10 bài thơ haiku và lời bình (lần 4)

21:44 - 06/04/2016

Giới thiệu 10 bài thơ haiku tiếp theo do con em làng Cao Lao Hạ sáng tác và viết lời bình luận

 

Bài 1: Thơ Lưu Đức Trung

 

Cánh bèo

tìm bóng mây xa

chậu nước trong nhà

 

LĐT: Trong phòng ở của tôi, có chậu cảnh xung quanh hòn non bộ thả bèo Nhật Bản. Có hôm ngồi buồn ngắm nhìn những cánh bèo bất giác làm bài thơ này.

 

Nhã Trúc: Bạn đã bao giờ thử làm cánh bèo chưa?. Không phải cánh bèo trôi trên sông nhé, mà là cánh bèo ở “chậu nước trong nhà”. Lúc đó, có lẽ sẽ hiểu cảm xúc của tác giả khi viêt bài thơ này. Tưởng như cánh bèo ấy đã “xong” cuộc đời của nó khi bị trói buộc vào không gian sống chật hẹp, nhỏ bé kia. Nhưng không, bởi hàng ngày, ở một góc nào đó nó vẫn sống với đời sống riêng với việc “tìm bóng mây xa” phản chiếu trong chậu nước. Chậu nước vô tình đã trở thành tấm gương bé xíu nhưng có thể chứa đựng cả thế giới bao la. Và cánh bèo nhỏ đã tìm thấy niềm vui trong trò chơi thú vị để có thể ung dung, tự tại với khoảng trời riêng, dù chẳng có thể đến được biển rộng, sông dài. Mặc thế giới bên ngoài ra sao, cánh bèo vẫn bay theo những đám mây xa trong chậu nước, vẫn mơ về một bầu trời đầy sự sống và ánh sáng cùng những đám mây.

 

Bài thơ đã cho ta một bài học lớn: nếu không thay đổi hoàn cảnh được thì hãy thay đổi chính bản thân, thích nghi với hoàn cảnh sống và tìm vui với những niềm vui nhỏ bé, bình dị, đời thường, đó mới là “tri ngộ”, mới giúp ta “an trụ” trong đời sống vậy

 

Bài 2: Thơ Lê Quang Quý

 

Mưa rào

thi nhặt khoai xai

trống ếch vang tai

 

LQQ: Mưa rào mùa hạ gợi nhớ lại thời gian khó, lũ trẻ đua nhau, thi nhau đi nhặt "khoai xai";  mưa rào càng, đi càng đông, nhặt được càng nhiều. Ngoài đồng, trong ao ếch, nhái kêu râm ran như tiếng trống cổ vũ.

 

Bài 3: Thơ Lê Chiêu Phùng

 

Tết hết

rượu tàn

buồn vui lẫn lộn.


LCP: Qua mồng 3 xem như hết tết, và những "chầu rượu" xuân cũng vơi dần, vơi dần. Thoáng chốc tết đã đi qua, cuộc sống thường nhật như bao tháng ngày lại đến. Rượi tàn, và những người bạn cũng phải chia tay, bịn rịn buồn vui. Buồn là ta phải chia tay nhau và hẹn ngày tái ngộ, vui là qua bao ngày xa cách nhờ 3 ngày tết mới được gặp nhau. Và càng buồn hơn khi nghe đâu đó xẩy ra những việc không vui sau buổi nhậu, quả là "Buồn vui lẫn lộn". Mong sao niềm vui cứ chất đầy, chất đầy lấn đi nổi buồn đâu đó...

 

Bài 4: Thơ Lê Chiêu Phùng và Lê Quang Quý

 

Ông già

hoa nở

tuổi hồi xuân

 

LĐH: Bài thơ là cảm xúc của Lê Chiêu Phùng khi xem lại tấm hình GS Lưu Đức Trung trên tay cầm cành hoa mai với vóc người trẻ trung và tràn đầy sức sống. Anh Lê Quang Quý đã "hoạ" bài thơ trên như sau


Nắng xuân

Hạc ngẩn ngơ

Chi Mai nhú nụ

 

Bài 5: Thơ Đặng Văn Quang

 

Hừng đông

mưng nở

đời mừng.


ĐVQ: Mặt trời ló rạng một ngày mới, âu đó là quy luật của muôn đời, ngày hôm nay có gì vui hơn hôm qua? Một cánh hoa mưng nở trước thềm, lòng người phơi phới phấn khởi, Mừng. Đời thanh thản, thảnh thơi tao nhã, thăng hoa, thoát tục. Vũ trụ, cảnh vật, con người hòa quyện, tác động biện chứng lẫn nhau. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, niềm vui ngày mới của mỗi người cũng rất khác. Tin nhắn báo "reng" tài khoản tăng trưởng. Bạn bè điện thoại báo đã được thăng chức nâng lương. Con thi đỗ vào trường danh giá .v.v Có niềm vui vật chất, có niềm vui tinh thần, cái nào cũng tốt cả.


Hừng đông/Mưng nở/Đời mừng ra đời khi tôi nhìn thấy một bức tranh đẹp, từng tia năng ban mai xiên qua kẻ lá, trong veo. Cánh hoa mưng li ti đỏ thắm, nhờ ánh nắng mai càng thêm thắm, đung đưa trong sương sớm và tâm hồn ta đưa vào "bộ nhớ" một niềm vui.

 

Bài 6: Thơ Nguyễn Văn Hùng

 

Qua dòng xoáy
đàn cá nhảy
tung tăng

 

NVH: Nhân có việc đi qua có việc Sông Hồng chợt nảy ra bài thơ trên. Phải chăng con người cũng như muôn loài, trước những biến thiên của tự nhiên, những lúc khó khăn lại là lúc tạo cho ta nguồn năng lượng mới để vượt qua thách thức.

 

Bài 7: Thơ Lưu Văn Quỳnh

 

Cà pháo
tròn, trái đất.
Vừa vào mồm - Tiếng vỡ giòn tan.

 

LVQ: Chuyến về quê, trong nhà hàng Minh Hồng đầu thành phố Vinh, người bạn đi cùng tôi hỏi: Cháu ơi, ở đây có đặc sản gì đưa ra chiêu đãi các thầy ngoài Bắc vào nhé!. Cô nhân viên đáp: Thưa bác ở đây ngoài gà đen rang muối còn có cà pháo xứ Nghệ nữa ạ!. Thật là "danh bất hư truyền"; vừa thưởng thức đặc sản xứ Nghệ, tôi vưa ngậm nghĩ rôi đọc ứng khẩu ra bài thơ trên tặng mọi người.

 

Lòi Tuần: Bài thơ chỉ 12 âm tiết, rất giàu hình ảnh mà ý nghĩa lại rất phong phú, sâu sắc, nhân văn. Từ chuyện cùng bạn bè thưởng thức đặc sản cà pháo xứ Nghệ mà tác giả liên tưởng, so sánh với hình ảnh trái đất tròn. Câu thơ gợi lại trong tâm trí người đọc một thời người Xứ Nghệ với "nắm cơm độn, mấy quả cà" mà ầm ầm chuyển nhà, di dân lên núi... Rồi từ hình ảnh quả cà, tác giả lại giúp người đọc liên tưởng đến hình ảnh trái đất hiền hòa, xinh tươi, êm đềm của chúng ta đang nóng lên từng ngày vì con người, thi nhau chặt cây, phá rừng, hiệu ứng nhà kính... vô tình gây ra biết bao vấn nạn: Trái đất nóng lên, hạn hán, băng tan, lũ lụt… Sự sống nghe chừng bất an. Bài thơ như một lời cảnh tỉnh: HỠI CON NGƯỜI HÃY CẢNH GIÁC. Trái Đất của chúng ta kì vĩ, lớn lao nhưng cũng rất nhỏ bé, mong manh, dễ vỡ, dễ tan như quả cà pháo kia, nếu con người không biết trân trọng, nâng niu, gìn giữ.

 

LQQ: Được thưởng thức bài "cà pháo" của Bác Quỳnh mà nhớ làm sao những ngày sống ở Nghệ An được thưởng thức món cà pháo. Tui liên tưởng tới ngày nhỏ lũ trẻ chúng ta cũng thường bắn "súng hóp", tập trận giả với đạn là những quả chu ke, bài lài... nên mạo muội họa bài của bác Quỳnh như sau: Từng quả tròn/ đưa vào miệng/tiếng pháo ran

 

Bài 8: Thơ Lưu Văn Lộc

 

Ta
hạt giống

theo bàn tay vung.


LVL: Ai đã từng tận tay vốc từng nắm hạt giống, hay đã nhìn thấy công việc gieo giống của người nông dân. Những hạt giống được bác nông dân vung lên rải khắp ruộng đồng. Hạt rơi ruộng sâu, hạt vào ruộng cạn, có hạt rơi lên bờ cây, bụi cỏ. Có hạt bị chim tha, cá đớp, trâu bò giẫm đạp. May thì rơi vào ruộng tốt, không may rơi xuống mảnh đất khô cằn. Nhưng dù gì thì những hạt giống ấy cứ phải bén rễ, đâm chồi. Phải chống chọi với mưa dầm nắng lửa. Phải sinh sôi nảy nở cho đến mùa thu hoạch, mang no ấm cho mọi người và lại làm hạt giống cho mùa sau.
Con người ta cũng vậy thôi. Cuộc đời ném ta đi khắp bốn phương. Mỗi người mỗi ngã, mỗi nghề, mỗi hoàn cảnh. Người may mắn kẻ rủi ro, người giàu có kẻ nghèo hèn, người hạnh phúc kẻ bất hạnh, người điền viên kẻ cô đơn, người trường thọ kẻ đoạn mệnh... Nhưng, nếu ta là kẻ rủi ro, nghèo hèn, bất hạnh, cô đơn thì ta cũng phải vươn lên, như những hạt giống kia: cho ta và cho mai sau.

 

LĐH: Ta/hạt giống/theo bàn tay vung của Lưu Văn Lộc là một bài thơ hay, mang tính triết lý cao.  Ví “Ta” như là một hạt giống, mà đã là hạt giống thì có nghĩa là những hạt đó đã được chọn lọc, để gieo tiếp cho mùa sau. Để được chọn làm kiếp người rất là khó, đó là kết quả của việc gieo nhiều nhân lành ở những kiếp trước. “Theo bàn tay vung” đọc nghe tưởng đơn giản nhưng ngẫm nghĩ thì không phải vung lung tung mà vung theo bàn tay, cũng có nghĩa là vung theo quy luật nhân quả, theo những cái nhân mà ta đã tạo ra từ kiếp trước. Có nhân, không sớm thì muộn ắt có quả, nhưng để có quả, cần phải có thêm trợ duyên, cần cái nỗ lực của cá nhân nữa. Cám ơn Lưu Văn Lộc đã cho chúng ta một bài haiku hay

 

Bài 9: Thơ Lưu Đức Hải

 

Đêm trăng

tiếng nước

bóng người nhấp nhô


LĐH: Những đêm trăng, cho dù đó là những đêm trăng mờ hay tỏ, tròn hay khuyết mà ta đã thấy, đã gặp ở đâu đó trong cuộc đời mình đến một lúc nào đó sẽ lại hiện về với những kỷ niệm gắn liền với nó. Đó là cảnh tát nước đêm khuya, là các O thôn nữ quê hương gánh nước từ giếng Hung, giếng Kiệt; là mái chèo trên sông; là các bạn nữ cùng trường tắm bên bờ giếng, là cái khỏa chân bên cầu ao,…Nhớ lại những “tiếng nước” kêu gắn với từng khung cảnh trên thấy sao mà thân thương, gần gũi, như là mới ngày hôm qua. Cùng với “tiếng nước” là những bóng hình “nhấp nhô” khi tát nước, chèo thuyền, ‘nhấp nhô” ...làm gì đó hay “nhấp nhô” nhìn trộm ai đó dưới ánh trăng chẳng thể nào quên được.


Bài 10: Thơ Lưu Đức Hải

 

Thả chim

chuỗi hạt giữa trời xanh

sương mai trên cành liễu


LĐH: Lễ hội thi thả chim ở ao làng vào sáng sớm khi mà những giọt sương chưa tan hết, còn đọng lại trên những cành liễu rủ xuống hồ sẽ khó lòng quên được thời khắc đàn chim vút lên, tự do tung cánh, có lúc trông như chuỗi hạt giữa trời cao. Thả chim, phóng sinh là một giáo lý của nhà Phật, mỗi con chim được thả vào bầu trời tự do, là tung từng hạt tràng vào trời xanh, là gieo thêm một nhân lành; có nhân lành sẽ có phước lành, Bồ tát sẽ cầm cành dương liễu tưới nước cam lồ ban phát cho chúng sinh.

 

LQQ: Đây là bài có tính trừu tượng cao và người đọc phải có hiểu biết về phật giáo mới thấy hết được cái triết lý của lẽ nhà phật. thả chim là phóng sinh, là tạo phước và sẽ nhận được sự gia hộ của Bồ Tát

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip