Cảm xúc tháng bảy về

08:24 - 14/07/2015

Bút ký của anh Phan Văn Hà nhân kỷ niệm ngày thương binh lịch sỹ 27/7

 

Tháng bảy lại về mà lòng tôi man mác khi đứng trên mảnh đất đầy máu lửa năm xưa. Phà Gianh ơi! Ngầm Hói Hạ ơi! Đường Ba Trại ơi! Những đau thương đã đi vào huyền thoại. Người quê tôi luôn nhớ về những năm tháng hào hùng với bao nỗi thương cảm.

 

Đường qua Ba Trại quê anh

Có ngầm Hói Hạ - Bến phà sông Gianh

Hói Hạ ơi, nước vẫn trong lành

Dáng hình ai - với lá, cành ngụy trang

Từng tiểu đội luôn sẵn sàng

Làm cọc tiêu sống cho hàng - xe qua

Người ngã xuống, người bước ra

Khúc quân hành, chiến trường xa vẫy chào!

 

Nhân ngày 27 tháng 7, đến nơi đây thắp nén nhang đứng vái giữa trời, xin linh hồn các anh, các chị đang phiêu diêu ở chốn này, luôn phù hộ cho những con người quê tôi đã từng chia ngọt sẻ bùi và phù hộ cho người người xuôi ngược Bắc - Nam ngày ngày qua đây được thượng lộ bình an. Năm tháng cứ trôi, cuộc sống cứ tiến về phía trước, tất cả những giá trị của lịch sử lùi dần về quá khứ. Xin đừng vô cảm, nếu không đánh thức những giá trị lịch sử, để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước, truyền thống của cha anh sẽ đi vào lãng quên.

 

Ai đã từng đi qua cuộc kháng chiến mới thấy được giá trị của cuộc sống và sự hy sinh của bao thế hệ cha anh. Để tiếp bước những trang sử hào hùng của dân tộc, chúng ta cần nâng niu, trân trọng, sức mạnh sẽ được nhân lên, đất nước ta sẽ sánh vai cùng bè bạn năm châu. Những giá trị của lịch sử đã khơi dậy cho bao thế hệ về lòng tự hào dân tộc, thôi thúc bao thế hệ lên đường đánh giặc cứu nước. Cả nước ra trận, vì miền Nam thân yêu. Tất cả với một khí thế hào sảng của một dân tộc quyết đứng lên dành độc lập, bảo vệ toàn vẹn non sông gấm vóc. “Lớp cha trước, lớp con sau. Chiến trường giục giã cùng nhau khúc quân hành”.

 

Ơi những người con tuổi còn mười tám đôi mươi, mái tóc xanh còn thơm hương chanh, hương bưởi của mẹ trước giờ lên đường đi bảo vệ Tổ Quốc. Họ đã đến với mảnh đất khói lửa chiến tranh, ơi phà Gianh, ngầm Hói Hạ, đường Ba Trại, những mái tranh với lũy tre xanh và những con người quê mộc mạc sớm hôm đùm bọc yêu thương. Tất cả để bảo vệ cho những chuyến xe qua, chở hàng ra tuyền tuyến. Các anh, các chị không tiếc tuổi xuân, hiến dâng cho Tổ Quốc bình yên, khi những dòng thư viết vội cho người yêu chưa kịp gửi. Hôm nay đất nước đã chuyển mình bước sang trang mới. Cơ chế thị trường đã len lỏi đi vào hang cùng ngõ hẻm, bộ mặt xã hội có nhiều đổi thay. Cuộc sống phồn hoa hơn xưa, nhưng “Vàng - Thau” còn lẫn lộn. Sự phân hóa “Đẳng cấp”, giá trị đạo đức có lẽ giờ đây được đánh giá bằng cơ chế thị trường chăng, hỏi rằng có hổ thẹn không?

 

Thời gian cứ trôi nhưng tháng bảy lại về với bao cảm xúc dâng trào của ngày tri ân thương binh liệt sỹ. Những con người đã ngã xuống, hay những người đã gửi một phần máu thịt của mình cho Tổ Quốc. Ra bến phà Gianh, về ngầm Hói Hạ, lên đường Ba Trại quê tôi, tìm về nơi đâu để thắp nén hương trầm cho linh hồn các anh, các chị và bà con cô bác đã ngã xuống nơi này được yên giấc ngàn thu. Có nên chăng xây một quần thể tượng đài ở chốn này để tôn vinh niềm tự hào cho thế hệ hôm nay và mai sau ghi lòng tạc dạ vào mảnh đất đã từng chịu bao đau thương nhưng vẫn đứng hiên ngang làm quân thù khiếp sợ. Ơi phà Gianh, ngầm Hói Hạ, đường Ba Trại, xe chưa qua nhà không tiếc! Ơi những người con gái, con trai tuổi mười tám đôi mươi!  Các anh các chị lần đầu rời xa vòng tay mẹ cha, vai khoác ba lô ra trận, trên môi luôn nở nụ cười, xem cái chết tựa lông hồng. Các anh các chị đến quê tôi vào mùa hè, mùa đông rực lửa chiến trường. Cuộc sống hòa lẫn với cái nắng hè gay gắt gió lào, với cái rét thấu xương của những ngày đông giá. Các anh các chị ngâm mình trong làn nước lạnh, làm cọc tiêu sống cho xe qua, rồi những tiếng nổ đinh tai nhức óc, hàng chục người ngã xuống, xương thịt các anh các chị hòa vào đất trời, sông nước Cao Lao Hạ quê tôi. Những năm tháng ấy, đêm đêm trên sân kho hợp tác, lại có những lễ truy điệu trong yên lặng mà trang nghiêm. Mới hôm qua họ hát, cười đùa vui, thế rồi họ ra đi không kịp từ biệt đồng đội. Bà con quê tôi cứ âm thầm nén đau thương tiễn đưa họ trên vai, rồi mảnh đất quê tôi lại ôm ấp họ vào lòng.

 

Phải chăng ơi phà Gianh, ngầm Hói Hạ, đường Ba trại của Quảng Bình quê ta, ngày xưa ấy nơi tuyến đầu Tổ Quốc nhưng không có gì để lại cho mai sau? Giá trị lịch sử của nó chỉ vẻn vẹn một tấm bia đá hơn một mét vuông đứng lặng yên trên bến phà hoang phế! Linh hồn những con người đã ngã xuống, xương thịt họ hòa vào mảnh đất này không đáng để tôn vinh? Đồng đội cũ, đồng bào tìm về chỉ biết dừng lại ven đường ngã mũ cúi chào, chẳng biết đâu để thắp lên một nén hương tưởng nhớ và cũng chỉ tay vào hư vô cho con cháu, nơi đây một thời “Hoa lửa” trong cõi mênh mông. Người ơi xin đừng quên lãng, giáo dục truyền thống của cha anh là trách nhiệm của chúng ta hôm nay. Lời nói phải thể hiện bằng hành động cụ thể của việc tri ân.

 

Một buổi yến tiệc, đón đưa, nâng ly chúc nhau bằng những lời nói mỹ miều, chỉ đem lại cho kẻ háo danh. Bớt đi một tý thì những mẹ cha già lay lắt, thấp thỏm bao đêm ngày chờ con về khi chiến tranh đã lùi xa, sẽ vơi bớt cô đơn, mái nhà không dột nát, bát cơm còn ấm tình người. Bớt đi một ít, bao thương binh cũng vơi bớt nỗi đau khi trời trở gió, đường làng, ngõ xóm khang trang, điện sáng lung linh. Người ơi có thấu hiểu lòng dân của những năm tháng xe chưa qua nhà không tiếc. Bớt thêm một chút để con đường đến trường của các em không còn băng đèo lội suối, thầy cô cắm bản và học trò đỡ phải sống chui trong những túp lều “Chi Dậu” của đầu thế kỷ trước. Bớt thêm ít nữa ta sẽ xây dựng những quần thể di tích ghi tạc công ơn của cha anh được mãi mãi trường tồn, khắc sâu vào lòng bao thế hệ. Cái gốc có vững thì cái cây mới bền, đừng để mất niềm tin, không có thành lũy, lầu son nào bền vững bằng lòng dân.

 

Sự biến chuyển của lịch sử trong thời đại hôm nay còn nhiều phức tạp, khó lường, biên cương bờ cõi đang bị xâm lấn. Để khơi dậy tính tự tôn dân tộc ta cần phải tôn vinh những giá trị thiêng liêng của lịch sử, để thế hệ hôm nay và mai sau biết tự hào và gìn giữ từng tấc đất của Tổ Quốc. Vừa qua tôi có đọc báo mà thấy rằng người ngoại quốc họ ngưỡng mộ văn hóa và lịch sử của dân tộc ta, cùng nhau khép lại quá khứ, để hướng tới tương lai. Chính vì những giá trị văn hóa của cha ông ấy mà kẻ thù không khuất phục được một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, chúng ta càng nâng niu, trân trọng, nó sẽ là điểm tựa để nhân lên sức mạnh.

 

Chắc rằng ai ai cũng mong muốn những giá trị lịch sử của những địa danh gắn liền với những chiến công huyền thoại phải được tôn vinh để giáo dục truyền thống cho hôm nay, cho mai sau và khơi dậy lòng tự tôn dân tộc. Dẫu biết vậy, thôi thì thế thôi “Nay vì ta chưa có điều kiện ….”. Cũng buồn thay, phà Gianh, ngầm Hói Hạ, đường Ba Trại một quần thể địa danh gắn liền với lịch sử đánh Mỹ nơi tuyến đầu miền Bắc năm xưa nếu bị bỏ quên. Địa danh ấy nằm trên con đường quốc lộ 1A là một minh chứng lịch sử, có vị trí xứng đáng để khơi dậy lòng yêu nước rất đỗi tự hào. Đồng bào cả nước ngược xuôi, đồng chí, đồng đội, những người thân của những người đã ngã xuống, và khách thập phương du lịch qua lại nơi này, sẽ dừng lại thăm viếng, thắp một nén nhang tâm linh cho tâm hồn thanh thản. Những con người đã ngã xuống, dẫu còn, hoặc không còn nắm xương, thịt để đắp lên một nấm mộ, thì cũng đừng để linh hồn các anh, các chị phiêu diêu mà tội lỗi và người thân đồng đội buồn tủi. Hãy làm, dẫu chưa muộn, cuộc chiến đi qua, cũng chưa phải bao xa, những nhân chứng lịch sử, tài liệu chắc vẫn còn hiện hữu. Đừng để một mai phai mờ. Tôi xin mượn câu trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du để thay cho lời kết bài viết này:

 

 “Hoa tàn mà lại thêm tươi

 Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”!

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip