Bốn câu đối trên 2 trụ cổng Đình làng Cao Lao Hạ

09:03 - 30/03/2011

Nội dung 4 câu đối bằng chữ Hán đã được Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Quảng Bình dịch thuật ra chữ Quốc Ngữ

  

Các thế hệ người Hạ Trạch sinh ra sau chiến tranh, nếu không tìm hiểu về lịch sử làng Cao Lao Hạ, thì hẳn không thể  biết được, trên quê hương văn vật giàu truyền thống này,  lại có bề dày về thời gian, bề dày về Lịch sử. Lại càng không ngờ rằng nơi trung tâm của làng hơn 200 năm về trước, lại có một ngôi Đình linh thiêng cổ kính, cùng hàng chục các công trình văn hóa tâm linh như:  Chùa, đền,  nghè, miếu thờ các thần linh và nhân thần, những người có công với dân với nước.

 

 Hai cuộc chiến đẫm máu chống Pháp và chống Mỹ đã đi qua, nhà cửa làng mạc xóm thôn và các công trình văn hóa tâm linh đều bị tàn phá nặng nề. Ngôi Đình làng, một công trình kiến trúc cũ cũng bị san bằng theo thời gian và bom đạn của quân thù . Duy chỉ còn 2 trụ cổng đình làng còn sót lại, với những câu đối làm bằng mảnh sành, mảnh sứ viết bằng chữ Hán, thể hiện sự bền vững thịnh vượng của một làng quê vượng văn vượng võ. Các dòng chữ Hán  trên 4 mặt trụ của cổng đình làng, nếu không được dịch ra chữ Quốc Ngữ và không phân  tích  nội dung để  các thế hệ sau này hiểu được giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của nó, thì các câu đối đó chỉ là những chữ trang trí cho đẹp mà thôi.

 

Trước đây Đình làng có tường rào bao quanh, trước mặt tường thành đối qua 2 trụ cổng  là hai bức tường có hình voi chiến, ngựa chiến to như thật, chầu hầu, canh phòng, giữ gìn uy nghiêm nơi thờ tự linh thiêng. Hình được đắp nổi bằng vữa, ốp những mảnh sành đường nét sắc sảo hài hòa, mang cốt cách phương Đông, đăng đối cung đình. Cổng đình là 2 trụ xây mỗi cạnh rộng 1,2 m, cao 4m, mỗi đỉnh trụ có một con nghê to uy nghiêm canh giữ.

 

Bốn cạnh mỗi trụ Cổng viền hoa văn: Long, lân, quy, phượng xen kẻ hình: Tùng, Cúc, Trúc, Mai; Bốn mặt mỗi trụ có 4 hàng dọc viết 4 câu đối, đối nhau qua 2 trụ, bằng chữ Hán dát nổi bằng sành sứ có nội dung ca ngợi thế đất cao bền của một làng quê Địa Linh Nhân Kiệt. Nội dung 4 câu đối bằng chữ Hán đã được Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Quảng Bình dịch thuật ra chữ Quốc Ngữ. Đọc  kỷ và phân tích các câu đối của ông cha để lại, chúng ta mới hiểu được một phần nào lịch sử, địa lý,  truyền thống và con người  của làng Cao Lao Hạ hơn 200 năm về trước. Chúng ta cùng nhau nghiên cứu từng câu đối được ghi trên 8 mặt của 2 trụ cổng đình làng.

 

Câu đối thứ nhất: Hướng về phía Bắc:  Tức là 2 vế, mặt trước cổng, từ ngoài đi vào Đình, tả phong cảnh trước mặt làng, mỗi vế đối có 11 chữ:

 

Vế bên phải: Linh thủy ngoại triều nội nhất hà khê lai hoạt thủy.

Vế bên trái:  Hoành Sơn viễn cung cận tam sa phụ túc bình sơn.

 

Tạm dịch:

 

Ngoài Gianh có nước thủy triều

Trong đồng Hói Hạ nước theo nhịp nhàng.

Xa xa có dãy núi Hoành

Gần ba động cát tạo thành bình phong.   

 

Câu đối này ông cha chúng ta  xưa đã xác định vị trí địa lý của Làng Cao Lao Hạ, phía Bắc tiếp giáp với dòng sông Gianh, ôm lấy làng quê trù phú, phía trước mặt đình có Hói Hạ một con Hói tự nhiên chảy qua cánh đồng phía Bắc Làng.  Hói chảy từ Thượng Cầu phía Tây làng chảy về phía Đông của Làng, nối hào xung quanh thành Khu Túc, xuống Sác Biền, ven theo Đồng Phố, Hậu Hà, Đuồi Cùng rồi xuống cửa Hói Hạ, nhập lưu vào sông Gianh, theo thủy triều lên xuống. Ngày xưa thuyền bè từ sông Gianh đi vào Thành Chiêm đi qua hói Hạ,  vùng này có địa danh  Đồng Phố, chứng tỏ nơi vùng này hai bên Hói Hạ có Phố xá, nhưng do chiến tranh Trịnh Nguyễn nên phố xá không còn (Địa danh Đồng Phố là một đề tài các nhà Sử học cần khai thác và nghiên cứu ).

 

Phía xa xa từ cửa Đình nhìn về phía Bắc có Đèo Ngang nằm trong dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ. Nhìn về về phía Đông Bắc có 3 động cát Mỹ Hòa, Đơn Sa làm bình phong chắn sóng gió biển Đông.

 

Câu đối vừa tả phong cảnh Đình làng quay về hướng có phong thủy, địa lý rất đẹp, có sông, có núi, có động cát, tạo nên một bề thế vững vàng, sừng sững uy nghi.

 

Câu đối thứ hai: Phía trong lòng 2 trụ cổng đông, tây đối diện, nói lên vị trí dựng đình, nếp sống thuần phong mỹ tục của làng, việc thờ cúng tổ tiên của làng đã lừng danh, 2 vế đối mỗi vế có 11 chữ:

 

Vế bên phải:  Vi chi triêu biểu cao thanh tín mỹ diệm giang sơn

Vế bên trái:  Lập cá chuyển trung thượng hạ cổ kim khai vũ miếu.

 

Tạm dịch:

 

Quê hương lừng lẫy danh hiền,

Thuần phong Mỹ tục vững bền giang sơn,

Đình làng dựng giữa quê nhà,

Xưa nay, trên dưới phụng thờ tổ tiên.

 

Trong bài Văn tế Đình Trung đọc tại đình trong ngày lễ Xuân Thủ đầu năm, đã mời các vị tiền hiền khai khẩn, các vị thành hoàng có công với làng với nước, là những danh Hiền như:

 

Nguyên khai canh, ngài Lưu Văn Tiên, hàm Đại tướng quân, được phong tước Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần (tương đương Thành hoàng làng - ND) Đại tướng quân ngài họ Lưu;

 Nguyên khai canh, ngài Đại tướng quân Nguyễn Văn Khai Đại tướng quân ngài họ Nguyễn.

Nguyên khai canh, ngài Triệu phong Lê Quang Lữ Triệu phong ngài họ Lê;

Ngài Lưu Văn Hành là vị khai khẩn của họ Lưu;

Ngài Lê Văn Giám là vị hậu khai khẩn của họ Lê Văn;

Ngài Lê Quang Diệu là vị hậu khai khẩn của họ Lê Quang;

Ngài Lê Chiêu Phúc là vị hậu khai khẩn của họ Lê Chiêu;… ”

 

Từ xa xưa làng đã xây dựng hương ước, tạo nên một thuần phong mỹ tục. Trong bài văn tế Đình Trung đọc cách đây hơn 200 năm đã có câu:

 

“…Ngài Thành hoàng làng chuyên lo giữ vững trật tự, an toàn trong thôn xóm, chăm giúp đỡ người hiền làm việc thiện, đôn đốc kẻ chưa tốt rèn luyện ý chí, từ bỏ thói hư cần cù lao động để trở nên dân lành, được phong tước Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Chi thần..." 

 

Ngôi đình làng dựng giữa quê nhà, được nâng cấp tôn tạo lại lần thứ 2, năm Minh Mạng thứ 3 ( 1822) tức là cách đây 188 năm. Năm 1942 ngôi đình làng được tôn tạo sửa chữa lần thứ 3, vẫn giữ nguyên hiện trạng của ngôi đình năm 1822, chỉ làm thêm 3 gian hậu tẩm. Toàn bộ giàn trò ngôi đình lần này làm bằng gỗ Dạ Hương khai thác tại Lòi Tuần rừng của làng.  Tháng 3 năm Tân Mão- 2011, làng khánh thành ngôi đình  được xây dựng lại lần thứ 4. Như vậy hơn 2 thế kỷ đã đi qua ngôi đình làng vẫn được các thế hệ giữ gìn và tôn tạo. Cùng với các công trình tâm linh như: 24 nhà thờ Họ, Nghĩa trũng Cồn Cui, các miếu thờ như miếu thờ thần hoàng tướng quân Cần Vương Lê Mô Khải. Các gia đình, các dòng Họ vẫn giữ gìn tục lệ của Ông cha là thờ cúng tiên tổ Ông bà  và cha mẹ  …Còn lại một số đền miếu thờ như:  Ba miếu thờ thần linh; 7 miếu thờ 7 vị thành Hoàng, miếu thờ ông Voi, đền thờ thần nông..vv.  đã bị chiến tranh và nắng mưa, thời gian tàn phá chưa có điều kiện xây dựng lại để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Câu đối thứ 3: Hướng phía Nam , tức là 2 mặt trong của 2 cột cổng, từ Đình làng nhìn ra, mỗi vế có 7 chữ,  nói lên con đường giàu sang rộng mở, phong cảnh quê hương cầm tú, sinh nhiều danh hiền.

 

Vế bên phải: Thiên khai thạnh hội quang cường thịnh.

Vế bên trái: Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim.

 

Tạm dịch:

 

Trời xanh mở hội mạnh giàu,

xóa đói dân giàu văn minh.

Đất lành sinh trưởng danh hiền

Xưa nay truyền thống cổ truyền sử xanh.

 

Càng đọc chúng ta càng thấm thía từng câu từng chữ, đầy tài năng, văn hay chữ tốt, hết sức ý nghĩa đầy tính nhân văn. Đồng thời chúng ta vô cùng biết ơn công lao to lớn của các bậc thánh hiền, của tổ tiên, ông bà cha mẹ đã suốt đời lam lũ vất vả, để lại cho đời sau biết bao di sản vô giá. Mặc dù một nắng hai sương, khó khăn thiếu thốn, nhưng các bậc tổ tiên vẫn không quên tổ chức vui chơi, lễ hội, để động viên an ủi nhau tạo cho cuộc đời tươi vui, cầu mong yên ổn. Bởi vậy những ngày tết đến xuân về, những ngày lễ hội làng thường tổ chức các Hội thi: Thi thơ tại Đền Văn Thánh, Thi võ tại Đền Thánh Võ, thi chằm nón để văn ôn võ luyện, luyện nghề để chọn người tài. Tổ chức các trò chơi dân gian như: Cướp cù, Bài Chòi, đánh đu, kéo dây..vv . Qua đó để giúp nhau làm giàu, mở mang trí tuệ để có kiến thức đi thi khi triều đình mở khoa thi. Từ thời xa xưa, sống trong tình làng nghĩa xóm, cách đây hơn 200 năm mà các bậc tiền nhân đã có chủ trương giúp nhau xóa nghèo, xóa đói, xây dựng làng xã đổi mới văn minh. Ngày nay Đảng ta cũng có chủ trương  xóa mái nhà tranh, xóa đói,  giảm nghèo, phải chăng đó là truyền thống từ xa xưa ông cha để lại. Đó chính là truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, truyền thống tôn ti trật tự, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống uống nước nhớ nguồn..vv… Chính nhờ tấm lòng thủy chung, biết ơn kính trọng ông bà, nên con cháu dù đi đâu về đâu, lòng vẫn luôn hướng về cội nguồn, nơi có mái đình gốc đa, dòng sông bến nước, nơi cố hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình…Và cũng chính vì thế, tổ tiên, ông bà, hiển linh bao giờ cũng phù hộ độ trì cho cháu con, những đứa con quê hương hiếu thảo, được ăn ra làm nên, học hành thành đạt. Bởi vậy truyền thống  quê hương, những người con làng Cao Lao Hạ vẫn tiếp nối thế hệ này sang thế hệ khác, viết nên những trang sử Làng vinh quang chói lọi. Hiếm có một làng nào trên đất Quảng Bình lại có những người làm quan to, nhỏ  dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn ghi danh 125 vị.  Dưới thời đại Hồ Chí Minh, một làng quê nhỏ hơn 4500 dân mà có tới :  4 nhà  văn nhà thơ, trong đó có nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư, nhà văn  nhà quân sự Lưu Trọng Lân con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lai, nhà thơ Lưu Trọng Tuần… cùng hàng ngàn tú tài, 615 cữ nhân, 25 thạc sĩ, 19 tiến sĩ, 1 nhà giáo ưu tú.  Về võ nghiệp có trung tướng Lê Văn Tri, thiếu tướng Lê Bá Xảo, thiếu tướng Lưu Dương, cùng 11 đại tá, 49 trung tá, 52 thiếu tá, 1 anh hùng LLVTND và hàng trăm sỹ quan cấp úy khác… Làng Cao Lao Hạ quê hương của 204 liệt sĩ và 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng (tính đến tháng 12/2008).

 

Câu đối thứ 4: Bố trí ở phía Đông, Tây, mặt ngoài của 2 cột trụ cổng, mỗi vế có 9 chữ đối nhau;  nội dung ý nói truyền thống tốt đẹp của làng và cầu chúc cho sự bình yên của dân làng.

 

Vế bên phải: Hương tích vạn thiên niên quan yên dân lạc.

 Vế  bên trái: Lý Thành nhị thập ấp Mỹ tục thuần phong.

 

Tạm dịch

 

Ngàn năm Cao Hạ thơm hương,

Quan yên dân lạc quê hương vững bền.

Hai mươi xóm của làng ta,

Thuần phong mỹ tục tiếng đà lừng danh.  

 

Hơn 500 năm đã đi qua, mảnh đất và con người nơi đây, vẫn luôn là niềm tự hào cho con cháu mai sau. Hơn 500 năm biết bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất suốt gần 500 năm không hề ngơi tiếng súng. Từ đời Hậu Lê, qua nhà Mạc, đến Trịnh Nguyễn Phân tranh huynh đệ tương tàn, đến đời Tây Sơn, qua nhà Nguyễn, hết phong kiến phương Bắc đến gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp. Đặc biệt đất nước và quê hương phải  gánh chịu 9 năm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, chúng sử dụng các loại vũ khí, và phương tiện chiến tranh, tối tân hiện đại nhất hành tinh, với một đội quân nhà nghề man rợ và tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Cuối cùng dân tộc ta, đã làm nên chiến thắng 30/4/1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; tổ quốc chúng ta được thống nhất non sông thu về một mối chấm dứt mấy nghìn năm đất nước chìm trong đau thương máu lửa.

 

Hạ Trạch - Cao Lao Hạ anh hùng, quê hương anh hùng, mảnh đất anh hùng đã sinh ra  người  con anh hùng, mảnh đất địa linh đã sinh ra nhân kiệt; đã làm sáng ngời trang sử quê hương; đã dành lại độc lập tự do, nhân dân yên vui hạnh phúc. Theo Đảng quê hương  Cao Lao Hạ mạnh giàu từng bước đi lên.

 

Cám ơn tiên tổ, cám ơn các bậc thánh hiền, cháu con hôm nay xin nghiêng mình tưởng nhớ, ghi lòng tạc dạ, các vị Thành Hoàng, các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiện khai canh; Đời đời  nhớ ơn những những người có công với dân với nước. Vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn những câu Sấm Ký, lời Tiên đoán, của các bậc thánh hiền viết trên 4 câu đối trên cổng Đình làng Cao Lao Hạ, hơn 200 năm trước, để đến hôm nay đất nước thanh bình, làng Cao Lao Hạ:Quan yên dân lạc quê hương vững bền.

        

Tác giả : Cảnh Giang

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip