Chủ đất và thiết chế xã hội của người Ma Coong

01:05 - 08/04/2014

Giới thiệu bài viết của Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Trung, đăng trên tạp chí Dân tộc học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 4 năm 2013. Bài được Hội đồng Khoa học Viện Dân tộc học bình chọn là bài viết tốt nhất năm 2013

 

Lời Ban biên tập: Thạc sỹ Nguyễn Văn Trung, người Cao Lao Hạ, hiện là giảng viên tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội. Anh sẽ bảo vệ luận án Tiến sỹ với tên Đề tài “Chủ đất trong cộng đồng người Ma Coong ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình” thuộc chuyên ngành Nhân học văn hóa vào ngày 15/4/2014 tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội. Ban biên tập caolaoha.com xin được chia vui cùng với Anh và chúc Anh bảo vệ thành công luận án.

 

Nhân dịp này, xin được giới thiệu một bài viết của Anh đã đăng trên tạp chí Dân tộc học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 4 năm 2013. Bài viết được Hội đồng Khoa học Viện Dân tộc học bình chọn là bài viết tốt nhất năm 2013 với số tổng số điểm đánh giá cao nhất.

 

T/M Ban biện tập

 

TS. Lưu Đức Hải

 

Chủ đất và thiết chế xã hội của người Ma Coong

 

Người Ma Coong cùng người Trì, Khùa là những nhóm địa phương của dân tộc Bru - Vân Kiều (Viện Dân tộc học, 1978, tr. 127). Do đó, giữa họ có những nét tương đồng về phong tục tập quán, ngôn ngữ, đặc điểm cư trú... Trong các nhóm người này đều có những mối quan hệ văn hóa - lịch sử rất gần gũi với nhau.

 

Ở Việt Nam, người Ma Coong cư trú chủ yếu tại 19bản làng1 nằm rải rác dọc biên giới Việt - Lào,hiện có khoảng 400 hộ với 1.950 người, thuộc hai xã Thượng Trạch và Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (Cục Thống kê Quảng Bình, 2009, tr. 4). Địa bàn cư trú của người Ma Coong bị chia cắt, heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn. Đời sống của đồng bào cho đến nay còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu dựa vào nương rẫy, săn bắt, hái lượm… kinh tế tự cung tự cấp vẫn là cơ bản.

 

Có thể nói, đã có nhiều bài viết, ấn phẩm của nhiều tác giả nước ngoài (Anonyme, 1906; 1921; Cadière, L. và H. Cosserat, 1929; Harmand, 1879; Piat, 1962; Bchroch và cộng sự, 1966; Miller, 1972…) cũng như trong nước (Vương Hoàng Tuyên, 1963; Mạc Đường, 1963; Phan Hữu Dật, 1964; Ngô Đức Thịnh, 1975; Nguyễn Văn Tiệp, 1979; Viện Dân tộc học, 1978; Hồ Xuân Linh, 1997; Lê Phạm Minh Quý, 1998; Lý Tùng Hiếu, 1997; Vũ Đình Lợi, 1996; Nguyễn Tất Thắng, 1990; Phạm Quang Hoan và Đoàn Đình Thi, 1991…) đề cập đến người Bru - Vân Kiều dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, người Ma Coong - một trong những nhóm địa phương của dân tộc Bru - Vân Kiều lại ít được nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân có thể do nhóm người này sinh sống ở khu vực quá hẻo lánh, tương đối biệt lập nên ít người biết đến. Điều đó cho thấy vẫn còn khuyết những khoảng trống nghiên cứu về nhóm người Ma Coong nói chung và ông chủ đất trong cộng đồng này nói riêng.

 

1.      Vài nét về chủ đất người Ma Coong

 

Đề cập đến “chủ đất” trong một số tộc người ở Việt Nam, trong đó có người Ma Coong, có nhiều khái niệm khác nhau: “Chủ đất là người đầu tiên phát hiện ra vùng đất mới và cũng là người có công sáng lập ra làng. Ông ta là người thay mặt cộng đồng quản lý đất đai và gìn giữ luật tục” (Vũ Lợi, 1987, tr. 54); “Chủ đất là người chủ xứ, vốn là con cháu của người cắm đất đầu tiên của xứ, được kế truyền thế tập theo lối anh truyền cho em, chú truyền lại cho con trưởng của anh cả, nếu không có cháu trưởng thì người chú mới truyền lại cho con trai mình” (Tạ Long - Ngô Thị Chính, 2004, tr. 29)… Đối với người Ma Coong ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong cuộc sống thường nhật, ông chủ đất được người Ma Coong gọi với nhiều cái tên như: a châu cu téc (chủ đất),a châu kruông (chủ xứ), a chuôi toong gieng (ông cúng trời), a chuôi gieng (ông trời),pake (già làng)... Trong a châu cu téc haya châu kruông, từ a châu theo tiếng Ma Coong có nghĩa là chủ sở hữu. Vì thế, thuật ngữ này đi kèm với đất (cu téc),vùng(kruông)hay trời(Giàng)... thì vùng trời, đất đó đã có chủ, tức đã có sự quản lý. Điều này cho thấy, ngoài chức năng sở hữu, quản lý một diện tích hay một vùng đất nào nó, thì chủ đất còn có những chức năng khác tương ứng với những tên gọi khác.

           

Mặc dù có nhiều chức năng như vậy, nhưng chủ đất người Ma Coong không có nhiều đặc quyền, đặc lợi như chủ đất của một số cộng đồng khác mà một số tác giả đã đề cập (Viện Dân tộc học,1978, tr. 131; Tạ Long - Ngô Thị Chính, 2004, tr. 31…). Chủ đất người Ma Coong cũng phải lao động, làm nương rẫy… như những người dân bình thường, nhưng sự khác biệt nổi bật lên so với những người khác là sự tôn trọng, quý mến của cộng đồng dành cho ông. Tuy nhiên, chỉ điều này thôi cũng khiến họ cảm thấy rất vinh dự, tự hào và trách nhiệm hơn. Do đó, họ cũng phải cố gắng rất nhiều, biết hy sinh… để tạo và giữ uy tín, quyền uy với cộng đồng.

           

Bên cạnh đó, trong khi hình ảnh chủ đất trong các nhóm địa phương Bru - Vân Kiều và một số tộc người lân cận khác rất mờ nhạt, thậm chí không tồn tại mà chỉ còn là các câu chuyện kể, thì chủ đất người Ma Coong ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lại đang có vai trò và ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng Ma Coong nơi đây. Điều này được thể hiện thông qua việc chủ đất tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hiệu ứng khác có liên quan; sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương với ông chủ đất trong việc giải quyết một số vụ việc… Bên cạnh đó, cho đến nay, dòng họ chủ đất người Ma Coong vẫn đang duy trì các lễ nghi có liên quan đến cách thức nối truyền chủ đất rất nghiêm ngặt. Rõ ràng, bên cạnh thể hiện sự tồn tại và tính liên tục…, điều này còn cho thấy tình cảm của cộng đồng cũng như niềm tin của họ đối với chủ đất; thấy được uy quyền cũng như vị trí, vai trò của chủ đất trong thiết chế xã hội truyền thống và hiện tại của người Ma Coong. Đây chính là nền tảng để góp phần duy trì sự ổn định xã hội ở cộng đồng này.

 

 2.  Chủ đất trong thiết chế xã hội truyền thống

           

Theo từ điển nhân học,tổ chức xã hội và nghiên cứu về tổ chức xã hội là nghiên cứu các khế ước kết nối cá thể lại với nhau thành nhóm xã hội. Trong các xã hội đơn giản, các kết nối này bao gồm hậu duệ, tình dục, tuổi tác, tôn giáo, trao đổi kinh tế và liên kết hôn nhân; trong các xã hội có phân tầng, các mối liên kết ấy liên quan đến nghề nghiệp, nhóm tộc người, chủng tộc và giai cấp (Từ điển nhân học, 1977, tr. 716). Như vậy, thực chất của việc nghiên cứu tổ chức xã hội là nghiên cứu các mối quan hệ trong cộng đồng, quốc gia nào đó, bên cạnh sự tương tác qua lại được thể hiện trong các hoạt động của các nhóm, các thành viên...

 

Cũng như nhiều tộc người khác, “bản” là đơn vị cư trú tập trung của người Ma Coong. Trong mỗi bản (vil) thường có một già làng, nhưng cũng không ít bản có đến hai già làng. Già làng trong các bản là những người được dân bản bầu ra, có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý, hòa giải, có nhiều kiến thức dân gian và là chỗ dựa tinh thần cho thôn bản. Trong mỗi bản người Ma Coong thường có nhiều dòng họ cùng cư trú; trong đó, có một dòng họ lớn nhất (dòng họ gốc, có uy tín trong bản); người đứng đầu dòng họ lớn đó được gọi là trưởng tộc/trưởng họ (xuất noi). Ông trưởng tộc rất có uy tín, có trách nhiệm vận động bà con trong thôn bản giúp đỡ nhau trong công việc cưới xin, ma chay, làm nhà... Bên cạnh trưởng tộc, thày cúng cũng có vai trò quan trọng trong các bản người Ma Coong. Các công việc liên quan đến tâm linh như tìm hướng dựng nhà, xua đuổi tà ma, chữa bệnh... do thày cúng thực hiện. Như vậy, trong mỗi bản người Ma Coong trước đây và hiện nay, già làng, trưởng tộc, thày cúng được xem như một hội đồng có tiếng nói quan trọng, đứng ra tổ chức, giải quyết các vấn đề, các mối quan hệ trong bản, bao gồm hòa giải, tổ chức sản xuất, ma chay, cưới xin, làm nhà cũng như quản lý và định hướng cho sự phát triển của bản. Bên cạnh đó, hội đồng này còn thay mặt dân bản để tiếp nhận các thông tin, thông báo từ chủ đất và dòng họ chủ đất.

 

Trên mỗi bản (vil) của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch lại có xứ/vùng (kruông). Theo quan niệm của đồng bào, tuy số lượng bản tăng lên theo thời gian nhưng vẫn trong một xứ/vùng. Điều này cho thấy, tất cả các bản người Ma Coong đều thuộc về một kruông. Chủ xứ chính làchủ đất (a châu kruông), còn các trưởng chi, trưởng nhánh và những người lớn tuổi trong dòng họ chủ đất được coi là hội đồng của dòng họ, hay nói cách khác chính là hội đồng của xứ. Hội đồng này có quyền thay đổi chức chủ đất cho người khác trong dòng họ, nếu chủ đất không hoàn thành chức trách của mình, mất uy tín với cộng đồng, hay vì một lý do nào khác. Như vậy, tổ chức - bộ máy lãnh đạo “xứ” chính là dòng họ chủ đất (noi senl kruông); trước kia, khi chưa có bộ máy chính quyền nhà nước hoạt động thì “xứ” (kruông) là tổ chức cao nhất ở đây. Điều đó cho thấy, chủ đất là người thủ lĩnh tối cao, người lãnh đạo chung của cả cộng đồng Ma Coong nơi đây. Rõ ràng, trong thiết chế xã hội truyền thống của người Ma Coong, chỉ riêng chủ đất đã hình thành nhiều mối quan hệ giữa: chủ đất và dòng họ chủ đất, chủ đất với các dòng họ khác, chủ đất với các bản, chủ đất với các thành viên khác trong cộng đồng, chủ đất với các tộc người lân cận và với đồng tộc bên kia biên giới...

 

Bàn về các mối quan hệ xã hội của một số tộc người cùng cư trú trên dãy Trường Sơn, “thiết chế xã hội là những phương thức hoạt động, hình thành từ những mối quan hệ tương hỗ trong xã hội qua quá trình sản xuất và các hoạt động sinh tồn khác của một cộng đồng...” (Nguyễn Xuân Hồng, trích trong: Nguyễn Văn Mạnh, 2001, tr. 338). Do đó, việc duy trì tốt các mối quan hệ nói trên cũng chính là cơ sở để đảm bảo sự vận hành của bộ máy được coi là “tự quản” này. Rõ ràng, “xứ” (kruông) của người Ma Coong dưới sự quản lý của chủ đất phải có các quy định, quy ước quản lý cũng như kết nối các mối quan hệ, nhằm tạo sự thống nhất để duy trì sự ổn định cộng đồng.

 

Luật tục của người Ma Coong quy định những sự việc liên quan trong phạm vi của bản thì nội bộ bản đó tự xử lý. Song, điều này không có nghĩa mỗi bản (vil) có những quy định, quy ước hoàn toàn riêng. Về cơ bản, luật tục của người Ma Coong được áp dụng và thống nhất cho cả cộng đồng Ma Coong ở các bản, còn vil chỉ là đơn vị tự quản, điều hành và quản lý trên cơ sở luật tục, giám sát và thực thi các quy định đó bởi một hội đồng của bản, bao gồm già làng, tộc trưởng, thày cúng... Theo quy định, những sự việc quan trọng, vượt quá khả năng tự giải quyết của bản như tranh chấp địa giới làm ăn giữa bản này với bản kia, mâu thuẫn giữa các dòng họ, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, các sự việc liên quan đến mối quan hệ đồng tộc hai bên biên giới... người dân phải báo cáo với chủ đất để được chủ đất hỗ trợ và phân định. Bên cạnh đó, trong mỗi bản đều có một hoặc hai già làng, nhưng theo người Ma Coong, già làng của bản chỉ có ý nghĩa trong phạm vi của mỗi bản. Còn chủ đất cũng chính là già làng (pake), nhưng là già làng của cả “xứ” chứ không phải là già làng chỉ của một bản. 

 

Như vậy, trong thiết chế xã hội truyền thống của người Ma Coong đã có sự phân cấp, phân quyền để quản lý cũng như xử lý các công việc thông qua các quy ước, tập tục để hướng cộng đồng người dân tôn trọng và thực hiện chúng. Trong đó, chủ đất có vai trò quan trọng đối với việc thiết lập và kết nối các mối quan hệ mang tính “xương sống” trong tổ chức xã hội, bên cạnh việc tạo ra vai trò của cá nhân và hội đồng để duy trì sự cân bằng trong một thiết chế. Đây chính là cái gốc, nền móng để quản lý và duy trì sự ổn định và phát triển xã hội của cộng đồng người Ma Coong ở huyện Bố Trạch. Rõ ràng, như Malinowski nhận định, chức năng của một tập tục là sự đóng góp của nó vào đời sống liên tục của “cơ thể xã hội”. Nền tảng cơ bản của việc phân tích xã hội theo quan niệm chức năng đề cập đến địa vịvai trò, một người giữ một địa vị khi họ được giao cho quyền hoặc nhiệm vụ ứng xử và được đối xử theo một cách nào đó trong giao tiếp xã hội. Khi họ hành động như được mong đợi theo vị trí đó, họ thực hiện vai trò có liên quan (Malinowski, trích trong: Phan Ngọc Chiến, 2007, tr. 70-74)  

 

Ở một khía cạnh khác, chủ đất còn được người Ma Coong gọi là a chuôi toong gieng, nghĩa là ông cúng trời (cúng Giàng), tức chủ đất còn được cộng đồng Ma Coong xem như một thày cúng. Thực tế cho thấy, chủ đất và những người hành nghề thày cúng khác ở các bản đều là chủ lễ trong một số hoạt động tín ngưỡng; họ được coi là những người có khả năng giao tiếp, thông quan với các thần linh. Tuy nhiên, giữa họ có những sự khác biệt về thần bảo trợ, cách truyền nghề, mục đích, quyền lợi cũng như số lượng đối tượng được hưởng lợi, được thờ cúng. Với thày cúng trong các bản (a chuôi mo), đối tượng cúng tế chủ yếu là các loại ma dữ (dèng cùm) như ma của người chết ngoài đường, ma rừng..., kể cả ma mót, tức là ông bà, tổ tiên. Các thày cúng này chủ yếu cúng tế trong các dịp như điều trị đau ốm, xua đuổi tà ma, tang ma... Theo quy định của người Ma Coong, các thày cúng này không được phép làm chủ lễ cúng trong các dịp sinh hoạt tín ngưỡng mang tính cộng đồng như lễ hội, lễ hiến tế động vật... trong khi chỉ có chủ đất mới được phép tổ chức thực hiện các nghi lễ này. Khác với các thày cúng khác trong cộng đồng, như đã trình bày ở trên, đối tượng cúng tế của chủ đất là các thần Giàng, còn những người hưởng lợi và tham gia là cả cộng đồng Ma Coong. Theo quan niệm của người Ma Coong, Giàng là thần chỉ huy, cai quản tất cả các lực lượng siêu nhiên khác; do vậy, hoạt động tín ngưỡng ở người Ma Coong cũng có sự phân cấp. Trong đó, quyền uy cao nhất thuộc về chủ đất, nhằm hướng cho các hoạt động tín ngưỡng do chủ đất tổ chức được tôn trọng và có ý nghĩa hơn đối với việc củng cố niềm tin, ổn định tư tưởng người dân, đảm bảo đoàn kết cộng đồng, duy trì sự ổn định xã hội.  

 

3. Chủ đất trong việc góp phần duy trì ổn định xã hội hiện nay

 

3.1.Vai trò chủ đất trong việc thiết lập làng và đề ra các luật tục  

 

Luật tục của người Bru - Vân Kiều quy định: chủ làng hoặc già làng là người duy nhất có quyền quyết định việc dời làng hay chọn đất lập làng (Nguyễn Văn Mạnh, 2001, tr. 212). Nếu xem xét nội dung các câu chuyện, truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian liên quan đến những cuộc di chuyển cư đến vùng đất hiện nay mà người Ma Coong đang tụ cư, luôn thấy có những hình ảnh cũng như dấu ấn của pa tức liêu păn (người cầm đầu/người đi đầu). Mặc dù cái tên pa tức liêu păn không được nhắc đến trong đời sống thường ngày của họ, nhưng theo những người Ma Coong lớn tuổi thì đó chính là a châu kruông (chủ đất/chủ xứ), mà hiện nay họ vẫn thường gọi. Bên cạnh đó, trong một số câu chuyện như pa tức liêu păn ưrace (người cầm đầu và cây gậy), chi rọa cơ lọ (con rắn đào mương hay đào rãnh khe)... luôn có hình ảnh của “người cầm đầu” gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất cũng như tên gọi của vùng đất này của người Ma Coong. Điều đó cho thấy, chủ đất/chủ xứ của người Ma Coong có vai trò quan trọng trong việc di chuyển, đi tìm vùng đất mới để dựng làng. Tuy nhiên, để làm rõ vấn đề này, cần có thêm những cứ liệu khoa học khác.

 

Như đã đề cập, theo các già làng và những người lớn tuổi trong dòng họ chủ đất, trước kia, người Ma Coong ở huyện Bố Trạch chủ yếu tập trung tại khu vực Cà Roòng (nay là bản Cà Roòng). Về sau, do dân số tăng lên nên số lượng bản và dòng họ được tách ra nhiều hơn. Theo luật tục của người Ma Coong, số lượng bản (vil) tuy mở rộng thêm nhưng vẫn nằm trong một vùng/một xứ mà dòng họ chủ đất đã có công tìm ra; do đó, chúng vẫn thuộc sự quản lý của dòng họ chủ đất. Vì vậy, khi một nhóm hộ gia đình hay dòng họ muốn lập thêm bản mới vẫn phải được sự đồng thuận của chủ đất. Bên cạnh đó, luật tục còn quy định: chỉ chủ đất là người duy nhất chịu trách nhiệm tổ chức lễ cúng, báo cáo với Giàng về việc lập thêm bản mới với sự chứng kiến của các già làng và dân bản. Lễ vật cúng tế sẽ do các thành viên trong bản đóng góp. Sau lễ cúng xin phép thần Giàng, mỗi dòng họ và mỗi gia đình được phép tìm cho mình một ví trí xây dựng nhà cửa nằm trong phạm vi thổ cư của bản mới thành lập. Tuy nhiên, việc chọn vị trí để dựng nhà phải tham khảo ý kiến của các thành viên cũng như già làng và chủ đất để tránh những tranh chấp hay vi phạm vào các vùng đất cấm và điều kiêng kỵ làm ảnh hưởng đến thần linh. Bên cạnh đó, chủ đất là người có trách nhiệm chỉ ra cho dân bản biết ranh giới đất đai của bản mình, khu vực rừng thiêng, rừng ma, rừng sản xuất, phạm vi sông suối, và những vùng sở hữu chung mang ý nghĩa tín ngưỡng. Tùy theo địa hình, địa thế mà ranh giới có thể được quy định từ ngọn núi, rạch khe hay tảng đá lớn. Luật tục cũng có những quy định khác nữa, chẳng hạn như: mỗi bản phải chịu trách nhiệm từng cung đường của mình, từ vị trí này đến vị trí kia (thường chia đôi cung đường từ bản này đến bản khác); hàng năm dân bản phải tổ chức phát quang cây cối và dọn dẹp đường sá; vào đầu năm các thành viên trong bản phải có trách nhiệm đóng góp lễ vật để tổ chức cúng tế làng bản, cùng có trách nhiệm với các công việc chung của bản...

 

Cho đến nay, mặc dù đất đai về cơ bản đã thuộc sự quản lý của Nhà nước bên cạnh sự vận hành của bộ máy chính quyền địa phương, nhưng một số quy định mang tính luật tục, nhất là các yếu tố tâm linh nói trên, vẫn được người dân tôn trọng và duy trì. Trong đó, chủ đất có vai trò rất quan trọng trong việc vận động đồng bào sống định canh, định cư mà trong các báo cáo của UBND huyện Bố Trạch đã đề cập (Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bố Trạch, 1995, tr. 26). Vì thế, ngoài công lao tìm ra vùng đất, chủ đất còn có vai trò thiết lập làng/bản, và đảm bảo việc ổn định cuộc sống của cộng đồng. Bên cạnh tầm quan trọng của việc tìm ra và quyết định lựa chọn vùng đất cư trú cho dân bản, nghiên cứu tại huyện Bố Trạch cũng cho thấy, chủ đất còn có quyền đề ra các quy định, quy ước của làng bản. Tuy nhiên, để đánh giá khách quan và có cơ sở khoa học về vấn đề này, cần phải có những thông tin đa chiều, những nghiên cứu chuyên sâu và quy mô hơn nữa.

    

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, luật tục được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử, thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội, và được định hình tương đối dưới nhiều hình thức, như dưới dạng lời nói vần truyền miệng, dưới dạng văn bản hóa hay những quy ước thực hành xã hội... (Nguyễn Văn Mạnh, 2001, tr. 7). Giá trị của luật tục là quản lý buôn làng, sóc, bản của mình là chính; khi xảy ra vi phạm luật tục, dù lớn hay nhỏ, người đứng ra xét xử chính là “Già làng” (Gabor Vargyas, 1998), tr. 13).

 

Nghiên cứu cho thấy, luật tục của người Ma Coong hiện nay đã bị ảnh hưởng bởi thiết chế xã hội hiện thời và nhiều tập tục không còn tồn tại bởi không phù hợp với xã hội đương đại nữa. Điều đó cũng dể hiểu khi sự can thiệp, quản lý của Nhà nước đã thay thế xã hội “tự quản” trước đây cũng như bối cảnh ngày càng tăng cường giao lưu, hội nhập và nhiều tác động khách quan khác mang lại… Tuy vậy, nhiều quy định, quy ước từ bao đời nay vẫn được duy trì và có giá trị trong đời sống hiện tại. Đặc biệt là các tập tục do chủ đất thiết lập và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện hiện nay: luật tục liên quan đến các hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng mang tính cộng đồng, do chủ đất và dòng họ chủ đất tổ chức hàng năm, như lễ hội đập trống, lễ hiến tế động vật (lễ tế trâu), lễ cúng làng/bản. Các nghi lễ này được chủ đất trực tiếp thể hiện từ các khâu chuẩn bị, họp bàn, thông báo mức đóng góp, tiếp khách, thay đổi thời gian, địa điểm, quá trình thực hành nghi lễ...

 

Tất cả các công việc cơ bản có liên quan đến các sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng hiện nay ở người Ma Coong đều do dòng họ chủ đất chủ động và quyết định, dưới sự điều hành của chủ đất. Chính quyền địa phương không can thiệp sâu vào vấn đề này, có chăng chỉ hỗ trợ công tác an ninh và một số các phương tiện kỹ thuật như ánh sáng, loa đài... Bên cạnh đó, hiện nay người Ma Coong vẫn còn thực hiện nghiêm các quy định khác như: cấm đánh bắt cá ở những khúc suối cấm để cúng Giàng trong đêm lễ hội; cấm khai thác, săn bắt ở rừng thiêng chỉ dành cho các công việc liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng; nghiêm cấm say rượu và đánh nhau trong các hoạt động lễ hội; cấm các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường và không gian thiêng nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng đó như đào đất, lấy đá, vứt rác, chăn thả gia súc... Nếu ai không chấp hành các quy định này, tùy theo mức độ vi phạm, người đó có thể bị chủ đất, già làng hoặc trưởng dòng họ nhắc nhở hoặc phạt bằng hiện vật như lợn, gà, rượu... để cúng Giàng. Chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các quy định trên thường là già làng, trưởng các dòng họ trong mỗi bản và đôi khi có cả thày cúng. Trong trường hợp sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát của bản (không giải quyết được, số lượng người vi phạm nhiều..) thì chủ đất đứng ra giải quyết, bằng cách trực tiếp tìm hiểu, tham khảo các già làng và những người lớn tuổi, rồi đưa ra kết luận cuối cùng. Trong trường hợp này, mọi người phải tuân theo quyết định của chủ đất.

 

Có thể nói, luật tục của người Ma Coong là một kho tàng tri thức địa phương, được hình thành qua quá trình lịch sử của họ, bao hàm nhiều điều khuyên răn, ngăn ngừa các điều ác, có tính giáo dục, hướng cho con người có ý thức về cộng đồng... Bên cạnh đó, luật tục được coi như một hình thức kiểm soát có tổ chức, hướng dẫn, điều chỉnh các hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Đồng thời, thể hiện thói quen, cách ứng xử hài hòa giữa con người với môi trường tự nhiên cũng như thể hiện trình độ phát triển của tộc người đó. Qua những thông tin cũng như những phân tích, diễn giải trên, rõ ràng chủ đất của người Ma Coong có vai trò rất lớn trong việc góp phần hình thành nên luật tục của họ, và đây chính là nền tảng để ổn định và phát triển mỗi làng bản người Ma Coong trước đây và hiện nay. 

 

3.2. Chủ đất với việc duy trì sự ổn định và phát triển cộng đồng

 

Sau khi có Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ và những nghị định bổ sung về quy định hưởng phụ cấp đối với cán bộ xã, phường và một số cán bộ công tác chuyên trách khác, vai trò của trưởng thôn, trưởng bản trong các cộng đồng dân cư nói chung được chú ý hơn. Đối với người Ma Coong cũng vậy, sau mốc thời gian này, trong mỗi bản có thêm chức trưởng bản và phó trưởng bản, được dân bản bầu ra và được hưởng chế độ từ nguồn ngân sách nhà nước. Trưởng bản và phó trưởng bản có vai trò đáng kể trong các công việc liên quan đến hành chính/chính quyền, là cầu nối giữa bản với chính quyền, về các vấn đề an ninh cũng như xử lý các vụ việc liên quan khác...

 

Nghiên cứu tại thực địa cho thấy, trưởng bản và phó trưởng bản, bên cạnh hệ thống chính quyền địa phương, về cơ bản, đã phát huy được nhiều mặt tích cực. Điều này được thể hiện ở việc tiếp nhận và phản hồi kịp thời các thông tin, chủ trương chính sách từ chính quyền địa phương đến bản và ngược lại; công tác quản lý nhân hộ khẩu, tiếp nhận và phân chia các hỗ trợ kinh tế của Nhà nước cho người dân được tốt hơn; một số vấn đề liên quan đến thủ tục, hành chính của người dân được cải thiện; các vấn đề, vụ việc liên quan đến an ninh được trưởng bản, phó trưởng bản can thiệp kịp thời... Tuy nhiên, theo một số cán bộ địa phương cũng như chính những người trưởng bản và phó trưởng bản, nhiều vấn đề, vụ việc vẫn đang phải dựa vào hệ thống các già làng, trưởng họ và khi cần thiết phải cầu cứu sự giúp đỡ, hỗ trợ của ông chủ đất, nhất là các công việc vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên; các hoạt động về giữ gìn vệ sinh, môi trường trong cộng đồng; lao động công ích, xây dựng và phát quang đường sá đi lại giữa các bản; vận động con em đến trường... Theo một số cán bộ đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn cũng như các cán bộ địa phương, những sự việc như mâu thuẫn giữa các gia đình hoặc dòng họ, giữa các bản; tranh chấp nương rẫy hay một số vấn đề khác đều rất nhạy cảm đối với đồng bào; do vậy, để xử lý và giải quyết triệt để các vấn đề này, cần có sự phối hợp, vào cuộc của các già làng, trưởng họ, nhất là chủ đất. Với uy tín của mình, họ đã phân tích, hòa giải, kết hợp các quy định của chính quyền và các yếu tố mang tính luật tục, tín ngưỡng để đưa ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Theo phong tục của người Ma Coong, sau khi giải quyết xong sự việc, các bên thường ngồi lại với nhau bên ché rượu cần để cùng vui vẻ, giải tỏa những xích mích và mâu thuẫn giữa họ dưới sự chủ trì và kết nối của già làng hay chủ đất.

 

Rõ ràng, mặc dù có thêm trưởng bản, phó trưởng bản trong hệ thống quản lý xã hội ở cấp thôn bản, nhưng cho đến nay, trong mỗi bản vẫn duy trì chức già làng, trưởng họ và đồng bào Ma Coong vẫn còn tin tưởng rất nhiều vào chủ “xứ”. Thực tế cho thấy, hiện nay, “tổ chức xứ”, đứng đầu là chủ đất, vẫn đang chủ động điều hành, duy trì, tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng mang tính cộng đồng, kèm theo đó là các quy định, quy ước mà trên đã đề cập. Đặc biệt, về cơ bản, cộng đồng vẫn đang thực hiện nghiêm túc các quy định, quy ước của chính cộng đồng. Điều này cũng có nghĩa rằng ở vùng người Ma Coong hiện nay, bên cạnh chính quyền địa phương với bộ máy điều hành bằng cơ chế nhà nước, vẫn đang tồn tại song song các mối quan hệ, ứng xử mang tính tập tục. Những tập tục này, theo chúng tôi, về cơ bản, không mâu thuẫn với những quy định có tính pháp luật, mà còn có giá trị bổ sung, hỗ trợ khi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong cuộc sống của người dân Ma Coong. Đồng thời, chúng tạo ra mối quan hệ dân chủ, gần gũi, gắn bó giữa chính quyền với người dân, củng cố sự cố kết các dòng họ và cộng đồng Ma Coong để phát triển. Bên cạnh đó, chúng còn có tầm quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức về môi trường, hài hòa với thiên nhiên của người dân địa phương. Đây cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của cộng đồng người Ma Coong. Có thể nói, chủ đất, các già làng... cho đến nay vẫn có vai trò quan trọng trong việc góp phần ổn định và phát triển xã hội của người Ma Coong trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

  

3.3. Chủ đất với việc duy trì và tăng cường tình đoàn kết truyền thống của cư dân hai bên biên giới Việt - Lào

 

Theo thông tin từ cán bộ ở Phòng Công tác “ngoại biên” của Đồn biên phòng 593, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn - Lào, nơi có nhiều người Ma Coong sinh sống, đồng thời cũng nơi tiếp giáp với huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Người Ma Coong ở Bua La Pha chủ yếu tập trung ở ba xã là: Khun Xê, Chi Rẹt và Noòng Ma; trong đó, xã Noòng Ma ở sát đường biên giới, nên đồng bào hai bên hay qua lại với nhau.

 

Theo ông Khăm Bun, xã Đội trưởng của xã Noòng Ma thuộc Lào, xã Noòng Ma có gần 700 hộ, khoảng hơn 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là người Ma Coong, được chia thành ba khệt (khu vực), mỗi khệt có 6 đến 8 bản, và mỗi khệt thường có một chủ đất, nhưng cũng có khệt gồm hai chủ đất. Cũng theo ông Khăm Bun, chủ đất của người Ma Coong ở Lào có nhiều nét tương đồng với chủ đất người Ma Coong ở Việt Nam: cách nối truyền; chịu trách nhiệm tổ chức, chủ lễ trong các nghi lễ cúng xứ; duy trì luật tục... Tuy nhiên, về quyền lợi, chủ đất của người Ma Coong ở Lào có nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn so với chủ đất người Ma Coong ở Việt Nam. Hàng năm, ngoài việc người dân phải nộp thuế đất cho xã (tà xeng), họ còn phải nộp thuế cho chủ đất; hay có công ty, tổ chức nào đó khai thác gỗ, thì chủ đất phải được một khoản phí, tùy theo mức độ và quy mô khai thác. Bởi vậy, chủ đất người Ma Coong ở Lào (như ông chủ đất Bun Khăm ở Khệt 1, ông Ai Bụt ở Khệt 3 thuộc xã Noòng Ma) nổi tiếng về sự giàu có và quyền lực.

 

Nghiên cứu thực địa cho thấy, từ sau năm 1978, tuy chính phủ hai nước Việt - Lào đã cắm mốc đường biên giới quốc gia, vấn đề quản lý và an ninh đã được thắt chặt hơn, song việc đi lại của đồng bào Ma Coong hai bên biên giới để thăm thân hay vấn đề hôn nhân, trao đổi hàng hóa... vẫn diễn ra bình thường, không có gì cản trở. Điều đó chỉ rõ đường biên giới quốc gia không chia rẽ được quan hệ tộc người.

 

Liên quan đến mối quan hệ đồng tộc xuyên biên giới này, người Ma Coong ở Việt Nam đã có những tập tục, quy định để tạo ra và phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng người Ma Coong ở hai bên biên giới. Chẳng hạn, trong hôn nhân thì khuyến khích, tạo điều kiện cho người Ma Coong hai bên biên giới và các tộc người lân cận kết hôn, nhưng các nghi lễ trong cưới xin giữa người Ma Coong ở Việt Nam và Lào và các tộc người khác được tuân thủ giống như cưới xin giữa người Ma Coong ở Việt Nam. Khi có khách từ Lào hay từ các tộc người lân cận đến thăm thân, cưới xin, hay những vấn đề khác thì theo quy định, trước hết phải báo với già làng hay với chủ đất để nắm tình hình; sau đó, dù họ là ai, từ đâu đến, khi đã đặt chân trong phạm vi của bản (vil), thì bản ấy coi đó là khách của cả bản. Vì vậy, khi khách vào nhà nào thì nhà đó, trước hết phải có trách nhiệm tiếp đón, có rượu mời rượu, có xôi mời xôi... sau đó các thành viên trong bản, ai có gì mang đến và cùng vui vẻ. Cho đến nay, các tập tục này vẫn được người Ma Coong ở huyện Bố Trạch duy trì, phát huy. Điều này không chỉ thể hiện cách ứng xử thân thiện, mến khách của người Ma Coong mà còn tạo nên và tăng cường sự đoàn kết, cố kết và đảm bảo an ninh trong cộng đồng.

 

Người Ma Coong ở huyện Bố Trạch có lễ hội đập trống được diễn ra vào dịp đầu xuân hàng năm. Theo Chủ đất Đinh Xon - Trưởng ban tổ chức, khi người Ma Coong ở Lào và các tộc người lân cận đến dự lễ, người Ma Coong ở huyện Bố Trạch coi họ như người anh em, nên việc tiếp đón phải chu đáo. Theo tập tục từ xưa đến nay, khách vào nhà ai trong dịp có lễ hội, thì nhà đó cảm thấy phấn khởi, trách nhiệm và vui vẻ đón tiếp giống như dịp người Việt ăn tết cổ truyền. Qua thực tế, rất đông người Ma Coong ở Lào đến tham dự lễ hội. Họ cùng giao lưu, đập trống, múa hát, cùng lắng nghe lời khấn cúng Giàng của chủ đất. Bởi thế, lễ hội đập trống không chỉ có ý nghĩa với người Ma Coong ở Bố Trạch mà còn với cả người Ma Coong ở Lào. Việc chủ đất và dòng họ chủ đất tổ chức và duy trì lễ hội truyền thống này, cũng chính họ đã góp phần gắn chặt tình đoàn kết truyền thống của cư dân hai bên biên giới Việt - Lào.

 

Qua khảo sát của chúng tôi, với sự trợ giúp của dòng họ chủ đất và các già làng ở các bản, trong hơn 20 dòng họ của người người Ma Coong ở huyện Bố Trạch của Việt Nam, có tới 6 dòng họ có nguồn gốc từ người Ma Coong ở Lào, đó là các họ: Ta Huông, La Pít, Ra Bôi (dòng họ ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã Thượng Trạch), Ca Y, Cu Xâu, Cha Ru. Bên cạnh đó, ở phía Lào cũng có nhiều dòng họ của người Ma Coong ở phía Việt Nam. Ví dụ như dòng họ chủ đất hiện nay ở phía Lào có ông Đinh Thiêng trưởng Chi, cùng trên 20 hộ gia đình con, cháu ở bản Pà Ác, xã Noòng Ma; còn ở xã Chi Rẹt phía Lào có ông Đinh Meo trưởng Chi cùng trên 25 người con, cháu...

 

Trong hồ sơ lý lịch của chủ đất Đinh Keo cho thấy, vợ của ông là người Ma Coong ở Lào, có tên là Y Khen. Theo nhiều người già trong dòng họ chủ đất này, ông Xung Khăn, nguyên trưởng ban dân tộc tỉnh Khăm Muộn là anh em con chú bác với Y Khen (mẹ của chủ đất Đinh Xon bây giờ); ông Khăm Bun - nguyên Bí thư huyện Bua La Pha - Lào, là anh vợ của chủ đất Đinh Keo; ông nội của chủ đất Đinh Xon lấy em gái của chủ đất Ai Pụt ở xã Noòng Ma (Lào)... Như vậy, mối quan hệ đồng tộc ở người Ma Coong qua đường biên giới Việt - Lào đã hình thành từ lâu. Điều này đã tạo nên những mối quan hệ khác có tính chất gia đình, “xứ/vùng”, giữa các xã, huyện ở vùng biên giới của hai quốc gia, góp phần gắn chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống của cư dân hai bên biên giới. Đây cũng là một trong yếu tố tạo nên sự ổn định bền vững, cùng nhau hợp tác và phát triển ở vùng biên giới này. Sự đóng góp của chủ đất trong việc cố kết cộng đồng tộc người và đảm bảo an ninh quốc gia đã được ghi nhận bằng việc Tư lệnh bộ đội Biên phòng tặng “Kỷ niệm chương vì Chủ quyền an ninh biên giới” cho chủ đất Đinh Keo vào năm 1995 và cho chủ đất Đinh Xon vào năm 2011; các chủ đất này cũng đã được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc”, do Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Giàng Seo Phử ký năm 2009.

 

Kết luận         

 

Dòng họ chủ đất chiếm tỷ lệ dân số cao nhất so với các dòng họ khác và có mặt ở hầu khắp các bản của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở thời kỳ nào, chủ đất luôn có những tố chất nổi trội, tương đối toàn diện và luôn để lại những dấu ấn, dư âm tốt đẹp trong cộng đồng. Vì vậy, chủ đất và dòng họ chủ đất có tầm ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng.

 

Trong thiết chế xã hội truyền thống của người Ma Coong, đã hình thành nhiều mối quan hệ giữa chủ đất với: dòng họ chủ đất, các dòng họ khác, các thành viên khác trong cộng đồng, các bản, các tộc người lân cận, đồng tộc bên kia biên giới... Đồng thời, đã có sự phân cấp, phân quyền để quản lý và giải quyết các công việc thông qua các quy ước, tập tục để hướng cộng đồng tôn trọng và thực hiện chúng. Trong đó, chủ đất có vai trò quan trọng trong việc thiết lập và kết nối các cá nhân và các mối quan hệ chính yếu trong tổ chức xã hội để duy trì sự cân bằng và đoàn kết trong các bản làng.

 

Những ảnh hưởng của chủ đất và các mối quan hệ truyền thống, về cơ bản, không gây trở ngại hay mâu thuẫn đối với sự quản lý xã hội hiện thời; trái lại, chúng còn góp phần tích cực trong việc hỗ trợ giải quyết rất nhiều vấn đề của cộng đồng, trong đó có những vấn đề về trật tự xã hội và an ninh biên giới. Do đó, nếu có sự phối kết hợp hài hòa giữa chính quyền địa phương - những người điều hành trên cơ sở luật pháp và ông chủ đất cũng như có những chính sách, động viên ông chủ đất, chắc chắn sẽ phát huy được vai trò của ông trong việc góp phần duy trì sự ổn định chính trị - xã hội trong các cộng đồng người Ma Coong ở vùng biên giới.

           

Tài liệu tham khảo

 

1.      Anonyme (1906), “Những con đường sang Lào: Từ Savanakhet đến Lao Bảo”, Tạp chí Đông Dương, Số 4, tr. 1316-1326.

2.      Anonyme (1921), “Dân tộc học Đông Dương”, Tạp chí Viễn Đông Bắc Cổ, Tập XXI, tr.167-197.

3.      Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bố Trạch (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Bố Trạch, Tập II.

4.      Bchroch, Joaan L. và cộng sự (1966), Người Bru, Bản dịch của Phạm Khắc Hồng, Viện Dân tộc học.

5.      Cadière, L. và H. Cosserat (1929), Các đồn bốt quân sự ở Quảng Bình và Quảng Trị (số 1-2), Bản dịch của Nguyễn Bích Lợi, Viện Dân tộc học.

6.      Cục Thống kê Quảng Bình (2009), Niên giám thống kê huyện Bố Trạch.

7.      Phan Hữu Dật (1964),Các dân tộc Môn - Khơ Me ở miền Bắc Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ dân tộc hộc, Tin tức hoạt động khoa học, Số 3.

8.      Mạc Đường (1963),Các dân tộc miền núi bắc Trung Bộ, Nxb Khoa học, Hà Nội.

9.      Harmand,  J. F. (1879), Nước Lào và các cư dân dã man ở Đông Dương, Tập II, tr. 1-48 và tr. 241-320, Bản dịch của Nguyễn Bích Lợi, Viện Dân tộc học.

10.  Lý Tùng Hiếu (1997), “Hôn nhân và thân phận lệ thuộc của người phụ nữ Bru - Vân Kiều”, Tạp chí Dân tộc học, Số 4, tr. 52-55.

11.  Phạm Quang Hoan và Đoàn Đình Thi (1991), “Nhà ở của người Bru huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”, Tạp chí Dân tộc học, Số 2, tr. 62-65.

12.  Layton, Robert (2007), Nhập môn lý thuyết nhân học, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

13.  Hồ Xuân Linh (1997), Hôn nhân và gia đình của người Bru - Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị, Khóa luận tốt nghiệp, chuyên ngành Dân tộc học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

14.  Vũ Lợi (1987), “Cơ cấu tổ chức làng Bru cổ truyền ở huyện Hướng Hóa, Bình Trị Thiên”, Tạp chí Dân tộc học, Số 2, tr. 53-64.

15.  Vũ Đình Lợi (1996), “Tập tục sinh đẻ và nuôi con ở người Bru - Vân Kiều huyện Hướng Hóa Quảng Trị”, Tạp chí Dân tộc học, Số 4, tr. 33-38.

16.  Tạ Long - Ngô Thị Chính (2004), “Đôi nét về tổ chức trên làng của người Chứt và người Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình”, Tạp chí Dân tộc học, Số 5, tr. 25-35.

17.  Phan Ngọc Chiến (2007), Nhập môn lý thuyết nhân học, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

18.  Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông (2001), Luật tục của người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa.

19.  John D. Miller (1972), Quan hệ thân thuộc của người Bru, bản dịch của Nguyễn Khắc Hồng – Viện Dân Tộc học.

20.  Piat, M. (1962), Một vài sự tương ứng giữa Khơmer và Bru, ngôn ngữ miền núi - miền Trung Việt Nam, (số 3), tr. 1-12, Bản dịch của Nguyễn Bích Lợi, Viện Dân tộc học.

21.  Lê Phạm Minh Quý, 1998

22.  Ngô Đức Thịnh (1975), Mối quan hệ tộc người của các nhóm Bru ở Bình Trị Thiên, Dân tộc học, (số 2), tr. 53-61

23.  Nguyễn Tất Thắng (1990), “Nghi lễ klai preng của người Bru - Vân Kiều”, Tạp chí Dân tộc học, Số 1, tr. 49-53.

24.  Nguyễn Văn Tiệp (1979), Về mối quan hệ tộc người giữa các nhóm Bru và Tà Ôi, Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Dân tộc học.

25.  Vương Hoàng Tuyên (1963), Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

26.  Từ điển nhân học, 1977

27.  Vargyas, Gabor (1998), Người Bru qua một thế kỷ văn học, bản dịch của Nguyễn Bích Lợi - Viện Dân tộc học.

Viện Dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 


1 18 bản đó là: bản Ban, bản Khe Rung, bản Nịu, bản Cà Roòng 1, bản Cà Roòng 2, bản Bụt, bản 51, bản Chăm Pu, bản Cờ Đỏ, bản Tuộc, bản Troi, bản Aky, bản Nồng Mới, bản Nồng Củ, bản Cu Tồn, bản Cốc, bản Cồn Roàng, bản 61, bản 39. Tên của bản chủ yếu đặt theo tiếng Ma Coong, có một số bản đặt tên theo con số là chỉ số km, từ km 0 của đường 20 Quyết Thắng.

Tác giả : Nguyễn Văn Trung

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip