Vẻ đẹp của bài thơ haiku

18:04 - 21/01/2019

Bình luận của anh Lưu Văn Quỳnh về vẻ đẹp bài hạiku của anh Lưu Đức Hải được giải khuyến khích trong cuộc thi thơ haiku Việt lần 2 Hải Phòng 2018 diễn ra từ ngày 1/1/2018 đến ngày 15/11/2018

Vẻ đẹp của bài thơ haiku

 

Lời Ban biên tập: Cuộc thi thơ Haiku Việt lần 2 Hải Phòng 2018 diễn ra từ ngày 1/1/2018 đến ngày 15/11/2018. Tổng số có hơn 1.500 bài dự thi của 180 tác giả thuộc 45 địa phương và 3 nước Pháp, Anh, Ănggola. Làng Cao Lao Hạ quê mình có 5 tác giả dự thi là Lưu Minh Hải, Lê Quang Quý, Lê Mai, Lê Văn Viên, và Lưu Đức Hải. Thật là vui khi làng mình có 4 bài haiku được vào vòng chung khảo , gồm 2 bài của anh Lưu Minh Hải, 1 bài của chị Lê Mai, 1 bài của anh Lưu Đức Hải. Kết quả cuối cùng có 15 bài đạt giải, gồm 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 4 giải tư; 5 giải khuyến khích. Bài haiku: Bông lúa/ngẩng mặt lúc còn xanh/cúi đầu khi đã chín của anh Lưu Đức Hải được nhận giải khuyến khích.

Sáng thứ bảy ngày 15/12/2018 tại hội trường tầng 2 Cung Văn hóa LĐHN Việt Tiệp, số 53 đường Lạch Tray, TP Hải Phòng đã diễn ra lễ trao giải.

 

 

VẺ ĐẸP CỦA BÀI THƠ HAIKU

 

          Ai đó đã nói: “Cuộc sống vốn giản dị và mộc mạc, nhưng mọi tâm hồn nhạy cảm đều có thể tìm ra trong chính sự giản dị, “mộc mạc đó vẻ đẹp tuyệt vời”.

          Tôi không dám chắc hình ảnh cây lúa trong bài thơ được giải của anh Lưu Đức Hải, tại cuộc thi Haiku Việt lần 2 Hải Phòng 2018 “Là hình ảnh đẹp tuyệt vời”, nhưng thật tình càng đọc, càng suy ngẫm càng thấy tâm đắc, thú vị:

"Bông lúa

ngẩng mặt lúc còn xanh

cúi đầu khi đã chín”.

          Làm nên vẻ đẹp của bài thơ để được Ban giám khảo bình chọn, trao giải phải chăng trước hết là vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, thanh sơ của cây lúa mà tác giả chọn làm đề tài?

Cái đẹp là cái giản dị - Mác”. Quan điểm mỹ học của đất nước Phù tang, xứ sở  thơ Haiku cũng đã từng ghi rõ “Chính sự giản phác trong hình ảnh sẽ tạo nên vẻ đẹp tự nhiên cho bài thơ”.

          Đúng thế! Thơ Haiku là thơ của những khoảnh khắc. Cảnh vật trong thơ Haiku bao giờ cũng là những hình ảnh của thế giới khách quan bất chợt hiện ra trước mắt nhà thơ. Nhưng thế giới đó trong thơ Haiku truyền thống là thế giới của những cảm thức về thời gian bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thế giới của ngũ hình tượng: Điểu, hoa, tuyết, nguyệt và lá đỏ vốn đã trở thành mô típ ước lệ.

          Vậy nên việc chọn cây lúa làm quý đề - đề tài là một sự cách tân, đầy bản lĩnh. Là cư dân của nền văn minh lúa nước, cây lúa thật gần gũi thân quen đến độ thấm đẫm vào cả lời ăn, tiếng nói hàng ngày:

- Em như lúa đang thì con gái (phương ngữ).

- Thân em như chẽn lúa đòng đòng/Phất phơ trước ngọn nắng hồng ban mai (ca dao)

          Gần gũi, thanh sơ đến vậy, nhưng với sự tinh tế, cảm của một hồn thơ, với tư duy lôgic của một nhà khoa học, tác giả đã quy tụ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có của cây lúa để từ đó nâng lên một phạm trù khái quát vừa có tính thẩm mỹ  vừa có tính triết lý nhân văn sâu sắc.

Lúa ngẩng mặt lúc còn xanh” là vẻ đẹp của lúa đang ở thì con gái, đang ở độ làm đòng. Vẻ đẹp của sự xanh non, mỡ màng báo hiệu một vụ mùa bội thu. Lúa “ngẩng mặt lúc con xanh” đã đẹp, lúa “cúi đầu khi đã chín” lại càng đẹp hơn. Vẻ đẹp của những bông lúa chín vàng, mẩy hạt, trĩu bông. Vẻ đẹp của thành quả của biết bao  ngày “Mồ hôi thánh thót…”.

          Chỉ bằng mười hai âm tiết, ba quảng ngắt tác giả đã quy tụ được vẻ đẹp vốn có của lúa suốt cả một thời mùa vụ. Thơ Haiku lời ít ý nhiều. Với biện pháp tu từ nhân hóa “ ngẩng mặt và  cúi đầu”, bài thơ mở ra cả một trường liên tưởng mạnh mẽ, sâu xa. Lúa giờ đây không còn là lúa, lúa đã hóa nên người.

          Cũng như cây lúa: “Ngẩng mặt lúc còn xanh”, con người ai cũng có một thời tuổi trẻ. Tuổi của sức thanh xuân. Tuổi của bao ước mơ và khát vọng. Tuổi của những chiến tích, công danh rạng rỡ, huy hoàng. Nhưng rồi cũng như cây lúa “Cúi đầu khi đã chín”, tuổi trẻ sẽ  qua, tuổi già ập đến. Công danh sự nghiệp cũng lùi về dĩ vãng. Con người lại trở về nơi cát bụi. Nào ai tránh được quy luật “sinh lão bệnh tử” trong cõi vô thường! Đời người chỉ sống có một lần, sống sao cho thật đẹp cả lúc còn trẻ trung cho đến khi từ giã cõi đời và sẵn sàng đón nhận quy luật của tạo hóa với một tâm thế tự tại, an nhiên …

          Biện pháp tu từ nhân hóa trong bài thơ là một sự liên tưởng bất ngờ, táo bạo, mang đậm màu sắc Phật giáo Thiền tông.

          Trong tư duy thông thường “Ngẩng mặt và cúi đầu” là hai động từ biểu thị những động tác đối lập, khắc họa phẩm chất trái ngược của con người.

          Nhưng đặt trong chỉnh thể bài thơ Haiku “Ngẩng mặt và cúi đầu” lại đồng nhất, bổ sung cho nhau, thể hiện vẻ đẹp hoàn hảo về phẩm chất của con người mà không phải ai cũng có.

          Có những cái cúi đầu ô nhục yếu hèn, nhưng cũng có những cái cúi đầu cao thượng, nhẫn nhịn, khiêm nhường đầy tính nhân văn, nâng đỡ con người.

          Goethe nhà tư tưởng, nhà thơ lớn của nước Đức, đại diện cho nhân loại bày tỏ một nguyên lý trong cuộc sống: “Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu. Nhưng trước trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”.

          Đại văn hào Lỗ Tấn cũng có tuyên ngôn bất hủ:

Trợn mắt coi khinh nghìn lực sỹ

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng

          Cái “ngẩng mặt” và “cúi đầu” của lúa phải chăng là những hình ảnh  có tính biểu tượng về vẻ đẹp của các bậc vỹ nhân như thế!

          Mọi sự so sánh đều khập khễnh, song nghĩ về bài thơ được giải khuyến khích “Bông lúa/ngẩng mặt lúc còn xanh/cúi đầu khi đã chín” tôi lại liên tưởng đến những điều nhà báo Vương Xuân Nguyên viết về cô gái người Mỹ gốc Việt. Sau nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp lừng lẫy của mình ở Hollwood để trở về đất Mẹ với một sứ mệnh đặc biệt góp phần cải thiện sự hòa hợp giữa hai dân tộc Việt – Mỹ sau chiến tranh:

          “Trong giây phút tự hào về thành tích của bộ phim, cũng là dịp mừng sinh nhật lần thừ 100 của Đại tướng, Ti A Na – tên cô gái, đã viết: “Bác là một nhà chiến lược bậc thầy của thế kỷ 20, một thiên tài quân sự có thể sánh ngang hàng Batton, Romml Napoleon… Đối với con Bác đơn giản là một thấy giáo dạy sử của cha con. Trong 15 năm Bác đã rất độ lượng khi cho phép con quay phim về Bác… Con cảm ơn Bác đã mang con trở lại Việt Nam sau hơn 20 năm xa cách. Con tìm thấy mảnh đất làm tấm gương cho điều mà con cố tìm kiếm giữa chiến tranh và hòa bình, thiên đường và trái đát. Giữa bên này và biên kia. Con sẽ nhớ và sống đề kể lại câu chuyện này”. (Báo Đời sống – Pháp luật số2  năm 2019).

          Kỳ diệu và tôn kính biết bao sự giản đơn và độ lượng của những bậc vỹ nhân như thế. Và cũng tâm đắc, thú vị biết bao khi ngẫm nghĩ về sự “Ngẩng mặt và cúi đầu của lúa”.

          Không có sự nhạy cảm, tinh tế của một hồn thơ.

          Không có trí tuệ của một nhà khoa học.

          Không có sự hiểu biết sâu sắc về Phật pháp và sự tu tâm khổ luyện như một Phật tử, tác giả Lưu Đức Hải không thể viết được nhanh, nhiều, hay những bài thơ Haiku sinh động, đậm đà màu sắc Thiền tông như thế./.

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip