PGS.TS Lưu Đức Trung và làng Cao Lao Hạ

18:41 - 30/04/2018

Những kỷ niệm của anh Lưu Đức Hải về những vần thơ haiku của PGS.TS. Lưu Đức Trung trên chuyến về thăm quê năm 2015, đăng trên trang haikuviet.com ngày 30/4/2018

 

Ngày 31 tháng 10 năm 2015, làng Cao Lao Hạ, quê hương của cố nhà thơ Lưu Trọng Lư tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trang tin caolaoha.com. Trên chuyến xe từ Hà Nội về quê dự lễ năm ấy tôi được may mắn đi cùng với chú Lưu Đức Trung, chú Lưu Đức Thành, anh Lê Quang Quý, anh Lưu Văn Quỳnh, chị Nguyễn Thị Hằng và 2 cháu Linh và Tùng (Ngẫu Thư).

 

 

Tôi nhớ chuyến đi đó chú Lưu Đức Trung có làm khoảng 12 bài thơ haiku và cháu Linh ngồi cạnh luôn có sẵn giấy bút để chép lại mỗi khi bất chợt chú đọc thơ. Các bài này đều đã được đăng trên các ấn phẩm của Câu lạc bộ haiku Sài Gòn và Hà Nội sau này. Đặc biệt, có 4 bài trong đợt đi đó được chú lựa chọn đăng trong ấn phẩm “Hoa bốn mùa” gồm 101 bài chọn lọc từ gần 1000 bài haiku mà chú đã làm trong suốt 15 năm gắn bó với thơ haiku.

 

Suốt cả chuyến hành trình cả đi và về trên xe lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười; mọi câu chuyện đều xoay quanh chủ đề về quê hương, ai cũng tranh nhau nói về làng Cao Lao Hạ cứ như là sợ người khác nói mất phần. Còn điện thoại thì reo liên tục, nội dung cũng chỉ là hỏi xem có gì mới không, đoàn đi đến đâu rồi, ăn gì dọc đường, thời tiết ra sao, sức khỏe mọi người như thế nào,…?. Bấy nhiêu thôi mà sao thấy ấm áp vô cùng.

 

Trên đường về làng, khi gần tới đèo Ngang, cuối chiều mặt trời đã dịu, đúng như bối cảnh “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà” thì chú Lưu Đức Trung thốt lên:

 

Mặt trời xuống núi

xe lên Đèo Ngang

nhớ thơ Bà Huyện.

 

Cảnh Đèo ngang lúc đó đẹp tuyệt vời, phải dùng nhiều lời lẽ lắm mới có thể diễn tả hết cái đẹp của đèo Ngang chiều hôm đó nhưng làm sao có thể viết hay hơn bài thơ của bà Huyện được. Đến nay chưa ai tả Đèo Ngang lúc chiều ta hay hơn bà. Chỉ mấy từ "nhớ thơ bà Huyện", chú Lưu Đức Trung đã là mượn luôn cả bài thơ của bà về Đèo Ngang lúc chiều tà để nói lên cảm xúc của mình. Ngắn, đơn giản mà diễn tả được nhiều đó phải chăng cũng là một thế mạnh của haiku.

 

Lúc về gần đến làng là cuối chiều, bóng nắng đã dịu bớt, mọi người đang im lặng cảm nhận cái vui vì sắp đến quê thì bất ngờ chú Trung cất giọng đọc:

 

Đường về quê nhà

bóng chiều tà

từ xa ngóng đợi.

 

Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh rất thực nên nó làm cho mọi người trên xe thổn thức. Cái hay của bài thơ là 4 chữ “từ xa ngóng đợi”, diễn tả đúng tâm trạng của những người trên xe đang ngóng đợi về quê và cả tâm trạng của những người thân ở quê cũng đang ngóng đợi mọi người về; nhưng cũng có thể ai đó không về quê được lần này cũng đang ngóng, đang trông. Ngóng đợi cái gì?, mong gặp nhau, hay mong cái gì nữa, thật là đa nghĩa, nó mở ra cho mỗi người đọc tự suy ngẫm cho riêng mình.

 

Khi tạm biệt quê nhà, trở ra Hà Nội, xe mới qua khỏi cầu Gianh thì trời mưa tầm tả. Chú Lưu Đức Trung đã đọc bài:

 

Rời quê nhà

trời đổ cơn mưa

nước mắt tiễn đưa

 

Ngay lúc đó, vừa nghe xong tôi đã nhận thấy cái tinh túy của mấy chữ “nước mắt ai tiễn đưa”, và tôi cứ nao nao, phải chăng đó là có thể là nước mắt của các bậc Tiền nhân, của những người thân đã khuất tiễn đưa qua những giọt mưa.

 

Rồi chỉ một thoáng bất chợt, thấy anh Thành lái xe xoay vô lăng bẻ lái vào cua mà chú Lưu Đức Trung liên tưởng đến hiểm nguy rình rập, liên tưởng tới quy luật sinh, lão, bệnh, tử của đời người:

 

Tay cầm vô lăng

xoay vòng đời

sinh - tử

 

Bài này đã được anh Lưu Văn Quỳnh, người làng Cao Lao Hạ bình trên trang tin caolaoha.com của làng. Xin trích nguyên văn “Bài thơ cực ngắn, chín âm tiết, ba nhịp ngắt mà ý tứ phong phú, sâu xa, cao vút vô cùng. Từ “xoay” thật đặc sắc, là nhãn tự làm nên hồn cốt của thi phẩm. Xoay là động từ, không chỉ đơn thuần diễn tả động tác làm thay đổi vị trí, phương hướng mà còn có nghĩa là xoay xở, xoay chuyển, đổi thay, quyết định… Sự giàu nghèo, sướng khổ, an lành, hoạn nạn, thậm chí cả sự mất còn, sinh tử đều được dồn nén trong cái từ xoay thần tình đó. Bài thơ là một triết lý về sự đời, thể hiện lòng yêu thương, sự đồng cảm với những người lao động bình thường, trân trọng những công việc của người lao động. Đó phải chăng là cái tầm sâu rộng của một triết gia?”

 

Thấm thoát thế mà đã 1 năm chú Lưu Đức Trung đi xa. Trước khi ra đi, chú đã thổi vào làng Cao Lao Hạ một luồng gió mới. Trong bài “haiku về làng”, đăng trong tập san Thơ Haiku Việt xuân năm 2016 của câu lạc bộ haiku Việt Tp. Hồ Chí Minh chú đã viết: “…Lần này tôi có về thăm quê hương, bất ngờ được sinh hoạt với một câu lạc bộ thơ ở làng quê. Tôi thực sự ngạc nhiên trước tinh thần say mê thơ ca của các bác nông dân, cán bộ hưu trí, các cựu chiến binh,… Tôi được nghe nhiều bài thơ rất hay. Họ hào hứng, hồn nhiên đọc thơ, ngâm thơ, nhận xét và phê bình thơ của nhau một cách chân thật, thẳng thắn. Trong không khí đó, tôi tranh thủ giới thiệu thơ haiku, một thể thơ khó làm, khó cảm nhận. Nhưng thật bất ngờ, sau khi tôi giới thiệu qua cách làm xong thì đã có người chìa cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi một câu thơ như sau:

 

Làng Cao Lao

chào haiku

mừng thế mới

 

Bài thơ nhỏ đã thể hiện được tinh thần nhiệt liệt hưởng ứng. Sau buổi đó, tôi đã chứng kiến được khí thế sáng tác thơ haiku của câu lạc bộ làng quê. Trong tôi dấy lên một niềm hứng khởi, lạc quan, tin rằng đốm lửa sáng tác thơ haiku do câu lạc bộ chúng ta đầu tiên nhen nhóm lên đang ngày càng bùng cháy. Tôi mong rằng, mỗi hai jin của câu lạc bộ chúng ta tìm cơ hội để thổi bùng ngọn lửa sáng tác thơ haiku Việt càng bừng cao hơn nữa….”

 

Chuyến đi về quê năm ấy đã xoay chuyển tâm hồn của nhiều người quê tôi. Cá nhân tôi thì từ chỗ không biết gì haiku nay trở thành người yêu mến, ưa thích và bắt đầu tập tẹ làm thơ haiku.

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip