Chuyện về một bà mẹ mù ở Làng Hạ

09:34 - 09/06/2015

Chuyện về bà Lê Thị Như một bà mẹ mù ở Làng Hạ

 

Bà có cái tên mộc mạc hiền lành như làng quê thanh bình của bà vậy, bà Lê Thị Như ở thôn 6 xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Sinh và lớn lên trên mảnh đất nghèo cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng rồi số phận nghiệt ngã không may mắn đã buộc chặt cuộc đời bà trong cảnh mù lòa tối tăm. Người ta thường nói rằng” Giàu hai con mắt khó hai bàn tay “ quả thật không sai. Cũng từ đây cuộc đời xung quanh chỉ một màu đen. Rồi bà phải làm gì, để sống và tồn tại của một đời người.

 

 

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Như giữa những ngày hè nóng nực của miền Trung, cái nắng oi ả như thiêu như đốt. Trong căn nhà cấp 4 tuyềnh toàng, những tia nắng từ mái nhà xuyên vào như càng ngột ngạt thêm. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài những chiếc giường củ kỹ ,trong bếp là những song nồi bát chảo méo mó ám khói. Bên ngoài mảnh vườn nhỏ khô khốc với mấy khóm mía cằn khô và bụi tre còn sót lại sau trận bão năm 2013. Năm nay bà Lê Thị Như bước qua tuổi 80, đã là tuổi xưa nay hiếm nhưng bà vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Trên khuôn mặt sạm đen vì mưa nắng thời gian với cuộc sống mưu sinh vất vã của một người mẹ mù lòa không chồng và 3 người con gái.

 

Câu chuyện cuộc đời của bà kể cho chúng tôi nghe là có thực mà ngỡ như chuyện cổ tích. Cha mẹ bà sinh được 2 anh em rồi mất sớm, trong một cơn bạo bệnh anh trai cũng theo cha mẹ ra đi để lại mình bà với căn nhà xiêu vẹo và tất cả những gì tồn tại trên thế gian này đối với bà đều là một màu đen đặc quánh bao trùm cuộc đời người con gái. Bà Như nhớ lại, vào những năm 1965- 1966 bà xin làm tại Hợp tác xã Trường Lưu một cơ sở chăn nuôi lợn của xã Hạ Trạch lúc bấy giờ. Bước đầu vào làm gặp không ít khó khăn, nhất là một số xã viên nghi ngờ đố kỵ không tin vào những người khiếm thị có thể làm được những việc như người bình thường. Nhưng rồi với bản năng sinh tồn và sự chịu thương chịu khó, cần cù, lam lũ và ý chí vươn lên nên bà sớm hòa nhập với xã viên. Với bà, giao việc gì cũng làm và làm tốt đặc biệt nghề đạp cần chày đạp và dần, sàng thức ăn cho lợn. “Hồi đó, Hợp tác xã Trường Lưu có 2 cối chày đạp, tui phụ trách đạp một chày. Sáng sớm đi làm, buổi trưa bới theo khoai, sắn có khi nhịn luôn chiều mới về nhà. Tui nghĩ, mình mù lòa mà họ cho làm việc là mừng lắm rồi”, bà Như tâm sự. Sau này Hợp tác xã chăn nuôi giải tán, không thể đầu hàng số phận, bà tự đi, tự mày mò tìm đến một nghề mới, đó là nghề “đi mò” (bắt), một nghề chính khá dài trong cuộc đời mưu sinh khắc nghiệt của bà. Lúc đầu bà theo bạn bè ra đồng, ra sông, bắt ốc, mò cua chỉ cần nhờ người dẫn đi một lần là lần sau tự mình đi được. Bà nói rất tự tin: “Trời không triệt đường sống của ai bao giờ, mắt tui mù nhưng tay tui sáng, đã không đi thì thôi, còn đã “đi mò” khi mô trong oi cũng có tôm, cua, trìa, vẹm, cá…mang về đắp đổi nuôi con”. Cứ như thế cảnh đời lam lũ tối tăm đã không phụ bà đó là các con cũng khôn lớn và trưởng thành. Cuộc đời có hậu của bà Như là câu chuyện cổ tích giữa đời thường trên mảnh đất làng Hạ như một tấm gương nhắn nhủ: Dù bất cứ hoàn cành nào, khó khăn đến mấy cũng không đầu hàng số phận...

 

  

 

Trở lại với nghề “mò”, nghề “đi mò” tại Làng Cao Lao Hạ xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch chẳng biết có tự khi nào. Chỉ biết rằng, những người con gái làng Hạ, dù già hay trẻ, nghề mò được xem là một trong những nghề mưu sinh, là nghề “truyền thống” lâu đời của địa phương. Với địa hình thuận lợi, xung quanh làng là ao, hồ, hói, đầm, phía ngoài đê sông Gianh triều lên, triều xuống để lỗ ra những bãi bồi rộng lớn phủ kín mền (rều), rong. Quanh bãi bồi là những kênh, rạch... là nơi trú ngủ, ẩn náu của tôm, cua, cá. Nghề “đi mò” nhàn và vui, sáng sớm khi con gà chưa cất tiếng gáy; cũng có lúc vào những buổi chiều hoàng hôn khi triều xuống, phụ nữ trong làng kéo nhau ra sông, ra bãi dàn thành hàng ngang, hai bàn tay xòe ra lướt nhẹ trên mặt đất, miệng cắn giây kéo theo oi (giỏ). Oi được đan hình con vịt bằng tre cật vót nhỏ, hai bên cánh oi người ta buộc 2 ống nứa làm cho oi luôn nổi và không bị lật. Mò được cá, tôm, cua, dèm (cua nhỏ) tất cả cho vào oi. Cũng có chị không dùng oi hình con vịt mà dùng giỏ, giỏ hình quả bầu khô, miệng tròn có tôi (nắp) chắc và kín, giỏ được buộc ngang thắt lưng theo người dìm trong nước…Khi mặt trời vừa lên, đoàn người “đi mò” lũ lượt kéo nhau lên bờ. Chợ Hạ Trạch nhóm họp vào buổi sáng, vì chợ họp sớm và thời gian nhóm họp khá nhanh nên bà Như cùng chị em trong đoàn “đi mò” mặc dù quần áo ướt sũng vẫn bước nhanh vào cho kịp buổi chợ.

 

  

 

Ngày nay, ao, hồ, đầm, rạch, đồng trước, đồng sau và những bãi bồi ven sông ở Hạ Trạch không còn, nhường lại cho những khu nuôi trồng thủy sản, khu trang trại tổng hợp quy mô lớn. Nghề “đi mò” của chị em làng Hạ dần dần mai một theo thời gian, nhưng những kỷ niệm về một nghề “độc nhất vô nhị” vẫn đầy ắp trong trái tim người mẹ mù lòa. Những năm tháng cuối đời của mẹ là làm sao tu sữa lại căn nhà cho kín đáo, bà Lê Thị Như vẫn đau đáu mong ước lại được một lần “đi mò”, để được vui đùa, lặn hụp cùng bạn bè trang lứa. Ước mơ giản dị nhưng thật đáng trân trọng bởi đó là niềm khát khao của một bà mẹ mù làng Hạ sinh ra kém phần may mắn. 

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip