Bến sông quê đẹp lại như ngày xưa

20:29 - 04/03/2014

Cảm xúc của anh Phan Văn Hà về con đê làng Hạ xưa và nay

 
Tết đến xuân về, tháng giêng bước vào mùa trẩy hội, người người nô nức đến cửa chùa tìm vận may, đó là cái lẽ thường tình. Còn tôi tìm về nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn, nơi ấy có bến sông quê từ thuở nào, để đón nhận hương đồng gió nội.
 
 
Bước đến đình làng thắp nén nhang thơm dâng lên tiên tổ để biết ơn người khai khẩn lập làng nơi mảnh đất mang hình con thuyền rồng, có cửu khúc long khê.
 
 
 
 
May mắn thay được vinh dự là người khách quý tham dự hội thơ xuân tết nguyên tiêu của làng quê. Thật đầm ấm vô cùng, những vần thơ nơi quê nhà chân chất tình đất, tình người, nó thanh thoát như đường cày vỡ đất, cho hạt giống nẩy mầm, cho cây trái đâm chồi nẩy lộc, nó ngào ngạt hương lúa đồng thì con gái.
 
Làng Hạ quê mình đẹp thật đó, đẹp tựa bài thơ:
 
“ Cao Lao Hạ Trạch quê mình.
Bốn mùa phong cảnh hữu tình nước non”.
 
Quê hương ta với con sông Gianh hiền hòa xanh biếc uốn lượn, đưa nước về xuôi. Cũng chính con sông đã bồi đắp phù sa cho dải đất này hôm nay nó đã thành làng, thành xã, sầm uất.
 
 
    
 
 
Ông cha ta đã khéo chinh phục thiên nhiên từ thuở khai canh lập địa, xây dựng con đê làng ngăn mặn, xây cống cho con nước vào ra, cho cá tôm sinh sôi, khoanh bờ vùng bờ thửa, trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Bao kiếp người lớn lên từ đấy, bay cao, bay xa, góp súc xây dựng đất nước mạnh giàu giữ yên bờ cõi.
 
Con đê làng vững chải mà ta yêu, ta quý, nó gắn lền với tuổi thơ thuở nào, nó uốn lượn theo dòng sông, những con sóng lao xao vỗ về chung thủy ngàn năm, cùng thảm cỏ mượt mà thoai thoải bến sông quê.
 
 
Rảo bước trên con đê làng trong tiết xuân nhè nhẹ, non nước mây trời soi bóng xuống dòng sông, ngắm nhìn từng cánh cò chở nắng qua sông. Nắng láp lánh trên mặt sông như rắc bạc. Những giọt sương mai còn vương trên lá cỏ lung linh như ngọc. ký ức lại tràn về ngọt ngào như bầu sữa mẹ. Mới ngày nào vịn tà áo mẹ chạy lon ton ra bến sông tiễn mẹ đi chợ Đồn, chợ Họa, chiều chiều ra đợi mẹ ở bến sông để nhận quà từ tay mẹ với tấm bánh đa vừng thơm xâu xâu bằng sợi lạt, hay quả quýt, quả bòng.
 
 
Ngày tháng cứ trôi, con đò ngang khua nhẹ mái chèo đưa đón khách sang, lúc yên ả, lúc rộn ràng tấp nập những ngày phiên chợ. Thích nhất là những ngày hè thong dong, thả bò trên con đê làng. Bạn bè rủ nhau đi bắt cua, bắt cá, đứa nào cũng đầy giỏ mang về. Đợi con nước lên, cả lũ trẻ lại chay ùa ra bến sông, lao mình xuống dòng nước vẫy vùng thỏa thích. Thong thả bước lên đê làng ngả mình trên thảm cỏ êm êm ngắm mây trời và ngắm con chim chiền chiện liu lo chao mình trong nắng.
 
 
Dòng sông và con đê làng đã ôm ấp chở che cho tuổi thơ lớn lên từng ngày, cùng trang sách học trò, bạn bè tụm năm tụm bảy tìm chỗ đất trống viết lên thân đê làm từng phép cộng, phép trừ ….
 
 
Chiến tranh lại đến trên quê hương thanh bình yên ả, máy bay giặc Mỹ ào ra bắn phá bến sông. Con đê lại oằn mình che chở cho lũ trẻ chăn trâu, cho người dân quê mình, cho đoàn cán bộ, bộ đội qua sông vào Nam đánh Mỹ. Đã bao lần bom Mỹ dội xuống, con đê làng bị xé toạc, lòng người quê mình quặn đau. Ngớt tiếng bom, bà con cô bác lại gồng gánh kéo nhau ra hàn khẩu lại thân đê. Giặc phá ta xây, con đê làng lại vũng chãi hiên ngang cùng người dân quê đánh giặc, thảm cỏ xanh lướt vội, bến sông quê trở lại như xưa. Những giọt mồm hôi đổ xuống mà lòng người hân hoan biết nhường nào. Năm tháng cứ qua đi, con đê làng vẫn vững vàng trong mưa bom, bão, đạn, vẫn chung thủy ôm ấp lấy dòng sông với từng con sóng mơn man bốn mùa mưa nắng, làng quê mình yên ả thanh bình.
 
 
Hôm nay tôi đến bến sông mà lòng buồn man mác, gió xuân về mà đau nhói con tim, khúc đê xưa, bến sông đây đâu còn như thuở ấy. Một dải đất thân đê, bến sông sạt lở, nham nhở lô nhô. Bão số 10 đã đi qua gần 5 tháng rồi nhỉ? Mà sao con đê làng phải chịu cạnh quặn đau. …
 
 
 
  
 
 
Xót xa biết nhường nào, quê hương nay đổi mới từng ngày, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi vào thôn xóm đến từng lối ngõ vào nhà. Lòng người hân hoan phấn khởi mà sao quên đi con đê làng và bến sông xưa, nơi đó mang cốt cách của cha ông một thời khai sinh lập địa, đã ghi tác bao chiên công chống giặc giữ làng.
 
 
Bến sông xưa ngày nào là nơi giao thương hàng hóa từ chợ Hạ ra đi, và mang về bao sản vật từ các miền quê, làm cho quê nhà ngày càng phát triển. Hôm nay thương cho những con đò thưa thớt của bà con làng chài lặng lẽ đưa cá, tôm neo đâu bến sông quê nơi khúc đê rách nát. Thương cho những em thơ dò từng bước đi không theo kịp mẹ để vào chợ Hạ mong được mẹ mua cho tấm bánh đa vừng.
 
 
Du xuân trên con đê làng mà lòng man mác buồn. Tạm chia tay với con đê làng, tôi cùng em nhỏ xóm chài, dắt tay nhau bước trên con đường đất từ đê vào chợ lầy lội. Chân em bước nhanh nhanh, tôi bảo cháu đi chậm kẹo ngã. Cháu bảo cháu đi quen rôi không ngã đâu, mẹ bảo vào nhanh để mẹ mua quà cho. Chú cứ theo bước chân của cháu mà đi không ngã đâu. Cháu thích đi chợ Hạ lắm chú ạ, đến đó đông vui, bà con ai cũng thương, thỉnh thoảng cho cháu quà, cây mía, quả ổi.
 
 
Bất ngờ cháu hỏi tôi: Khi nào làng đặp đê lại bến sông này hở chú. Cháu mong sao lớn thật nhanh để cháu đưa đò sang cùng bà con cô bác, chở đất đắp lại đê làng, cho bến sông đẹp như ngày nào mẹ kể.
 
 
  
 
 
Trong lòng tôi thầm nhủ, chắc rằng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, con đê làng sẽ sớm được tôn tạo lại, trước mùa lũ. Bến sông xưa lại êm ả cho những chuyến đò ngang và cho nhiều em thơ cùng tung tăng vịn tà áo mẹ đến với phiên chợ làng …!
Tác giả : Phan Văn Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip