Bát canh chua của bà

18:11 - 05/04/2018

Ký ức của Nguyễn Thị Song Trà về bát canh chua quê hương cùng với những lời dặn dò của người bà đối với cháu gái

 

Theo những câu chuyện cổ, những lời dặn dò của bà và mẹ, bữa cơm gia đình trở thành một điều thiêng liêng và đi vào với tiềm thức của tôi từ những ngày còn bé. Đã có lúc tôi ước lớn thật nhanh rồi có một gia đình nhỏ và sau những giờ tan sở tôi sẽ nấu cơm cho cả gia đình. Đặc biệt trong giấc mơ ấy, bản thân luôn nghĩ đến những món ngon quê nhà.

 

Lớn lên một chút, những lời nhắc nhở về vai trò của người phụ nữ cùng bữa cơm gia đình dần dần bị phai mờ trong tâm trí của bản thân, nhất là từ khi đặt chân đến Thủ đô để bắt đầu cuộc sống mới, không còn trong vòng tay bao bọc của ba mẹ. Song, những món ăn của quê vẫn luôn hiện hữu và có những ngày thèm được nếm chút hương vị quê nhà đến phát khóc.

 

Sinh ra và lớn lên trên đất làng Hạ - nơi những tấm lưng trần rám nắng trong cái hanh khô của gió Lào và cát biển, tôi đã quá quen thuộc với những bữa cơm luôn có cá, tôm và cả những mớ rau tập tàng đa sắc. Thêm một chút khói chiều từ bếp nhà ai tỏa ra cùng tiếng í ới của bọn trẻ con nô đùa chờ cơm bằng giọng người Kẻ Hạ, tất cả đã trở thành một điều rất riêng trong mỗi người con Cao Lao.

 

Hồi còn bé, tôi thích ăn món canh chua, thịt sườn chua ngọt và thịt băm bà ngoại nấu. Bà đã xa quê bao nhiêu năm nhưng vẫn nhớ canh cá chua là một món ăn được nhiều người làng Hạ yêu thích. Mỗi lần về bà là cái bụng bé xíu của tôi bỗng chốc lớn hơn bao nhiêu trước bát canh cá chua đủ vị. Nhưng cũng nhiều lần dở chứng nhõng nhẽo chả chịu ăn, uốn ngoại đủ đường đòi hết món này sang món khác.

 

Từ ngày bà mất, tôi vẫn được ăn món canh chua dù không hoàn toàn nhưng cũng có một chút vị của bà. Mẹ vẫn nấu canh chua. Vẫn có đủ cá, rau thì là, dứa và những gia vị cần. Chỉ đơn giản món canh thiếu vị khói bếp, thiếu một giọng nói quan tâm về khẩu vị và hơi ấm của một người phụ nữ cổ xưa.

 

Hôm nay, một ngày cuối tuần bỗng nhiên “cao hứng” muốn nấu cho bản thân bữa cơm tử tế sau những ngày vội vàng. Thế là món canh chua lại được chào đón.

 

Bật một chút nhạc quê mình rồi vội vàng lấy đồ chuẩn bị bữa trưa bất chợt có cảm giác bóng hình của ngoại hiện ra, vẫn giọng nói thân thuộc, nhẹ nhàng với những lời dặn dò về một nồi canh cá chua đậm đà, đúng vị của người con Cao Lao. Và liên tiếp những câu chuyện kể về bát canh chua vị quê lại đến, từ những ngày tháng gian khổ giữa bom đạn chiến tranh người làng mình vẫn “nơm cá, mò cua” với hy vọng được một bữa no.

 

Lần miền ký ức tuổi thơ đi quá mốc thời gian được sinh ra theo câu chuyện ngoại kể thời đạn bom khốc liệt. Thời đó, cỏ cây trần trụi giữa bão bom nên kiếm tìm được một mớ rau thì là, quả dứa, cà chua đâu phải là dễ để có được nồi canh chua hoàn chỉnh. Bát canh may mắn mới được vài ba con cá nhỏ thêm quả khế vàng, nước bạc phếch song mọi người vẫn ăn bữa cơm ngon lành trong cái đói và sự khốn khổ của chiến tranh khốc liệt. Từ sau khi hòa bình lập lại, những ngày đất nước Đổi mới cũng là lúc mái tóc của ngoại dần ngả màu, nhưng đó cũng là thời điểm mà bà biết nấu bát canh chua đầu tiên thoát khỏi “nước không màu”. Và để có được bát canh đầy đủ các gia vị là khi đôi mắt ngoại không còn rõ, tuy nhiên bằng cách nào đó của mình, món canh chua vẫn được yêu thích bởi sự đậm đà vốn có.

 

Thế rồi, một ngày ngoại tôi đổ bệnh không còn đi lại được để nấu bát canh chua và làm bữa cơm cho cả gia đình dù tôi biết trong nỗi lòng của một người phụ nữ được sinh ra ở thời phong kiến cổ xưa vẫn luôn ao ước được chăm sóc cho gia đình. Câu chuyện về bát canh chua quê hương vẫn thường được ngoại nhắc cùng bao lời dặn giò là con gái cần có đủ “công – dung – ngôn – hạnh” mỗi lần về thăm và nằm cạnh bà, gối nhẹ đầu tên cánh tay vẫn không bị liệt còn lại.

 

Ký ức về những ngày cuối đời của đôi vợ chồng già ngoài tám mươi trong căn nhà cấp bốn sơn vàng giản dị giữa một vùng quê yên bình lại về. Tôi lại thấy những bữa cơm đạm bạc có món canh chua, có ông, có bà vừa ăn vừa nói chuyện. Bà tôi – người phụ nữ của gia đình từ thế hệ cũ nhưng không lạc hậu giữa thời hiện đại.

Tác giả : Nguyễn Thị Song Trà

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip