Bà con Việt Kiều tại Lào đón mùa xuân mới

11:16 - 11/01/2014

Bút ký của tác giả Lê Chiêu Phùng

Quốc lộ 12 qua Lào như một con rắn khổng lồ uốn lượn qua những dãy núi cao xanh biếc. Chưa đến tết mà hai bên đường, rất nhiều cờ, hoa và khẩu hiệu: “Mừng Đảng Quang Vinh, Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014” được bà con các dân tộc dựng nên khắp các đường làng ngỏ xóm. Không chỉ ở Miền tây Quảng Bình mà qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, đến ngã ba Lằng Khằng, Thakhet, Borikhamxay đến Viên Chăn…cờ hai nước Việt- Lào, cổng chào, cờ vui, hoa, băng rôn truyền thống đã được bà con Việt kiều dựng lên khắp nơi. Không khí đón tết, mừng xuân đã thực sự vào tận các gia đình, thôn bản những nơi có bà con Việt kiều sinh sống.

 

Trời đã về trưa, dưới cái nắng ngột ngạt, chói chang chúng tôi dừng nghỉ tại Pakxane một thị xã khá đẹp thuộc tỉnh Borikhamxay cách thủ đô Viên Chăn về phía nam hơn 350km. Tỉnh Borikhamxay có chung biên giới tỉnh Hà Tỉnh và Nghệ An với diện tích gần 16.000 km2, trên 400.000 người. Không chỉ thuận lợi về phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, cây công nghiệp, Pakxane là trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa với Việt Nam thông qua cửa khẩu Namphao- Cầu Treo Hà Tĩnh. Thị xã Pakxane nói riêng, tỉnh Borikhamxay nói chung không chỉ phát triển kinh tế mạnh của khu vực trung Lào mà người dân Borikhamxay còn hiểu biết khá sâu phong tục, tập quán nhất là tết cổ truyền của Việt Nam.

 

Dưới bóng cây rộng lớn, quán hàng của bà Keo Xan lúc nào cũng đông khách. Thấy xe Việt ghé quán, bà Xan đon đã chào mời. Gặp được người nói tiếng Việt, mọi người trong đoàn tranh nhau trò chuyện. Bà Keo Xan người Lào gốc Việt có tên Nguyễn Thị Lan quê ở Nghệ An, theo bố mẹ sang Lào từ trước năm 1965. Mặc dù sống ở Lào nhưng thường xuyên về quê ăn tết bởi bà luôn trân trọng, giữ gìn phong tục, tập quán nhất là tết cổ truyền Việt Nam. Bà Lan cho biết: “Ở đây, bà con Việt mình đông lắm, riêng tại thị xã Pakxane đã có tới hàng chục gia đình rồi. Hàng năm, ngoài các ngày lễ tết của Lào, bà con tổ chức đón tết dương lịch, tết nguyên đán và một số ngày rằm quan trọng. Mặc dù chưa đến tết Giáp Ngọ nhưng nhiều gia đình đã chuẩn bị cờ, hoa, lá đùm bánh, mứt, câu đối…Năm nào cũng vậy, cứ sáng mồng 1 tết,  bà con và nhiều người Lào cũng tham gia đoàn đến từng gia đình Việt chúc mừng năm mới”. Bà Lan cho biết thêm, không riêng gì ngày tết mà mỗi khi rảnh rỗi bà con tụ tập, gặp mặt, động viên, thăm hỏi lẫn nhau. Trong căn nhà khá đẹp, cạnh phòng khách là bàn thờ tổ tiên đã được lau chùi và sắp đặt với dĩa ngũ quả, hương đèn và những lọ hoa đủ màu sắc. Giữa phòng khách, lá cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo ở vị trí trang trọng. Vừa rót nước mời khách, bà Lan tâm sự: “Các chú thấy đó, chưa đến tết không chỉ bà con Việt kiều mình mà rất nhiều gia đình người Lào họ cũng theo mình treo cờ, khẩu hiệu mừng xuân cả rồi”. Bà Lan bùi ngùi: “Mặc dù sống lâu ở Lào nhưng tâm trí khi mô cũng hướng về quê cha đất tổ, nhớ quê hương nhiều lắm, nhất là vào dịp tết đến xuân về”. Vừa nói, bà đưa cho chúng tôi xem tập ảnh bà con Việt kiều vui tết đón xuân tại thị xã Pakxane và những tấm ảnh bà cùng gia đình về Nghệ An ăn tết. Nếu không được giới thiệu trước chắc khó nhận ra đâu là tết ở Việt hay tết ở Lào bởi ở đâu cũng cờ hoa, ở đâu cũng bánh chưng, dưa hành, câu đối…Bà Khăm Lot, người láng giềng của bà Xan với giọng lơ lớ nữa Lào nữa Việt cho biết: “Bà con Lào- Việt ở Pakxane đoàn kết, sống vui vẻ lắm, không phân biệt gì cả, chưa được về Việt Nam lần nào nhưng nhờ bà Xan mà miềng biết làm mứt gừng, gói bánh chưng rồi, bánh chưng Việt ngon lắm, học bà Xan nên không chỉ nhà miềng mà nhiều người Lào cũng tổ chức ăn tết như Việt Nam đó”.

 

Nhớ lại những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, đến được Savanakhet, Khăm Muộn hay thủ đô Viên Chăn phải đi mất nhiều ngày. Những năm đó, Quốc lộ 12 chưa được khơi thông nên sang Lào phải qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) hay Cầu Treo (Hà Tỉnh). Đường 8 và đường 9 lúc bấy giờ không chỉ xấu mà việc đi lại trên đất bạn an ninh không được tốt nên các đoàn sang Lào đều được trang bị vũ khí phòng thân. Vì thế, những năm đó, bà con Việt kiều đón tết mừng xuân chỉ tổ chức gọn nhẹ trong nhà không công khai tụ tập, chúc tụng, cờ hoa như bây giờ.

 

Suốt chẳng đường từ Khăm Muộn, qua Pakxane, Borikhamxay, lên Viên Chăn…ở đâu có bà con Việt kiều sinh sống là ở đó có cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu mừng xuân, đón tết thậm chí không ít gia đình vẫn giữ được truyền thống cây “nêu” treo cờ Tổ quốc. Nhưng có lẽ không khí chuẩn bị đón xuân của bà con Việt kiều ở Viên Chăn nhộn nhịp hơn cả.

Vĩnh Xuân hotel tại ngõ 5 đường Sailom-Chanthabouli- thủ đô Viên Chăn, chủ nhân khách sạn là cô gái gốc Hà Nội. Theo chị Vĩnh Xuân thì ở Viên Chăn đầu tư kinh doanh nhà hàng khách sạn là được, khách sạn em chủ yếu phục vụ cho người Việt nên lúc nào cũng kín phòng. Nhìn vào bảng giá treo tường, 100 ngàn Kíp Lào phòng ngủ 2 giường đủ các tiện nghi tương đương 280-300 ngàn đồng, so với các khách sạn khác trong thành phố là khá dễ chịu. Điều đáng nói là khách sạn Vĩnh Xuân nằm ở trung tâm thủ đô Viên Chăn, không chỉ thuận tiện trong việc đi lại mà còn có đủ các món ăn Việt, Lào, Á, Âu phục vụ theo nhu cầu... Mãi say sưa giới thiệu về khách sạn, chị Vĩnh Xuân tươi cười hỏi: “Các anh sang Viên Chăn ăn tết à? Thế thì vui quá, tết nào bọn em cũng được đón khách Việt mình, những ngày tết cổ truyền Việt Nam ở Lào vui lắm. Các anh thấy đó, bọn em đã chuận bị cả rồi”. Liếc nhìn cách bố trí, trang hoàng chuẩn bị đón tết, cùng với lá cờ Tổ quốc, chân dung Bác Hồ kính yêu và câu “Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014” được treo trang trọng trong phòng khách, lọ hoa tươi trên bàn, nhiều bó lá dong được rữa sạch phơi khô…Đoán được ý tôi, chị Vĩnh Nguyên giải thích: “Ở Viên Chăn, ngày tết ai cũng đùm nhiều bánh chưng, bánh tét nên phải chuẩn bị thật nhiều lá dong, phần thì để đùm bánh thờ cúng, phần thì làm quà cho bạn bè người Lào và anh em Việt quen biết sang Lào làm ăn không về quê được. Tết mô cũng vậy, anh em ở các tỉnh lên Viên Chăn là ghé bọn em ăn tết nên bao nhiêu bánh chưng, bánh tét cũng hết”.

 

Cách khách sạn Vĩnh Xuân không xa là quán Phở Záp. Mặc dù chưa hỏi nhưng chắc chắn chủ quán là người Việt bởi trước cửa không chỉ treo cờ đỏ sao vàng còn có câu “Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014” bằng tiếng Việt mà từ xa đã nhìn thấy. Chủ quán Phở Záp là ông Nguyễn Khôi người Việt gốc huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Ông Khôi tâm sự: “Sang Lào sinh sống đã hơn 50 năm rồi, cái gì có thể quên, chứ tết cổ truyền thì làm sao quên được. Lâu lâu, tui cho cả nhà về quê ăn tết, tết nào không về quê gia đình vẫn chuẩn bị đủ các thứ như bên mình, không thiếu chi mô. Năm nay tui già rồi nhưng con cháu chuẩn bị tết cổ truyền chu đáo lắm”. Ông Khôi cho biết thêm: “Tết Giáp Ngọ 2014 năm nay, bà con Việt kiều ở Viên Chăn tổ chức chắc to hơn mọi năm. Tết không chỉ phục vụ cho người lớn mà còn giúp con cháu mình nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương nên ngoài những thứ phục vụ tết được gửi từ Việt qua, bà con chuẩn bị thêm nhiều thứ nhất là bánh chưng, mứt gừng, bánh in, bánh khảo, bánh xoài…ở bên mình có thì ở đây cũng có. Nghe nói, tết Giáp Ngọ 2014 không chỉ Đại Sứ quán mà Hội Việt kiều tại Lào dự kiến gặp mặt chúc tết bà con sớm hơn mọi năm.”. Với vị trí thuận lợi, quán Phở Záp của ông Khôi lúc nào cũng đông khách. Bước vào quán, bên tường có bảng giá tiếng Lào và tiếng Việt: Tô nhỏ: 17 ngàn Kíp (tương đương 50 ngàn đồng Việt), tô to 20 ngàn, tô đại 25 ngàn Kíp. Trên bàn ăn bày la liệt các loại gia vị thơm phức, đã không vào quán thì thôi vào rồi khó lòng…từ chối. “Đi lại ở Viên Chăn chủ yếu bằng xe Tuk Tuk nên đắt lắm đó, chỉ cần 2-3 km phải trả tới 30- 40 ngàn Kíp, họ tính tiền từng người chứ không tính chuyến mô, một người 30 ngàn, 2 người 60 ngàn cứ thế mà nhân lên, tốt nhất nên mặc cả trước khi đi”, lời nhắc khéo của ông Khôi trước khi chúng tôi chia tay chủ quán.

 

Tận mắt chứng kiến không khí đón tết, vui xuân của bà con; rồi được ngắm nhìn những tuyến đường thẳng tắp xuyên qua các thành phố, thị xã, bản làng, vượt qua giữa rừng cây bạt ngàn gỗ quý và hàng ngàn ha cao su xanh biếc của đất nước Chăm Pa tươi đẹp; những lá cờ đỏ sao vàng và những khẩu hiệu mừng xuân của bà con Việt kiều tại Lào khuất dần, khuất dần để lại trong tôi bao điều tiếc nuối. Và câu chào mời của bà Keo Xan một Việt kiều mến khách tại thị xã Pakxane: “Các chú nhớ ghé nhà bà ăn tết nghe?” cứ văng vẵng bên tai…Thế mới biết, những người con sống xa Tổ quốc luôn đau đáu hướng về quê cha đất mẹ và họ luôn trân trọng, giữ gìn những nét đẹp văn hóa cổ truyền của quê hương mà không phải nước nào, ở đâu cũng có được.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip