Thơ Haiku Việt

21:32 - 24/11/2015

Thơ haiku Việt qua tâm sự của GS. Lưu Đức Trung

GS-TS Lưu Đức Trung (ngồi giữa) giới thiệu thơ Haikư Việt

 

Một ngày đầu Thu, trong căn nhà 21 Hàng Bài- Hà Nội, chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng GS-TS Lưu Đức Trung. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn tươi trẻ và nhanh nhẹn lắm. Bên chén trà nóng, trong cái nhìn xa xăm, GS kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm thời thơ ấu ở quê nhà, học hành, văn chương, sự nghiệp…Trong những câu chuyện, ông đã giành nhiều thời gian tâm tư, trao đổi về thể thơ Nhật Bản mới được du nhập vào nước ta, đó là thơ Haikư…

 

Thơ Haiku là thể loại thơ ngắn nhất của Nhật Bản do ông MASUO BASHO (1644- 1694) biên soạn. Mặc dù chỉ sống được 50 tuổi nhưng ông MASUO BASHO đã để lại cho nền văn thơ Nhật Bản nói riêng, văn thơ Thế giới nói chung một tài sản vô giá về thể loại thơ độc đáo này. Theo tiếng Nhật, thơ Haiku có 17 âm tiết (có dấu ngắt) nhưng khi dịch qua tiếng Việt thì một bài thơ có 3 dòng, ngắn nhất 5 từ và dài nhất 13 từ. Đề tài thơ Haikư chủ yếu ca ngợi, phản ánh thiên nhiên, thế sự. Thơ Haiku ngắn nhưng mang tính gợi mở, không tả mà chủ yếu dùng biểu tượng và hình ảnh làm cho người đọc tưởng tượng, suy tư, suy ngậm.

 

Để hiểu thêm về thơ Haikư, xin được giới thiệu đôi nét về GS-TS Lưu Đức Trung. Ông sinh năm 1933 tại làng Cao Lao Hạ xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thiếu thời ông theo cha bôn ba vào Năm, ra Bắc, năm 1956 ông là một trong những người đầu tiên thi đỗ vào Trường Đại học Nam Khai- Thiên Tân- Trung Quốc và sau đó tiếp tục làm thực tập sinh tại Trường Đại học Nam Khai. TS Chu Văn Sơn, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội trong cuốn “Một thời để nhớ” đã khái quát: “Các thế hệ sinh viên Văn khoa Sư phạm và giới học thuật phần lớn biết thầy Lưu Đức Trung là một chuyên gia Văn học châu Á…Hồi những năm 1970 ông là chuyên gia văn học Tàu,  những năm 1980 văn học Ấn Độ và những năm 1990 văn học Nhật…học trò thầy trực tiếp đào tạo đều thành chuyên gia về các nền văn học này”. Theo TS Vũ Văn Nam giảng viên khoa Tâm lý- Giáo dục Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh thì “năm 1976, thầy Lưu Đức Trung giảng dạy văn học Trung Quốc một cách uyên thâm, sau đó tiếp tục giảng dạy văn học Ấn Độ một cách sâu sắc…và thầy cho xuất bản giáo trình văn học Nhật Bản rồi văn học Châu Á”. Còn GS Nguyễn Hải Hà nguyên giảng viên, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “GS Lưu Đức Trung là chuyên gia về văn học Trung Quốc nhưng lại nổi tiếng vì nổ lực khai phá Văn học Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á. Sau khi nghỉ hưu, chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và hăng hái thành lập Câu lạc bộ thơ Haikư. Thầy rất say mê thư pháp và nghệ thuật chụp ảnh”… Nhờ có vốn kiến thức Hán Nôm sâu rộng nên ông đã dịch thuật và xuất bản trên 70 đầu sách Việt- Hán, Việt- Ấn và ngược lại. Nhiều bài viết của ông được đăng tải trên các tờ báo lớn Trung Quốc trong đó có bài “Quảng Bình bắn rơi máy bay Mỹ năm 1966”. Đại sứ quán Ấn Độ, Nhật Bản- Trung Quốc tại Hà Nội rất quý trọng và xem GS-TS Lưu Đức Trung như một nhà chuyên nghiên cứu văn hóa Trung- Ấn- Nhật hiện nay.

 

Ông không chỉ là một trong những người đầu tiên đưa văn hóa Ấn Độ mà còn đưa thơ Haikư của Nhật Bản vào một số trường học Việt Nam. Để truyền bá và mở rộng thể thơ độc đáo này, năm 2000, Ông đứng ra thành lập Câu lạc bộ thơ Haikư tại thành phố Hồ Chí Minh. Và chỉ sau một thời gian ngắn đã có trên 100 hội viên trên mọi miền Tổ quốc tham gia Câu lạc bộ. Cũng trong thời gian đó, GS-TS Lưu Đức Trung đã cho xuất bản 5 tập thơ Haikư Việt với hàng ngàn bài, đó là: Tươi mãi với thời gian (2 tập), Bốn mùa hoa, Hoa Bìm Bìm và tậpKhúc ca mùa thu, trong đó có hàng trăm bài được các tờ báo, tạp chí lớn đăng tải.

 

Được đọc và suy ngậm thơ Haikư do GS và các thành viên Câu lạc bộ thơ Haikư tại thành phố Hồ Chí Minh sáng tác mới thấy hết “sức mạnh” của thể thơ có một không hai này. Thơ Haikư ngắn nhưng sức nén thông tin, nén hình ảnh lớn, kiệm lời, dồn ép ngôn ngữ. Thơ Haikư cô đọng, lắng sâu, suy tưởng, gợi mở và mang tính trừu tượng cao.

 

Trên cành kh

 con quạ đậu

 chiều thu

 

Bài thơ của MASUO BASHO chỉ có 8 âm tiết nhưng bắt người đọc phải suy tư, suy ngậm. Trên cành khô: rõ là không phải mùa Xuân hay mùa Hạ, cây cối không nẩy mầm nên chỉ có mùa Thu hay mùa Đông. Con quạ đậu: Phong tục người Nhật cho rằng: con quạ biểu hiện cho u ám, ảm đạm, xám xịt, buồn bạ…Chiều thu: biểu hiện cô tịch, cô đơn, vắng lặng, tịnh lặng, cảnh buồn…

 

Hay bài:

 

Ao cũ

 con ếch nhảy vào

 tiếng nước xao.

 

 MASUO BASHO đã nêu lên mối quan hệ giữa con người và vũ trụ ngang nhau. Các sinh vật sống trong vũ trụ cùng tồn tại và bình đẳng như nhau: ao củ có nghĩa là ao xưa/ con ách nhảy vào/ tiếng nước lao xao. Ao xưa ví như là vũ trụ, con ách nhảy vào khấy động cả vũ trụ, thể hiện con vật, con người đều bình đẳng và tất cả đều khuấy động vũ trụ…

 

Dưới cây bưởi

 gánh nước đầ

 mắt lúng liếng.

 

Dưới cây bưởi/gánh nước đầy, không phải ở thành phố mà ở nông thôn; mắt lúng liếng là cô thôn nữ gánh nước đầy trong những cái lu, chậu, trên mặt lu, chậu bỏ những lá bưởi chống sóng sánh, sóng sánh như đôi mắt huyền của cô lúng liếng. Thơ Haikư là thế, nó mang tính ẩn dụ rất cao.

 

Con cá vẫy

 nổi bong bóng

 đóa phù dung.

 

Bài thơ xuất phát từ hồ cá cảnh trước sân nhà, tác giả thường ngồi ngắm cá bơi, cá lượn dưới cánh bèo dâu. Một hôm, tác giả bị con cá vẫy nước bắn lên mặt và bài thơ ra đời từ đó. Hình ảnh con cá gần gũi với cuộc sống đời thường, cá vẫy làm nổi bong bóng là hoạt động tự nhiên nhưng hình ảnh liên tưởng có vẻ thi vị, thanh cao hơn: “đóa phù dung”. Hoa phù dung trong tâm thức của nhiều người là một hình ảnh đẹp, thanh cao và mong manh bởi hoa phù dung sớm nở chiều tàn. Bài thơ chỉ có 9 âm tiết, tạo hình đơn giản nhưng giàu sức gởi cảm, sự cô đọng sự lắng sâu, suy tưởng, gợi mở…đấy mới là thơ Haikư.

 

Dưới cành mai

 hoa rụng trắng đầu

 xuân bất tận.

 

Bài thơ mang phong vị của mùa Xuân, cảm giác như tác giả đang dõi mắt nhìn thời gian trôi, nhìn từng giọt thời gian trên từng cánh hoa mai lả tả rụng rơi của mùa xuân muộn. Thời gian trôi miên viễn giữa cuộc đời và rơi trong tàn phai, ảo mộng của kiếp người mong manh yếu đưối. Bao nhiêu mùa xuân đã qua? Bao nhiêu lần hoa mai rụng trắng đầu rồi?

 

Khi bình minh lên, ánh nắng thường chiếu lóa trên bức tường, giàn cây dây leo thường rủ lá xuống in bóng trên vách tường, có lúc gặp gió cành lá đu đưa bóng qua lại…đó là xuất xứ của bài thơ Haikư

 

Dưới nắng lóa

 in hình lá rơi

bóng thời gian trôi.

 

Đêm Vu Lan

 tiếng ai thầm gọi

 nước mắt ứa tràn.

 

Mẹ mất sớm nên tác giả thường mơ về mẹ. Trong đêm Vu Lan, tác giả đang ngủ nghe một tiếng gọi mẹ thì thầm bên tai…

 

Không tiếng gọi

 không tiếng ơi

 giữa rừng người.

 

Khi tác giả ngồi một mình trong nhà, xung quanh rất hiu quạnh. Ngoài đường rừng người đông đúc. Cuộc đời thật náo nhiệt nhưng cũng thật hoang vu, hiu quạnh vì không có tiếng gọi và không có tiếng ơi. Không có nhu cầu tìm bạn tri âm và cũng không ai đợi người tri kỷ. Đâu đó có một tâm hồn tràn đầy rung cảm, yêu thương muốn được trao tặng, hiến dâng mà không người nhận. Đâu đó có một tâm hồn khao khát được yêu thương, an ủi mà chẳng biết ai cho. Họ lặng lẻ để đời mình cuốn theo dòng chảy của cuộc đời, của rừng người…

 

“Những người đã biết đến GS Lưu Đức Trung điềm đạm qua những công trình nghiên cứu về văn học châu Á hay một thi nhân với những bài Haikư hiền minh: Mảnh ngói rơi/ giật mình/ ánh trăng soi; Dưới cành mai/ hoa rụng trắng đầu/ xuân bất tận hẳn sẽ rất bất ngờ trước một Lưu Đức Trung tươi trẻ, đắm say, khao khát trong thế giới truyện cực ngắn. Quả thất thi nhân không có tuổi. Vì thế, ta cứ tạm gọi là Chàng”. (Hoàng Long- Một thời để nhớ).

 

Lấp loáng ngoài cửa kính

 một màu hồng

 một ngày vui.

 

Đọc bài thơ, nếu chưa được tiếp xúc ta sẽ nghĩ tác giả là một người trẻ tuổi. Nhưng có ai ngờ, bài thơ đã viết bởi đôi mắt đã mờ, bàn tay đã run nhưng tâm hồn còn trẻ lắm. Bài thơ này mở đầu tập Phiếm khúc Tươi mãi với thời gian của GS-TS Lưu Đức Trung. Ngoài cửa kính kia là màu hồng của bình minh, màu hồng của sự sống hay “bóng hồng”…chỉ biết rằng màu hồng ấy đã mang đến niềm vui, hi vọng cho một người già cô đơn bên trong. Thái Trọng, thành viên câu lạc bộ thơ Haikư cho rằng: “Với tuổi như ông nhưng cái nhìn và niềm yêu đời nơi ông vẫn như ngày nào- Ngày của giảng đường với phấn trắng bảng đen, hiền lành, say mê nhưng vẫn lặng lẽ khép mình…Phải chăng bài thơ muốn nói hộ cho nhan đề Tươi mãi với thời gian.

 

Những bài thơ: Cám ơn thời gian/ ta xanh lai/ giữa thu vàng; Nắng mùa đông/ táo hồng má bé/ tuyết tan trong lòng già; Nhặt cây kim rỉ/ mẹ ơi!/ áo con rách vai; Trong cơn dông/ em ôm chặt/ hai bàn tay không; Đàn/ đứt/ một tiếng buồn; Dấu xưa/ vườn cũ/ bóng hạc quay về; Căn nhà đổ nát/ chiếc giường còn lại/ cô gái soi mình; Bên cửa sổ/ gối trăng vàng/ mộng tan…hay là: Chiều hé nỡ/ tối rạng rỡ/ sáng rã rời- Quỳnh ơi và rất nhiều, rất nhiều bài khác của GS-TS Lưu Đức Trung cùng các thành viên Câu lạc bộ thơ Haikư mà tôi đã tìm đọc và suy ngậm nhưng không sao hiểu nổi bởi tính đa dạng, trừu tượng, kiệm lời và độ nén thông tin của nó. GS-TS Lưu Đức Trung, một người con làng Cao Lao Hạ không chỉ một lòng một dạ hướng về quê hương mà còn có công lớn đưa thơ Haikư vào Việt Nam như TS Chu Văn Sơn viết về ông trong cuốn tự truyện MỘT THỜI ĐỂ NHỚ: “thi sĩ thơ Haikư, hơn thế, thủ lĩnh thơ Haikư Việt”. Hy vọng, một ngày không xa dòng thơ Haikư Việt không chỉ được phổ biến, phát triển mà còn là một đề tài mới, một đề tài hay trong vườn hoa thơ văn dân tộc được đông đảo đọc giả hưởng ứng.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip