Phong tục kiêng cữ, mê tín

11:25 - 13/09/2019

Bài viết về phong tục kiêng cữ, mê tín trước kia của làng Cao Lao Hạ trong cuốn “Địa chí làng Cao Lao Hạ” của tác giả Lê Văn Sơn

Phong tục kiêng cữ, mê tín

Ảnh Lưu Minh Hải

 

PHONG TỤC KIÊNG CỮ, MÊ TÍN 

 

IX.a. Tục chọn ngày

Công việc trong dân gian từ việc lớn đến việc nhỏ, người ta đều chọn ngày, chọn giờ khởi hành, như xây nhà, dựng quán, lễ cưới, lễ tang hoặc đi chợ mua trâu, bò, lợn, chuồng bò, v.v…Mọi sự may rủi đều đổ lỗi cho việc không chọn ngày giờ. Đa số bà con theo phong tục Có thời có thiêng, có kiêng có lành nhất là khi điều kiêng đó không ảnh hưởng gì đến công việc làm ăn.

Họ còn nói ngày lẻ thì không ai dựng vợ, gả chồng. Xuất hành thì kiêng ngày nguyệt tận (cuối tháng) nhất là mồng 5,14,23 trong mỗi tháng: Mồng năm, mười bốn, hâm ba. Đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn. Bất luận đi đâu bước đầu, ra đi gặp đàn bà thì cho là xui, gặp đàn bà mới đẻ dậy thì tin là sẽ bị rủi,v.v…

Phụ nữ lấy chồng sinh con đầu lòng có tục về nhà mẹ sinh, hình như cả vùng đều thế: Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng. Đến nay, không những ở Cao Lao Hạ, mà nhiều nơi trong tỉnh vẫn tuân theo. Sinh con được 1 tháng là làm lễ chẵn tháng. Ngày ấy người mẹ đi chợ gọi là đi bán phong long. Buổi chợ này, người mẹ bán thứ gì, ai trả giá đầu tiên bao nhiêu cũng bán, lỗ cũng bán. Trẻ em sơ sinh có tục đặt con dao lên đầu giường, ý là chống ma quỉ. Bồng trẻ nhỏ ra đường phải làm dấu, bôi mực, bôi lọ vào trán đưa trẻ, sợ ma quỉ nhìn lầm con họ. Những tục kiêng cữ này tuy có vẻ dị đoan, nhưng nhờ đó là góp phần bảo vệ trẻ em khi còn non ngày non tháng.

IX.b. Tục hu hồn lập cốt dấu

Khi người chết mà mất tích, không tìm ta xác, bà con, con cháu thường lấy thân cây dâu làm cốt, lấy đất sét vắt làm thân và lấy sợ dừa làm đầu, nặn thành hình người chết, rồi mời thầy cúng, lập đàn cầu cơ, hu hồn người chết về nhập vào xác như người thật. Sau đó, cũng làm lễ mai táng, bịt khăn, chôn cất xem như người nhà chết thật.

Người ta cũng xây lăng, đắp mộ dựng bia cho xác cốt dâu, cũng khóc lóc, cũng làm lễ bái lạy cung kính chẳng khác gì người chết đang nằm trước mặt.

Ngày xưa con người còn tin ba hồn, bảy vía (nữ 9 vía). Cho nên khi người nào đó bị tai nạn như chìm đò cứu được, hoặc trèo cây bị ngã (chưa chết) tại địa điểm nào thì họ cho là người đó bị mất hồn, mất vía, gia đình mời thầy cúng đến chỗ tai nạn làm lễ hu hồn. Hô ba hồn bảy vía người đó thất lạc nơi nào về nhập vào thân thể (gọi tên người đó).

Theo quan niệm của người xư a, cũng là theo xác định khoa nghiên cứu tâm linh hiện nay. Con người dù thể xác mất đi, nhưng linh hồn thì vĩnh hằng. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ mất đi nhưng vẫn luôn phù hộ con cháu. Cho nên con cháu phải thờ cúng vong linh tổ tiên, ông bà mãi mãi. Quan niệm này đã góp phần cho nhân dân ở làng xã giữ gìn luân lý tôn kính ông bà cha mẹ.

 

 

 

Tác giả : Lê Văn Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip