Nhờ về tháng 5 mùa thu hoạch khoai lang!

08:19 - 27/06/2014

Bút ký của anh Phan Văn Hà về ký ức tháng 5, kính tặng chú: Lão nông quá cố "Ông Đoàn" và chú Lưu Văn Hồ, chủ nhiệm HTX Đông Tây năm xưa của làng ta.

Tháng 5 về, hôm nay được gặp lại Người chủ nhiệm hợp tác xã năm xưa tôi mừng quá; Chú cũng vậy. Hai Chú cháu ôm chầm lấy nhau trong xúc động. Tôi lùi lại phía sau để được ngắm Chú. Một con người cao ráo vãm vỡ với sức trẻ ngày nào giờ đây đã ngoài tuổi thất thập, hao hao gầy, lưng đã còng, nhưng đôi mắt vẫn tinh tường.

 

Tuổi trẻ của Chú đã cống hiến cho quê hương những ngày đầu xây dựng hợp tác xã. Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, Chú cùng bao người dân quê hương lao mình trong đạn lửa, san lấp hố bom, đón những đoàn xe chở bộ đội, khí tài qua sông vào chiến trường đánh giặc.

 

Chú cũng âm thầm nén nỗi đau cùng bao bà con làng xóm, làm tròn trách nhiệm, tìm cứu chữa những bị thương, bom vùi trong đất. Trên vai lại gánh những người thân, những người anh chị em thanh niên xung phong, bộ đội, đã hi sinh đi chôn cất. Người còn, đắp cho người mất nấm mộ, khắc vội tên lên những tấm bia cho kịp giờ ra trận.

 

Khi đất nước cần nhân dân tham gia xây dựng quê hương mới, Chú cũng là người hưởng ứng đi đầu. Trên mảnh đất mới, Chú vẫn thể hiện được một con người chất phác góp phần phát trển kinh tế và làm tròn trách nhiệm người hậu phương.

 

Nay đất nước hòa bình thống nhất, Chú giao lại ngôi nhà, mảnh vườn xinh khai phá năm nào cho con cháu. Chú về lại quê hương, nơi chôn rau cắt rốn thuở nào, để sống cuộc đời còn lại tuổi già, tìm về kỹ niệm của một thời trai trẻ, hào hùng. Bàn tay cầm cày, cầm cuốc, cầm bút, nhưng không quên cầm cây rựa vót nan, đan lát, những cái bơ, cái thúng…phục vụ bà con quê nhà. Từng phiên chợ làng, Chú lại góp thêm mặt hàng đan lát, truyên thống thân thuộc của nhà nông.

 

Chú không kể chuyển về mình mà Chú say sưa kể chuyển về một Lão nông già cùng cây cỏ lá trên đồng đất quê mình. Kinh nghiệm sáng tạo trong lao động của Lão nông già chân quê, đã đem lại cho Chú và bà con niềm vui sướng biết ơn vô bờ.

 

Là người chủ nhiệm hợp tác xã, biết bao lo toan vất vả những ngày đầu nhân dân miền Bắc được sống trong hòa bình, xây dựng quê hương, đất nước. Đồng đất quê mình mùa hè nắng hạn cháy sém lưng trần, mùa đông mưa dầm giá rét, mùa lũ nước ngập đầy đồng, đất nhiệm mặn chua phèn. Đã bao đời cái nghèo đói cứ dai dặng bám lấy quê nhà. Cùng như bao chủ nhiệm hợp tác trong xã nhà, Chú bao đêm trăn trở, suy tư, tìm những phương thức canh tác để làm ra hạt lúa củ khoai, cho đời sống bà con mình ngày càng no ấm hơn.

 

Tục ngữ có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Cần cù lao động đó là vốn quý của bà con quê mình. Giống lúa thần chủng quê mình năng suất thấp, để đưa giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất, phải có nước. Quê nhà chưa có hồ đập thủy lợi thì không thể đưa cây lúa mới vào được. Chỉ có cây khoai lang, hợp với đồng đất, cồn bãi quê mình.

 

Trước khi bước vào vụ sản xuất, các vị Lãnh đạo xã trăn trở, làm sao có nguồn phân hữu cơ để cây lúa, luống khoai, cho năng suất cao, tạo ra nguồn lương thực, mới xóa được đói nghèo. Kế hoạch phát động nhân dân làm phân bón được triển khai. Ngoài rơm rạ tốt để dành làm thức ăn, phủ ấm cho trâu bò vào mùa mưa rét. Chỉ bằng cách lên rừng bứt lá về ủ làm phân xanh, ngoài ra Đoàn viên thi đua làm bèo hoa dâu.

 

Chương trình làm phân xanh được bà con hưởng ứng như ngày hội, nó hồn nhiên bước vào mái trường làng, đến từng lớp học. Những kiến thức khoa học, được các thầy cô giáo và các em học sinh phổ biến về từng thôn xóm, người người cùng thi đua.

 

Mùa năm ấy làng quê đã tạo ra một nguồn phân bón tương đối lớn. Nhưng diện tích canh tác được khai hoang phục hóa ngày càng nhiều, nên phân bón không đáp ứng đủ. Phâm đạm Urê nhà nước cấp về cũng chỉ đủ bón lót giai đoạn đầu.

 

Vào năm ấy tiết xuân ấm hơn mọi năm, đồng đất cũng vừa ráo nước, bà con nô nức cày ải để trồng khoai lang vụ đông xuân. Trên cánh đồng rổ rã tiếng cười, những con trâu, con bò cần mẫn kéo cày vỡ đất. Mặt trời vừa gác ngọn tre, những con vật hiền lành được thả ra ung dung gặm cỏ. Những ngọn cỏ lá xanh non ngọt ngào, đất trời ban tặng trên đồng đất quê mình, để chia sẻ cùng người nông dân một nắng hai sương.

 

Buổi gặp gỡ với người chủ nhiệm đáng kính lại hào hứng với câu chuyển kể năm nào, về một vụ khoai lang được mùa:

Khi nắng chiều ngã bóng dần về phía núi, vun xong luống khoai trên thửa ruộng hợp tác. Những dây khoai lang cuối cùng được trồng vào luống, mọi người thở phào nhẻ nhõm kết thúc một ngày lao động. Người chủ nhiệm và bà con đến bên Lão nông già, họ ngôi bên nhau trên bờ ruộng, cùng ông uống bát nước lá rừng“Chè góp” thường gọi là lá mồng năm, chia nhau điếu thuốc rê. Làn khói thuôc lá thơm tỏa ra làm vơi bớt nhọc nhằn của mọi người và hai ông cháu.

 

Từng câu chuyển kinh nghiệm nhà nông góp vui, lại truyền hơi ấm cho nhau. Người chủ nhiệm chăm chú lắng nghe ông nói từng lời. Nó rất cần để Ban quản lý hợp tác, chỉ đạo sản xuất đem lại đời sống ấm no cho bà con xóm làng. Ngập ngừng một lát: Cho cháu hỏi ý kiến ông ? Vụ khoai năm nay thiếu phân bón, để bà con trồng hết diện tích hợp tác xã cho khai hoang, cháu chưa nghĩ cách tạo ra nguồn phân, bỏ đất hoang phí lắm ông nhỉ ?

 

Ông lão mỉm cười, ông biết thế nào cháu cũng sẽ hỏi ông điều ấy, ông đã quan sát mấy hôm rồi. Hôm nay cháu không hỏi thì ông cũng sẽ trao đổi kinh nghiệm để cháu hướng dẫn giúp bà con. Đơn giản lắm, bà con mình và hai ông cháu mình làm thử. Nhưng cháu cũng phải dự kiến thất bại, bà con phê bình đó nghe. Cháu mừng rồi vì có ông, vụ khoai này nhất định sẽ được mùa.

 

Ông đứng dậy, đưa bàn tay vỗ lên vai người chủ nhiệm đáng kính. Ông chỉ tay về các cồn đất và những ngôi mộ phủ đầy một màu xanh cỏ lá. Ông bảo: Phân bón đấy, ngày mai hai ông cháu mình làm trước để mọi người làm theo. Nhưng phải về chêm lại cuốc cho chắc chắn, mài lại lưỡi cho sắc. Cháu đề xuất hợp tác xuất cho bà con mình ít cân phân đạm Urê.

 

Nhân tiện đợt tăng gia này, bà con ta chăm sóc cho người nằm dưới được mộ yên mạ đẹp, đó cũng là đạo hiếu. Chắc rằng họ sẽ phù hộ cho bà con mình được mùa khoai lang đó.

 

Hai ông cháu ra về, nhưng người chủ nhiệm hợp tác không khỏi băn khoăn, cây cỏ lá làm sao cho phân bón tốt được. Về đến nhà anh ăn vội bát cơm, liền đến trụ sợ Ban quản lý hợp tác họp bàn kế hoạch cho bà con tăng gia trồng khoai lang, để giải phóng đất hoang hóa. Đồng thời anh đưa sáng kiến của Lão nông để thảo luận, Ban quản lý thấy hợp lý, cho triển khai.

 

Họ phân công nhau đến phổ biến cho các đội sản xuất. Truyền đạt chủ trương, hợp tác xã cho bà con khai hoang, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống giảm đói nghèo. Chủ trương ban ra, hợp tác xã cấp mỗi gia đình một suất phân đạm Urê, dùng không hết thì bón rau màu trong vườn nhà. Phân hữu cơ bà con tự túc, nếu không có thì chuẩn bị cuốc thật chắc, thật sắc, sáng sớm ngày mai lên đồng ta có nguồn cỏ lá làm phân. Chủ trương mới, đến với bà con, lòng dân hân hoan phấn khởi.

 

Đêm đã về khuya nhưng anh chủ nhiệm vẫn thực hiện lời ông dặn, chêm lại cán cuốc, mài lưỡi cho sắc, rồi lên chiếc chõng tre dưới hiên nhà ngủ một giấc ngon lành. Khi ánh rạng đông vừa ló, anh cũng vừa thức dậy. Ông sang nhà anh, vừa vào đến cổng, ông cười hỏi: Cháu đã chuận bị xong chưa? Dạ cháu đã chuận bị xong cả rồi. Ta cùng đi, ông rút điếu thuôc rê từ trong“Bóp” vừa quấn đưa cho anh, hai ông cháu cùng châm lửa hút. Làn khói thuốc lá từ bàn tay ông vun trồng, tỏa hương thơm đậm đà phảng phất trong làn sương mai chứa đầy tình cảm chân quê.

 

Tiếng kẻng các đội sản xuất vang lên báo hiệu ngày mới ra đồng. Hai ông cháu hòa vào“Đoàn quân chân đất”, vừa đi vừ trò chuyện, bao dự đình làm giàu cho quê hương được cởi mở từ cõi lòng.

 

Lên đến đồng, ông chỉ tay bảo, những cồn đất chưa khai hoang cỏ lá mọc đầy, còn nhiều lắm, cháu truyền đạt các đội hướng dẫn cho bà con. Nói là cồn, nhưng lớn nhất cũng chỉ độ 5 đến 10 mét vuông đất, cũng chỉ đủ một, hai luống khoai ngắn, chịu khó tận dụng, bà con mình thỏa sức mà làm.

 

Ông hướng dẫn mọi người: Thế này nhé, bà con dùng cuốc xớt nhẻ một lớp đất mặt lật úp cây cỏ lá lại thành luống, rắc nhẻ phân đạm Urê lên trên. Sau đó quay lại cuốc lớp đất thịt úp dày lên phủ kín luống. Khi mặt trời ngã bóng về chiều ta dùng cuốc phăm mịn đất giữa luồng đặt dây khoai lang vào, ém đất thật chặt, tránh bị dập thân dây khoai. Về đêm nhưng hạt sương thấm vào lớp đất mịn sẽ nuôi sống cây những ngày đầu bén rễ. Độ dăm, bảy ngày sau cây bén rễ, nguồn phân đạm Urê sẽ kích thích cho cây phát triển, cứ thế lớp cỏ lá vùi trong đất sẽ phân hủy thành phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây ra nhiều củ.

 

Nhìn ông làm, mọi người cũng làm theo. Nhưng cũng có người nói, làm rồi có được ăn không thì phí sức. Người khác bảo, cứ làm thử xem sao, được thì tốt không thì lấy ngọn cho trâu bò ăn cũng tốt“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ông tủm tỉm cười và động viên bà con, hãy làm đi, trời sẽ cho bà con mình đó.

 

Đúng như lời ông nói, những luống khoai mùa này xanh tốt. Kinh nghiệm nhà nông trong cuộc đời ông đã mách bảo. Ông thường đi thăm đồng sớm cùng anh chủ nhiệm. Nhìn những dây khoai lang bò, phủ kìn luống, ông biết chắc bà con minh sẽ mừng vui khi ngày thu hoạch.

 

Trong cái nắng tháng năm như đổ lửa, bà con ra đồng giở khoai. Khi luống đất vỡ ra, những dây khoai xâu đầy củ, màu vàng, màu đỏ, tửa như đàn lợn con đang ngậm vú mẹ. Mùa khoai bội thu, bà con hân hoan phấn khởi, quên đi cái nắng đổ lửa của ngày hè, nhìn ông với ánh mắt trìu mến.

 

Riêng anh chủ nhiêm hợp tác là vui nhất, anh chạy đến ôm chầm lấy ông và nói lời cảm ơn người“Thần nông”bằng xương bằng thịt của quê hương. Ông đã truyền lại kinh nghiệm trong lao đông sản xuất của mình cho bà con xóm làng.

 

Câu chuyển của anh chủ nhiệm hợp tác năm xưa được kể lại một cách say sưa đầy tính nhân văn và lòng biết ơn người Lão nông nay đã quá cố. Chắc rằng nơi chín suối ông vẫn phù hộ và giõi theo từng ngày đổi mới của quê nhà. Những lúc nhớ đến người Lão nông quá cố anh lại đọc lên những vần thơ“Bài ca vỡ đất” Của tác giả Hoàng Trung Thông, “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sởi đá cũng thành cơm”.

 

Hai tiếng quê hương thật thân thương, khắc sâu vào lòng, níu gọi ta về. Đi chân trần trên những con đường đất đầy hoa cỏ thân quen ngày nào. Thảm cỏ mượt mà êm êm làm lòng ta cảm thấy mát dịu. Lòng người xa quê được về lại nơi chôn rau cắt rốn mà sao không phấn chấn bồi hôi. Ta lại được nhìn xa xa giõi theo những cánh cò đang chở nắng qua sông, về với cánh đồng lúa xanh xanh quê nhà. Hạt nắng lung linh trên lá cỏ còn động sương mai, vòm trời trong xanh, lưa thưa những áng mây trằng bồng bềnh lững lờ trôi, tô đẹp thêm cho làng quê.

 

Đã bao ngày xa cách, cảm giác thân quen ngày nào lại trở về. Nhưng lá cỏ xanh mượt là là mặt đất, trải dài hai bên đường mơn man bàn chân ai. Cây cỏ lá thân thương của đồng đất quê mình vẫn âm thầm chung thủy với những bờ ruộng, con đê và phủ lên những ngôi mộ của người quá cố một màu xanh yêu thương.

 

Mỗi cây cỏ trên mảnh đất này là món quà được thiên nhiên ban tặng cho quê hương mình. Cây cỏ giữ cho đất khỏi bạc màu, giữ cho con đê làng không bị xói lợ khi mùa lũ tràn về, là thức ăn cho trâu, bò, là người bạn thân thiết của nhà nông. Cây cỏ lá, là một nguồn phân hữu cơ năm nào làm nên hạt lúa, củ khoai, xóa dần cảnh đói nghèo nơi làng quê, cho tuổi thơ tung tăng cắp sách đến trường làng.

 

          Mùa xuân về, làng mở Lễ Hội Cồn Cui, ta lại được ngả mình trên thảm cỏ lá, ngắm mây trời, ngắm đồng lúa xanh đang chao minh trong nắng sớm, ngắm từng giọt sương mai trên lá cỏ, ngắm từng cánh cò trắng lại cõng nắng qua sông, về với miền quê yêu thương…!

Tác giả : Phan Văn Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip