩa. Vì anh cứ đinh ninh đã 36 năm trôi qua, chắc mẹ chị cũng đã mất, chị không còn một ai thân thích. Anh đã đến nghĩa trang Nam Gianh, thắp hương khấn vái, nhận liệt sĩ Đặng Thị Chốc làm em gái. Đêm hôm ấy, anh trằn trọc không ngủ. Và bài thơ "Kết nghĩa với người dưới mộ" ra đời.  Em bây giờ là em gái của anh / Dẫu muộn màng / nhưng phần đời còn lại / Một chút sẻ chia những gì mãi mãi / Chút ân tình đỡ lạnh chốn âm cung... Thơ tự sự, dân dã thôi nhưng cái tình thì lớn. Nhận người dưới mộ làm em gái là chuyện rất hy hữu xưa nay:

 

Em không còn người thân, em sẽ có anh

 

Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ

 

Anh thay mẹ lo cho em ngày giỗ.

 

Có hương hoa, tư trang đủ em dùng.

 

Và từ nay giữa nghĩa trang chung.

 

Có tình yêu cho muôn ngàn ngôi mộ. 

 

Ấm lòng hơn anh trai mình đến đó.

 

Một chút tình cùng sông núi GHI ƠN!

 

Điều rất tâm linh, có hậu là bài thơ của Cảnh Giang được in lên báo rồi bay đến gia đình liệt sĩ  Đặng Thị Chốc ở xã Cổ Dũng, H. Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Và gia đình đã vào nghĩa trang Nam Gianh, Thanh Khê, Thanh  Trạch, Quảng Bình cất bốc hài cốt của chị Chốc trở về quê nhà sau gần 40 năm xa cách. Như vậy đấy. Thơ là thần giao cách cảm. Thơ có lối đi riêng của mình để đến được với mỗi tấm lòng. Thơ như đến được cả với người dưới mộ.

 

Năm 1968, tốt nghiệp khóa Sư phạm 10+3, Cảnh Giang xin về dạy học ở Trường PTCS Bắc Trạch bên đồi Ba Trại sát với phà Gianh. Bởi Cảng Gianh, phà Gianh đã trở thành máu thịt với  anh. 40 năm  dạy học anh đã đọc cho các em học sinh nghe không biết bao nhiêu bài thơ viết về Sông Gianh, Phà Gianh, Cảng Gianh, để các em  hiểu thêm, yêu thêm mảnh đất mình đang sống. Năm 2003, thầy giáo Nguyễn Tiến Chung về làm  hiệu trưởng Trường PTCS Hạ Trạch. Đây là quê hương Cao Lao Hạ của cố nhà thơ Lưu Trọng Lư, nên anh đã kiên trì làm đơn, thuyết phục cấp trên cho trường được mang tên nhà thơ danh tiếng. Thế mà đến 6 năm sau, Trường Hạ Trạch mới được mang tên Lưu Trọng Lư, gắn liền với gia đình nhà thơ quá cố bằng Quỹ Lưu Trọng Lư hỗ trợ cho các em học sinh xuất sắc, học sinh nghèo học giỏi. Nghỉ hưu từ năm 2009, đến nay Cảnh Giang đã xuất bản 5 tập thơ, viết xong Trường ca Nam Gianh lũy thép, tất cả đều  gắn với cái địa danh Cảng Gianh, Sông Gianh. Thế mà trước giọt nắng ấm mùa thu, anh lại thốt lên: Tình yêu ơi ! Xin đầu thai kiếp nữa...

Tác giả : Ngô Minh

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip