Ba Đồn có thầy Thông Dư

07:50 - 04/10/2021

Bài viết về ông Lưu Trọng Dư, người làng Cao Lao Hạ đăng trên báo Người Lao động ngày 26 tháng 9 năm 2021

Ba Đồn có thầy Thông Dư

Nền nhà ông Lưu Trọng Dư hiện nay (ảnh Lưu Đức Hải)

Xem bài viết trên báo Người Lao Động tại đây:

https://nld.com.vn/suc-khoe/ba-don-co-thay-thong-du-20210925194406296.htm

 

Rất nhiều người dân thị xã Ba Đồn vẫn nhớ đến ông Thông Dư là một thầy thuốc tài ba và đặc biệt đức độ. Với gia đình tôi, ông là cảm hứng cho các con của tôi trở thành bác sĩ

Những năm 1972, máy bay Mỹ bắn phá ở quê tôi rất ác liệt. Bấy giờ, còn nhỏ nhưng tôi nhớ rất rõ là bị một cái nhọt bọc to tướng sau gáy. Cái nhọt khiến tôi đau đớn và chỉ có thể nằm sấp, ai nhìn cũng ái ngại.

Đông Tây y kết hợp để chữa bệnh

Mặc dù trên bom dưới đạn nhưng ba tôi vẫn quyết tâm phải cõng tôi đi trạm xá. Ông y sĩ trưởng trạm xá nhìn cái nhọt, lắc đầu: "Nó nằm chỗ này thì trình độ tôi không dám đụng dao vào đâu".

Rồi ông ghé tai nói nhỏ với ba tôi: "Nói thiệt nha, đưa cháu đến ông Thông Dư đi? Cụ giỏi và mát tay lắm!". Trưởng trạm xá nói thế, dĩ nhiên ba tôi phải tất tả băng đồng, mặc máy bay Mỹ rượt trên đầu, để cõng tôi đến nhà ông Thông Dư. Nhà ông ở hạ nguồn ven một nhánh sông Gianh. Ngôi nhà lợp ngói xưa nhưng có tô trát, xung quanh là vườn đầy cây trái. Ông sống với người vợ quê Bình Định, trẻ hơn ông nhiều tuổi và nổi tiếng xinh đẹp.

Ông Thông Dư mặc bộ đồ bà ba trắng, khuôn mặt hiền hậu bước ra đón tôi ngay trên lưng ba. Tôi dù trước đó rất lo sợ, bỗng cảm giác nhẹ nhõm cả người. Nhìn, nắn cái nhọt xong, ông nói: "Nguy hiểm đấy, nhưng ông Dư làm được. Cha con ông yên tâm nhé". Ông vuốt má tôi động viên "thằng cu ni thông minh quá, cháu có thuộc bài thơ nào không?". Tôi bỗng dưng quên hết nỗi đau đớn, thỏ thẻ: "Cháu thuộc thơ Trần Đăng Khoa ạ!". "Ồ. Tốt! Thế ông vừa làm vừa nghe cháu đọc thơ nhé!".

Tôi nghe nói đến thơ là say sưa đọc, kể cả lúc ông kề cái dao mổ sáng bóng vào gáy. Ông vừa làm, vừa nhắc những đoạn thơ tôi quên, vừa khen "cháu đọc hay quá, hay quá". Tôi chỉ còn nhớ khi đọc xong bài thơ thì thấy ông với tay lấy miếng bông băng rất to, úp vào vết mổ.

Sau lần đó, ba tôi may tặng ông tiền công bộ áo quần bà ba để cảm ơn. Cũng từ đó, hai người thân nhau lắm. Khi rỗi, ba lại ghé nhà ông Thông Dư chơi để nghe chuyện Đông Tây, kim cổ. Thấy ông có vẻ thích tôi nên ba hay cho đi theo. Qua những câu chuyện của ông và ba, tôi ngày càng biết rõ hơn về ông.

Phường Quảng Thuận của thị xã Ba Đồn, nơi vợ chồng ông Thông Dư từng ở đến tận cuối đời để chữa bệnh cho dân nghèo .Ảnh: TRẦN AN

Trước Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông ở tận trong tỉnh Quảng Nam. Ông theo học trường y của Pháp. Dân cả thị trấn Ba Đồn (nay là thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nơi nhà tôi và nhà ông Thông Dư ở, không ai biết bằng cấp ông đến đâu, cũng không ai gọi ông là bác sĩ hay y sĩ, chỉ biết ông là một thầy thuốc nhân từ và quá giỏi.

Từ Quảng Nam ông đưa vợ về Quảng Bình, sống ở Ba Đồn. Thoạt đầu, ông làm kinh tế và ủng hộ tích cực cho chính quyền cách mạng. Tết Bính Tuất 1946, Ủy ban Hành chính Ba Đồn tổ chức một hội chợ quy mô để lấy tiền xây dựng "Quỹ Độc lập", ông là thành viên ban tổ chức. Ông bỏ tiền túi tài trợ nguyên một triển lãm sách tại hội chợ này với đủ thể loại, từ sách cách mạng cho đến văn hóa, y học…

Rồi kháng chiến nổ ra, chiến tranh loạn lạc, nhân dân nhiều vùng lâm đói rách, bệnh tật. Ông lập hiệu thuốc, chữa bệnh. Thuốc men lúc đó chỗ nào ở Quảng Bình cũng khan hiếm. Ông lao vào nghiên cứu, vận dụng kiến thức Đông Tây y kết hợp để chữa bệnh cho dân và nhiều cán bộ Việt Minh. Dân quê tôi nhiều người nói lẽ ra thì ông rất giàu nhưng do chữa bệnh miễn phí quá nhiều nên tài sản rốt cuộc chẳng có gì.

Trở lại với thời điểm tôi biết ông. Lúc này, máy bay Mỹ tập trung đánh bom ráo riết. Sông Gianh, nơi có phà nối Quốc lộ 1A, bị dội bom khốc liệt. Con số thương vong của dân rất cao. Bệnh viện cũng bị dội bom, phải phong tỏa và di dời đến nơi trú ẩn khá xa.

Lúc này, nhà ông Thông Dư trở thành điểm sơ cấp cứu. Bấy giờ, ông đã gần 70 tuổi, không thể mang hộp cứu thương đi được xa như trước nhưng hễ có ca bị thương nào cáng đến là ông vui vẻ tiếp đón, băng bó, cầm máu, mổ gắp mảnh bom. Có những ca cứu xong, bộ bà ba của ông nhuốm đỏ máu, phải vứt đi. Nhìn những người tắt thở trên tay, ông không cầm được nước mắt. Người ta cứ cáng người bị thương đến, rồi lại cáng đi. Tất tả. Vội vã. Chả ai kịp nói đến chuyện trả công hay một lời cảm ơn.

Thêm chút niềm tin

Khi Hiệp định Paris được ký kết, không còn cảnh bom rơi đạn lạc. Lúc này, gia đình tôi gặp hoạn nạn.

Số là sau khi sinh đứa em tôi, mẹ bị một vết sưng lúc đầu nằm ở vú, sau lan ra cả vùng nách trái rồi đóng lại một cục ở đó. Mẹ tôi vốn giỏi chịu đựng nên dù đau đớn nhưng bà vẫn không nói với ai, sợ cả nhà buồn. Đến lúc không thể chịu được, mẹ mới nói.

Xóm làng khuyên mẹ loại bệnh này phải đến một ông thầy lang, vì ông Thông Dư xưa nay không nghe nói chữa loại này. Nhưng ông thầy lang càng chữa thì bệnh càng nặng. Ba năn nỉ mẹ đến cầu ông Thông Dư xem sao nhưng mẹ không chịu. Ba chở mẹ lên bệnh viện huyện, được chẩn đoán khả năng ung thư ngoài da, cần chuyển lên tuyến trên. Chuyển viện ư? Bấy giờ, chỗ vùng tôi mà đi bệnh viện tuyến trên là rất khó khăn. Mẹ thì cứ mặc định mình bị ung thư nên tinh thần xuống một cách ghê gớm. Rồi mẹ giấu cả nhà để nhờ một ông thầy lang nữa chữa bệnh bằng cách đốt nhang thổi, kiểu chữa mẹo. Thổi đến cháy cả da thịt mà không giải quyết được việc gì.

Chuyện đến tai ông Thông Dư. Ông gọi ba tôi đến quở trách việc không quan tâm vợ. Rồi ông yêu cầu ba đưa bằng được mẹ đến nhà ông. Sau khi khám vết thương, ông nhìn mẹ tôi, âu yếm hỏi: "Bây thương con lắm phải không?". Mẹ nhăn nhó: "Dạ. Con mà chết thì tội năm đứa con lắm ạ!". Ông nói: "Vậy thì làm mẹ là không có quyền chết nghe chưa! Mà muốn không chết thì tin tôi đi. Đây không phải là ung thư, chỉ áp xe vú, vết thương lan rộng và hoại tử nhưng bệnh này xoàng thôi".

Rồi ông hỏi mẹ tôi: "Con năm nay mấy tuổi?". "Dạ con 32". Ông Thông Dư bỗng rùng mình một cái, ánh mắt nhìn xa xôi, miệng lầm rầm như khấn rằng 32 tuổi thì tiêm 32 phát Penicilin sẽ lành. Ba tôi cứ nghĩ là ông làm phép tâm linh. Sau này, ông mới nói vì thấy mẹ tôi mê tín nên chỉ làm thế cho mẹ nghĩ là ông bùa phép gì đó để có thêm chút niềm tin chứ bệnh nhân mà bi quan là khó lành bệnh lắm. Nhớ lúc đó, xong xuôi, ông hỏi mẹ tôi rằng có tin ông Thông Dư chữa lành bệnh không, có tin là mình không bị ung thư không, nếu tin thì cười một cái cho tươi.

Ông Thông Dư cắt hết những chỗ hoại tử, vệ sinh vết thương và tiêm thuốc. Ông nói nhỏ với ba về sự khó khăn để tìm được thuốc Penicilin nhưng dặn yên tâm vì ông sẽ cố gắng. Dạo ấy về, mẹ tôi khác hẳn, luôn nói chuyện với con cái và cười. Lâu lắm mới thấy mẹ cười, cả nhà vui lây. Nửa tháng trôi qua, vết thương khô dần và lành hẳn.

Ông Dư nói: "Thấy bây khỏe là ông mừng lắm. Hôm bữa là ông trấn an đấy, chứ nói thật cái này không dễ chữa đâu nha". Ba mẹ tôi ôm chặt ông, nước mắt giàn giụa. Trong mắt tôi, ông Thông Dư lúc đó như Tiên dù không có râu trắng dài như trong cổ tích.

Chẳng có của cải gì để lại

Rồi bệnh viện được xây dựng nhiều hơn trên quê tôi, đường sá đi lại cũng thuận tiện dần nhưng nhà ông Thông Dư thì vẫn tấp nập bệnh nhân.

Người các nơi vẫn về xin ông chữa bệnh, nhất là dân vạn chài nghèo khó. Có những bệnh nhân đến chờ từ ngoài cổng, sợ ông từ chối. Nhưng ông rất khéo động viên, thường sẽ nói: "Đã chèo đò đến được với ông Dư là yên tâm nhé!". Có điều đặc biệt là chữa xong bệnh, ai trả thù lao kiểu gì ông cũng "được tất, được tất" rồi còn cảm ơn chứ không đòi hỏi. Lúc thì mấy ký gạo, nếp, đậu xanh, mớ cá, cua, tôm, chứ mấy ai có tiền mặt. Nhận rồi ông để lại một ít sử dụng, còn thì đem cho hàng xóm chia nhau dùng.

Khi ông mất, con cháu đem về quê mai táng, đến lượt bà cũng thế. Bấy giờ mọi người mới biết ngoài ngôi nhà, ông bà chẳng có của cải gì để lại. Vợ chồng ông không có con, nhưng đến nay vẫn rất nhiều người dân Ba Đồn và cả vùng lân cận nhớ thầy thuốc Thông Dư tài ba và đặc biệt đức độ. Với gia đình tôi, ông chính là cảm hứng cho những đứa con của tôi trở thành bác sĩ.

Khi viết chuyện này, tôi có ý định sang bên kia sông Gianh, chỗ làng Cao Lao Hạ để viếng mộ ông nhưng dịch Covid-19 nên phải giãn cách, đành chờ dịp khác. 

"Ông tên thật là Lưu Trọng Dư, người làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, phía hữu ngạn sông Gianh. Dòng họ Lưu nổi tiếng hiếu học, tuy không giàu có nhưng rất mực phong lưu. Ông là anh trai của nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư.

Tác giả : Đỗ Thành Đồng

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip