70 năm trên mặt trận không tiếng súng

22:03 - 19/01/2018

Bài viết trên Báo CA Quảng Bình về phòng Hậu cần- Kỷ thuật, Công an Quảng Bình do Đại tá Nguyễn Hữu Định, một người con Cao Lao Hạ làm Trưởng phòng

 

 

Trong những ngày cuối năm Đinh Dậu này, công việc của những người làm công tác Hậu cần- Kỹ thuật lại bộn bề hơn bao giờ hết. Và đây cũng là lúc chúng tôi cảm nhận đủ đầy “vóc dáng” và “khoảng lặng” của những người làm công tác hậu cần ở lực lượng Công an Quảng Bình. Dù không trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm, nhưng họ luôn đồng hành cùng CBCS Công an tỉnh nhà. Với chức năng nhiệm vụ của mình, 70 năm qua, họ đã luôn phấn đấu vươn lên, chủ động, kịp thời đáp ứng các yêu cầu về vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng qua từng thời kỳ.

 

 

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các thế hệ CBCS làm công tác hậu cần, kỹ thuật Công an tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đáp ứng tốt các yêu cầu về vũ khí, trang thiết bị, các nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến. Sau ngày tái lập tỉnh, lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật đã trưởng thành vững chắc, phù hợp với cơ chế mới, đảm bảo công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an tỉnh. Với những người lính trên mặt trận không tiếng súng ấy, công tác hậu cần đã không ngừng đổi mới để thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, qua đó tạo dựng nguồn cơ sở vật chất kỹ thuật, thực lực hậu cần vững mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Đó chính là tiền đề quan trọng giúp các đơn vị Công an trong toàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT.

 

Lặng thầm- những người lính “đi trước về sau”

 

Thực tế cho thấy, vai trò “đi trước, về sau” của đội ngũ CBCS, công nhân viên Hậu cần- Kỹ thuật Công an tỉnh thể hiện rõ nét ở tính chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần trong mọi tình huống. Đó là việc thường xuyên cân đối giữa khả năng và nhu cầu đảm bảo để điều chỉnh hợp lý các nhiệm vụ chi, thu. Tranh thủ mọi khả năng, điều kiện cho phép để khai thác thêm nguồn đảm bảo Hậu cần cấp I và sự hỗ trợ của địa phương nhằm từng bước nâng cao các trang thiết bị và điều kiện làm việc cho CBCS. Trong điều kiện cơ sở vật chất của Công an tỉnh đang còn thiếu, các đơn vị đóng quân còn phân tán, nên việc nâng cấp cơ sở vật chất luôn là nhiệm vụ được chú trọng. Lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật đã tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh trình Bộ và Tỉnh phê duyệt đầu tư các dự án và triển khai thi công các công trình. Trong 5 năm đã triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình cơ sở làm việc và phúc lợi, như: Cơ sở làm việc Công an huyện Minh Hóa, cơ sở làm việc Công an huyện Quảng Ninh, cơ sở làm việc Cảnh sát PCCC và CNCH; Đồn Công an Tân Ấp, Đồn Công an Phong Nha, Đồn Công an khu Kinh tế Hòn La, Đồn Công an thị trấn Kiến Giang, Công an phường Hải Đình, Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát (cơ sở 2). Năm 2017, lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an tỉnh tiếp tục thi công các công trình như: Gói thầu xây lắp số 04 (các hạng mục còn lại thuộc công trình Cơ sở làm việc Công an huyện Minh Hóa và Công an huyện Quảng Ninh); cơ sở doanh trại Đội Cảnh sát PCCC Bắc Quảng Bình; nâng cấp, mở rộng nhà huấn luyện nghiệp vụ Công an tỉnh; cơ sở Công an huyện Quảng Trạch; cơ sở làm việc Công an thành phố Đồng Hới.

 

 

 

 

 

Giao ban công việc, đôn đốc tiến độ trong từng ngày, tuần, tháng. Ảnh QV

 

 

 

 

 

Tinh thần “hậu cần đi trước” “hậu cần chủ động” còn thể hiện ở việc lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước sắp xếp, bố trí nơi làm việc cho các đơn vị; mua sắm, sữa chữa và đóng mới bàn, ghế, giường, trang bị dần cho các đơn vị còn thiếu, phục vụ cho CBCS đảm bảo điều kiện làm việc. Trang bị đến đâu phải đồng bộ thống  nhất; trước hết ưu tiên công tác tiếp dân, hội họp và Công an cấp huyện, thành phố. Lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an tỉnh còn thực hiện tốt việc “đi tắt, đón đầu” trong xây dựng nguồn lực hậu cần theo hướng hiện đại. Các mô hình điểm, đơn vị điểm, các điển hình tiên tiến đã góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện phong trào thi đua ở phòng Hậu cần- Kỹ thuật, đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị và chăm lo xây dựng đơn vị như: “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, “Lương y như từ mẫu”.

 

 

 

 

 

Viêc triển khai thi công các công trình luôn đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Ảnh VH

 

 

Tiếp xúc, làm việc và đồng cảm với CBCS, công nhân viên Hậu cần- Kỹ thuật, Công an tỉnh, chúng tôi nhận ra một điều rằng: Cán bộ làm công tác hậu cần- kỹ thuật ở bất cứ nơi đâu cũng vậy, họ phải là những người “nghĩ trước, lo trước, làm trước”; phải bỏ công sức, trí tuệ lên phương án, xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần; phải toan lo công tác chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng; rồi trực tiếp phục vụ; tiếp đó là khâu kiểm tra, định hướng, uốn nắn phải kịp thời, sâu sát, cụ thể; cuối cùng là công đoạn “dọn dẹp chiến trường” sau mỗi nhiệm vụ… Khi thực hiện tròn khâu như vậy thì cán bộ Hậu cần- Kỹ thuật mới thật sự hoàn thành nhiệm vụ. Và do đó họ phải là những người “đi trước, về sau”.

 

Đến chuyện “lo” của những người lính hậu cần

 

Nói đến lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật là nói đến một đơn vị chuyên lo chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” cho cả lực lượng Công an đang công tác, chiến đấu. Thời gian qua, lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong chuyện “lo” của mình.

Chuyện “lo” của lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật không chỉ là đảm bảo tài chính, cơ sở vật chất cho một lực lượng mà còn tập trung đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chủng loại một khối lượng lớn vũ khí, khí tài, các phương tiện, vật tư kỹ thuật, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn những sự kiện chính trị – ngoại giao quan trọng, những hoạt động văn hoá – thể thao mang tầm vóc khu vực hay các cuộc diễn tập phòng chống lụt bão, bạo loạn khủng bố, và bảo vệ an ninh nông thôn thời kỳ có điểm nóng.

Có đi mới biết, có gặp mới thấu hiểu sự vất vả của những CBCS làm công tác hậu cần- kỹ thuật. Đối với CBCS thuộc Đội xe, phòng Hậu cần- Kỹ thuật, Công an tỉnh thì những chuyến công tác cùng các đơn vị nghiệp vụ đã trở nên thường nhật. Đó là những chuyến vượt ngàn đến với các xã biên giới, những chuyến đi trong Nam, ngoài Bắc với lính truy nã, lính điều tra. “Bệnh nghề nghiệp”, lính hậu cần luôn đảm bảo chuyện “lo” trước những chuyến công tác ấy. Đó là công tác tiền trạm, nắm tình hình thực tiễn, từ đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến công tác dài ngày.

 

 

 

 

 

CBCS thuộc Đội xe, phòng Hậu cần- Kỹ thuật, Công an tỉnh luôn có tinh thần, thái độ phục vụ tốt, ý thức thường trực chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Ảnh TT

 

 

 

 

Công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cho CBCS của lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật thường xuyên được nâng cao, từ năm 2011 đến nay đã tổ chức khám, cấp thuốc cho 27.168 trường hợp và điều trị 2.290 bệnh nhân; siêu âm, điện tim, xét nghiệm cho trên 11.156 trường hợp. Phối hợp với các đơn vị chức năng khám tuyển công dân phục vụ có thời hạn trong CAND, khám tuyển sinh, tuyển dụng trên 7.000 trường hợp. Ngoài việc khám, điều trị cho CBCS toàn lực lượng, công tác y tế đã thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh về nhận giúp đỡ các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa; đã tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng cao xã Thượng Hóa- Minh Hóa, xã Thượng Trạch- Bố Trạch, xã Kim Thủy- Lệ Thủy…Tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm lượt cán bộ An ninh tỉnh Khăm Muộn- Lào.

Công tác phục vụ nghỉ mát, nghỉ điều dưỡng của lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an tỉnh trong những năm qua đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, các điều kiện phục vụ chưa đồng bộ, nhưng CBCS, công nhân viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ công tác. Phục vụ tốt các hội nghị của Bộ, của Công an tỉnh tổ chức tại nhà nghỉ dưỡng với tinh thần thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Đặc biệt đã đón, phục vụ nhiều đoàn cán bộ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Quảng Bình. Từ nhà cửa, xe pháo cho các đơn vị nghiệp vụ, chiến đấu đến chuyện cơm áo, chuyện nhức đầu sổ mũi của từng CBCS Công an trong tỉnh đều được CBCS Hậu cần- Kỹ thuật “lo” một cách trọn vẹn. 

Ngoài công tác chuyên môn, CBCS lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, hiến máu nhân đạo, giúp dân chủ động phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Đó là những thành tích đáng tự hào của lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an Quảng Bình trong suốt chặng đường 70 năm phấn đấu và trưởng thành.Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, lớp lớp CBCS làm công tác hậu cần  kỹ thuật hôm nay không ngừng cố gắng vươn lên, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sát cánh cùng các đơn vị chiến đấu, viết tiếp những trang vàng truyền thống và phát huy, giữ gìn hình ảnh người Công an Quảng Bình “đẹp mãi” trong lòng dân.

 

 

 

 

 

Phong trào “Nuôi heo đất” đã được CBCS Hội phụ nữ phòng Hậu cần- Kỹ thuật hưởng ứng nhiệt tình và đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo sự đoàn kết, sẽ chia giúp mỗi hội viên Hội phụ nữ phòng Hậu cần- Kỹ thuật tự tin, bản lĩnh trong công việc và cuộc sống. Ảnh: TT

 

 

 

 

Dù trên bất kỳ lĩnh vực nào, lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật cũng thể hiện được năng lực và vai trò không thể thay thế. Đằng sau mỗi chiến công đều có sự chuẩn bị tỷ mỉ, chu đáo của những người làm công tác hậu cần. Từ vũ khí phương tiện chiến đấu đến công tác phí, từ cơ số thuốc men đến gói lương khô ăn đường… những đóng góp thầm lặng của họ đã được đồng đội ghi nhận. Suy tôn lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật trong các đợt bình xét thi đua chính là cách tập thể chọn để tri ân những người đồng chí luôn đồng hành cùng mình trong mỗi cuộc chiến đấu. Điều ấy giải thích vì sao một đơn vị chuyên môn kỹ thuật lại liên tục 17 năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng, vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý, như Cờ thi đua xuất sắc “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở” của Bộ Công an, Cờ thi đua “Đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua Vì ANTQ cấp cơ sở” của Tổng cục Chính trị CAND, Cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Vì ANTQ” của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình hay Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

70 năm âm thầm, lặng lẽ nhưng không kém phần rực rỡ trên mặt trận không tiếng súng- đó chính là cái tâm trong sáng của CBCS lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an Quảng Bình. Họ đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật CAND (25/1/1948 – 25/1/2018), chúng tôi xin cảm ơn những đôi mắt thức, những chuyến xe an toàn, bình lặng, những sự toan lo đầy trăn trở của lực lượng Hậu cần- Kỹ thuật Công an tỉnh nhà. Tuy chưa thể nói hết được những vất vả, khó khăn và những hy sinh thầm lặng của những người lính Hậu cần- Kỹ thuật, nhưng hy vọng, đó sẽ là một nốt thanh trong rất nhiều nốt thanh ghi nhận những chiến công của lực lượng Công an Quảng Bình

Tác giả : Nguyễn Oanh

Bình luận

Bài viết liên quan

Đặt tên đường mang tên Lưu Trọng Lư ở Ba Đồn, Hoàn Lão, Phong Nha
Đồng hương Hạ Trạch tại Hà Nội gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Mời họp mặt đồng hương Hạ Trạch tại Hà Nội
Trồng cây tại Cồn Cui
Tản mạn về Hội Đồng Hương Hạ Trạch tại Hàn Quốc

Video clip