Cây lúa trên đồng đất Hạ Trạch

18:42 - 28/08/2020

Ghi chép của anh Nguyễn Chung Quý về cây lúa và nghề trồng lúa ở quê hương Cao Lao Hạ

 

Cây lúa trên đồng đất Hạ Trạch

 

“Quê hương em biết bao tươi đẹp

Đồng lúa xanh núi rừng ngàn cây...”

Về Hạ Trạch trong những ngày này bà con nông dân đang tấp nập bước vào thu hoạch vụ Hè – Thu. Ngắm nhìn cánh đồng lúa trải rộng một màu vàng óng, lòng mừng vui khấp khởi.

Xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, miền quê nằm phía Nam sông Gianh, xưa kia đây là vùng bãi bồi đã được Thành Hoàng làng, các bậc tiền nhân khai canh, khai khẩn lập lên làng, lên xóm. Với diện tích tự nhiên gần 1900ha, người dân đa phần làm nghề nông, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 530 ha, tổng sản lượng lương thực trung bình trên 2500 tấn/năm. Riêng vụ Hè – Thu, diện tích gieo trồng gần 230 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt khoảng 48 tạ/ha, sản lượng thu đạt trên 1.000 tấn.

Do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Năm 2019, nắng nóng ở mức kỷ lục, đồng khô cỏ cháy, vụ Hè – Thu cánh đồng phải bỏ hoang, không thể gieo trồng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của người nông dân. Bước vào vụ Hè - Thu năm 2020, nhờ có nguồn nước của hồ Vực Sanh và hồ Cửa Nghè nên cây lúa phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên từ lúc gieo sạ đến lúc lúa làm đồng hầu như không có mưa, lượng nước của hai hồ chứa cạn kiệt. Bà con nông dân lo lắng, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài thì hàng chục héc ta lúa của các thôn vùng làng sẽ khô cháy, nguy cơ mất mùa, thiếu đói hiển hiện.

Đang trong tâm trạng đứng ngồi không yên thì rất may cơn mưa vàng cuối tháng 7 đã cứu tất cả. Nắng hạn gặp mưa rào, cây cối hồi sinh, lúa đồng cạn, đồng sâu thi nhau trổ đòng và đến nay đang vào giai đoạn thu hoạch, dự kiến năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha. Niềm vui lại đến với bà con nông dân.

Qua thực tế, nhận thấy rằng với sự biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mức độ hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Để hạn chế sự tác động tiêu cực của thời tiết đối với người nông dân, về lâu dài cần phải có những giải pháp căn cơ. Ví dụ, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm những cây, con, giống chịu được hạn, hoặc thu hẹp diện tích trồng lúa 02 vụ, dồn điền đổi thửa. Những nơi không trồng được lúa thì có thể chuyển sang trồng màu, nuôi thủy sản, cá nước ngọt. Bên cạnh đó cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, thống nhất giữa địa phương với cơ quan quản lý thủy nông để điều tiết nước, tránh lãng phí hoặc không kịp thời. Với đội thủy nông của địa phương cần phải hợp đồng chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, quyền lợi đi đôi với trách nhiệm, đồng thời chính quyền cần xử lý nghiêm những trường hợp người dân tự ý đục, tháo mương, lấy nước, không chấp hành theo sự phân bổ, điều tiết của thủy nông.

Hy vọng, với sự ưu đãi của thiên nhiên, sơn thủy hữu tình, hồ Vực Sanh và hồ Cửa Nghè điều tiết, cung cấp nguồn nước và những giải pháp chuẩn xác, kịp thời, cách quản lý chặt chẽ của chính quyền, đồng đất Hạ Trạch sẽ tiếp tục có những mùa vàng bội thu, cuộc sống người dân được nâng cao, quê hương ngày càng đổi thay, giàu đẹp.

 

Tác giả : Nguyễn Chung Quý

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip