Rồng đất

06:52 - 20/01/2012

Con giun đất là con vật bé nhỏ nhưng những đóng góp của nó trong xóa đói giảm nghèo cho nhà nông thì không nhỏ chút nào.

 

Trong số 12 con giáp,  rồng là con vật huyền thoại. Theo quan niệm xưa của người Việt Nam, rồng là con vật thần linh, mạnh mẽ nhất được con người ngưỡng mộ, yêu quí, tôn thờ. Chuyện con rồng cháu tiên gắn với huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân là niềm tự hào chung cho tất cả các dân tộc Việt Nam. Ở phương Đông, con rồng đứng đầu trong bốn loài vật tượng trưng cho sự phong lưu, sức mạnh của con người, gọi là tứ linh. Đó là Long -  Ly -  Qui -  Phượng. Rồng không thuộc thế giới động vật mà chúng ta có để nuôi. Con rồng tương trưng cho sự cao cả, anh hùng, vĩ đại, sức mạnh phi thường.

 

Trong đời sống hàng ngày, có một loại rồng hiện hữu xung quanh chúng ta giúp ích cho nhà nông không nhỏ, đó là con “Rồng đất” hay còn gọi là địa long. Nó chính là con giun đất.

 

Con giun đất được dân gian gọi Địa long tức là Rồng đất, là con vật bé nhỏ, chui lủi trong phân, trong đất. Giun hỗ trợ nhà nông nhiều việc như làm đất tơi xốp, làm thức ăn cho gà,vịt, ngan ngỗng. Rồng đất còn được sử dụng làm thuốc, chữa được nhiều thứ bệnh. Quê ta còn gọi nó là con trùn. 

 

Hồi  trước, đến mùa câu cá, thả lươn, giun là thứ không thể thiếu để làm mồi. Người thì bắt giun làm mồi câu cá tràu, cá rô, người lại dùng giun làm mồi thả trúm. Trúm là một dụng cụ được đan bằng tre, hình trụ tròn, đường kính từ  7-10 cm, dài 40-50 cm. Một đầu làm đáy được đan kín, một đầu làm miệng có “tôi” để lươn vào mà không ra được. Đến mùa thả trúm, người ta cho vào trong trúm một vài con giun đã xử lý cho thơm gói kỹ trong lá chuối làm mồi nhữ, lươn phát hiện ra mùi, chui vào nhưng chỉ ngửi chứ không ăn được mồi nên hết con này đến con khác đánh hơi thấy là cứ thế chui vào. Tối đến đi thả, gần sáng đi lần, Lươn bắt được hàng rổ.  Có những người thả hàng chục chiếc, phải dùng cây sào dài mới gánh hết. Nhiều lúc lươn vô đầy trúm không còn chỗ rúc, có con mắc nửa trong nửa ngoài. Thả trúm thường vào mùa mưa rét, tìm hố sâu, nhiều bùn. Có những chú lươn to như cổ tay, vàng óng. Về sau, việc làm trúm đơn giản hơn, người ta dùng ống tre, ống nứa hoặc ống nhựa để làm

 

Nhiều lão ngư chuyên nghiệp, dùng giun làm mồi thả câu vàng với hàng trăm lưỡi câu. Chiếc rổ câu được đan khác với những chiếc rổ bình thường. Trên vành rổ, người ta  buộc thêm một sợi dây chuối đã được bện chặt to cỡ ngón tay dùng để găm lưỡi câu. Khi được móc mồi, hàng trăm chú giun ngún ngoắn trông mà khiếp. Nghề này tương đối khó nên không phải ai cũng làm được. Nếu không cẩn thận thì “xăng câu” thả không được. Khi đã bị xăng (rối), mất rất nhiều thời gian để gỡ. Càng đứng một chỗ lâu chừng nào, đĩa tới bu nhiều từng đó, Nhiều hôm, vừa gỡ câu, vừa bắt đĩa khó chịu lắm. Có hôm phải đổ cả rổ câu xuống một chỗ, cho cá rỉa bớt mồi đi, sáng hôm sau vơ về  ban ngày nhìn thấy mà gỡ. Bởi vậy công việc chuẩn bị cho những lần thả câu phải hết sức cận thận, người không kiên trì thì khó thành công. Triêng câu, thẹo câu, lưỡi câu cũng tùy theo mùa mà dùng sợi to hay nhỏ, dài hay ngắn. Cá tháng 3 cá ăn “táp” , cá tháng mười ăn “ngậm”. Chập tối, mang cả rổ câu đã móc mồi đi thả, sáng sớm đi lần, cá đầy oi, đầy sôông, toàn cá tràu, có nhiều con to bằng cổ chân, thích lắm. Sau buổi đi học hay đi làm, tranh thủ buổi trưa, buổi chiều lại chui hết chuồng heo, chuồng bò nhà này qua nhà khác để đào giun. Nhiều gia đình thời đó có của ăn của để nhờ …giun. Nếu ai đã từng một thời đi thả câu, thả lưới thì mới cảm nhận được cái “say” của nghề này. Ngày xưa, thời mà quê mình còn cảnh ruộng đồng là của chung, đến tầm tháng 8 âm lịch, mùa bắt đầu mưa lụt, cũng là mùa đào giun làm mồi thả câu. Mưa to gió lớn bằng mấy, những gia đình có nghề thả câu đều phải đào bằng được giun. Việc đào giun đã vất vả, nhưng việc “tóm” mồi, móc hàng trăm con giun vào từng lưỡi câu không hề đơn giản. Ngày này qua ngày khác, mấy đầu ngón tay bị lở loét đau rát do chất nhầy từ giun “ăn” đầu ngón tay. Rồi  mang cả rổ câu hàng trăm lưỡi đi tìm “trộ” để thả cho được nhiều cá cũng là kinh nghiệm gia truyền. Thế mới gọi là “tát có chầu, câu có trộ”. Nếu không biết tìm trộ thì “đi không về rồi” là chuyện thường tình. Đêm khuya lạnh giá, đồng hồ báo thức không có, giấc ngủ cứ chập chờn, sợ ngủ quên dậy muộn. Thả câu, thả trúm chỉ làm vào ban đêm, hơn nữa đây được coi là nghề phụ, nên mọi việc phải hoàn tất trước khi trời sáng để còn kịp giờ đến trường, kịp theo đội sản xuất ra đồng nếu không bị ông thư ký trừ điểm. Thỉnh thoảng bắt gặp những chú rắn cắn câu. Lần đầu cũng khiếp nhưng lâu rồi dạn dần. Thấy lưỡi câu mắc dưới gốc rạ, thò tay xống mò nếu chạm phải anh chàng mình dài dài, nham nhám thì đích thị là rắn. Kéo mạnh thẹo câu, có con bật ra  bò đi. Chú nào ham ăn, nuốt lưỡi câu vào tận ruột thì phải bắt mà gỡ ra. Một tay bóp vào cổ nó, một tay lần tìm lưỡi câu. Thân mình chú rắn nghoe nguẩy, quấn vào cổ tay cũng mặc kệ. Gỡ được lưỡi câu, ném chú rắn ra xa mà trong bụng vẫn còn sợ nó quay lại trả thù. Rồi lại chuyện sợ ma nữa chứ. Đồng ruộng san sát mồ mã, trong đêm khuya đen kịt, băng hết đồng mồ này đến đồng mồ khác, người cứ luôn dợn dợn. Nhớ lại mấy chuyện này, bây giờ còn thấy ớn. Có những đêm rét đậm, nước lạnh như dao cắt, lôi chân ra khỏi ổ rơm hay cái bao tải người cứ run bần bật. Nhiều khi lạnh quá muốn nghỉ nhưng phần vì say nghề, phần vì miếng cơm manh áo nên không bỏ được, không làm là thấy như thiêu thiếu một cái gì đó. Thời chiến tranh, chúng tôi đã mấy lần chết hụt dưới bom đạn Mỹ bởi cái nghề câu lưới. Mà cũng chẳng riêng ai, trên bom dưới đạn nhưng người Cao Lao Hạ vẫn kiên cường bám trụ, ranh giới giữa cái sống và cái chết chỉ là gang tấc. Hơn nữa, dân quê ta đã có câu “bom đạn tránh ngài chứ ngài mần răng mà tránh được bom đạn”. Bỗng dưng bom đạn từ đâu trên trời trút xuống, biết đâu mà tránh, mà có tránh thì tránh vào đâu.  Vậy nên mất mát đau thương đã trở thành chai sạn. Nông dân vẫn ra đồng cày cấy, trẻ thơ ngày ngày vẫn cắp sách đến trường, trai gái vẫn yêu nhau, các chàng trai vẫn hăng hái xông ra tiền tuyến. Đêm đêm dười ánh đèn dầu trong những căn hầm đơn sơ, vẫn vang vang tiếng trẻ đọc bài,  tiếng mẹ ru con, bay bổng tiếng đàn tiếng sáo, tiếng hát át tiếng bom.  

Ngày nay, cái nghề đào giun làm mồi thả câu, thả trúm hầu như không còn nữa. Thời buổi người khôn của khó, mấy ai sử dụng công cụ thô sơ như vậy để bắt lươn, bắt cá nữa.  Ruộng đồng cũng đã chia lô chia thửa làm trang trại nên cũng chẳng còn trộ câu.

 

Nghề câu, trúm không còn nhưng “rồng đất” vẫn còn hiện hữu và ngày càng phát triển. Không ai còn đào giun làm mồi đi câu đi trúm, nhưng “rồng đất” vẫn có ích với người nông dân. Ngày ngày vẫn “cày ải” cho đất tơi xốp, vẫn là thức ăn ngon của vật nuôi. Ngan, gà, vịt không chỉ tự tìm kiếm lấy trong đất mà nhiều người đã nuôi giun, như bao vật nuôi khác. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng nghỉ đến việc nuôi giun. Nhiều người cho rằng, con giun tự sinh ra trong đất, con người cần thì tìm mà đào bắt,  nuôi gà, nuôi vịt chứ ai lại đi nuôi giun làm gì.

 

Khoa học phát triển, con giun trở thành đối tượng chăn nuôi của nhiều hộ nông dân. Con giun sống trong đất được chọn nuôi phổ biến hiện nay là con giun quế. Giun quế (còn gọi là giun đỏ) là loại giun ăn các loại phân do gia súc, gia cầm thải ra như phân trâu, bò, lợn, dê, thỏ, gà... Mức độ sinh sản rất nhanh, có hàm lượng đạm cao (khoảng 70% trọng lượng khô), thân của chúng có màu tím sẫm và có ánh kim, hơi dẹt, hai đầu nhọn, dài từ 10 cm đến 15 cm, sinh sản khỏe, hệ số nhân giống cao. Mỗi tuần giun đẻ 1 lần, mỗi lần có từ 20 - 30 trứng, cứ 2 đến 3 tuần sau thì nở, khoảng 3 tháng sau giun trưởng thành và như con mẹ là nó bắt đầu đẻ và cứ liên tục như thế, các thế hệ giun cùng sống và đẻ tăng theo cấp số nhân. Giun quế có giá trị trong chăn nuôi, là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài thủy cầm, gia cầm, gia súc như lợn, gà, vịt, cá và một số loài đặc sản khác như ba ba, ếch, lươn, tắc kè... Ngoài ra giun còn có vai trò làm tơi xốp đất, giữ độ ẩm, phân giun là loài phân hữu cơ rất tốt, tăng cường dinh dưỡng cho đất. Giun quế là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được đưa vào nuôi ở Việt Nam từ hàng chục năm nay. Ở Quảng Bình, con giun quế cũng đã được các nhà khoa học chuyển giao công nghệ nuôi từ  nhiều năm nay.

 

Tôi đã đến trại nuôi giun của ông Lê Ngọc Lễ, chủ một trang trại trên cát ở Gia Ninh, Quảng Ninh.  Ông là người tiên phong trong việc nuôi giun quế của Quảng Bình. Năm 2007, ông đầu tư xây dựng trại nuôi giun với diện tích 500m2,  chi phí ban đầu là 24 triệu đồng.

Khi mới bắt tay vào xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống, ông và vợ con ông rất băn khoăn. Rằng lâu nay người ta chỉ nuôi con cá con tôm, con gà, con vịt, con lợn, con bò chứ ai lại đi nuôi con giun. Rồi sản phẩm làm ra tiêu thụ ra sao, sử dụng như thế nào? … Nói chung là những hiểu biết của ông về con giun quế hết sức mơ hồ.  Nhưng sau một thời gian nuôi thử nghiệm, đến bây giờ ông Lễ đã hết sức khoái con giun quế. Ông cho biết, giun quế là con vật rất dễ nuôi, thức ăn của chúng là phân trâu, bò, gà, lợn,…Vật liệu để làm trại nuôi giun cũng hết sức đơn giản, ai cũng có thể làm được. Thức ăn mà giun quế thích nhất là phân bò. Mỗi tuần chỉ cho giun ăn một lần, giun nuôi khoảng 1 tháng là cho thu hoạch. cứ 1m2  thu được khoảng 1,2 - 1,3 kg giun. Nếu bán thương phẩm, mỗi kg giun có giá từ 20-30.000đ, nếu là giun giống mỗi kg là 80-100.000đ. Ông Lễ cho rằng, sử dụng giun quế làm thức ăn chăn nuôi các đối tượng như cá, lươn, gà, ếch, ba ba, lợn…thì con giun trở thành con vật nuôi “siêu lợi nhuận”, tiết kiệm được hơn 70% trong khẩu phần thức ăn hàng ngày cho vật nuôi. Từ mô hình này, ông đã chuyển giao công nghệ cho hàng trăm hộ gia đình khác trong toàn tỉnh, đồng thời ông cũng đã xuất bán giun giống, giun thương phẩm thu về hàng trăm triệu đồng.

 

Không chỉ vậy, lấy con giun làm vật nuôi trung tâm, ông Lễ xây dựng mô hình sản xuất trang trại khép kín gồm: Trồng cỏ - nuôi bò - phân bò nuôi giun - Giun làm thức ăn cho cá, lợn; phân lợn làm thức ăn cho cá, bón cho cây trồng - phân giun bón cho cỏ… Nhờ làm tốt quy trình này mà thu nhập từ kinh tế trang trại của ông khá cao.

 

Vậy là con giun đất đã được khoa học đưa sang một trang mới, nó không còn tự thân vận động mà đã được con người chăn nuôi chu đáo, từ đó trở lại phục vụ cho con người. Con “Rồng đất” vẫn là con vật bé nhỏ nhưng những đóng góp của nó trong xóa đói giảm nghèo và hướng tới làm giàu cho nhà nông thì không nhỏ chút nào.

 

Nếu ta biết khai thác, “rồng đất” sẽ giúp ta cất cánh. 

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Chàng trai bỏ việc về quê làm giàu từ cây nấm
Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng
Thu tiền triệu mỗi ngày từ trồng nấm
Người phụ nữ làm kinh tế giỏi
Phòng chống rét cho trâu bò đúng cách

Video clip