Cao Lao Hạ, Điền - Viên - Sông – Núi hữu tình

08:55 - 11/05/2017

Những thông tin và lập luận logic của anh Lưu Thái Bình về làng Cao Lao Hạ

Cao Lao Hạ, Điền - Viên - Sông – Núi hữu tình

 

Lời Ban biên tập: Anh Lưu Thái Bình hiện đang lập nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh. Bài viết “Cao Lao Hạ, Điền - Viên - Sông – Núi hữu tình!” của anh có rất nhiều thông tin bổ ích, nhiều ý kiến nêu ra được lập luận khá logic giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về các dòng họ, về các sự kiện, các địa danh của làng mình. Caolaoha.com trân trọng giới thiêu bài viết của anh với mong muốn tiếp tục nhận được những trao đổi đa chiều của bà con như cuối bài viết anh cũng đã đề cập “…Để viết ra những hiểu biết của bản thân về Cao Lao Hạ với mục đích là mong muốn anh, chị, em, các cháu biết đôi điều về quê hương mình, tuy nhiên những thông tin này bản thân nắm bắt được đã trên 40 năm, vì vậy không tránh khỏi một vài nội dung chi tiết có thể chưa được chính xác, rất mong được sự góp ý, trao đổi thêm của mỗi người

 

Cao Lao Hạ, Điền - Viên - Sông – Núi hữu tình!

 

Xã Hạ Trạch ngày nay trước đây còn gọi là Làng Cao Lao Hạ (Khu đất - cồn đất bồi phía dưới), còn xã Mỹ Trạch gọi là Cao Lao Thượng (Khu đất - cồn đất bồi phía trên).

 

Thưở khai thiên lập địa, vùng đất Cao Lao Hạ bây giờ đang thuộc về một phần của Biển, biển ăn sâu vào đến tận chân núi (Hói Đá), lên đến gần Mỹ Trạch ngày nay.

Qua hàng vạn năm được phù sa của Sông Gianh, đất cát từ dãy Hoành Sơn bồi đắp dần dần hình thành Làng Cao Lao Hạ - xã Hạ Trạch ngày nay.

 

Những cư dân đầu tiên đặt chân đến cao Lao Hạ chủ yếu từ Sông Gianh đi vào, từ Cao Lao Thượng đi xuống (vì chưa có hệ thống giao thông như bây giờ) để săn bắn, đánh bắt thủy hải sản và trồng trọt dần dần hình thành nên xóm, làng; phía trước, phía sau Lànglà những cánh rừng ngập nước với các loại cây chủ yếu là cây bần, cây đước, cây lá thấp, năn, lùng, lác và dây leo mọc thành từng vạt dài đan xen với bàu, hói; chim thú, thủy hải sản thì rất nhiều (vào những năm 1967 – 1970 gia đình tôi vẫn còn vào đó đánh bẩy chim và đi đào cua, cá bóng ...- nay cây đã bị chặt hết rồi).

 

Một số dòng họ ở Cao Lao hiện nay đến sớm nhất vùng đất này chủ yếu vào thời kỳ Hậu Lê; Việc tranh giành quyền lực của Họ Trịnh (Trịnh Kiểm là con rễ của Chúa Nguyễn muốn sát hại Nhà Họ Nguyễn để nắm quyền) đối với Chúa Nguyễn có ảnh hưởng lớn đến việc di dân của các Họ từ Thanh Hóa đi theo Họ Nguyễn vào Đàng Trong (phía Nam Sông Gianh), giai đoạn đầu hình thành thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Qua đây, xin nói thêm về Họ Lưu ở Cao Lao Hạ: Họ Lưu có nguồn gốc từ phương Bắc vào định cư ở Thanh Hóa, năm 1553 di cư vào ở Ban Phú, sau đó xuống Thanh Khê; một số Người ở lại Thanh Khê, có 02 anh em định cư ở Cao Lao Hạ; Họ Lưu Làng thuộc về Nhánh người anh, Họ Lưu Quan thuộc về Nhánh người em (có vị Tướng Lưu Văn Tiên); sở dị có sự phân chia thành 02 họ chủ yếu là bởi Nhánh người em nhiều thế hệ làm quan lớn của Triều Đình, khi về thăm Cao Lao Hạ trong những ngày Cúng Họ có sự đố kỵ về vai vế trong việc sắp xếp vị trí ngồi (thời phong kiến mà; thực tế ngày nay họ Lưu Quan vẫn thành đạt hơn).

 

Nói về Đất Phong thủy – Cao Lao Hạ:

 

Từ mấy trăm năm về trước, các Bậc Cao Tổ của Làng đã mời Thầy Địa lý (người Tàu) về xem Long mạch đất Cao Lao Hạ: Đất bồi, hình Thuyền; dãy Hoành Sơn có dáng Thanh Kiếm, hai ngọn núi có hình dáng Cây bút và Nghiên mực, “Đất Địa Linh Nhân Kiệt”, hậu sinh Tướng tài, quan văn, võ (thực tế với diện tích đất chỉ khoảng 2 km2, nhưng đến nay đã có 06 vị Tướng và nhiều cán bộ các cấp). Tuy nhiên, Làng phải thực hiện một số việc:

 

- Hệ thống thoát nước Thang Thuyền: Từ xưa các bậc Cao Tổ đã xây, đắp (nay gọi là quy hoạch) đường đi và hệ thống mương thoát nước theo hướng nước chỉ chảy từ hướng Đường Quan ra phía trước Làng, cuối mương nước chính có Cống xây, Cây Đa và Miếu thờ (Cống thoát không có nắp, chỉ có ý nghĩa tượng trưng về điều tiết nước của Thuyền - hiện nay bị hư hỏng cả rồi).

- Phốc - Huyệt đất: 02 Phốc của Làng có ý nghĩa là “Thiến Đất”, nâng Thuyền; kích thước theo phong thủy, thể tích đất đào 02 phốc khoảng 30.000, m3; không có đường dẫn nước vào, ra Phốc như bây giờ (với dụng cụ thô sơ, làm việc chỉ vào mùa khô, vậy dân làng ta phải có tín ngưỡng, đồng tâm hợp lực mới thực hiện được). Hướng từ Phốc nhìn vào núi không có nhà hay công trình che khuất tầm nhìn vào núi (chiều ngang lối nhìn khoảng 3 – 4 m).

- Chùa thờ Phật: Trước đây Chùa được xây dựng phía trên cùng của Làng (khu vực những cây Đa, Lò ngói bây giờ), hiện nay không còn nữa; đất nền thì làm lò gạch, ngói, bị đào bới rất nhiều.

- Đền Tế Trời: Ngày nay ta hay gọi là Đền thờ Cồn Cui, thực ra là Đền Tế Trời  (Trời sao thờ được!?); Cầu cho mưa thuận, gió hòa, an dân, thuận thuyền mát mái … Đền có cấu trúc hình tròn, tam cấp, đường kính cấp đầu tiên là 32,5m, để người dân thường đến cúng tế, thứ tự từ già đến trẻ từ trong ra ngoài; bậc thứ 2 để các quan lại, chức sắc cúng tế, từ chức lớn đến bé từ trong ra ngoài; bậc trên cùng đặt mâm lễ vật cúng tế và người đứng đầu Làng quần áo, mũ chỉnh tề, hai bên có 02 thầy cúng đọc văn tế. Lễ cúng xong, người dân được chia phần còn các quan lại, chức sắc được dọn mâm, ngồi theo thứ bậc.

- Đình Làng: Vị trí Đình Làng ngày nay chính là Nhà sinh hoạt cộng đồng thời xưa; nơi này các Bô lão, dân làng họp mặt bàn công việc của Làng như: đê, bao, kè, cống; phòng, chống bão, lụt, công việc làm ăn v.v. Sau này đời sống người dân khá lên và đã tổ chức xây dựng nên Đình Làng. Đình là nơi thờ cúng các Vị Thần Tài, Thổ Địa, các Vị Cao Lao Lao Tổ đã có công xây dựng Làng Cao Lao Hạ ngày nay.

- Nhà thờ các Họ: Được xây dựng cách nay khoảng 300 năm. Từ năm 1942 – 1944 thực dân Pháp xâm chiếm làng và sử dụng các nhà Họ làm đồn đóng quân; sau năm 1945 các nhà thờ Họ được trùng tu, xây dựng lại và hiện nay như chúng ta đều biết.

- Ngoài ra, Cao Lao Hạ còn có 02 di tích đầy bí ẩn cho đến ngày nay, đó là: Cửa Chùa và Lòi Tuần !.

 

Để viết ra những hiểu biết của bản thân về Cao Lao Hạ với mục đích là mong muốn anh, chị, em, các cháu biết đôi điều về quê hương mình, tuy nhiên những thông tin này bản thân nắm bắt được đã trên 40 năm, vì vậy không tránh khỏi một vài nội dung chi tiết có thể chưa được chính xác, rất mong được sự góp ý, trao đổi thêm của mỗi người.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/4/2017. BLT

Tác giả : Lưu Thái Bình

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip