Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ

Ghi chép của thầy Lê Văn Viên về hệ thống Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ.

Phôốc Mụ Giạ, thôn 7 hiện nay (Ảnh Nguyễn Chung Quý)

Lời Ban biên tập: Nhân xem các hình ảnh Phôốc Mụ Giạ trước và sau khi cải tạo của anh Nguyễn Chung Quý đăng trên facebook cá nhân (https://www.facebook.com/chungquy.nguyen.79, xin đăng lại bài viết của thầy Lê Văn Viên về hệ thống Phôốc làng Cao Lao Hạ và quyết tâm khôi phục lại Phôốc thôn 7 thời đó

Làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình) có nhiều công trình nhiều di tích lịch sử; văn hóa, tâm linh: Đình, chùa, nghè, miếu, Thành lồi, nhà thờ họ, Cựu Khúc Long khê, Hói Hạ, Ba Trại, Chóp cờ, Ao - Phôốc, Vực Sanh, Đá Bạc, Lòi Tuần, Lòi Sim, Cồn Cui, Cồn Truôồng….

Vì vậy, năm 2010, anh Thế Tường (đài phát thanh truyền hình Quảng Bình) về làm phóng sự “Đình Làng Cao Lao Hạ” có nói: “Tôi đã đi từ Bắc vào Nam, làm nhiều phóng sự về làng quê, nhưng khi về với quê hương Hạ Trạch có thể kết luận được rằng: Muốn nói về làng quê Việt Nam thì phải bắt đầu từ làng Cao Lao Hạ, bởi nơi đây hội tụ tất cả những nét tiêu biểu của một làng quê Việt Nam”. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giới thiệu tổng quát hệ thống ao Phôốc di tích văn hóa tâm linh của làng Cao Lao Hạ.

Theo truyền miệng của nhiều thế hệ:

Từ ngày “Khai làng, lập ấp”, các bậc tiền nhân giỏi thiên văn địa lý, tinh thông phong thủy đã tổ chức dân làng đào ao phôốc nhằm khơi thông long mạch, sử dụng nguồn nước quý, tạo thế làng Cao Lao Hạ “địa linh nhân kiệt”. Hệ thống ao phôốc được hình thành theo long mạch của Vực Sanh, Hói Hạ, Cửu khúc long khê và hình thể đất Rồng của khu dân cư.

- Ở vực sanh có Phôốc Huyệt (thiên tạo, còn tất cả các phôốc khác do nhân tạo) và Phôốc Hàu (điểm cuối của làng Cao Lao Hạ trên dòng chảy của Vực Sanh đổ ra Sông Gianh qua làng Đặng Đề, Bắc Trạch).

- Ở Cựu Khúc Long Khê có: Phôốc Eo (cạnh đường eo đường xóm 9 vào Núi), Phôốc Cầu (còn gọi là Phôốc Kừu phía Bắc giếng Kiệt) và Phôốc Hóe (có Cồn Rång hay còn gọi là Lưỡi Rồng ở giữa Phôốc Hóe còn gọi là Phôốc đầu Rồng).

- Trên dòng Hói hạ có: hai cái Phôốc Cầu (một cái ở phía bắc Thành Lồi ra miếu Nẩy, một cái từ xóm 14 ra bến đò sông Gianh), Phôốc Hàu (cuối dòng Hói Hạ giáp làng Đặng Đề) và ở nhiều Phôốc khác ở các xóm (từ đường quan ra Hói Hạ có đường và bến mòn ở Hói Hạ gọi là Phôốc Mòn: như: Phôốc Mòn xóm 14, 16 ….)

- Trên hình thể đất Rồng của khu dân cư có: Phôốc Mụ gia (xóm 18; 19) và Phôốc (xóm 2.).

Hệ thống Ao Phôốc làng Cao Lao có hình vuông hặc chữ nhật. Diện tích lớn bé khác nhau, khoảng 1.500m2 đến 10.000m2/cái. (lớn nhất là Phôốc Eo). Theo lời kể của các bác cao niên tên Phôốc từ xưa gọi sao nay gọi vậy, có nhiều cụ già phán đoán: Có lẽ những đặc điểm gắn liền với Phôốc nên đặt tên ấy cho Phôốc: Phôốc Huyệt (chỗ sâu nhất của Vực Sanh). Phôốc Eo ( Đuôi của con Rồng Cửu Khúc Long Khê) Phôốc Kừa có lòi Kừa ở giữa, Phôốc Cầu có cầu bắc ngang). Riêng Phôốc Cầu phía bắc Thành Lồi, lúc các cụ lớn lên không có cầu. Các cụ lại đặt ra giả thiết: Phải chăng thời binh lính ở Thành lồi đào Phôốc, bắc cầu ra giữa Phôốc để lấy nước chăng? Riêng Phôốc Hàu và Phôốc Mô Gia không rõ tông tích tên.

Hệ thống Ao Phôốc của làng Cao Lao gắn liền với cuộc sống của dân làng, nguồn nước ngọt giữ trữ lớn cung cấp cho lúa và hoa màu, nhất là vụ 8. Nguồn nước uống cho trâu, bò, lợn, gà… Vì vậy hàng năm, đầu mùa hạ dân làng tổ chức nạo vét ao Phôốc Cửu Khúc Long Khê cho nước về đầy ắp Phôốc và bến mòn dọc Hói Hạ là nơi tắm giặt của bà con. Giữa trưa hè, khi con nước lên trẻ con dắt trâu bò ra tắm, tha hồ bơi lội, đùa nghịch thỏa thích.

Hầu hết Ao Phôốc làng Cao Lao Hạ gắn liền với Vực Sanh, Hói Hạ, Cửu Khúc Long Khê, là nơi ly tưởng cho tôm, cua, cá các loại sinh sôi, phát triển, cung cấp nguồn thực phẩm chính cho dân làng. Sau những ngày gặt lúa chiêm, hàng trăm trai tráng dàn hàng ngang xuống bàu Mật, Hói Đun, Cồn Vườn, Cồn Cui, Bàu Sác, Bàu Kừa, Ngã ba … nơm cá. Tiếng nơm rào rào như sấm rền vọng lại. Nắng khô hạn thì tát Ao, Tát đìa hoặc cá tràu, cá rô nhảy bộông (hầm cá nhảy tháng ba thì lấy trai, bắt ôốc, móc đam, tháng tám nước lũ ngập tràn cha con cất rớ, thả lưới bắt cá thỏa thích.

Ao Phôốc trên dòng Hói Hạ tùy con nước thủy triều. Nước cạn thì bắt, tát, mò coòng cua, tôm, cá… Nước lên đơm nò, câu cu, nha...

Ôi! Sao mà nhớ mong, thèm khát cuộc sống dân dã xưa kia của quê tôi đến thế?

Các cụ còn phán đoán: Phôốc còn là chứng tích lịch sử, là cái mốc địa giới hành chính của làng Cao Lao Hạ và Đặng Đề. Đó là hai Phôốc Hàu. Nếu đứng trên đỉnh Cô Sơn (Đôộng Mồ Côi) mà nhìn: Hai cái Phôốc Hàu nằm trên một đường thẳng từ núi ra sông.

Hệ thống Ao Phôốc chủ yếu trên dòng Hói Hạ, Cửu Khúc Long Khê và khu dân cư nhằm khơi thông long mạch của một làng quê có hình thế đất Rồng cho đất thêm vượng, thêm linh cho dân thêm kiệt, thêm lành cho cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc.

Tâm niệm ấy chảy dọc theo thời gian và sâu thẳm trong lòng dân làng Cao Lao Hạ.

Do thời gian bào mòn cuộc sống thay đổi; hiện nay hầu hết Ao Phôốc chỉ còn là dấu tích. Hiện còn 3 cái, nhưng không còn nguyên vẹn nữa. Đó là Phôốc Eo, Phôốc xóm 2 - Phôốc Mụ Gia (xóm 18-19- thôn 7).

Sau Đình Làng được khôi phục, tâm niệm về nguồn cuội được khơi dậy. Được sự nhất trí của lãnh đạo xã và cấp trên; Được sự đồng tình và giúp đỡ của bà con đồng hương, của trang tin caolaoha.com, nhân dân thôn 7 đã quyết tâm tôn tạo lại Phôốc. Sau nhiều cuộc họp của chi bộ, Mặt trận và nhân dân thôn 7 và đến ngày 7/7/2013 đã có cuộc họp mở rộng - chúng tôi đánh giá như là "Hội nghị Diên Hồng" - tại nhà văn hóa thôn 7 với thành phầm gồm lãnh đạo xã Hạ Trạch, Ban liên lạc đồng hương Đồng Hới, các cụ cao niên của thôn 7 (gồm cả các cụ trước đây ở thôn 7), đảng viên nơi cư trú, cán bộ trong thôn để thống nhất về kê hoạch tôn tạo lại Phôốc. Hội nghị nghe báo cáo, thảo luận và có nhiều kết luận giá trị lớn như sau:.

- Phụốc Mụ Gia là giá trị di sản văn háo tâm linh của làng nằm trên địa bàn thôn 7 vì vậy xã và thôn có trách nhiệm tôn tạo.

- Tôn tạo phải có thiết kế, khoa học, đẹp theo quy hoạch tổng thể của quần thể di tích văn hóa tâm linh của làng, mang tính giáo dục cao.

- Tinh thần là “ thần tốc” cuốn chiếu từng khâu.

- Đầy đủ các ban quản lý, vận động được dân đồng tình.

- Tài chính minh bạch, công khai, đưa lên mạng.

- Lập sổ ghi công...v.v

Trên đây là những nét khái quát về hệ thống Ao - Phụốc – Di sản văn hóa tâm linh của Làng Cao Lao Hạ và kế hoạch tôn tạo lại Phụốc Mụ Gia ở thôn 7 xã Hạ Trạch.

Tôi tin là Phụốc Mụ Gia sẽ được hồi sinh với tình cảm:


“Phụốc ơi!

Hãy khơi thông long mạch nguồn cội

Đón niềm tin thế hệ cháu con

Hiến công, hiến của

và cả tấm lòng son

Cho quê hương bừng lên sức sống mới”

Phôốc Mụ Giạ 10 năm trước (Ảnh Nguyễn Chung Quý)

Tác giả: Lê Văn Viên

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2714

    Trong tuần: 17941

    Trong tháng: 68943

    Tổng số: 11709320

    Đang online: 82