Chiếu cói đời người

22:32 - 20/01/2015

Ghi chép mới nhất của anh Đặng Văn Quang về chiệc chiếu cói, vật dụng gắn bó chặt chẽ với đời sống của bà con thôn quê

 

Ai đã sinh ra ở làng quê Việt nam, hẳn không ai là không biết đến chiếu cói. Chiếc chiếu gắn liền với đời sống con người, từ lúc sinh ra đến lúc về với ông bà tiên tổ. Chiếu cói đồng hành cùng cuộc sống con người, đói no, rách lành, sang hèn, với sinh hoạt gia đình, xã hội cũng như tình yêu đôi lứa…

 

 

Không biết chiếu cói có tự bao giờ, chắc là lâu lắm rồi, bởi  cách đây 500 năm, thời Nguyễn Trãi đã có câu chuyện tình của ông với cô bán chiếu đẹp người, đẹp nết, thông minh: Nguyễn Thị Lộ, người sau này trở thành vị hôn thê của ông.

 

Ả ở đâu mà bán chiếu Von

Hỏi chăng chiếu đã hết hay còn

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi

Đã có chồng chưa được mấy con…

 

Và cô bán chiếu trả lời hết sức tình tứ, lãng mạn:

 

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu Gon

Cớ chi ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ

Chồng thời chưa có, có chi con…

 

Thế đó, từ xa xưa chiếu cói đã hiển diện trong đời sống của con người, là một phần xã hội .

 

Trên đất nước ta, không phải  nơi nào cũng làm được chiếu cói, chỉ có những vùng nhất định. Nhưng đâu đâu cũng dùng, chiếu cói được phân phát khắp góc cùng ngõ hẻm, khắp mọi làng quê. Quê tôi cũng vậy, là nơi không làm được chiếu song nó là một phần máu thịt, là một phần ký ức tuổi thơ tôi.

 

  

 

Từ khi biết đến chậu nước ấm, cái lưỡi hái được dùng làm con dao cắt rốn của bà đỡ, là ta biết luôn hơi ấm, mùi thơm của chiếu cói. Những giây phút đầu đời, bên cạnh hơi ấm của mẹ ta là hương thơm của chiếu. Chiếu sản phụ nằm là chiếu trắng không hoa, được dệt từ sợi cói nguyên cây, tròn để róc nước đái con trẻ. Dưới chiếu là nồi than, chỗ con nằm cứ thâm sì lại rồi rách thủng bởi nước đái và than lửa, những khi đó mẹ lại trở mình  “Chốn ướt mẹ nằm, để chốn ráo phần con”.

 

  

 

Lúc biết nằm nôi, trong chiếc nôi tre là mảnh chiếu đậu nho nhỏ, xinh xinh thơm mùi cói tươi và từ đó ta lớn dần lên cùng lời ru của mẹ, lời hát của bà đung đưa theo nhịp bốn tao nôi tha thiết…

 

Quê mình, nhà nào cũng có vài ba chiếc chiếu, thứ thì để nằm, thứ thì để trải ngồi ăn cơm, tiếp khách, chuyện trò, hóng mát.

 

Những ngày đông tháng giá, ra cây rơm rút một vài ôm, rải ra giữa nhà, trải lên đó chiếc chiếu, chiếc trải, chiếc đắp, năm sáu đứa ôm nhau ngủ, mùi rơm, mùi chiếu thoảng thơm đưa ta chìm sâu vào giấc ngủ.

 

Trưa hè, cắp chiếu ra bụi tre làm một “giấc mơ trưa” quá đã. Chiều  theo bò sang đồng  Cồn xã cắp theo chiếc chiếu, cắm mấy cái cọc tre, thoảng trong mùi cỏ, mùi bùn,  nằm ngửa ngó lên, nhìn khoảng trời qua mảnh chiếu rách, mơ mộng…

 

Ngày rằm họp Họ, ngày Tết cúng Đình, những chiếc chiếu hoa mới, sạch sẽ được trải ra, các cụ cung kính, hưng lên, bái xuống. Hết lễ, xôi thịt được dọn ra, mọi người xếp bàng chén chú, chén bác, trang trọng, chuyện trò râm ran, lẫn trong mùi nhang khói là hương thơm của chiếu.

 

  

 

Nhà giàu thì chiếu đậu, chiếu hoa, trải lên sập gụ, giường Tàu sang trọng. Nhà nghèo thì chiếu đơn, chiếu hống, chiếu chẹ trải lên chõng tre, ổ rơm. Rách rồi thì che chuồng trâu, chuồng lợn.

 

Những ngày, khi nước mương Cửa nghè về, nghe tiếng bùm bùm, ngó trộm qua hàng rào, biết cô em xóm bên đang giặt chiếu. Chiếu được trải ra, kéo vào nhịp nhàng trên mặt nước, cùng với đôi tay trần trắng trẻo, cái chổi rành thoăn thoắt quyét qua, quyét lại, rồi cuộn tròn vung lên, nước bắn thành một vòng tròn, lại đập xuống… bùm, bùm, dưới ánh mặt trời, trong cái khung hình đó là bóng dáng em thật đẹp …loáng cái, em ngúng nguẩy đung đưa đôi chiếu trên chiếc đòn gánh, khuất dần sau lũy tre, ngẩn ngơ…

 

Chiếu cói được hiển diện trong tình yêu, chuyển tải lời tỏ tình mong muốn gửi gắm tình cảm lứa đôi.

 

“…Giúp em đôi chiếu em nằm

Đôi chăm em đắp, đôi tằm em đeo…”

 

Hay như:

 

Dù cho nệm ấm chăn bông

Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao…

 

Chiếu được xem như là món quà, là phẩm vật đánh giá sự sang hèn của lễ cưới, lễ hỏi. Câu ca: Khi nào chiếu lót kín đàng, vàng lót kín ngõ thì nàng về anh…

 

Hoặc:  Chiếu hoa giàn mặt giải đàng

Giải hết các ngõ, nhà nàng đến nhà anh.

 

Con cái lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng, dẫu nghèo đến mấy cũng  sắm cho được đôi chiếu mới. Một mục tiêu hết sức giản dị nhưng không thể thiếu trong đời sống hôn nhân khắp mọi làng quê.

 

Đưa dâu về lại chọn người trải chiếu, người trải chiếu phảỉ là người có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, vui vẻ xởi lởi được mọi người yêu mến, những ước mong sớm có cháu bồng, cháu bế, sớm sinh quý tử để nối dõi tổ tông. Đêm tân hôn, cùng với hương vị ngọt ngào của tình yêu chen lẫn mùi thơm thơm của chiếu, dẫu đầu bạc răng long, ai nào có thể quên?

 

Rồi… khi giã từ cõi tạm, về với tổ tiên, phút lưu luyến với cõi trần, cũng nằm trên chiếu. Chiếu đồng hành cùng con người từ buổi đầu, đến giây phút cuối, vui buồn, sướng khổ, chở che cho mọi kiếp người…

 

Kinh tế phát triển, cùng với chiếu cói, có chiếu nhựa, chiếu tre, chiếu trúc nhập khẩu từ Trung quốc, Thái lan hay Asean. Nhưng vẫn không gì bằng chiếu cói quê hương. Chiếu nhựa vừa nóng vừa bẩn, trẻ đái thì không thoát nước, dùng lâu cứ mủn ra, bụi bay khắp nhà, lâu không giặt cũng chẳng thấy bẩn. Chiếu tre chiếu trúc thì nặng nề, nằm thấy ghê ghê bởi nó được tẩm hóa chất chống mốc, mùa đông thì lạnh, giặt giũ thì khó khăn…

 

Đời sống đi lên, con người lại tìm về với môi trường sinh thái, cho dẫu bây giờ có đệm Mỹ, đệm Hàn quốc, điều hòa mát lạnh, nhưng chiếu cói vẫn hiển diện trong cuộc sống, sinh hoạt của mỗi gia đình từ nông thôn đến thị thành.

 

Vậy đó, chất quê vẫn vây bọc, trường tồn với đời sống ngàn đời của người dân quê Việt, là một phần của ký ức không thể nào quên. Tôi cứ tin rằng, dẫu cho xã hội phát triển đến độ nào, thì chiếu cói cũng sẽ không bao giờ biến mất, bởi nó là linh hồn, là bản sắc văn hóa của làng quê.

 

Tháng 01/ 2015

Tác giả : Đặng Văn Quang

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip