Ánh lên niềm chung thủy với bè bạn

07:52 - 24/03/2020

Lời bình của anh Cảnh Giang về Tuyển tập thơ Ngọc Khương do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020.

Ánh lên niềm chung thủy với bè bạn

 

Đọc Tuyển tập thơ Ngọc Khương, (nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2020), chúng ta càng hiểu thêm con người, trí tuệ và tâm hồn của thi nhân- người con của đất lửa Quảng Bình sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh lịch sử đầy thơ mộng.

Đọc lời tựa của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, (ủy viên hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam), chúng ta càng hiểu thêm về cuộc đời của anh mà Lê Thiếu Nhơn cho là số phận trớ trêu khi còn nhỏ, khi lớn lên và cả khi trưởng thành. Anh chia cuộc đời của Ngọc Khương thành hai giai đoạn: “Một giai đoạn âm thầm dạy học ở quê nhà Quảng Bình và một giai đoạn thăng hoa bám trụ ở đất mới Sài Gòn…”

Đặc biệt khi đọc “Đôi lời tâm sự” của tác giả, chúng ta càng cảm thông với Ngọc Khương: “ Trải qua bao thăng trầm của thời thế, bao hạnh phúc đắng cay của hoàn cảnh, bao vất vả lo toan của kiếp nhân sinh… tôi vẫn luôn thủy chung son sắt với nàng thơ, xem thơ là hương hoa cuộc đời, là tiếng vọng tâm hồn, là dư âm của cuộc sống…”

Ngọc Khương sinh ra ở làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn. Do hoàn cảnh ly tán, anh ở lại với bà nội: “ Bao năm nuôi cháu mồ côi/ Lời ru Nội đẫm vành nôi cháu nằm…”(Bà Nội) và cuộc đời anh dằng dặc nỗi buồn: “Khi nửa đời người, xa vòng tay mẹ/ Cầu Hiền Lương oằn bao mong nhớ/ Đôi bờ bến Hải nước mắt tuôn…”(Gặp mẹ). Chính mảnh đất quê nghèo, một nắng hai sương Quảng Bình đã nuôi nấng, cưu mang anh suốt 30 năm và tình làng, nghĩa xóm đã thấm sâu vào máu thịt và tâm hồn anh:“ Một người bệnh, nháo nhác cả thôn…/Một người sinh, chật nhà than lửa…/ Một người mất, trắng đồng khăn rủ…/ Một người đi xa, thương lím đò ngang…” dẫu cuộc đời anh trải qua đói khổ nhọc nhằn: “ Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu/ Tay lấm láp bắt con còng làm bạn/ Chân tứa máu bởi mảnh hàu, mảnh hến/ Da cháy rần trong nắng quái miền trung…”. Nhưng khi đất nước thống nhất, gia đình Ngọc Khương đoàn tụ, gặp lại mẹ, cha, anh em giữa Sài Gòn hoa lệ, anh vẫn lắng sâu tình bạn, tình yêu, tình quê da diết… Bởi vậy trong 50 năm làm thơ với gần 1000 bài, chắt từ gan ruột của cõi lòng mình, giờ đây anh quyết định cho ra mắt “Tuyển tập thơ Ngọc Khương” như một món quà xuân nho nhỏ gửi đến chúng ta với bao nỗi niềm trắc ẩn với quê hương, bạn bè, với đất nước, nhân dân…

Hôm nay tại diễn đàn này, tôi chỉ xin nói đôi điều cảm nhận: “THƠ NGỌC KHƯƠNG LUÔN ÁNH LÊN NIỀM CHUNG THỦY VỚI BẠN BÈ”. Tôi và Ngọc Khương cùng sinh ra và lớn lên bên dòng Gianh huyền thoại: “Dòng sông hai trăm năm khóc/ Quặn mình Trịnh - Nguyễn phân tranh…” Tôi mồ côi cha lúc mới 5 tuổi, Ngọc Khương thì xa cha mẹ phải ở với bà nội, hai đứa cùng tuổi Mậu Tý, học xong cấp 3 không được đi đại học, phải học lớp sư phạm cấp tốc, sau đó cùng về dạy ở trường cấp 2 Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Ra trường mới 19, 20 tuổi. Tôi có vợ và có con trước Ngọc Khương. Còn Ngọc Khương lấy vợ Hạ Trạch cùng đồng hương với vợ tôi. Hai đứa khá tâm đầu ý hợp với nhau vì cùng cảnh ngộ. Tôi là người trang trí đám cưới và làm MC cho Ngọc Khương. Trong lễ cưới tôi đã có bài thơ chúc mừng hạnh phúc hai bạn.

Nhà tôi cách trường 5 cây số, nên rảnh rỗi Ngọc Khương hay về quê tôi chơi. Lấy vợ được vài ba tháng thì đất nước thống nhất, Ngọc Khương xin nghỉ dạy vào Nam tìm gia đình. Năm năm sau, khi tìm được cha mẹ, anh em tại Sài Gòn, Ngọc Khương đưa vợ con vào Sài Gòn sinh sống. Và từ đó Ngọc Khương chuyển qua giai đọan 2 như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói: “là giai đoạn thăng hoa bám trụ nơi đất mới Phương Nam”.

Mặc dù tôi và Ngọc Khương kẻ Nam người Bắc, nhưng vẫn thường liên lạc với nhau qua điện thoại, thỉnh thoảng tôi vào Sài Gòn thăm gia đình bạn, và thăm con gái tôi. Hàng năm, Ngọc Khương về quê thăm bà con, giỗ chạp ông bà tổ tiên, hai bên nội ngoại. Mỗi lần Ngọc Khương về quê, tôi tháp tùng Ngọc Khương bằng xe máy, thăm bạn bè, học trò cũ, thăm những nơi một thời lưu dấu bao kỷ niệm của 30 năm tuổi thơ và tuổi thanh xuân.

Ngọc Khương cho ra mắt tập thơ đầu tay: Trăng nghiêng NXB Hội nhà văn 1994; Tôi ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay: Thời gian chưa xa, NXB Thuận Hóa 1997. Khi nhận tập thơ đầu của tôi tặng, Ngọc Khương đã viết và bây giờ vẫn in trong tuyển tập bài: LÒNG BẠN: trang 198: “Đọc thơ bạn, ấm hồn quê/ Nôn nao duyên phận, bộn bề riêng chung…/ Nỗi niềm trong tiếng tơ rung/ Buồn thương chưa lắng, bão bùng chưa vơi…”

 

Nhận được lời chia sẻ động viên của Ngọc Khương, lòng tôi ấm hẳn lên, bởi tình yêu tình bạn. Trong xa cách Ngọc Khương thương tôi ở tuổi 37 đã mất vợ, gà trống nuôi 3 đứa con bé bỏng thơ dại. Đứa gái út mới hai tuổi đã bơ vơ mất mẹ… “Thương người bạc mệnh người ơi / Thương con đứt ruột, thương đời lao luân…”

Đọc những lời tâm sự trong tập thơ Thời gian chưa xa của Cảnh Giang, chỉ 10 câu thơ ngắn ngủi, mà như cả một lời bình tập thơ, 4 câu thơ kết của bài thơ Lòng bạn, Ngọc Khương gửi gắm chia sẻ cả nỗi niềm cảm thông sâu sắc: “ Thu vàng hồn vẫn tươi xuân/ “Thời gian” kỷ niệm, mãi gần “chưa xa”/ Cũng là một kiếp tài hoa/ Câu thơ lòng bạn, ngân nga lòng mình…”

Ngọc Khương thương người bạn gái cùng quê đã sớm qua đời. Anh đau đớn viết: “… Nay Mai về với đất/ Vắng bóng nụ tơ vàng/ Để lòng ai ngơ ngất / Tím bầm chiều phương Nam.”(Mai vàng đã rụng). Ở Sài Gòn xa cách, không về quê tiễn bạn, lòng anh ngơ ngất, tím bầm cả trời chiều phương Nam, những câu thơ dung dị mà đậm đà chung thủy. Khi tôi cùng anh về thăm Quảng Trị mùa hè 2014, đi qua sông Thạch Hãn, anh thương nhớ Thanh, người bạn học đã hy sinh trong chiến dịch xuân hè 1972, tám mươi mốt ngày đêm đổ lửa ở thành cổ Quảng Trị, anh rung mình xúc động : “ Qua dòng Thạch Hãn / Mà đau/ Sông còn rớm máu/ Sẹo chau/ Đôi bờ…/ Rưng rưng/ Khi tỏ/ khi mờ/ Trăng hay bóng bạn lượn lờ đáy sông…”(Bóng bạn).

Tháng 8 năm 1999, anh về thăm quê, đêm trăng trên bến Ba Đồn, tôi cùng Ngọc Khương và nhà nghiên cứu văn hóa: Tiến Vinh, ba đứa cùng thuê một chiếc thuyền, bập bềnh ngủ trên mặt nước, và ra đề bài: Mỗi người làm một bài thơ. Sau đó cả ba đứa có 3 bài thơ, Cảnh Giang với bài: “ Tình bến cũ”; Tiến Vinh với bài: “ Tình bạn”; Ngọc Khương với bài: “ Đêm trăng cùng bạn ngủ thuyền”, bài này cũng được đăng trong tuyển tập, trang 197: “ Ôm nhau giọt vắn, giọt dài/ Giọt thương cho bạn, giọt cay cho đời/ Trăng khuya trải chiếu mời ngồi/ Lâng lâng giấc ngủ trong lời sóng ru…”

 

Năm 2018, khi chia tay Ngọc Khương sau những ngày thăm quê bịn rịn, Cảnh Giang đã đánh giá tình bạn của mình và Ngọc Khương, cũng như lòng Thủy chung tình bạn trong thơ Ngọc Khương, qua bài thơ Son net 404 của Cảnh Giang tặng Ngọc Khương mà sau này nhà báo Lê Quang Vinh đã viết lời bình , MỘT BÀI THƠ HAY VỀ BẠN CỐ TRI:

 

“ Tuổi xế chiều thuỷ chung tình bạn

Đêm Ca trù ta hẹn gặp nhau

Sông Sài Gòn ôn lại niềm đau

Đau đáu “Tình quê”, xốn xang “Hồn nước”.

 

Để “Trăng nghiêng” hai mươi năm trước

Đêm sông quê ba đứa ngủ thuyền

Tuổi Bảy mươi mỗi đứa một miền

Tím ngắt màu hoa, dòng Hoà Giang hội ngộ.

 

Linh Giang ơi! Như là duyên nợ

Thương sông quê cay đắng một thời

Đôi chân dầm mưa nắng đầy vơi

Hằn lên vầng trăng tình đời man mác.

 

Đêm Vĩnh Phước nghe dòng sông hát

Mai bạn về vang vọng mãi hồn quê…”

Tác giả : Cảnh Giang

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip