Chuyện kể của một người xa xứ

17:48 - 07/11/2014

Truyện ngắn của Lưu Trọng Hồng in trong tập "Người đàn ông lặng lẽ" do NXB Văn Học ấn hành năm 2009

 

Giống như mọi buổi sáng, trên đường đến cơ quan, hôm nay tôi vừa ghé vào tiệm giải khát quen thuộc để nhâm nhi ly caphê trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Tôi đang mải tìm một chỗ ngồi hợp ý thì một thanh niên đi qua đụng phải tôi. Theo thói quen, tôi cất lời xin lỗi, nhưng cùng lúc đó cậu ta cũng xin lỗi tôi và nhìn tôi với đôi mắt khá thiện cảm.

Tôi đến bên chiếc bàn gần cửa sổ nhìn ra hồ, vừa ngồi xuống thì cậu thanh niên bước tới và vui vẻ hỏi tôi:

- Cháu cùng ngồi với chú đựơc không ạ?

- Xin mời! – Tôi vồn vã nói và chỉ tay vào chiếc ghế đối diện.

- Cháu xin tự giới thiệu: cháu là Thiện, vừa từ nước ngoài về – Anh ta dừng lại nhìn tôi và rụt rè hỏi: - Có phải chú cũng đã từng ở nước ngoài?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Tại sao cậu nghĩ vậy?

Thiện tỏ ra lúng túng, nhưng có lẽ thấy tôi vẫn vui vẻ chờ đợi câu trả lời, nên cậu ta chậm rãi nói tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của tôi:

- Cháu nghĩ thời nay dân mình ít dùng từ “xin lỗi” để nói với nhau. Mấy ngày vừa rồi ra đường cháu thấy người ta đụng xe vào nhau mà bên nào cũng trợn mắt lên quát bên kia: “Đi đứng thế hả!?”. Chẳng một ai có lời xin lỗi!

Tôi chợt hiểu ra ý của Thiện, nhưng không hiểu sao mặt tôi lại nóng bừng. Tôi chăm chú nghe Thiện nói tiếp.

- Cháu theo bố mẹ ra nước ngoài đã gần hai mươi năm. Lúc đó cháu mới năm tuổi. Lớn lên cháu thường nghe bố mẹ kể về thời kỳ hai người từ quê ra Hà Nội học đại học vào những năm sáu mươi. Bố mẹ cháu bảo hồi đó đời sống vật chất tuy còn thiếu thốn, nhưng con người sống với nhau thật là đẹp. Thanh niên, học sinh thực hiện nếp sống văn minh một cách tự giác. Những kỷ niệm thời tuổi trẻ của bố mẹ cùng những hình ảnh đất nước mình đổi mới mà thi thoảng cháu bắt gặp trên ti vi hoặc trên sách báo của nước bạn được cháu mang theo trong đầu về nước, sau mười tám năm lưu lạc ở đất khách quê người.

Thiện ngừng lại, nhấp một ngụm caphê rồi xuýt xoa:

- Caphê nước mình ngon tuyệt chú nhỉ!

Mải nghe Thiện, tôi cũng quên khuấy ly caphê. Tôi vội nhấc nó lên kề sát mũi hít một hơi dài theo thói quen, rồi mới nhấp một ngụm và lim dim đôi mắt tận hưởng hương vị đậm đà của loại caphê Tây Nguyên.

Tôi chưa kịp hưởng ứng lời khen của Thiện thì cậu ta đã tiếp tục câu chuyện của mình:

- Về tới Hà Nội vào buổi tối, sáng hôm sau cháu thức dậy sớm. Qua cửa sổ tầng hai của khách sạn, hình ảnh đầu tiên òa vào mắt cháu là những tà áo dài của các cô nữ sinh thướt tha trên đường phố. Cháu không diễn tả được cảm xúc của cháu lúc đó như thế nào, nhưng từ mấy hôm nay cháu đã bỏ hẳn thói quen dậy muộn để đúng sáu giờ ba mươi sáng cháu lại đứng bên ô cửa sổ và ngắm nhìn không chán những tà áo dài cuộn bay trong gió như cuốn theo đôi mắt của cháu.

Nói đến đây Thiện đột ngột dừng lại, lảng tránh cái nhìn của tôi và cúi xuống chăm chú nhìn vào ly caphê trước mặt. Lát sau Thiện ngước lên với nét mặt buồn buồn nói với tôi:

- Cháu xin lỗi đã huyên thuyên làm mất thì giờ của chú!

Tôi liếc nhìn đồng hồ và thân mật hỏi Thiện:

- Hình như cháu có điều gì không vui, phải không? Nếu cháu muốn, chú sẵn sàng nghe cháu.

Sau một thoáng lưỡng lự, Thiện chậm rãi nói:

- Chuyện cháu sắp kể cũng chẳng có gì quan trọng, nhưng không hiểu sao ngay phút đầu gặp chú cháu đã thích bộc bạch lòng mình – Thiện nhấc ly caphê uống mấy ngụm liền, rồi nói tiếp: - Ngay buổi sáng đầu tiên cháu đã nhận ra có hai cô gái nổi bật lên trong số những cô gái lượn qua trước mắt cháu. Hai cô thường đi xe đạp sóng đôi và chuyện trò rất vui vẻ, cháu không nghe được, nhưng cháu đoán chắc như vậy. Đến sáng hôm qua thì cháu không chịu nổi cái cảnh phải đứng thập thò ngắm họ từ xa, cháu đã mượn chiếc xe đạp của một chú phục vụ khách sạn mà cháu mới làm quen và lặng lẽ đạp xe theo hai cô gái. Được nhìn gần từ phía sau mới thấy hết vẻ đẹp thân hình của họ. Cháu cố đạp dấn lên để gần họ hơn và bất ngờ cháu nghe được mấy câu hai cô gái nói với nhau:

- Thằng Phúc bột ấy à? Còn lâu mới ngon bằng lão Tường dạy toán!

- Mày thì lúc nào cũng lão Tường, lão Tường! Lão ấy là cái đ.gì mà mày tôn thờ ghê thế! Mày mà trông thấy thằng Phúc bột diện bộ com-lê trắng thì mày chết liền…

- Khiếp quá, chú ạ! – Thiện bất ngời kêu lên – lúc đó cháu đã dừng xe lại mà hai tay cháu vẫn run bần bật, bên ngực trái của cháu đau nhói. Tại sao thế, hả chú?!

Nhìn mặt Thiện xịu hẳn xuống và nghe thấy tiếng thở dài của cậu ta, tôi hình dung ra nỗi thất vọng của Thiện và biết rằng câu chuyện đại loại như Thiện vừa kể không phải là hiếm trong giới trẻ của chúng ta.

Tôi lựa lời an ủi Thiện và cũng là tự an ủi mình:

- Chú được biết Hà Nội đang đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Chú hy vọng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp!

Nói xong tôi vội vàng đứng lên chia tay Thiện và hẹn gặp lại cậu ta sáng mai tại tiệm caphê này./.

Hà Nội, 2007

 

Tác giả : Lưu Trọng Hồng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip