Vài suy nghĩ về kế thừa và phát triển kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới

06:21 - 15/09/2011

Ý kiến của anh Lưu Văn Lộc về quy hoạch phát triển quê hương

 

Xét về tiềm năng về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, Hạ Trạch ngày nay không thua kém bất kỳ một địa phương nào của huyện Bố Trạch, thậm chí là cả tỉnh Quảng Bình. Hạ Trạch  hội đủ các thế mạnh về rừng núi, đồng bằng, sông hói, giao thông, thủy lợi. Số liệu các chỉ tiêu kinh tế xã hội 2005-2009 của xã cho thấy: năm 2009, tổng diện đất tự nhiên là 1.786,2ha, trong đó có 895,71 ha đất sản xuất lâm nghiệp, đất nông nghiệp có 424,73ha, nuôi trồng thủy sản 109,95ha, diện tích đất chưa sử dụng chỉ còn 28,11ha. Quả là những con số ấn tượng về tiềm năng đất đai, mặt nước.  Làng lại nằm bên sông Gianh thuận lợi trong giao thông đường thuỷ, cũng là vựa cá tôm.  Đường bộ có quốc lộ 1A chạy qua, có đường Ba Trại nối lên đường Hồ Chí Minh. Hai hồ chứa nước là hồ Vực Sanh và hồ Cửa Nghè đủ trữ lượng nước tưới cho đồng ruộng và đảm bảo phục vụ dân sinh.

 

Trong bài viết này, tôi chỉ xin góp một vài ý kiến nhỏ về việc kế thừa và phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi của xã, từ góc nhìn lịch sử và hiện trạng. Đây là suy nghĩ mang tính độc lập, xin được chia sẻ cùng bà con.

 

  1. Sơ lược lịch sử và hiện trạng:

 

Về vấn đề giao thông nông thôn: 

 

Làng có 3 trục đường chính là đường Quan, đường Làng và đường Bạn cùng 20 lối xóm được bố trí hợp lý, đẹp và rất thuận lợi cho việc đi lại. Đường  Bạn được quy hoạch theo hình cong của “mạn thuyền long châu”, là con đường chính định hình nên dáng làng mà trong bài viết“Một góc nhìn về Làng Cao Lao Hạ xưa để suy ngẫm hôm nay”, anh Danh Lợi đã mô tả rất hay về tên đường, tên làng, dáng làng.  Tôi có thêm một suy nghĩ là dáng làng như cánh cung vững chắc lấy dãy kỳ sơn làm dây cung, mỗi người dân Cao Lao Hạ là những mũi tên, mỗi khi cung làng bật lên là bay cao, bay xa. Làng không chỉ có 3 đường lớn với 20 lối xóm mà còn có hệ thống đường liên thôn, liên gia. Các con đường này tuy không rộng nhưng  rất thuận lợi cho cho mọi người đi lại từ xóm này qua xóm khác, từ nhà này sang nhà khác. Trước đây, cứ hai dãy nhà (hàng ngang) lại có một đường liên xóm, liên gia. Đường ngang, lối dọc tạo thành hệ thống giao thông làng như ô bàn cờ. Một thời gian dài, những con đường này ít được quan tâm quản lý nên nhiều gia đình đã rào chắn lại, dần dần biến thành đất riêng. Hiện nay, đường liên xóm, liên gia còn lại không đáng kể, dẫn đến tình trạng các nhà ở liền kề nhưng muốn đến với nhau phải đi vòng rất xa,  đúng thực trạng “gần nhà xa ngõ”. Mất đi những con đường này không chỉ khó khăn trong đi lại, làm cho tình làng nghĩa xóm bị ngăn cách mà còn làm cho làng xấu đi.

Việc bê tông hóa đường làng lối xóm đang được chính quyền và nhân dân đẩy mạnh, nhưng chưa thực sự đồng bộ, chưa xứng tầm cho phát triển cả hiện tại và tương lai. Đường sá bây giờ không chỉ dành cho trâu bò, người đi bộ hay đi xe đạp. Theo xu thế phát triển, xe ô tô, máy móc hiện đại đã chiếm một vị trí quan trọng trong sản xuất và đời sống. Nhiều đoạn đường đã bê tông hóa nhưng hẹp, hai bên lề nhiều đoạn không được đắp, có những đoạn dân đào bới trồng rau sát tận mép đường bê tông, vừa khó khăn trong đi lại, vừa hạn chế tuổi thọ công trình. Ở các ngã 3, ngã 4 không đủ độ rộng cho vòng cua, đa số là làm vuông góc, lại hạn chế tầm nhìn. Nhiều đoạn đường xóm cứng hóa chỉ mới giải quyết được tiêu chí “sạch”, chưa đảm bảo độ “cứng”. Song song với đường xóm là những mương lối vừa dẫn nước thủy lợi vào làng, vừa thoát nước mùa mưa lũ. Các mương lối này vẫn đang trong tình trạng lộn xộn, chỗ sâu chỗ cạn, chỗ rộng chỗ hẹp. Việc làm cống của các gia đình từ đường vào nhà mạnh ai nấy làm, rộng, hẹp, cạn, sâu, tùy thích… Đường Bạn đang được nâng cấp mở rộng, hai đoạn đầu và cuối làng đã được nắn thẳng lại. Bây giờ nhìn thì thẳng nhưng mà thẳng queo, không còn uốn cong dáng thuyền hay hình cánh cung nữa.

Trong giao thông nội đồng, trước đây, đồng nào cũng có bờ vùng, bờ thửa. Bờ vùng ngày trước rất rộng, đi lại dễ dàng, lại là nơi tập kết phân tro, lúa má. Hiện tại, bờ vùng  còn lại rất ít, kích thước hẹp, không có hệ thống. Bờ thửa thì càng tệ hơn, rất khó cho việc đi lại chăm sóc, thu hoạch mùa màng.

 

Về vấn đề thủy lợi:

 

Với 2 hồ chứa nước là Vực Sanh và Cửa Nghè, Hạ Trạch là một trong những xã có trữ lượng nước phục vụ sản xuất và đời sống dồi dào nhất huyện Bố Trạch. Trước đây, khi chưa có đập hồ Vực Sanh hiện đại,  mương còn đắp bằng đất nhưng vẫn đảm bảo đủ tưới cho đồng ruộng và một phần vục vụ dân sinh. Vị trí tuyến mương cũng được quy hoạch phù hợp để có thể tưới đến những cánh đồng trồng lúa cao và xa nhất của làng. Hai bờ mương rộng và thông thoáng, nông dân có thể theo bờ mương đi “lấy nước”, đi làm đồng.  Một thời gian dài, việc quản lý và khai thác, cung ứng nước cho sản xuất và dân sinh bất cập, hệ thống mương máng xuống cấp trầm trọng. Thiếu hệ thống mương phụ, không có cống đóng mở nước ở các cửa xóm…Tuy nguồn nước các hồ chứa nằm ở lưng chừng núi, cao hơn rất nhiều so với nơi cần tưới nhưng việc đưa nước vào ruộng, dẫn nước về làng rất khó khăn. Một lượng nước không nhỏ quanh năm chảy về đồng su, đúng hiện trạng “nước chảy chỗ trũng”. Ở các đồng cao, xa, dân muốn có nước phải bơm, tát rất vất vả mà thiếu vẫn hoàn thiếu. Bây giờ nhiều tuyến mương đã được kiên cố hóa nhưng chưa đồng bộ. Chưa chú trọng đến cao độ của mương so với ruộng, với khu dân cư, thiếu những mương “xương cá” dẫn nước đến từng thửa ruộng, nên việc tưới tiêu chưa cải thiện được bao nhiêu. Thậm chí, nhiều đoạn mương bê tông xong, người dân lại tự ý đục phá để cho nước chảy vào ruộng nhà mình. Nhiều đoạn bờ mương bị đào lấp, không đi lại được, vừa hạn chế trong khai thác thủy lợi, quản lý mương máng, vừa làm cho “mặt tiền” của làng xấu đi rất nhiều…

 

  1. Vài ý tưởng đề xuất

 

Về giao thông nông thôn:

 

Quy hoạch đường giao thông, nhất là các trục đường lớn phải đủ rộng để sau này xe cộ lưu thông thuận lợi. Chú ý các ngã ba, ngã tư phải có độ “cua” rộng để khi xe ô tô rẽ dễ dàng. Hạn chế việc các gia đình trồng cây cao, rậm rạp che khuất tầm nhìn ở các ngã ba, ngã tư, các đoạn đường cong. Đoạn nào đổ bê tông phải đảm bảo cho xe cộ lưu thông được, đoạn nào chưa bê tông hóa được phải có quỹ đất để sau này làm. Các đoạn đường dân tự làm cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT quy định. Tránh tình dân góp tiền làm đường xong, dựng cọc tre đầu đường cấm xe, vừa phản cảm, vừa mang biểu hiện của việc ngăn sông cấm chợ, không phù hợp với phát triển.

 

Mở lại hệ thống đường liên xóm, liên gia, tạo lại “ô bàn cờ” của làng. Có như vậy đường làng ngõ xóm mới đẹp, thuận lợi cho đi lại giao lưu.

 

Quản lý việc các gia đình làm đường vào nhà, phải chừa cống có độ rộng, độ sâu phù hợp không ảnh hưởng đến việc cấp thoát nước.  Hai bên đường xóm quy hoạch làm mương bê tông vừa dẫn nước vào làng vừa đảm bảo thoát nước mùa lũ, làm cho cảnh quan thêm đẹp.

 

Quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa nhằm thuận lợi phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.

 

Về thủy lợi:

 

Trong quy hoạch mới, sử dụng lại tuyến kênh mương cũ là hợp lý hơn cả, nhất là tuyến chạy trước mặt khu dân cư của làng. Tuyến mương này, không đơn thuần là dẫn nước tưới ruộng mà cần phải có cao độ hợp lý để đưa nước về làng phục vụ dân sinh. Làng ta là vùng đất nhiễm mặn, nếu đưa nước về làng sẽ góp phần “ngọt hóa” đất đai, các giếng của dân sẽ ngọt dần, giảm bớt khó khăn về nước ngọt bao đời nay. Hơn nữa, diện đích đất vườn ở mỗi gia đình khá lớn, nếu có nước về làng, nhân dân có điều kiện để phát triển kinh tế vườn nhà, có nước để tưới cây, trồng rau, tắm cho bầy heo, nuôi con ngan, con vịt…  Đây cũng là một lợi thế không nhỏ trong phát triển sản xuất và đời sống. Hai bên bờ mương phải mở lại đường đi, coi đây là một trong những trục đường chính của làng. Có thể quy mô không rộng như đường Bạn, không dành cho ô tô đi nhưng việc lưu thông bằng xe máy phải được tính đến. Lại có thể sử dụng làm đường đi bộ tập thể dục dưỡng sinh. Mỗi sớm bình binh, trong cảnh làng quê yên bình, dân làng đi dọc bờ mương, soi mình xuống dòng nước trong xanh, hít thở không khí trong lành thì còn gì bằng.  Xây dựng các cống đóng mở nước các cửa xóm, mở thêm nhiều tuyên kêng mương phụ, mạng lưới mương xương cá dẫn nước đến tận ruộng giúp người nông dân thoát cảnh tát nước trưa hè. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đây sẽ là con đường đẹp, là cửu khúc long khê mới của làng.

 

Đối với vùng nuôi trồng cá lúa kết hợp, phải có quy hoạch (tương tự ý tưởng anh Danh Lợi, anh Tuấn, Anh Hải và một số anh chị khác cho vùng nuôi tôm). Phải có mương cấp nước vào, mương xả nước thải ra rộng và độc lập.  Có như thế mới chủ động nguồn nước sạch, hạn chế ô nhiễm và lây lan bệnh tật.  Hệ thống mương này còn là “ngư chung” cho những gia đình không có điều kiện nuôi cá ở quy mô lớn có chỗ để nơm bắt, buông câu, thả lưới, vừa tự túc được một phần thực phẩm, vừa có thể góp phần khôi phục một số hoạt động cộng đồng truyền thống của làng như hội nơm chẳng hạn, rất vui và tinh thần đoàn kết cao. Tuyệt đối cấm việc khai thác thủy sản bằng xung điện.

 

Việc xây dựng nông thôn mới đang là vấn đề  lớn, đang được rất nhiều cấp có thẩm quyền và nhân dân quan tâm. Ở Quảng Bình, ngày 12/7/2011, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã do đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Nội dung chính của hội nghị cũng nhấn mạnh đến việc lập quy hoạch. Đồng chí Phó chủ tịch tỉnh đã có kết luận:  “…Việc lập quy hoạch là khâu đầu tiên nhưng lại mang tính định hướng, làm cơ sở cho cả quá trình xây dựng nông thôn mới, do đó cần có sự tham gia, vào cuộc một cách tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương; tránh tình trạng cho rằng đây và nhiệm vụ của chủ đầu tư (UBND xã) và đơn vị tư vấn. Người thuyết trình, bảo vệ đồ án quy hoạch phải là Chủ tịch UBND xã….” (Quangbinh.gov.vn ngày 30/7/2011).

 

Chúng ta phải coi chủ trương XDNTM của Đảng và Nhà nước ta là kim chỉ nam, hay nói theo cách cổ điển, là “Chiếu Vua ban”. Đây chính là cơ hội tốt nhất để quy hoạch và xây dựng lại xóm làng hiện đại nhưng  vẫn giữ được những giá trị truyền thống, trên cơ sở kế thừa những gì mà ông cha ta để lại. Việc Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội xã Hạ Trạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, theo tôi không phải là dài. Chỉ hết hai nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ xã là đến năm 2020 (hiện tại  Đảng bộ và nhân dân Hạ Trạch đang thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010 – 2015). Vậy nên, trong quy hoạch, cần phải đề ra mục tiêu và tầm nhìn xa hơn. Ví như quy hoạch làng ta do cha ông để lại đã hàng trăm năm mà bây giờ vẫn nguyên giá trị. Trong quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, nhất là việc động chạm tới luống rau, bụi môn, vạt lúa của người dân. Vậy nên chính quyền và các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương phải vào cuộc một cách tích cực, giáo dục vận động nhân dân hiến đất, hiến kế, đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân, cùng nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

Trong khi chưa có quy hoạch, xã nên thận trọng trong đầu tư xây dựng các công trình lớn và đặc biệt chú trọng đến hiệu quả. Tránh tình trạng công trình mới làm xong đã lạc hậu hay không phát huy hiệu quả, vừa lãng phí, vừa mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Công trình nước sạch là một ví dụ, xã ta là một trong những địa phương được “nêu gương” về sự lãng phí và kém hiệu quả. Đã có mấy dự án nước sạch mà đến nay, nhiều hộ dân còn phải mua nước ngọt với gái 60.000 – 70.000đ/khối (một tẹc nhỏ). 

 

Chúng ta đừng nghĩ rằng, việc chúng ta làm hôm nay là chỉ làm cho chúng ta, cho hiện tại mà phải coi đây là cơ hội để ta làm cho con cháu ta, như cha ông ta hàng trăm năm nay đã để lại cho chúng ta vậy.

 

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Cây mai dương và tác hại đối với môi trường
Điều ước nhỏ
Kỹ thuật lưu trữ nguồn cá giống tốt qua mùa đông
Điều ước đầu năm mới 2015
Rừng ngập mặn tại cửa sông Gianh

Video clip