Phía sau trang đời của vị tướng quân giới

07:45 - 27/12/2011

Bài viết của anh Lê Chiêu Phùng về thiếu tướng Lưu Dương, một người con ưu tú của quê hương Cao Lao Hạ

 

Lời Ban Biên tập: Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt nam (22- 12). Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần số 833 (1111) ngày 18 tháng 12 năm 2011 có đăng bài “Phía sau trang đời của vị Tướng Quân giới” của tác giả Lê Chiêu Phùng. Caolaoha.com trân trọng giới thiệu nội dung bài viết.

 

 

Nhân chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Lưu Dương tại số nhà 361, đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Đã ngoài tám mươi tuổi nhưng trong còn khoẻ và nhanh nhẹn lắm.

 

Trên bàn nước với đủ các loại sách báo, ông Lưu Dương cận thận đưa cho chúng tôi xem tập ảnh: “Đây là một trong những kỷ vật thiêng liêng và quý nhất của cuộc đời tôi”. Nếu chỉ nghe ông kể mà không có những bức ảnh “minh hoạ” chắc không thể hình dung hết những chiến công to lớn, sự gian khổ hy sinh của cán bộ, chiến sỹ trong đó có ông Lưu Dương những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhìn những tấm ảnh, chúng tôi thật sự xúc động, khâm phục và kính trọng bởi suốt cuộc đời ông đã gắn bó với quân đội với chiến trường miền Nam.

 

Ông Lưu Dương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.  Nhiều người cùng trang lứa đang sống ở quê kể lại rằng: “Lúc còn nhỏ ông Dương rất thông minh nhưng tinh  nghịch lắm, ông có tài chế cung, làm nọ, săn thú, bắn chim... ông đã sáng chế nhiều loại “vũ khí” giúp du kích làng đánh đồn Tây”. Do hoàn cảnh gia đình, ông Dương phải sống với bà nội. Năm lên 18 tuổi, bà nội qua đời cũng lúc ông vào bộ đội rồi cùng đoàn quân Nam tiến. Lúc bấy giờ, đơn vị phải đi bộ hàng tháng trời xuyên rừng, vượt núi mới vào được Liên khu 5… Năm 1946, ông chỉ huy tiểu đoàn 306, rồi được cử học lớp Sỹ quan Lục quân Trung bộ. Năm 1961, ông Lưu Dương vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Với kiến thức và kinh nghiệm quản lý, ông được đề bạt làm Trưởng ban quân giới trực thuộc Cục Hậu cần Miền, chịu trách nhiệm trang bị vũ khí cho toàn chiến trường miền Nam.

 

Theo ông Dương, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc bấy giờ là vừa sản xuất vũ khí, vừa quản lý các xưởng từ Cà Mau đến Nam Trung bộ; tiếp nhận, vận chuyển cấp phát, bảo quản vũ khí do Trung ương chi viện vào chiền trường miền Nam. Cùng với sự chi viện vũ khí, khí tài từ miền Bắc, dưới sự chỉ huy của ông, mỗi năm đã sản xuất hàng ngàn tấn vũ khí tự tạo như: súng ngựa trời; làm mìn từ vỏ lon sữa bò; các loại chông, cung, nỏ…cung cấp cho bộ đội địa phương và dân quân du kích chiến đấu.

 

Chuẩn bị mở chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoài việc bí mật sản xuất vũ khí trang bị cho chiến trường, ông Dương còn có nhiệm vụ xác định được các mặt trận trọng điểm để tổ chức điều chỉnh lực lượng và vũ khí cho phù hợp. Với kinh nghiệm chỉ huy và điều chỉnh binh khí hợp lý của ông đã góp phần không nhỏ của các đơn vị đánh vào tận sào huyệt của quân địch.

 

Với những cống hiến trong những năm công tác và chiến đấu ở các mặt trận nhất là sáng kiến chế tạo thành công nhiều loại vụ khí tại chổ, năm 1975, ông Lưu Dương được Đảng, Nhà nước phong hàm Thiếu tướng và đề bạt làm Trưởng Đại diện Tổng cục Kỹ thuật tại Campuchia….  

 

Nhắc đến chuyện gia đình, Thiếu tướng Lưu Dương mắt buồn nhìn về phía “thằng con” trai là Lưu Quang Đạo đang ngồi thẫn thờ bên kia bàn uống nước. “Anh Đạo” bị bệnh bẩm sinh do hậu quả chiến tranh nên dù tuổi đã ngoài tứ tuần mà vẫn như một “đứa trẻ”. Trong nổi buồn, ông Lưu Dương kể lại, ngày lập gia đình đó là ngày vui nhất cuộc đời ông khi vào tiếp cận chiến trường miền Đông. Vợ ông, bà Nguyễn Xuân Ba, quê ở An Giang là cán bộ cơ sở nằm vùng. Vợ chồng cưới nhau được ít hôm thì ông Dương nhận lệnh ra Bắc rồi sang Trung Quốc học khóa đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân giới Cao cấp. Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trung Quốc, ông được điều về làm Chủ nhiệm quân giới Sư đoàn 308. Thời gian này “kẻ Bắc, người Nam” nên gia đình ông cũng mất liên lạc. Sau đó, ông được điều động trở lại chiến trường miền Đông. Mặc dù được trở về công tác gần gia đình nhưng do nhiệm vụ đặc biệt nên ít khi vợ chồng gặp nhau. Ngày gặp con cũng là lúc ông biết được đứa con đầu lòng là niềm an ủi duy nhất của vợ chồng do hậu quả chiến tranh nên khi sinh cho đến nay bị bệnh thiểu năng trí tuệ…

 

Thiếu tướng Lưu Dương lau những giọt nước mắt lăm trên gò má ngậm ngùi trò chuyện: “Lâu lắm rồi chưa được về quê, nhớ lắm, nghe bà con ghé thăm nói, quê mình đã đổi thay nhiều, đời sống khá giả, tui mừng lắm. Chỉ có điều do tuổi cao đi lại không tiện. Vả lại, như các chú thấy đó, tui còn nhiệm vụ… chăm sóc con”. Nhìn cảnh “gà trống nuôi con” và làm đủ việc trong nhà bởi người vợ, người bạn chiến đấu của ông cũng đã qua đời cách đây 3 năm, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Nhưng qua đó, chúng tôi càng kính trọng ông hơn bởi đằng sau những chiến công của cuộc đời binh nghiệp thì Thiếu tướng Lưu Dương chưa trọn một ngày vui, song ông chưa bao giờ bi quan trước khó khăn.

 

Bịn rịn chia tay ông Lưu Dương, chia tay Tướng lĩnh một thời xông pha trận mạc, lăn lổn khắp chiến trường miền Nam, trong lòng tôi nặng trĩu một suy nghĩ. Hoá ra, trong Quân đội Nhân dân Việt nam anh hùng của chúng ta, bên cạnh những người lính với trang đời hào hùng, oanh liệt, còn có biết bao người còn phải gánh chịu nổi đau riêng do chiến tranh để lại. Chúng tôi cầu chúc ông mạnh khoẻ, sống lâu để thực hiện ước mơ giản dị nhưng đầy trách nhiệm của ông đó là: “cố gắng sống lâu để được chăm sóc con và sống bên con nhiều hơn”.

  

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Trung tướng Lê Văn Tri
Huyền thoại Thiếu tướng Lưu Bá Xảo
Gặp lại ân nhân
Ba ngày cho một trận đánh lịch sử
Liệt sỹ Lê Hải Đức

Video clip