Cảm xúc tháng 5

08:12 - 25/04/2015

Bài viết cho ngày giải phóng niềm Nam, thống nhất đất nước của anh Đặng Văn Quang

 

Tháng năm về, rợp trời hoa với cờ đỏ sao vàng, 30 tháng tư, mồng một tháng 5, mừng non sông đất nước quy về một mối, bài ca thống nhất vang vọng muôn nơi. Lòng người dậy sóng, tự hào, đi giữa đất trời bừng bừng khí phách quật cường của dân tộc, lòng tôi bỗng dưng chùng lại, se lại, nghĩ về những mất mát, hy sinh, những tổn thất lớn lao, cái giá của độc lập thống nhất hôm nay.

 

Chiến trường Quảng Trị

 

1. Xin được bắt đầu từ câu chuyện mất mát, đau thương trong mỗi gia đình, mỗi thôn xóm, làng xã, bởi chiến tranh không từ một ai. Một trong những câu chuyện, trong muôn vàn những câu chuyện, đó là câu chuyện gia đình tôi. Quê tôi, Hạ trạch bên bờ nam Sông gianh một trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Năm 1967 giai đoạn  ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại, cha tôi bị bom Mỹ giết hại, 8 chị em tôi bổng chốc thành trẻ mồ côi, khi đứa lớn mới 14 đứa nhỏ 3 tháng tuổi. Bố mẹ vợ, anh chị em, cùng chú bác ruột  trong một đại gia đình bên vợ tôi, bị 3 quả bom Mỹ ném trúng hầm trú ẩn, trong một đêm 13 mạng người chết, thân xác không còn nguyên vẹn, hố bom chồng lên hố bom. May mắn thay, vợ tôi, cùng người chị gái thoát chết vì theo chị đi học nhóm ở nhà khác.

 

Ảnh hố bom

 

Lay lắt trong đau buồn, bơ vơ giữa cuộc đời, hết theo đoàn K8, đến tá túc trại trẻ mồ côi, ăn chực, ngủ nhờ bà con hàng xóm… rồi cũng lớn lên thành bà, thành mẹ. Con tôi được sinh ra, trong hòa bình, nhưng các đại từ nhân xưng tha thiết nhất của đời người đó là  Ông, Bà, nội, ngoại, Cậu, Dì… chưa một lần được gọi đến.

 

Thế đó, giá như đừng có chiến tranh…

 

2.  Nỗi đau thương mất mát của từng gia đình cộng lại thành nỗi đau thương của cả dân tộc. Có thể nói rằng không có gia đình nào trên dải đất hình chữ S này là không có tổn thất về người, về của qua các cuộc chiến tranh. Mỗi miền quê nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, mỗi gia đình đều có bằng tổ quốc ghi công. Chiến tranh đi qua, nỗi đau còn dai dẳng, những người mẹ, người em đang còn mòn mỏi, mong chờ, cho dẫu đó chỉ là nắm xương tàn nơi chiến địa của người thân sẽ được tìm thấy trở về nay mai.

 

  

Ảnh minh họa

 

“ Chiến thắng đến từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường. Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn chim bay về núi tối rồi…” (1)

 

Chiến trường Quảng Trị

 

Quảng trị, nơi mảnh đất chia cắt của một thời lịch sử đau thương, nơi đây, có nhiều nghĩa trang nhất, nghĩa trang có nhiều liệt sĩ nhất, bạt ngàn những nghĩa trang, có thể nói, máu bốn phương đã nhuộm đỏ đất này. Ai đã đến bảo tàng thành cổ Quảng trị mới thấy sự mất mát hy sinh to lớn biết nhường nào, nơi mà “thép gang cũng chảy với lửa hờn của lòng ta”.(2) Đến nay, trên 10 ngàn liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy, dòng sông Thạch hãn nhân chứng của mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã được khắc họa trong thơ của nhà thơ, chiến sĩ Lê Bá Dương.

 

Tưởng niệm đồng đội bên sông Thạch Hãn

 

“Đò xuôi Thạch hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Hóa tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”…

 

  

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

 

Đau thương, tang tóc, cả dân tộc hy sinh, cả đất nước quên mình cho tự do độc lập. “Một triệu một trăm ngàn liệt sĩ; Hai triệu người dân bị giết hại; Sáu trăm ngàn thương binh; Ba trăm ngàn người mất tích…”(3)

 

Ôi! Giá như đất nước này không có chiến tranh….

 

3. Ai đó đã từng viết: “Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Tôi thiết nghĩ đây là một cách nhìn chưa đúng lắm, thiển cận, phiến diện, nhân dân ta làm nên chiến thắng, nếu không có sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân thì có đâu ngày thống nhất đất nước hôm nay. Nhưng từ trong sâu thẳm của lòng mình, trong hoàn cảnh hiện tại, trong chừng mực nào đó tôi vẫn thấy những người làm nên kỳ tích anh hùng, đang có những thua thấm, thiệt thòi, mất mát hy sinh, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu, hậu quả của nó vẫn còn là gánh nặng .

 

“ Tôi đã thấy trên chiến trường ngã xuống

Những nông dân áo lính máu hồng tươi

Sống xanh đất, chết càng làm tươi đất

Chẳng bổng lộc nào theo đến lũy tre xanh”…(4)

 

Ai làm nên hai cuộc kháng chiến vĩ đại thần thánh của dân tộc? không ai khác đó chính là người nông dân. Xương máu gởi lại chiến trường, cởi áo lính, mồ hôi của họ lại tiếp tục nhỏ xuống đồng ruộng cho đất nước nở hoa, chẳng màng bổng lộc chức tước.

 

 Hiểu điều này để ta càng quý dân ta.

 

4.  Đất nước đổi mới, chuyển mình, nhân dân chẳng những đã có cơm no, áo ấm mà còn là cơm ngon áo đẹp. Những con đường, những cây cầu những thành phố mới mọc lên… Thành quả đó được xây trên xương máu của bao người, trên sự mất mát đau thương không kể xiết của cả dân tộc. “Một tấc non sông, một dòng máu đỏ” (5), may mắn, hạnh phúc thay, chúng ta đang được  sống trong hòa bình, những ai đã sống qua chiến tranh mới thấu hiểu giá trị của nó. Một chính thể tồi còn hơn một cuộc chiến tranh tốt, hãy trân trọng giữ gìn môi trường hòa bình đã có hôm nay. Xin ai đó đừng lú lẫn u mê tin lời xằng bậy để phỉ báng lịch sử, phủ nhận, phủi sạch sự mất mát hi sinh vô cùng to lớn  của nhân dân. Đành rằng, mỗi gia đình mỗi dòng tộc và rộng hơn là mỗi quốc gia, đất nước đều có khi thăng khi trầm, khi phát triển khi lụn bại khi đoàn tụ, khi mâu thuẫn, ly tán . Âu đó cũng là quy luật, hãy trân trọng giữ gìn cái đang có hiện hữu hôm nay.

 

 

5.  Khúc vĩ thanh

 

Ảnh cầu Hiền Lương

 

Tháng 5 về rợp trời  hoa với cờ đỏ sao vàng… tôi lại có dịp đi qua cầu Hiền lương, vết cắt của lịch sử còn đó. Hình bóng người mẹ miền nam bồng con ngóng chồng ở bờ bắc qua dòng sông chia cắt vẫn còn kia, vết thương chiến tranh đang còn sẹo, những dòng lệ còn rơi. Nhưng non sông đã liền một giải, hòa bình hạnh phúc đã  hiển hiện như một chân lý. Hãy trân trọng giữ gìn cho ta, cho con cháu của ta, đừng để thế hệ sau lặp lại cảnh: Trời cao chi lắm thế để con đời bơ vơ như một câu hát mà tôi đã từng nghe…

 

Tháng 5 năm 2015

Đặng Văn Quang

 

(1)   Trích văn bia đền Bến dược Củ chi

(2)   Trích lời bài hát Quảng trị yêu thương

(3)   Số liệu từ Lịch sử đảng CSVN tập II (1954-1975)

(4)   Trích bài thơ Nông dân- Nguyễn Sĩ Đại

(5)   Câu nói của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tác giả : Đặng Văn Quang

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip