Cái giàn khoan của kẻ cướp và những phép thử

08:41 - 04/07/2014

Bài viết về chủ đề Biển - Đảo của tác giả Đặng Văn Quang

 

Đã hơn 2 tháng rồi, cái giàn khoan của kẻ cướp đặt cái rụp ngoài biển đông của nước ta. Từ chị bán rau, cô hàng cá, anh xe thồ, đến các quan, chức to, chức nhỏ, râm ran bày tỏ cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau. Riêng tôi, tôi thấy cái giàn khoan đó đã cho ta nhiều phép thử:

 

 

1.Ta với Tàu “thân nhau”, núi liền núi, sông liền sông, cùng chung ý thức hệ XHCN, là những người “Cộng sản”. Vốn (Sơn thủy tương liên, ý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan). Đặc biệt, những năm gần đây với “Bốn tốt”(Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt và Đối tác tốt) ; rồi 16 chữ vàng, nghe càng thắm tình “đồng chí” làm sao…Nhưng, khi cái giàn khoan  kẻ cướp đặt cái rụp, thì mọi thứ “tốt” trên đã trở thành bịp bợm, nếu không muốn nói là quá hài hước, bỉ ổi.

 

Cũng không thể hiểu nổi khi Trung quốc nói chỗ đó (chỗ đặt cái giàn khoan) là của họ, nhưng bằng chứng nào thì không có. Chỉ một mực gân cổ gào to: Quần đảo “Tây sa” (Hoàng sa) là lãnh thổ của Trung quốc, hoàn toàn không có tranh chấp. Hoạt động của doanh nghiệp Trung quốc là hợp pháp, không ai có thể ngăn cản…

 

Lý lẽ, bằng chứng thì người dân thường có thể khó thấy, nhưng tàu Trung quốc đâm, va, bắn vòi rồng vào tàu Việt nam thì ai cũng thấy, rõ như ban ngày. Vậy nhưng, Trung quốc vẫn lớn tiếng cho rằng: Tàu Việt nam quấy nhiễu hoạt động sản xuất bình thường và chủ động đâm va hàng trăm lượt vào tàu Trung quốc…

 

 Thật dối trá, trơ trẽn đến nực cười, đứa con nít cũng không tin nổi, cái tàu Trung quốc lớn gấp nhiều lần tàu Việt nam, vậy ai đâm ai???

 

Cái giàn khoan đã cho một phép thử với kết quả khá chính xác: Bộ mặt thật, dã tâm thật, đạo đức thật của các “đồng chí” Trung quốc anh em.

 

  2. Cái giàn khoan đặt cái rụp ngoài Biển đông, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể chính trị của ta lên tiếng, phát biểu, tuyên bố, biểu thị những quan điểm, chính kiến… đã xóa đi những ngờ vực, nghi ngại, bấy lâu nay rằng thì là: “thân Tàu”, “thân Mỹ”, “thân EU”… mọi người thêm tin tưởng. Điều quan trọng là sau những phát biểu, tuyên bố đó, phải là những giải pháp tài tình, sáng suốt (như trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược) để bấng cái giàn khoan kẻ cướp đó ra khỏi biên cương bờ cõi của đất nước ta.

Cái giàn khoan đã cho phép thử: Tài, Trí, Đức của lãnh đạo và mọi người con dân nước Việt.

 

  3. Từ nhỏ, tôi được thầy dạy: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại dấy lên sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…

 

Đó là chuyện của ngày xưa. Thế kỷ 21, chúng ta đổi mới, hội nhập, thế hệ trẻ hôm nay tiếp cận với cơ chế thị trường, cọ xát với chủ nghĩa “Thực dụng” vậy truyền thống yêu nước đó có bị mai một ???

 

Những ngày qua, từ cháu học sinh, đến cụ già cao tuổi, từ anh phụ hồ, đến cô ca sĩ, từ những sinh viên đang chật vật lo học phí, nhà trọ; đến những thanh niên bôn ba kiếm sống ở xứ người…ai ai cũng chăm chú lắng nghe, những bản tin thời sự nóng hổi trên biển đông, một lòng hướng về đất mẹ. Lo lắng, băn khoăn và sẵn sàng làm những gì có thể khi tổ quốc kêu gọi.

 

Tôi đã gặp những cô tiếp viên nhà hàng mặc áo có logo “Biển đông gọi, chúng tôi sẵn sàng” những anh xe ôm đội mũ có dòng chữ “Tất cả vì biển đảo”…

 

Vâng! chúng ta có thể yên tâm: Cái giàn khoan kẻ cướp đã cho phép thử về lòng yêu nước của lớp trẻ Việt nam, trong thời buổi hôm nay.

 

4.Yêu nước là truyền thống quý báu, nhưng yêu nước phải biến thành hành động đúng. Sự kiện ở Bình dương, Vũng áng Hà tĩnh và một số nơi khác, đã cho ta bài học về chăm lo cuộc sống và giáo dục tư tưởng cho “giai cấp công nhân”.

 

Công nhân của ta, từ nông dân mà ra, là những thợ cày, thợ cấy không còn ruộng, rửa chân xỏ giày đi vào khu công nghiệp. Đã có ai nói cho họ biết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là gì? Và để làm tròn sứ mệnh đó, họ phải làm ra sao? Nói nôm na là vấn đề chính trị tư tưởng… không báo, không đài, họp hành cũng không.

 

Cuộc sống vất vả, lương tháng phải chi tiêu tằn tiện, trọ ở những nơi rẻ như không thể rẻ hơn, con cái sinh ra không nhà trẻ, không lớp, không trường.

 

Quan hệ chủ - thợ mâu thuẫn căng thẳng, cúp lương, trừ thưởng, xù bảo hiểm là chuyện thường ngày…

 

Vậy nên, khi cái thằng “Việt tân” nào đó nó kích động thì ngọn lửa “yêu nước” của họ làm cháy luôn miếng cơm manh áo của mình lúc nào mà không biết, không hay.

 

Cái giàn khoan của kẻ cướp đã cho phép thử về việc chăm lo mọi mặt cho giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất.

 

5.Chiến lược kinh tế biển của ta đã có mấy năm rồi, nhưng ngư dân của ta vẫn làm chủ những con tàu ra đời từ đầu thế kỷ trước. Khi bị tàu Trung quốc đâm, chúng ta mới tỉnh ngộ. Hình ảnh, tàu cá Trung quốc to lớn, hung dữ, nhấn chìm tàu của ngư dân ta xuống biển mà thấy xót xa. Nay mất bò, mới lo đầu tư 16 nghìn tỷ, để đóng tàu sắt cho ngư dân giữ biển. Nhưng tàu to, máy lớn tốn dầu, công nghệ đánh bắt liệu có tương xứng, rồi hậu cần đi kèm…Tính toán kỹ, nếu không, tàu càng to, lỗ càng lớn, ngư dân nào dám thuê.

 

Cái giàn khoan của kẻ cướp cho ta phép thử về: Chiến lược kinh tế biển.

 

Kết:

 

Lời trong một bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày…Ở đây, nhạc sĩ có chút nhầm lẫn, hai mươi năm không phải là nội chiến, mà đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cướp nước và bè lũ bán nước. Nhầm lẫn đó không quan trọng, cái chính là dân tộc ta đã trải qua quá nhiều đau thương mất mát. Nhưng chúng ta chưa  bao giờ khuất phục ai, cho dầu đó là Tây hay là Tàu.

 

Ôi cái giàn khoan của kẻ cướp, ta phải “cảm ơn” ngươi chăng?

Tác giả : Đặng Văn Quang

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip