Chuyện em tôi đi bắt

09:08 - 09/05/2020

Chuyện kể của anh Nguyễn Chung Quý về một thời của người Cao Lao Hạ với nghề "đi bắt"

Chuyện em tôi đi bắt

Mệ Lê Thị Như (ảnh Đặng Văn Quang)

Lời Ban biên tập: Ngày 9/6/2015 caolaoha.com có đăng câu chuyện cảm động của tác giả Lê Chiêu Phùng “Chuyện về một bà mẹ mù ở làng Cao Lao Hạ” (xem tại đây https://caolaoha.com/chuyen-ve-mot-ba-me-mu-o-lang-ha.html). Câu chuyện viết về mệ  Lê Thị Như ở thôn 6, xã Hạ Trạch. Mệ là con người điển hình  của một nghề rất điển hình của làng Cao Lao Hạ một thời đó là nghề “đi mò” hay “đi bắt”.

Caolaoha.com xin được tiếp tục giới thiệu “Chuyện em tôi đi bắt” của anh Nguyễn Chung Quý cùng lời dẫn chuyện của anh “Câu chuyện sau đây như một chia sẻ, lời tri ân đến các anh chị em – những người cùng thời. Những ký ức đi cùng năm tháng, những kỷ niệm không bao giờ phai của chúng tôi, trong đó có hình ảnh của ả Chắt, ả Bẹp và nhiều anh chị em khác nữa. Một thế hệ sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ nhưng tình người thủy chung, son sắt, tối lửa tắt đèn có nhau, tình làng, nghĩa xóm mãi đong đầy...”

Những câu chuyện về quê hương một thời, đúng như Nguyễn Chung Quý đã nói cuối chuyện “Quá khứ là những bài học bổ ích để ta lớn lên...”

 

CHUYỆN EM TÔI ĐI BẮT

 

Cả nhà chúng tôi đang chuẩn bị ăn bữa tối. Tút...tút...tút, tiếng đài nhà bên báo hiệu 6 giờ. Bên ngoài, bầu trời đã tối như mực. Đầu hồi nhà, gió bấc lắc nhẹ vào vách nứa nghe lạch phạch, tấm rèm tranh treo trước cửa đung đưa theo gió. Ánh trăng đầu tháng yếu ớt, không đủ sáng để nhìn rõ trên mâm cơm có những thứ gì.

Thằng Cu em nói trống trơn:

- Thắp đèn lên chớ không chộ chi mà ăn cả!

Tiếng mẹ tôi đáp:

- Còn chút dầu, để hồi hai chị thắp mà học bài. Ăn cơm thì cần chi đèn với dầu!

Vừa mới bưng bát lên thì tôi nghe tiếng chị Chắt nhà bên gọi:

- Bẹp to ơi, đi bắt! (ĐI BẮT: Là hình thức bắt mò thủy sản bằng tay không)

- Dạ, nhà em đang ăn cơm, chị chờ bọn em với nghe! -Tôi trả lời. Thằng Cu em nghe vậy tỏ vẻ vui mừng: - Ừ, hai chị đi bắt về mà ăn chớ mấy hôm rồi nhà mình không có chi ăn! Đúng vậy, mấy hôm nay trời mưa phùn, lại là đầu con nước thủy triều, nước rào (sông) không cạn, chẳng bắt mò gì được nên thức ăn chỉ có canh tép khô và một ít mắm trích mẹ mua từ tuần trước.

- Thôi ăn nhanh rồi đi, mẹ tôi lên tiếng. – À, mấy hôm ni trời lạnh, Bẹp to đi với ả Chắt, còn Bẹp em ở nhà! Con em ứ, ừ ngó bộ không vui nhưng cuối cùng cũng đành chấp nhận ở nhà. Tôi ăn vội bát cơm độn hai, ba phần khoai khô và lật đật đứng dậy đi tìm oi (giỏ đựng cá). Lúc tôi chuẩn bị đi thì mẹ bảo: - Lấy một nạm mói bỏ vô bếp, xôông cái oi để bắt cho may mắn! Ờ, mà tìm thêm tấm ni long mang cho đỡ rét! Nghe lời mẹ, tôi lấy một nhúm muối, may là trong bếp than đang còn cháy hồng. Tôi rắc muối vào, muối nổ lách tách, tôi cầm cái oi hơ qua hơ lại. Xong, tôi đi tìm ni long. Tìm mãi được một tấm ni long bé tẻo teo, còn rách mấy chỗ to tướng, nhưng cũng phải khoác vào – như lời mẹ: cho đỡ lạnh.

Dụng cụ đi bắt (ảnh Nguyễn Chung Quý)

Mấy hôm nay mưa phùn, gió bấc, đường bùn lầy, trơn trượt, chúng tôi đi, những ngón chân quắp xuống, bám vào bùn để khỏi trượt ngã. Trời lạnh buốt, nên quãng đường từ nhà ra đến sông dài hơn 1km chúng tôi phải đi lom khom, người hơi nghiêng để hạn chế gió lạnh. Lúc tôi và chị Chắt ra đến bờ đê thì đã có mấy ả, mấy dì ngồi ở đó, có cả mệ Như nữa. Ngoài sông, ánh đèn măng xông của bà con làng rào thả rớ tàu lung linh huyền ảo, sáng lấp lánh cả một khúc sông. Thủy triều chưa rút nên chúng tôi cùng ngồi đợi, tranh thủ hàn huyên chuyện nhà, chuyện cửa.

Tôi làm quen với nghề “đi bắt” từ lúc còn học lớp 2, nay đã lớp 4 và may mắn đã vài ba lần được đi bắt cùng với mệ Như. Nhắc đến tên mệ Như thì chắc đa phần bà con làng Hạ ai cũng biết. Mệ là người khiếm thị từ nhỏ, ngày và đêm đối với mệ đều như nhau, vì mệ không nhìn thấy ánh sáng. Tuy vậy, tài mò cua, bắt cá của mệ thì dân làng Hạ ít ai sánh bằng.

Nước thủy triều rút dần, trong tiếng gió rít, tiếng mệ Như vừa đủ nghe: - Hôm ni chúng ta lội sang bờ bên Hác mà mò. Có ả mô đó lên tiếng: - Đoạn ni sang bên nớ nhiều hố bom lắm mệ ơi, e bắt bên ni cũng được! Mệ Như trả lời, đoạn ni hôm trước mò rồi, không có chi mô! Nghe mệ nói vậy, mấy chúng tôi đầy lo lắng, vì đoạn này sang Cồn Hác có rất nhiều hố bom, vả lại đang ban đêm nên ai cũng sợ.

Khi mấy chúng tôi đang băn khoăn chưa biết thế nào thì mệ Như nói tiếp: Đoạn ni mệ quen, mấy đứa bây cứ yên tâm bám lấy mệ mà sang. Vậy là mệ lần mò đi trước, chúng tôi nắm áo mệ lội theo sau, ra đến khúc giữa sông nước lên tận ngực, đứa thấp thì nước đến tận cổ. Vừa lội vừa run nhưng cuối cùng chúng tôi cũng sang được bờ bên kia an toàn. Ai nấy đều thầm cám ơn mệ. Đúng là người mù đã dẫn đường cho người sáng!

Mệ Lê Thị Như ở nhà (ảnh Lê Chiêu Phùng)

Đúng như mệ Như nói, bên này tôm, cá rất nhiều. Mới mò được một lúc mà giỏ đã nằng nặng. Nào cá bống, tôm đất, tôm bạc, cua, nhèm.... Đang mừng thầm trong bụng rằng hôm nay gặp may, chắc sẽ bắt được nhiều thì bỗng nghe nhói một cái, cảm giác đau buốt ở ngón tay. Thôi rồi, bị cá Mau (một loài cá có nọc độc ở vây) đâm rồi! Tôi nói nhỏ với chị Chắt đang mò bên cạnh: Ả Chắt ơi, em bị cá Mau đâm! Tiếng ai đó nhắc: lấy bùn mà bôi lên trên trán. Mấy người khác cũng lên tiếng theo: ừ, lấy bùn bôi lên cho đỡ đau! Không biết đúng hay không, nhưng tôi cũng làm theo, lấy tay quẹt một ít bùn, bôi lên trán. Ừ, hình như có đỡ hơn! Nhưng được một lúc cơn đau tiếp tục. Thực tế, đi bắt bị cua cắn, cá Mau chích là chuyện thường tình, tôi cũng đã không ít lần bị như vậy, nhưng lần này chắc mò trúng con cá Mau to, nọc độc mạnh nên cảm giác đau tê tái. Người tôi lạnh run, tay vừa tê, vừa nhức, cắn chặt môi, tôi cố nín mà nước mắt vẫn như muốn trào ra. Đến lúc cảm giác đau không còn chịu được nữa, tay lành nắm tay đau, tôi đứng dậy. Lúc ngồi ngâm mình trong nước đã lạnh cóng nhưng khi đứng dậy cảm giác cái lạnh tăng lên bội phần, người tôi run lên bần bật, hai hàm răng đập vào nhau, lại phải ngồi xuống. Lúc này thì không bắt, không mò gì được nữa, tuy vậy tôi vẫn phải trườn theo mọi người để không bị tụt lại xa phía sau.

Đau quá, quay sang chị Chắt, tôi mếu máo: - Ả Chắt ơi, em cho ả Chắt hết trong oi rồi ả Chắt đem em về nghe! Chị Chắt mắng: Mi điên à, cố gắng lên! Mấy người xung quanh nghe vậy, động viên: cố gắng lên, một lát sẽ hết đau thôi! Mỗi phút trôi qua, với tôi vào thời điểm này là như một cực hình. Và điều tôi mong nhất lúc này là mọi người bắt được thật nhiều, nhanh để tôi sớm được về nhà. Khoảng hơn một tiếng sau, khi thủy triều bắt đầu dâng, mệ Như lên tiếng: Nác lên rồi, về thôi bây! Tôi và mọi người lại vội vàng bám lưng mệ để lội về bờ bên kia.

Lúc lên đến bờ đê, mệ Như hỏi tôi: - Bẹp Ả hết đau chưa cháu? Dạ, đã đỡ đau rồi, nhưng lạnh quá mệ nà. Tôi lúc này cơn đau đã giảm, nhưng người vẫn rét run, chân tay tê cóng, đặc biệt ngón tay bị cá Mau chích tê cứng không co duỗi được.

Tiếng một chị trong đoàn: - Tay đau rứa, bắt có được chi không iêm? Dạ, cũng được một ít – tôi trả lời. Mệ Như: - Khắm khổ, hắn đau tay, bắt không được mấy cả, chừ đứa mô được nhiều thì bôốc cho hắn một nạm. Không ai bảo ai, mọi người mở nắp giỏ bốc một nắm cả cá lẫn tôm bỏ vào giỏ cho tôi. Dưới ánh đèn măng xông ngoài sông hắt vào, tôi nhìn thấy trong giỏ của mình cũng lưng hai phần. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra, nhưng không phải vì đau mà cảm động trước tấm lòng của mọi người.

Nghe tiếng ni long loạc xoạc ngoài ngõ, thằng Cu út lon ton chạy ra, con Bẹp em cũng chạy theo ra xem, hai đứa tranh nhau xách giỏ cá cho chị. Thằng Cu út giành được, nó hét toáng lên: - Ôi nặng quá, nhiều quá! Chị Bẹp bắt được nhiều quá mạ ơi! Trong nhà, mẹ tôi lật đật thắp đèn. Khi Cu út xách vào, mẹ giơ đèn kiểm tra. Coi xong, mẹ tôi phán: Ờ, nghe mạ mà xôông oi nên có khác, nhiều hơn mọi bữa!

Sau khi nghe tôi kể bị cá Mau đâm, Bẹp em và Cu út thì sụt sịt, còn mẹ tôi thì lặng lặng không nhắc đến chuyện xôông oi nữa! Mẹ vội vàng chạy xuống bếp, thổi phù phù mấy cái, may còn một tí than đang cháy. Vơ lấy nắm rơm, vày lại, mẹ gắp tí than cháy bỏ vào nắm rơm, lại tiếp tục thổi phù phù. Ngọn lửa bùng lên, mẹ tôi gọi: - Bẹp ả, lại đây mau, hơ, hơ mau cho ấm. Quay sang Bẹp em, mẹ bảo: - Bẹp em, con ra ngoài giếng múc nước để bắc nấu cho chị tắm! Được hơ lửa, tắm nước ấm, người tôi như tỉnh táo hẳn, cái đau, cái lạnh hầu như tan biến. Đến lúc này mẹ tôi mới mở oi, đổ cá tôm ra rổ. Tôm, cá tươi rói, nhiều con đang nhảy tạch tạch, mấy con nhèm bò nhanh lên vành rổ, mẹ tôi nhẹ nhàng chụp lấy bỏ ngược lại vào oi. Vừa nhặt cá, mẹ tôi nói: - Trời thì lạnh, tay bị cá đâm mà răng con bắt được nhiều như ri, giỏi thiệt!

Lúc này tôi mới kể lại tỏ tường chuyện bị cá đâm ra sao, rồi được các dì, các chị cho cá như thế nào, vì vậy mới có được nhiều chừng ấy. Nghe xong, giọng mẹ tôi nghèn nghẹn, xúc động: - Ờ, thương yêu, đoàn kết, nhường nhịn, sẻ chia với nhau lúc khó khăn đó là phẩm chất của ngài làng miềng đó các con! Cũng nhờ rứa chúng ta mới vượt qua được những khó khăn do thiên tai, bão lũ, rồi chiến tranh tàn phá và có được những ngày như hôm nay. Đây cũng là bài học để các con cần cố gắng hơn nữa, xứng đáng với sự quan tâm của mọi người, phải chăm ngoan, học hành giỏi giang, đồng thời biết chia sẻ, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.

TB: Đã hàng chục năm trôi qua, song những kỷ niệm của một thời còn in đậm trong tâm trí của chúng tôi. Quá khứ là những bài học bổ ích để ta lớn lên...

Tác giả : Nguyễn Chung Quý

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip