Cao Lao làng lúa làng thơ

15:10 - 05/12/2020

Bài viết của anh Lưu Văn Quỳnh về ấn phẩm “Haiku làng Cao Lao Hạ” do NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2020

Cao Lao làng lúa làng thơ

CAO LAO LÀNG LÚA LÀNG THƠ

(Kỷ niệm 10 năm trang Caolaoha.com)

 

          Đã mấy lần tôi phôn cho Lưu Đức Hải để trao đổi về tập thơ “Hai Ku làng Cao Lao Hạ, nhưng đều chỉ nghe tút…, tút…,tút…

          Vẫn biết giờ đây ba trăm cuốn thơ đã đến tay bạn đọc. Dẫu có nói gì thì cũng là việc đã rồi. Nhưng không hiểu sao lời comments của anh Góp Ý về những lời bình bài thơ Cao Lao Hạ Trạch làng ta của anh Lê Chiêu Tường cứ thôi thúc tôi cầm bút để nói lên những trăn trở, suy tư của mình. Biết đâu cũng sẽ có ích cho trang báo làng ta bước sang tuổi thứ mười. Lứa tuổi ẩm ương chưa hết thiếu thời lại cứ thích làm người lớn.

          Tôi là người may mắn sớm biết tường tận duyên cớ để tập thơ ra đời. Nếu không có đại dịch Côrôna thì tập thơ là ấn phẩm đặc biệt. Vừa để tri ân cố PGS – NGUT Lưu Đức Trung, vừa là quà lưu niệm các thành viên Câu lạc bộ thơ Hai Ku Việt trên toàn quốc về dự gặp mặt thường kỳ do làng ta đăng cai tổ chức vào tháng 9 năm 2020.

          Nhưng rồi “Con Covid-19 bé tí ti đã làm ngả nghiêng trời đất”. Bao nhiêu dự tính, sắp đặt cho chương trình hội ngộ bạn thơ đều bị dừng, duy chỉ có tập thơ nhanh chân đã đến tay bạn đọc. Đọc kĩ tập thơ, chính xác là phần 2 gồm 31 bài của 20 tác giả có tiêu đề: Thơ làng Cao Lao Hạ, trong tôi chứa chất tâm trạng buồn, vui lẫn lộn.

          Vui vì thơ Haiku vốn chỉ quen với các bậc trí giả ở chốn thị thành, rất khó viết hay lại kén người thưởng thức. Thế nhưng thật không ngờ ở một làng quê bên bờ Nam sông Gianh, thế hệ con cháu cố nhà thơ Lưu Trọng Lư dù chỉ mới một lần được biết đến thơ Haiku qua lời giới thiệu của PGS-NGUT Lưu Đức Trung trên chuyến xe về quê dự kỷ niệm 5 năm ngày khai trương trang tin Caolaoha.com. Được chứng kiến không khí tưng bừng, trang nghiêm khi thầy Lưu Đức Trung nâng cao bức thư pháp, bài thơ Haiku thầy vừa sáng tác tặng trang báo làng: Tay gõ/Caolaoha.com/Tình quê lắng đọng. Đó cũng là thời khắc thầy nhen nhóm đốm lửa Haiku ở quê nhà.

          Đốm lửa ấy giờ đây đã bùng lên mạnh mẽ. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục người tham gia, hàng trăm bài thơ được sáng tác. Nhiều cựu giáo chức, quân nhân, tiểu thương, nông dân… giờ là những tác giả Haiku thực thụ. Dù chỉ mới những sáng tác đầu tay, nhưng nhiều bài thơ thật xứng đáng Haiku chính hiệu:

Trăng xuống sân nhà/quỳnh nở/gió trêu hoa (Lê Văn Viên).

Người đàn bà/ngồi đan nón/ôm cả vầng trăng (Lưu Trọng Tri)

Cánh hoa rơi/cá giật mình/trời xanh rung động (Lưu Văn Quỳnh).

Thậm chí anh Lưu Đức Hải đã có hàng trăm bài thơ hay. Có bài được giải trong cuộc thi do Câu lạc bộ Việt Tiệp – thành phố Hải Phòng tổ chức:

           Bông lúa

          ngẩng mặt lúc còn xanh

          cúi đầu khi đã chín.

Còn nhiều, nhiều lắm những bài thơ như thế. Đọc thơ Haiku của bà con quê mình sáng tác và lời giới thiệu của thầy Lưu Đức Trung về nhóm thơ Haiku làng Cao Lao Hạ đăng trên Tập san Xuân 2016 của Câu lạc bộ Haiku Việt thành phố Hồ Chí Minh, bác Đinh Nhất Hạnh – Chủ nhiệm CLB Haiku Hà Nội đã vui mừng, xúc động nhận xét: “Haiku làng Cao Lao Hạ thật độc đáo trong thế giới Haiku”.

Theo mạch cảm xúc hứng khởi, tôi hào hứng đọc tiếp phần 2 tập thơ. Nhưng thật không ngờ càng đọc càng thất vọng. Hầu như chưa có bài thơ nào xứng đáng cho hồn thơ của người Cao Lao vốn đã khoe sắc tỏa hương trên khắp mọi miền đất nước. Hầu hết chỉ những bài “na ná như thơ” – Phạm Tiến Duật. Chỉ vần vè, suôn sẻ, nhưng kể lể miên man, nhiều bài thô, vụng. Thậm chí có bài chưa chính xác cả về ngôn từ và cứ liệu.

Ví như:        Mời anh về thăm quê tôi

                   Đây ngầm Hói Hạ một thời liệt oanh

                   Cao Lao tướng sĩ lừng danh

                   Quan văn, quan võ lễ làng thuần phong

                   Quê anh hiếu học, trò thông

                   Quê anh văn hiến bên dòng Linh Giang

                   Quê anh đường rộng thênh thang

                   Ba mươi xóm thẳng, tiếng làng văn chương

                                                (Làng Hạ quê anh – Lê Chiêu Quỳnh)

Và nữa:      

                   Có một thời đất nước sinh ra

                   Con người đức độ tài ba

                   Sống cũng như chết tướng là của dân

          (Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân - Nguyễn Xuân Trường)

 

                   Chẳng dễ gì tìm được chốn trú chân

                   Trường Hạ Trạch là quê hương đất mẹ

                   …

                   Giờ dạy dốc cạn bầu tâm huyết

                   Mặt đỏ bừng máu tim đồn thổn thức

                   Chẳng biết thời gian thấm mệt là gì

                   Học trò tôi bao lớp đã ra trường

                   Những buổi chia tay khóc òa nức nở

                   Các em ơi đừng quên cô nhé.

                                                (Nhớ trường xưa – Trần Thị Liệu)

Thưa các bạn yêu thơ thân mến! Phải trích dẫn những khổ thơ như thế, tôi không hề có ý giễu cợt, chê bai người sáng tác. Bốn chục năm gắn bó với nghiệp văn chương, tôi thấu hiểu văn chương là cái nghề lao tâm, khổ trí. Ngay cả những nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, cả một đời văn của mình may cũng chỉ có vài bài, thậm chí vài câu đặc sắc xứng đáng được gọi là văn chương để sống mãi trong lòng bạn đọc. Nhà văn Tô Hoài đã từng nói: “Văn chương là cái tâm và chữ nghĩa (nghệ thuật). có cái tâm mà không có chữ nghĩa thì có khi là một cái gì khác chứ không phải là văn chương”.

Những sáng tác thơ cả của bà con làng ta cốt để giao lưu, gặp gỡ, để sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Có chăng mong được góp cho đời, cho quê không khí vui tươi, lành mạnh trong một thời buổi đầy những bon chen bất trắc. Thế nhưng với truyền thống của mạch nguồn sông núi ông cha ngàn năm văn hiến, cũng không ít bài thơ hay, xứng đáng: Văn tích hào hùng đồng ái mộ (Văn chương để lại ai ai cũng yêu thích).

Điều đáng chê, đáng trách ở đây là với Ban biên tập. Vội vàng, chủ quan, tắc trách trong việc tuyển chọn, in ấn, tặng, biếu một tập thơ chưa thật xứng đáng với hồn thơ của làng Cao Lao Hạ. Chính việc làm đó đã giảm uy tín của trang báo làng ta, ảnh hưởng đến danh dự uy tín của các thành viên CLB thơ Hương Sắc Cao Lao.

Còn nhớ trong lần trao đổi về câu đối ở bình phong đình làng, anh Tuấn KT65 đã viết “Đáng trách nhất là anh Lưu Đức Hải, cái chi anh cũng giỏi mà sai lầm này thì không thể tha thứ được. Giá như anh đưa vấn đề này lên trang Web để bà con trao đổi trước khi khảm đắp lên bình phong thì làm chi có chuyện như chừ”. Tưởng rằng đó là bài học nhớ đời, không ngờ hôm nay lặp lại.

Giá như các anh không vội vàng, chủ quan, tắc trách thì Mười hai số Hương Sắc Cao Lao và mười năm trang thơ trên Caolaoha.com có hàng chục, hàng trăm bài thơ hay, nói không quá lời chẳng thua kém gì những sáng tác của các nhà thơ chuyên nghiệp. Những bài đó là:

Xuân Bảy mươi – Lê Chiêu Cường.

Tình yêu một dòng sông – Trần Quang Thành.

Những người khảo cổ không cần cuốc xẻng – TLCL.

Cây bồ đề - Linh Giang.

Kẻ ăn mày hiện đại – Cảnh Giang.

Nơi tôi tìm về - Lưu Quang Vinh.

Có một Cao Lao trong lòng Hà Nội – Lưu Văn Lộc.

Trái tim màu xanh – Lưu Trọng Hải.

Vịnh giếng Mây – Lê Quang Qúy.

Việt tặng tuổi sáu mươi – Lê Quang Nhân.

Em sẽ về cùng anh – Lưu Hoa.

Bến nước Rào Nan – Lê Thị Hường.

Tạ lỗi – Nguyễn Thị Hồng Tư…

Còn nhiều, còn nhiều lắm. Ước gì thời gian quay ngược lại để mười một tác giả có hai bài được tuyển nhường chỗ (mỗi người một bài) cho những bài kể trên thì tầm vóc, diện mạo tập thơ cũng chẳng đến nỗi nào. Vì khuôn khổ có hạn của bài báo, xin dẫn, bình một vài bài đặc sắc.

Còn nhớ vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 12 tháng 5 năm 2013, khi tôi đang chuẩn bị cho chuyến về quê, chuông điện thoại đổ dồn. Từ đầu bên kia một giọng nữ miền Nam tôi không hề quen biết: “A lô, xin lỗi, chào anh. Em là bạn của anh Lê Chiêu Cường người làng anh, cùng tham gia CLB thơ ở Đắc Nông. Chúc mừng nhà thơ Lê Chiêu Cường vừa có bài Xuân Bảy mươi đăng trên báo Quân Đội cùng lời bình rất đặc sắc, ai đọc cũng trầm trồ, tấm tắc của một thầy giáo dạy văn là anh”.

Thật bất ngờ, tôi chỉ còn biết lúng túng đáp từ: Cám ơn chị, có lẽ vì yêu mến thơ anh Cường mà tôi được thơm lây đó thôi.

Cũng bài thơ đó, bên bờ biển Nhật Lệ sáng 15 tháng 5 năm 2013 bình minh lên thật đẹp. Du khách từ trong các nhà nghỉ ùa ra bãi biển. Từng đôi nam thanh, nữ tú trong những bộ đồ bơi gọn gàng, những khuôn ngực phập phồng sự sống khoác tay nhau tiến dần ra biển. Bất giác tôi liền đọc:

 

          Bảy mươi xuân tình tôi vẫn đắm say

          Trái ngọt trên cây vẫn mơ màng muốn nghiêng môi níu

          Nhìn trăng sóng soài trên cành liễu

          Vẫn bồi hồi chờ đợi xuân sang.

                                                (Xuân Bảy mươi – Lê Chiêu Cường)

Người khách đoàn bên vỗ đùi: Tuyệt! Tuyệt vời, thơ thế mới là thơ, lãng mạn, trẻ trung, đa tình mà cũng rất mượt mà ý nhị.

Thơ hay của làng Cao Lao đâu chỉ giành riêng cho các bậc nam nhi. Các nữ sĩ Lưu Hoa, Lê Hường, Hồng Tư… vội bỏ cuộc chơi ở làng để theo chồng nơi xa mà lòng vẫn đăm đắm hướng về quê mẹ:

          Tôi sinh ra trên quê hương làng Hạ

          Lấy chồng về bên bến Rào Nan

          Rào Nan ơi bến nước yêu thương

          Ôm ấp tôi từ khi tôi mới đến

          Cứ chiều chiều ra sông đợi bến

          Ngắm dòng trôi tôi lại nhớ quê nhà

                                                (Bến nước Rào Nan – Lê Thị Hường)

          Chớp mắt đã mấy năm rồi

          Ngẫm cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ

          Biết lòng mình vẫn luôn mong nhớ

          Chưa thể về thăm nên cách biệt thêm dài

                                                (Tạ lỗi – Nguyễn Thị Hồng Tư)

Và nữa:

          Em sẽ về cùng anh

          Về với dòng Gianh đong đầy kỉ niệm

          Khẻ hàu, mò cua, vớt rều, bắt cá

          Trên triền đê chiều về lưng trâu thong thả

          Nơi ấy bao lần bươn bả gánh hàng rong

                                                (Em sẽ về cùng anh – Lưu Hoa).

Thơ hay của làng Cao Lao Hạ còn nhiều, nhiều lắm. Nhưng với tôi tâm đắc nhất có lẽ là bài Tình yêu một dòng sông của anh Trần Quang Thành.

Cùng viết về đề tài dòng sông quê hương, nhưng anh không lặp lại những ngôn từ, ý thơ của những cây đa, cây đề trong nền thơ ca dân tộc đã từng phủ bóng: “Sông Cầu nước chảy lơ thơ” (Đỗ Trung Lai), “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh” (Hoàng Cầm), “Quê hương tôi có con sông xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre” (Tế Hanh), “Trời trong veo nước trong veo, em buông mái chèo…” (Tố Hữu), “Vàm Cỏ Đông nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng” (Trương Quang Lục)…

Dòng sông Son trong thơ Trần Quang Thành là con sông cụ thể, của một vùng quê cụ thể. Mới đọc qua một lần, người dân Cao Lao ai cũng nhận ra:

 

          “Em là dòng Son kiều diễm

          Hiền hòa tóc xõa thướt tha

          Sao em cứ bồi hồi đứng đó

          Để anh đợi hoài ở cuối ngã ba.

 

          Cha Trường Sơn dưỡng dục

          Mẹ Phong Nha sinh thành

          Em là kiệt tác của vỉa Catste tạo hóa

          Để muôn đời huyền thoại một dòng sông.

Chỉ tám câu thơ dòng Son hiện lên như một cô gái đẹp. Vẻ đẹp dịu dàng, tha thướt như những cô gái trong tranh tố nữ. Hơn thế dòng Son còn có cả bản lí lịch trích ngang đầy đủ, chính xác chẳng khác chi những cô gái đẹp bước vào cuộc thi hoa hậu. Từ gốc tích họ hàng: Cha Trường sơn, mẹ Phong Nha, đến dung nhan, dáng điệu, tuổi tác, tính tình... Tất, tất thảy được anh dệt nên bởi ngôn ngữ thơ ca hàm xúc, cô đọng, của nhiều biện pháp tu từ.

Từ cách xưng hô ngọt ngào, đằm thắm: Em đợi, anh chờ. Đến nhân hóa cha dưỡng dục, mẹ sinh thành, em xõa tóc thướt tha. Rồi từ láy hiền hòa, dưỡng dục, thướt tha; phóng đại, kiều diễm, kiệt tác muôn đời tạo hóa...

Mà đâu chỉ có ngôn ngữ thơ ca, anh còn vận dụng cả kiến thức và ngôn ngữ của nhiều ngành nghề khoa học khác: Địa chất, khảo cổ, sinh học rất đắc địa: Em là kiệt tác của vỉa Catsite tạo hóa...

Nói tóm lại, tôi không dám nghi ngờ tài thơ của Trần Quang Thành, nhưng có được bài thơ hay như thế, anh không chỉ có kiến thức và ngôn ngữ văn chương mà phải là người có năng khiếu thơ ca trời phú. Đọc thơ anh, không chỉ tôi mà có lẽ đến cả Nguyễn Tuân, bậc thầy văn chương với tùy bút Sông Đà bất hủ sống lại chắc cũng phải gật gù khi biết làng Cao Lao Hạ có một người cựu chiến binh nông dân viết về dòng sông quê hay đến thế.

Chỉ tiếc rằng những bài thơ như vậy lại không được tuyển chọn để có dịp khoe sắc, tỏa hương cho xứng đáng với cái danh: Cao Lao làng lúa làng thơ như đã từng truyền tụng.

Hải Dương, ngày 19 tháng 11 năm 2020

 

 

Lưu Văn Quỳnh

 

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip