Lán trại và một thời theo đuổi con chữ

00:42 - 10/07/2014

Ký ức về Lán trại và một thời theo đuổi con chữ của tác giả Nguyễn Xuân Văn

Khi thấy những cành phượng vỹ nở là lúc báo mùa hè mùa chia tay của tuổi học trò đang đến. Hoa phượng đỏ, bằng lăng tím, mùa hạ ... gắn với tuổi thơ, là kỷ niệm những ngày tháng không phai dưới mái trường. Nhưng với tôi, nét đẹp và tín hiệu khúc giao mùa từ xuân sang hạ, về thủa cắp sách đến trường là khi núi đồi phía sau xóm rẫy, là Lều cù, Đá bạc hoa sim tím ngát xôn xao hòa điệu đón nắng gió Lào.

 

 

    Năm nay là mùa hè thứ 30 tôi và nhiều đứa bạn đồng môn rời xa mái trường THPT, xa một thời mang xéo ruột tượng nữa gạo nữa khoai cuốc bộ xuyên đường ba trại theo đuổi con chữ. Năm 1980 Trường THPT số 2 Bố trạch được thành lập tại xã Cự Nẫm trên cơ sở tách ra từ Trường THPT Hoàn Lão. Học sinh của hai xã phía bắc huyện là Hạ trạch và Mỹ trạch thuộc khu vực học tại trường này. Với quảng đường khoảng hơn 12km không xa nhưng cũng không gần lắm để sáng đến lớp, trưa hoặc chiều về nhà mà phải trọ học đến cuối tuần.

 

    Thủa ấy, cơ ngơi của trường thật đơn sơ. Mỗi phòng học là một ngôi nhà cấp 4 độc lập do một xã trong khu vực có học sinh đến học đầu tư xây dựng. Hạ Trạch con em đi học nhiều hơn nên giao chỉ tiêu phải làm 2 phòng. Vách phòng học là vách đất với các nguyên liệu rơm, đất đỏ được nhào lộn rồi vắt lên khung cây gọi là mầm - rống, mái lợp ngói. Phòng làm việc của Ban giám hiệu, Hội đồng nhà trường, phòng làm việc và nhà ở công vụ của các thầy cô giáo cũng được xây dựng như vậy. Sân trường không bóng phượng vỹ, bằng lăng tím mà chỉ có dương (phi lao) và sầu đâu (xoan). Thế nhưng, thời đó thi đỗ và được đi học cấp 3 phổ thông cũng là một vinh dự nho nhỏ bởi nếu không đỗ thì học bổ túc (vừa học vừa làm) hoặc chờ năm sau thi lại.

 

 

     Những năm tháng này thật gian khổ nhưng đầy ắp kỷ niệm và có phần thú vị! Kinh tế xã hội giai đoạn này rất khó khăn, chiến tranh biên giới phía Bắc, Tây Nam, đất nước bị cấm vận kinh tế, bà con trong vùng bị thiên tai lũ lụt tàn phá nghiêm trọng (1983; 1985). Thế nhưng, vượt lên cái đói khát, gian khổ vật chất tưởng như không có gì đói khát, gian khổ hơn là tinh thần học tập, lạc quan yêu đời và ý chí vươn lên để nuôi ước mơ về một tương lai tươi sáng với quyết tâm "dù có đói miếng ăn nhưng quyết không đói con chữ". Đa số học sinh đi học đều xuất thân từ những gia đình khó khăn, cơm chưa đủ ăn, áo không đủ mặc ... Chỉ một số ít như anh Diện, anh Trung, anh Dũng ... gia đình có xe đạp cho con đi học, còn đa số đi bộ đến trường. Những năm trong thập niên 80 của thế kỷ trước trở về trước học trò một số địa phương muốn đi học trung học đều học xa nhà nên phải xin ở trọ nhà dân, nhà người thân quen hoặc làm lán trại xung quanh trường để ở. Với khoảng cách từ nhà đến trường khoảng 12 km, chiều Chủ nhật hoặc sáng sớm thứ Hai bạn bè cùng xóm í ới kêu nhau đi. Lương thực mà cha mẹ chuẩn bị cho 1 tuần được đựng trong xéo ruột tượng phân thành 2 khúc nữa gạo nữa khoai hoặc sắn bằm khô vắt trên vai. Tay xách ống liều nhựa (ống thuốc phóng) thực phẩm loại mắm lộn lạo, gia đình nào khá hơn chút thì được mắm nục mắm trích.

 

    Với tôi cùng một số bạn đồng môn làng Cao Lao cũng vậy, một số đứa xin ở trọ khu Cự Nẫm, Thọ Lộc, Thanh Lộc. Một số anh em tự làm lán trại bằng tranh, tre, mầm - rống (cây gỗ rừng loại nhỏ) khu vực xung quanh trường, bờ hồ bàu Trạng hoặc xa trường hơn chút là khu "đại bản doanh" Sông Đào trọ học. Vài ba đứa bạn chung nhau làm một lán khoảng 10m2 vừa chật hẹp, lại hết sức tuềnh toàng. Đúng như một số người nói không quá: Nhìn xa thì tưởng chuồng bò - Lại gần mới biết học trò ở đây. Lán trại vừa là chỗ ăn, chỗ ngủ, góc học tập. Trong lán chỉ có 01 cái giường, 01 cái bếp làm bằng 3 cục đá. Nói giường cho oai chứ thực ra gọi là chõng hay sạp sàn gì cũng được bởi nó được thiết kế rất dân dã đơn sơ. Bốn chân giường là bốn cột gỗ được đóng xuống đất, vạc giường làm bằng cây mầm loại to như cán liềm buộc lại. Giường cũng là bàn ăn, là bàn học, nơi tụ tập tán gẫu, bàn chuyện tào lao.Tiện nghi, trang thiết bị dùng cho ăn ở, học tập, nghỉ ngơi với 1 - 2 cái nồi, một ít bát đũa, ai may mắn thì có thêm cái rương nhỏ đựng quần áo sách vở ... Công việc nấu nướng, giặt giũ thường được thay nhau, gửi hoặc nhờ nhưng đôi khi cũng được phân công qua một vài ván cờ hay bốc bài ...

 

Hình ảnh minh họa

 

    Có trải qua mới thấy được những khó khăn vất vả của học trò thời ấy. Bữa cơm đạm bạc trong túp lều tạm bợ với nồi cơm nấu vội vì đói chứ không phải không có thời gian. Nồi cơm chia thành 3 tầng: tầng 1 cơm, tầng 2 khoai bằm và tầng 3 là mắm (hấp luôn trên cơm cho tiện và ... ít hao hụt). Những bữa đầu tuần thì may mắn còn có con mắm, con cá khô. Cuối tuần thì cơm với muối trắng, lán nào siêng thì tranh thủ hái thêm rau rừng luộc nhưng vẫn ăn cơm ngon lành và hình như không có khái niệm "ăn no" là gì. Thời đó có người so sánh: Cực nhất bộ đội chiến trường, nhì là học sinh ở trọ. "Con mắt to hơn cái bụng" thường đến với những người thiếu ăn thiếu mặc nên thi thoảng lán trại thách đố nhau cuộc ăn cơm muối. Vậy nhưng cũng có một số thành viên "xơi" hết vài lon gạo. Thắng hay thua gì cũng thế nhưng rất bi hài bởi phần lương thực còn lại không đủ cho các thành viên của lán những ngày cuối tuần nên đành phải rủ nhau về nhà sớm hơn và "Lịch công tác tuần" coi như bị cháy không thực hiện được. Cơn đói chiều hôm khắc khoải xé tim non còn lành nguyên trong ký ức.

 

    Xung quanh khu lán trại còn vô số trò nghịch của nhóm "...thứ 3 học trò" mà anh em trong lán hoặc lán này với lán khác nhưng không thể và cũng không tiện nói lên đây được. Năm 1983, sau đợt nghỉ Tết và trở lại lớp thì lán trại xung quanh trường bị một số đối tượng xấu trong khu vực đốt hết. Khi tìm hiểu mới biết đêm 30 Tết lợi dụng khi đốt pháo các đối tượng này đã đốt luôn trại của học trò. Không nản chí, lều lại được dựng lên để tiếp tục theo học.

 

    Khó khăn về đời sống vật chất, dụng cụ học hành là thế nhưng lại cộng thêm dịch bệnh với không ít chuyện vui buồn hài hước. Năm 1982 - 1983 dịch ghẻ tung hoành tất cả các xã trong khu vực và khổ hơn ai hết lại rơi vào học sinh trọ học. Không thể mô tả hết nỗi khổ này, chỉ có những ai đã từng được một lần ghẻ "lưu trú" mới thấu. Ghẻ đi vào lán trại của học sinh và cũng vào những vần thơ rất bình dân truyền khẩu. "Ghẻ Sông Đào ồn ào khó tả/... Nhưng chính là vì lũ ghẻ lỡ ác ôn/Đêm khuya lòng dạ bồn chồn/Thấy ghẻ đống đồn từ cổ đến chân/Ghẻ tập trận, ghẻ hành quân táo bạo/Ghẻ bới, ghẻ đào, ghẻ xáo lung tung....". Những năm đó trị ghẻ sao quá khó khăn nên tạm thời chấp nhận sống chung với ghẻ rồi sau đó tìm cách tiêu diệt: Ta yêu ghẻ tất nhiên là đúng ...Vũ khí tiêu diệt ghẻ lúc đó cũng không giống ai. Thuốc DEP khi ấy hiếm và ít người có vì thế dựa vào kinh nghiệm dân gian như tắm nước lá sầu đâu (xoan), bạch đàn ... Nguy hiểm hơn nữa có một số bạn còn dùng lưu huỳnh tán thành bột mà trị. Đôi khi còn làm thơ diệt ghẻ, diệt bằng cả phương pháp toán học: Ta diệt ghẻ trên đường tác dụng/Phương pháp này như hệ đồng quy/Phương pháp này cũng lắm lúc nguy/Học không kỷ đôi khi thi không đỗ/Nếu ghẻ nhiều ta quy đồng mẫu số/Vừa ghẻ, vừa hắc lào ta chữa thật khó khăn/Chữa hắc lào bằng phương pháp khai căn/ Học không kỷ có khi thi không đỗ...

 

    Ăn, ở, học là thế, còn đi về thì sao?. "Ngút ngàn thông reo, hương chạc chìu bay theo..." là hương sắc là khúc hòa ca cùng chúng tôi đến lớp, về nhà. Dốc Oằn, Ba Trại, Sông Đào là điểm mốc cần vượt qua khi đôi chân mệt mọi ... và những đồi sim nối tiếp những đồi thông như thể dõi theo những bước chân trần. Sau ngày nghỉ Chủ nhật được gia đình cho ấm "cái bụng" nên đầu tuần đến lớp bước chân nhanh và có phần khoẻ khoắn hơn. Khi hết tuần và hết gạo thì cung đường này như dài thêm.Hoa trái dọc đường ba trại là thực phẩm tiếp sức. Sim chín ngọt, dâu chua thanh, muồng Sông Đào, hồng leo ba trại là những phẩm vật thiên nhiên ban tặng vừa giải tỏa cơn đói và giành một phần làm quà cho ba mẹ cho em nhỏ.

 

 

Đã đi qua nữa đời người.

Bạn tôi còn nhớ một thời khó khăn?

Đầu tuần cuốc bộ dốc Oằn.

Cuối tuần Ba Trại tìm ăn sim , muồng.

Dâu chua thanh ngọt bên đường.

Làm quà cho mẹ, phần nhường cho em.

(Tháng 6/2014 - Nguyễn Xuân Văn)

 

 

    Ngày nay, Trường THPT số 2 Bố trạch khang trang, cơ sở vật chất từng bước hoàn thiện và đạt trường chuẩn quốc gia. Đường lên dốc Oằn, vào Ba trại, Sông Đào đã bê tông nhựa. Thế hệ học sinh trong khu vực Mỹ, Hạ, Liên Trạch đã được ăn cơm nhà mang ba lô đi học điều mà các thế hệ cha anh trước đó từng ước mơ. Lán trại, xe đò, trọ học ... chỉ còn là ký ức của học sinh thế hệ trước.

 

 

    30 năm, quảng thời gian không dài nhưng cũng không hề ngắn so với một đời người. Quảng thời gian ấy cũng đủ xóa đi bao dấu vết hồn nhiên, tươi xinh trên khuôn mặt của thời tuổi trẻ. Dòng đời cứ cuộn trôi, bạn và tôi đã đi hơn nữa cuộc đời. Không phải ai cũng có dịp về thăm trường lớp, thầy bạn cũ. Những mái tóc bắt đầu chuyển màu nhưng nơi đây có một phần đời khó quên. Mỗi khi nhớ đến dù chỉ là thoáng qua cũng gợi lên nỗi nhớ, bao chuyện vui buồn về những ngày khó khăn nhất. Đó cũng là lúc lấy lại ý chí niềm tin và như được hồi thêm sức để vượt qua thử thách phía trước.Vốn sống của thời gian khổ đó vẫn là kho tàng nuôi dưỡng, tích lũy, rút tỉa bao bài học cần thiết đáng trân trọng vô cùng  của một thời trẻ cùng nhau trọ học.Có dịp gặp lại nhau thì những kỷ niệm về thầy bạn thời "đi tìm con chữ" lại tái hiện như những thước phim quay chậm.

 

Gần 30 năm tha hương tìm phương mưu sống.

Giờ về lại đây nơi tôi từng "lều chõng".

Bạn đồng môn có đứa đã lên chức ông bà.

Sao lòng cứ bồi hồi như thủa mới mười ba.

(Như thủa mười ba - Tháng 10/2010 - Nguyễn Xuân Văn)

 

   Bạn học mỗi người mỗi phương mỗi nghiệp, kẻ còn người mất, ao ước có dịp gặp lại nhau đông đủ chắc chắn rất khó, họa chăng chỉ hẹn ước trong giấc mơ. Tuy nhiên, dấu ấn, những kỷ niệm ấy dù đã bàn bạc dần xa chứ không bao giờ mất.

 

 

   Hoa sim - đẹp, đáng yêu và thủy chung sắc son là thế, vị ngọt tím trong từng chùm quả chínmọng mũm mĩm căng trònlà thếnhưng không ai mang về trồng trong vườn nhà mình được, cũng không ai cắt tỉa cắm vào bình trang trọng như hoa hồng hoa cúc .... "Hoa sim giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong ..." mãi yêu và chỉ sống với đồi núi mà thôi. Những cánh hoa tím ngát thủy chung lắng đọng trong ký ức nhuộm tím một góc tâm hồn thời xuân sắc học trò. Sắc màu hoa tím ấy mãi là của núi đồi nguyên sơ như những kỷ niệm, những dấu ấn về một thời theo đuổi con chữ của chúng tôi vậy đó.

Bình Dương, tháng 6 năm 2014

Tác giả : Nguyễn Xuân Văn

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip