Lời Ban biên tập: Cây đa được trồng tại nhiều làng quê của Việt Nam. Trong các làng, cây đa có mặt ở nhiều nơi khác nhau, đặc biệt là ở các di tích, đình, chùa. Cây đa là nhân chứng, thể hiện sự trường tồn, sức sống dẻo dai, sự đầm ấm, trù phú của làng quê; và là biểu tượng thần quyền và tâm linh của người dân trong làng.
Làng Cao Lao Hạ xưa của chúng ta, một thời cũng có rất nhiều cây đa, có cây ở Đình, ngoài đồng, có cây trong các đường làng, đường xóm,...Mỗi cây đa của Làng ta, có thể gắn liền với một sự kiện, hay một truyền thuyết nào đó của làng, mà theo thời gian đã bị quên lãng nên các thế hệ chúng ta ngày nay còn chưa biết được.
Do có những sai lệch của các tư duy cũ trong quá khứ cũng như hậu quả của hai cuộc chiến tranh, nên hầu hết các cây đa của làng ta đã bị chặt, phá. Những cây đa còn lại hiện nay không nhiều và chưa được làng xã quan tâm đúng mức để khôi phục và trả lại những giá trị vốn có của nó.
Trồng lại các Cây đa Làng và tìm tòi lại những câu chuyện xung quanh những cây đa xưa là một trong những việc quan trọng mà các thế hệ chúng ta hôm nay cần phải làm, và phải làm sớm nếu không nó sẽ mất đi vĩnh viễn vì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không biết hỏi ai, nếu các cụ lớn tuổi của làng không còn nữa.
Ban biên tập caolaoha.com đã trình bày vấn đề trồng lại những cây đa của làng với các anh lãnh đạo xã, cũng như với một số cụ lớn tuổi hiện đang sống ở trong và ngoài làng và đã nhận được sự đồng tình, nhất trí rất cao. Các tổ chức xã hội ở xã có thể đứng ra làm đầu mối thực hiện chương trình này với sự hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là kinh phí của cộng đồng caolaoha.com.
Để giúp quê hương thực hiện thành công ý tưởng trên, Ban biên tập trang tin caolaoha.com mở chuyên mục "Chương trình khôi phục lại những cây Đa quê hương" nhằm thu nhận các ý kiến và các đóng góp kinh phí của cộng đồng giúp cho việc trồng lại các cây đa thành công với hiệu quả cao nhất.
Các trao đổi, góp ý của bà con nên tập trung vào các nội dung sau:
- Phát hiện thực trạng các cây đa còn lại hiện nay của làng
- Đề xuất các vị trí cần trồng mới các cây đa của làng
- Sưu tầm, trao đổi những sự kiện, truyền thuyết, kỷ niệm liên quan đến các cây đa làng ta từ trước đến nay
- Gợi ý những vấn đề về kinh tế và kỹ thuật về giống, cách trồng, chăm sóc và bảo vệ...v...vi
Về kinh phí: Do chưa biết cụ thể về số lượng cây sẽ trồng và các vấn đề liên quan nên chưa dự trù được kinh phí. Sau khi có tính toán cụ thể sẽ có thư kêu gọi sự đóng góp của bà con.
Kính mong cộng đồng caolaoha.com nhiệt tình ủng hộ để chương trình thành công tốt đẹp
Nhân dịp này, Ban biên tập xin giới thiệu bài viết "NHÌN ĐÌNH NHỚ ĐẾN CÂY ĐA" của anh Trường Lưu Cao Lao. Chính bài viết này của anh là tiền đề ban đầu để Ban biên tập xây dựng chương trình này. Câu chốt của bài là một lời tỉnh thức đối với mỗi chúng ta: "...Tôi sẽ không còn được nhìn những cây đa như cây đa xóm 9 cũ ở làng tôi - Làng Cao Lao Hạ nữa. Nhưng 50, 100 năm sau những đứa cháu con của Làng Hạ sẽ được nô đùa dưới những gốc đa này nếu như bây giờ ta bắt đầu trồng lại"
Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2012
Lưu Đức Hải
NHÌN ĐÌNH NHỚ ĐẾN CÂY ĐA.
Cùng với bến nước, sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Cây đa cùng với bến nước sân đình đã tạo nên hồn quê cho quê hương. Để cho ai đó neo giữ những kỷ niêm mà khi nhớ tới cũng nao lòng để làm dịu mát nỗi nhớ quê của những người con xa xứ.
Trong bão táp dầm mình trong mưa nắng gay gắt xứ miền Trung, trải qua bao thế hệ, cây đa vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời, ôm cả một góc quê hương. Biểu tượng cho quê hương nhờ sự trường tồn, sức sống dẻo dai của nó. Nó như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời.
“Trǎm nǎm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Cây đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ.”
Hay:
“Cây đa giếng nước quê nhà
Mái đình còn đó người xa chưa về”
Cây đa làng tôi không còn nữa.
Bởi chiến tranh: Tất cả những cây cao có bóng mát trong làng đề phải chặt đi hết vì sợ máy bay đánh bom (chặt đi để như muốn nói là dưới này không có gì đâu). Cây đa xóm 9, những cây đa ở trên Thành, cây me, cây thị nhà Ô Thượng xóm 9. Còn có 1 cây đa to nữa ở đâu như bên trên Kiệt, cây đa trước cửa làng xóm 15, 16. Tôi không nhớ hết. Chỉ biết rằng khi nào nhớ tới quê hương, gia đình thì nó là hình bóng đầu tiên mà tôi nhớ tới.
Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân sau những giờ lao động mệt nhọc, trước khi về làng hoặc đi khỏi làng. Gốc đa còn là nơi hẹn hò của trai gái. Xao xuyến làm sao một đêm trăng sáng, ai đó ngắm trăng và thơ thẩn đợi chờ ai. Những trưa hè oi bức với cái nắng cháy da, gốc đa là nơi dừng chân cho bao lữ khách. Bên gốc đa ấy râm ran chuyện làng, chuyện xóm. Cuộc sống sinh hoạt của làng diễn ra sôi động xung quanh gốc đa.
Không chỉ có vậy, cây đa làng Việt còn là biểu tượng tâm linh của con người. Trong làng, cây đa thường trồng nhiều vị trí khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình chùa.
Tục ngữ có câu: "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề". Hay: "Cây thị có ma, cây đa có thần"
Có cây đa di tích trở nên linh thiêng hơn, con người khi bước đến di tích cũng cảm thấy được thư thái hòa đồng hơn với thiên nhiên. Cây đa được coi là nơi ngự trị của các thần linh dân dã và các linh hồn bơ vơ. Cây đa nào càng già cỗi, càng xù xì, rậm rạp thì càng mang nhiều huyền bí và có nhiều ý nghĩa tâm linh hơn. Người ta thường nói là chùa này, miếu nọ thiêng liêng không phải tượng ở trong ấy đẹp mà bởi người ta tin vào quyền lực siêu nhân của nó.
Không nghi ngờ gì nữa một làng quê có gốc, có ngọn - có truyền thống không thể nào thiếu Cây Đa - Giếng Nước - Sân Đình.Nó là Hồn - Cốt của một làng quê đất Việt.
Làng tôi đã có đình làng đáp ứng được sự mong mỏi về tâm linh của những đúa con Cao Lao Hạ. Làng tôi nhất định sẽ có cây đa như vốn dĩ ngày xưa nó đã có.
Xin làm bài thơ như một hoài niệm về ngày xưa của tôi.
“ CÂY ĐA XÓM 9”
Giếng nước, cây đa định dáng làng.
Cây đa xóm Chín khéo tô trang.
Cành vươn đón gió ru hè trắng.
Rễ xoạc nâng cây giỡn nắng vàng.
Linh khí cha ông xanh khóm lá.
Hồn thiêng trời đất rực hào quang.
Nền xưa, chốn cũ, hình đâu tá?
Chiều vắng dừng chân dạ xốn xang.
Tôi sẽ không còn được nhìn những cây đa như cây đa xóm 9 cũ ở làng tôi - Làng Cao Lao Hạ nữa. Nhưng 50, 100 năm sau những đứa cháu con của Làng Hạ sẽ được nô đùa dưới những gốc đa này nếu như bây giờ ta bắt đầu trồng lại .
Trường Lưu Cao Lao